Thấy gì qua những vụ thầy thuốc bị tấn công?

06:40 | 30/07/2014

784 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Thiếu tướng Nguyễn Ðức Chung - Giám đốc Công an Hà Nội chỉ đạo Công an quận Ðống Ða phải khẩn trương làm rõ vụ việc. Bệnh viện Bạch Mai cũng tổ chức ngay cuộc họp báo vừa để công bố thông tin, vừa trấn an tinh thần bệnh nhân và các y, bác sĩ.

Ðây không phải là vụ hành hung đầu tiên. Thời gian qua, đã xảy ra rất nhiều vụ người nhà bệnh nhân do bức xúc đã lao vào hành hung bác sĩ. Có cả trường hợp cán bộ y tế bị thiệt mạng, còn kẻ bạo hành phải đứng trước vành móng ngựa. Ðể những sự việc tương tự diễn ra, khó có thể đổ lỗi cho một phía. Người nhà bệnh nhân cần phải nâng cao ý thức chấp hành luật pháp nhưng những người làm y tế cũng cần xem lại thái độ phục vụ nhân dân của mình.

Ai bảo vệ bác sĩ?

Khoảng 6 giờ 30 ngày 25-7, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Hồng Mỹ (32 tuổi, ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) vào cấp cứu. Tại thời điểm đó, Khoa Cấp cứu có một kíp trực, gồm bác sĩ Ngô Ðức Hùng, bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu, điều dưỡng viên Lê Diệp Anh và sinh viên thực tập Lê Thế Anh. Ngay khi bệnh nhân nhập viện, các y, bác sĩ đã tiến hành các bước khám bệnh, chẩn đoán tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Kết quả cho thấy, bệnh nhân Nguyễn Thị Hồng Mỹ bị rối loạn tiêu hóa.

Thấy gì qua những vụ thầy thuốc bị tấn công?

Hình ảnh các bác sĩ bị Dũng cầm ghế đánh đập

Ðối tượng tự xưng chồng bệnh nhân, tên là Nguyễn Tiến Dũng có những lời lẽ lăng mạ các bác sĩ. Sau đó, người này xông vào giường bệnh cầm ghế đánh điều dưỡng Lê Diệp Anh khiến người này ngất tại chỗ. Ðược biết, nữ điều dưỡng này đang mang thai tháng thứ 7. Sự việc xảy ra khiến nữ điều dưỡng này bị hoảng loạn tinh thần và có triệu chứng động thai. Lợi dụng lúc các nhân viên y tế hoảng loạn, người nhà bệnh nhân Nguyễn Thị Hồng Mỹ đã chuyển bệnh nhân này đến Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị.

Liền sau đó, đối tượng Dũng còn gọi thêm côn đồ đến “quậy” Bệnh viện Bạch Mai, đòi hành hung y, bác sĩ. Sau đó Dũng đã bị các nhân viên bảo vệ khống chế, bàn giao cho Công an phường Phương Mai (quận Ðống Ða, Hà Nội) xử lý. Theo điều tra ban đầu, Dũng (36 tuổi) là đối tượng nghiện ma túy, đã từng hai lần đi cai nghiện bắt buộc. Trong suốt thời gian ở trụ sở công an phường, kẻ gây rối này tỏ thái độ bất hợp tác, nhất định không chịu khai báo nguyên nhân hành hung bác sĩ. Hắn luôn cúi gằm mặt, thậm chí còn khóc và đập đầu vào tường.

Thấy gì qua những vụ thầy thuốc bị tấn công?

Đối tượng Nguyễn Tiến Dũng

Là một trong những người bị Dũng “đấm đá”, bác sĩ Ngô Ðức Hùng cho rằng, do Dũng quá sốt ruột về tình trạng sức khỏe của người nhà và một số hiểu lầm trong quy trình thăm khám khi bệnh nhân vào cấp cứu. Bệnh nhân nhập viện có biểu hiện co quắp chân tay, thở nhanh nên yêu cầu nằm ở Khoa Cấp cứu. Tuy nhiên, người nhà không hợp tác và lớn tiếng chửi bới.

Các y, bác sĩ của Khoa Cấp cứu đã làm đúng các quy trình, thủ tục tiếp nhận và cấp cứu bệnh nhân. Hơn nữa, lúc đó tại khoa cấp cứu có nhiều bệnh nhân nên theo quy trình, tất cả bệnh nhân cấp cứu khi vào đều phải được thăm khám, chẩn đoán xác định mức độ bệnh và tình trạng sức khỏe để bác sĩ có biện pháp xử lý. Ðối với bệnh nhân Hồng Mỹ khi được đưa vào cấp cứu, qua thăm khám cho thấy mức độ đau của bệnh nhân chỉ ở dưới mức trung bình, không đến nỗi nghiêm trọng, có biểu hiện bị rối loạn tiêu hóa nên đã được các bác sĩ cho uống thuốc và để nằm theo dõi.

“Chúng tôi rất bất ngờ trước hành vi hung đồ của người nhà bệnh nhân, khi đối tượng Dũng xuất hiện, phản ứng, có những lời thóa mạ cho rằng bác sĩ không can thiệp mà để bệnh nhân nằm theo dõi. Rồi bất ngờ, đối tượng này lao vào đánh vào đầu nữ điều dưỡng đang mang thai, sau đó tiếp tục lao vào đánh đấm bác sĩ, điều dưỡng ca trực. Là một bác sĩ, bản thân tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính mạng người bệnh. Người bệnh đã được cấp cứu đúng quy trình chuyên môn, đã được nhập viện theo dõi, và dùng thuốc ban đầu. Chúng tôi đã cấp cứu người bệnh, nhưng các sự việc hành hung bác sĩ vẫn tiếp tục xảy ra” - bác sĩ Ngô Ðức Hùng nói.

Bác sĩ Hùng đưa ra câu hỏi: “Các bác sĩ sẽ bảo vệ tính mạng cho bệnh nhân, nhưng ai sẽ là người bảo vệ các bác sĩ?”.

Bài học y đức

Ðây không phải là vụ đầu tiên. Sự việc ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của bệnh viện và tinh thần, sức khỏe của cán bộ y tế cũng như mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân. Chẳng hạn, ngày 12-8-2013, tại Bệnh viện Ða khoa Hà Tĩnh, bệnh nhân 75 tuổi đang điều trị tại Khoa Chấn thương bị sốc thuốc sau khi được tiêm kháng sinh, chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng ngừng tuần hoàn, chết lâm sàng. Trong khi đang cố gắng cấp cứu thì khoảng chục người thân của bệnh nhân lao vào đánh đập kíp trực. Bác sĩ trưởng khoa bị đánh rách vùng trên mắt, một bác sĩ khác rách giác mạc, hai y tá bị đánh sang chấn vùng đầu. Người nhà bệnh nhân còn đập vỡ máy sốc tim và toàn bộ cửa kính phòng điều trị của Khoa Hồi sức tích cực. Nguyên nhân dẫn đến sự việc được cho là người nhà bệnh nhân này quá bức xúc trước cái chết của bệnh nhân.

Còn tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh Hưng Yên hồi tháng 4-2012, có hai mẹ con sản phụ cùng tử vong. Gia đình sản phụ này xông vào buồng trực tát vào mặt bác sĩ. Nguyên nhân được xác định, khi sản phụ mệt nhiều mà chưa sinh được, người nhà đề nghị mổ đẻ nhưng bác sĩ không đồng ý và cho rằng có thể đẻ thường. Qua một đêm, sản phụ sinh được bé nặng 4kg nhưng đã tử vong, người mẹ cũng qua đời 1 giờ sau đó vì mất máu. Họ hàng sản phụ kéo đến rất đông vây kín khoa sản của bệnh viện. Tình thế hỗn loạn, các bác sĩ Khoa Sản buộc phải tạm lánh khỏi bệnh viện để chờ lực lượng công an can thiệp. Trật tự chỉ được vãn hồi khi cơ quan chức năng vào cuộc.

Từ những vụ việc trên có thể thấy, chuyện ẩu đả giữa người nhà bệnh nhân và cán bộ y tế không phải lỗi của riêng ai. “Tại anh - tại ả - tại cả hai bên”, người dân phải biết bình tĩnh để giải quyết sự việc, ai sai sẽ có pháp luật xử lý. Còn những người được gọi là “từ mẫu” cũng nên coi bệnh nhân là người thân của mình…

Trở lại vụ việc xảy ra tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, cơ quan chức năng cũng nên sớm đưa ra kết luận và có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời những vụ tương tự xảy ra. Ðối tượng Nguyễn Tiến Dũng phải chịu hình phạt thích đáng, đó cũng là bài học cho những kẻ khác.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền - Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: “Vụ hành hung, xúc phạm cán bộ y tế trên rất nghiêm trọng, nó không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của y, bác sĩ bệnh viện mà còn làm mất an ninh trật tự trong môi trường bệnh viện. Sau vụ hành hung trên, các y, bác sĩ và sinh viên thực tập tại Bệnh viện Bạch Mai rất hoang mang, lo lắng. Nghiêm trọng hơn, vụ việc này diễn ra đúng lúc các y, bác sĩ đang cấp cứu, cứu chữa người bệnh nên rất dễ gây ra những nguy hiểm cho bản thân sức khỏe và tính mạng của người bệnh”.

Sự vào cuộc của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong trường hợp này là cần thiết, tuy nhiên, những người làm công tác y tế cũng nên nghiêm túc nhìn nhận lại thái độ phục vụ của mình. Trong những năm gần đây, vấn nạn “phong bì bệnh viện”, “quá tải bệnh viện” làm suy thoái niềm tin của người dân với những người làm ngành y tế.

Muốn được người dân tôn trọng gọi là “lương y” thì cũng phải có được thái độ phục vụ “từ mẫu”, coi nỗi đau của người bệnh như nỗi đau của mình.

Thiên Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc