Hồ Tây đã biến thành 'ao làng'?

07:10 | 28/12/2015

1,905 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có người nói rằng, nước hồ Tây giờ không còn xanh, mùi hôi thối nồng nặc nên chẳng ai đứng tâm sự ở bờ hồ Tây nữa. Hồ Tây giờ không khác cái ao làng...
ho tay da bien thanh ao lang
Hồ Tây hay ao làng?

Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất UBND TP di dời các bến tàu thủy nội địa trên hồ Tây về khu vực Đầm Bảy thuộc phường Nhật Tân và được đồng ý. Việc di dời các du thuyền, nhà nổi là để tránh che chắn “view” hồ và gây mất mĩ quan khu vực trung tâm.

Theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội, việc di dời các du thuyền phải thực hiện trước tháng 10/2015.

Sự thống nhất này thể hiện quyết tâm của chính quyền thành phố trong việc trả lại sự thanh bình cho hồ Tây. Thế nhưng bất chấp quyết định của lãnh đạo thành phố, ở thời điểm hiện tại, các nhà nổi, du thuyền vẫn chình ình tồn tại, mọi hoạt động, dịch vụ, khách khứa vẫn tấp nập như chưa có gì xảy ra.

Có thể thấy, quyết định di dời các du thuyền, nhà nổi là hành động tích cực của lãnh đạo thành phố Hà Nội. Thế nhưng xét cho cùng, việc này cũng chẳng bõ bèn gì nếu như không dẹp được các nhà hàng, ngăn chặn tình trạng xả hàng trăm mét khối nước thải, dầu, mỡ không được xử lý xuống hồ, gây ô nhiễm trầm trọng nguồn nước hay tìm cách nâng cao ý thức của người dân, đấy mới là điều phải làm luôn và ngay.

Ở thủ đô Hà Nội, hồ Tây là hồ có diện tích lớn nhất, trên 500 ha, đường ven hồ dài tới 18 km. Trong bài hát “Chiều Thu Hồ Tây”, nhạc sỹ Vũ Thiết đã ví chiều thu ở hồ Tây như dát nắng vàng trên mặt nước hồ xanh. Nhưng có lẽ những hình ảnh đó chỉ còn trong kỷ niệm, vẻ đẹp như “dát nắng vàng trên mặt nước hồ xanh” giờ đen ngòm, bốc mùi hôi thối.

Hồ Tây không khác nào một cái ao làng, bất kỳ ai cũng có thể xả rác, bôi bẩn.

Những năm trước đây, ở đường ven hồ, mặc dù mùa đông hay mùa hè đều có những đôi nam nữ đứng tâm sự, tán tỉnh nhau nhưng giờ đây, hình ảnh này thật hiếm thấy. Thi thoảng vẫn có những cặp đôi lượn lờ quanh hồ nhưng thay vì đi bộ hay đứng lại một chỗ, họ chọn cách đi xe máy lướt qua.

Nước hồ Tây giờ không còn xanh, mùi hôi thối nồng nặc nên chẳng ai đứng tâm sự ở bờ hồ Tây nữa.

Có ai đó gọi hồ Tây là lá phổi lớn của Hà Nội. Điều này cũng đúng nhưng đúng với thời điểm hàng chục năm trước đây, “lá phổi” ấy giờ như không khác nào phổi của một người hút thuốc lá, phổi bị tê liệt, bị phá hủy bởi rác thải, chất độc...

Trước tiên phải kể đến những nhà hàng, du thuyền lợi dụng việc kinh doanh để chiếm dụng mặt nước, xả nước thải trực tiếp xuống hồ. Từ nhiều năm nay, ở khu vực dọc đường Nguyễn Đình Thi có hàng loạt nhà thuyền như Potomac, Taboo, Tây Long 1-2, Highland từ 2 đến 3 tầng hoạt động nhộn nhịp.

Một phần lớn diện tích mặt hồ từ đó bị biến thành chốn vui chơi giải trí dành cho những người sang chảnh, có tiền. Nhưng song song với hoạt động của các du thuyền là chất thải, rác thải được xả trực tiếp xuống hồ. Những địa điểm này thường chỉ hoạt động về đêm, còn ban ngày, nhìn các con thuyền không khác một đống sắt vụn. Có con tàu bỏ hoang nhiều năm nhưng không bị di dời.

Cuối năm 2014, Cục C49 - Bộ Công an cũng đã có kết luận “chỉ mặt, đọc tên” một số tàu thuyền vi phạm về mặt môi trường ở hồ Tây. Chính UBND quận Tây Hồ cũng tiến hành xử lý vi phạm hành chính một số tàu thuyền ở khu vực này nhưng xem ra những mức phạt chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận các chủ du thuyền thu về.

Việc các du thuyền thi nhau xả nước thải xuống hồ đã đành, người dân sống ở gần khu vực có các quán bar, nhà hàng thường xuyên phải đối mặt với tình trạng đau đầu vì âm thanh phát ra từ quán bar vọng tới. Cũng từ vị trí có các quán bar trên du thuyền, tình trạng lộn xộn, mất trật tự thường xuyên xảy ra vào buổi tối.

Chưa hết, vào những ngày hè nóng nực, hàng trăm người đủ mọi lứa tuổi tụ tập tắm ở “lá phổi” của Hà Nội, bất chấp biển báo cấm tắm, bơi lội và lực lượng Công an phường thường xuyên nhắc nhở nhưng chẳng ai nghe. Tháng 6/2014, đã từng có trường hợp tử vong khi đang bơi trên hồ Tây, vậy nhưng trường hợp này không đủ để răn đe người dân thôi không tắm tại “lá phổi” của Hà Nội.

Đây là chưa kể những quán cóc, quán ăn, quán kem nhỏ lẻ ở xung quanh hồ cũng ngày ngày “góp phần” biến hồ Tây thành ao làng to nhất giữa Thủ đô.

Xuân Hinh