06:20 | 15/02/2024   1,954 lượt xem

Về miền Bắc Sơn

Về miền Bắc Sơn

Công viên địa chất (CVĐC) trên cánh cung núi đá vôi Bắc Sơn đã được đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là CVĐC toàn cầu. Đây chính là cơ hội để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nâng tầm du lịch miền biên viễn xứ Lạng.

Tin vui về trên cánh cung núi đá vôi Bắc Sơn

Cái tin tỉnh Lạng Sơn gấp rút chuẩn bị nghiên cứu, lập hồ sơ để trình UNESCO công nhận CVĐC Lạng Sơn là CVĐC toàn cầu không chỉ làm nức lòng giới nghiên cứu lịch sử - văn hóa - địa chất - khoáng sản mà còn là tâm nguyện của người dân miền biên viễn xứ Lạng.

Từ những tin vui về khảo cổ học và các giá trị đặc sắc về địa mạo, địa chất, văn hóa được xây dựng và điền dã, ngày 9-12-2021, tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt đề án “Thành lập, xây dựng và phát triển CVĐC Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025”. Ngày 13-12-2021, CVĐC Lạng Sơn chính thức được thành lập.

Cuối tháng 10-2022, tỉnh Lạng Sơn kết hợp với các bộ, ban, ngành hữu quan, thống nhất đề án xây dựng CVĐC toàn cầu. Cũng trong cuộc họp cuối tháng 10-2022 giữa tỉnh Lạng Sơn với chuyên gia đến từ Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Mạng lưới CVĐC Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Trung tâm Karst và Di sản Địa chất đã thống nhất phạm vi CVĐC Lạng Sơn dự kiến gồm các huyện: Hữu Lũng, Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan và Chi Lăng, diện tích trên 3.840km2, dân số trên 375.600 người (khoảng 46,3% diện tích và 48,1% dân số toàn tỉnh) với tên gọi “Dãy núi đá vôi và thung lũng Bắc Sơn”. Như vậy, phạm vi xây dựng hồ sơ CVĐC nằm trên cánh cung núi đá vôi Bắc Sơn. Đây là một khối núi đá vôi cổ, dài 60km, rộng 50km, cao trung bình 400-1.200m, ôm trọn 5 huyện của miền biên viễn xứ Lạng.

Đến cuối tháng 11-2022, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phối hợp Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn khai quật khảo cổ tại Hang Dơi (thôn Kha Hạ, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn) đã thông báo một tin vui quan trọng. Đó là, trong quá trình khảo cổ đã phát lộ mộ táng trẻ em nằm trong tầng và thuộc nền văn hóa Bắc Sơn.

Về miền Bắc Sơn
Dãy núi Chi Lăng thuộc huyện Chi Lăng (ảnh tư liệu UBND huyện Chi Lăng)

TS Phạm Thanh Sơn - Viện Khảo cổ học cho biết, trong quá trình khai quật ở Hang Dơi, các nhà khảo cổ học đã thu thập được trên 600 hiện vật mang dấu ấn đặc trưng của văn hóa Bắc Sơn như: công cụ đá, mảnh tước, rìu mài lưỡi, cuốc, gốm, mảnh tước đá vôi, mảnh tước đá cuội, công cụ hạch đá, đồ gốm, đồ sành, sứ thời phong kiến và hiện đại, dấu vết các mộ táng. Qua nghiên cứu hiện vật, xác định Hang Dơi thuộc văn hóa Bắc Sơn (thời kỳ đồ đá mới) có niên đại 10.000 năm đến 7.000 năm cách ngày nay. “Điều này càng trở nên quan trọng trong bối cảnh Lạng Sơn tiến hành xây dựng hồ sơ CVĐC toàn cầu”, TS Phạm Thanh Sơn nhấn mạnh.

Cuối tháng 11-2023, hồ sơ CVĐC Lạng Sơn đã được hoàn thành. Sau khi xem xét đề nghị của tỉnh, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã đệ trình hồ sơ CVĐC Lạng Sơn lên Tổ chức UNESCO thẩm định, công nhận là CVĐC toàn cầu. Cánh cung núi đá vôi Bắc Sơn đang chờ đón một tin vui lớn.

Về miền Bắc Sơn
Thác Đăng Mò thuộc địa phận huyện Bình Gia (ảnh: Anh Tuấn - TTXVN)

Chi Lăng - Bảo tàng lịch sử ngoài trời lớn nhất thế giới

Ngược thời gian, vào năm 1980, sau khi tham dự Hội thảo kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi, vị anh hùng dân tộc của Đại Việt, vị sử gia lừng danh người Pháp, TS Charler Faudier đã đến tham quan ải Chi Lăng, ông vô cùng ngạc nhiên, thốt lên: “Đó là một bảo tàng lịch sử ngoài trời lớn nhất thế giới!”.

Dãy núi Chi Lăng nằm trên cánh cung đá vôi Bắc Sơn. Khu di tích lịch sử Chi Lăng là một thung lũng hẹp, kẹp giữa hai dãy núi Bảo Đài và Cai Kinh. Hơn 10 thế kỷ, tại khu vực có có diện tích khoảng 20 cây số vuông này, đã diễn ra hàng trăm trận ác chiến vệ quốc lớn nhỏ. Đối với các triều đại phong kiến phương Bắc, ải Chi Lăng đều được ghi trong chính sử như một nỗi hổ thẹn, còn với Việt Nam, Chi Lăng được coi là biểu tượng của chiến công giành độc lập dân tộc, đập tan mọi âm mưu bành trướng, xâm lược.

Chi Lăng ghi dấu những trang sử hào hùng của dân tộc với tầng tầng lịch sử, lớp lớp chiến công của cha ông ta với 2 lần chống Tống, 2 lần chống quân Nguyên xâm lược, chống quân Minh, chống quân xâm lược Mãn Thanh và kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ.

Về miền Bắc Sơn

Leo núi mạo hiểm tại xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn (ảnh: TTXVN)

Chi Lăng là nơi thể hiện tài thao lược của cha ông với tư duy chiến thuật tài tình, thể hiện gần như hết các nghệ thuật quân sự, chiến tranh nhân dân đặc sắc của Việt Nam.

Tuy nhiên, TS Charler Faudier - vị sử gia người Pháp nổi tiếng thế giới còn chưa biết rằng, bên trong những dãy núi đá vôi trùng điệp kia còn ẩn chứa những giá trị khảo cổ học, tầng lớp văn hóa có niên đại hàng nghìn, chục nghìn năm mà sau này giới khảo cổ mới phát hiện.

Về miền Bắc Sơn
Du khách khám phá cảnh quan địa mạo, địa chất ở huyện Hữu Lũng

Tuy nhiên, TS Charler Faudier - vị sử gia người Pháp nổi tiếng thế giới còn chưa biết rằng, bên trong những dãy núi đá vôi trùng điệp kia còn ẩn chứa những giá trị khảo cổ học, tầng lớp văn hóa có niên đại hàng nghìn, chục nghìn năm mà sau này giới khảo cổ mới phát hiện.

TS Nguyễn Gia Đối, Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết, Chi Lăng phát hiện khá nhiều di tích khảo cổ học tiền sử thuộc các giai đoạn khác nhau, hội tụ khá đầy đủ những di tồn văn hóa vật chất của cư dân tiền sử từ giai đoạn trước Bắc Sơn qua các giai đoạn sớm, giữa, muộn của văn hóa Bắc Sơn đến văn hóa Mai Pha, trải dài trong khung tiền sử từ khoảng trên 11.000 năm đến 4.000 năm cách ngày nay.

Các di tích có thể kể đến như hang Bó Nam, hang Lai Ta, hang Bằng Mạc, hang Bó Lấm mang tính chất văn hóa Bắc Sơn (10.000-8.000 năm); hang Lạng Nắc đại diện cho văn hóa Mai Pha (5.000-3.500 năm); các di tích Ngườm Sâu, Nà Ngụm chứa di tồn văn hóa của cư dân giai đoạn muộn của văn hóa Bắc Sơn, nhiều khả năng là giai đoạn tiếp nối từ văn hóa Bắc Sơn đến văn hóa Mai Pha...

Bên cạnh những giá trị lớn về lịch sử, quân sự, Chi Lăng còn được coi là một “cái nôi văn hóa” của xứ Lạng. Với ý nghĩa, giá trị văn hóa, lịch sử quan trọng, năm 1962, Khu Di tích chiến thắng Chi Lăng được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Quốc gia đợt đầu tiên. Và đến năm 2020, di tích này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

Về miền Bắc Sơn

Di tích Ải Chi Lăng (ảnh tư liệu UBND huyện Chi Lăng)

Hát Then - Di sản thế giới trong lòng công viên địa chất

Trong quá trình tiến hành khảo sát, điền dã lập hồ sơ để thành lập CVĐC Lạng Sơn và đệ trình UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu, nhiều học giả chuyên gia băn khoăn về nội dung bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số một cách hiệu quả, để từ đó có một khu vực mà người dân có thể “sống được từ du lịch”.

Để làm sáng tỏ vấn đề này, tháng 11-2022, tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội và Quỹ FNF Việt Nam đồng chủ trì tổ chức Hội nghị quốc tế phát triển đối tác hợp tác công tư xây dựng CVĐC Lạng Sơn. Tại hội thảo này, nhiều học giả, chuyên gia khẳng định rằng, về địa mạo, địa chất, lịch sử, giá trị khảo cổ học, khu vực cánh cung núi đá vôi Bắc Sơn hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu khắt khe về CVĐC toàn cầu mà UNESCO đề ra. PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, những tập quán, truyền thống văn hóa đa dạng, giàu bản sắc của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở khu vực công viên như cộng đồng dân tộc tại chỗ, các dân tộc thiểu số tại huyện Bắc Sơn là những di sản cần có kế hoạch bảo vệ, trong đó có “báu vật Hát Then”.

Theo quan niệm người Tày, Nùng ở huyện Bắc Sơn, Hữu Lũng, Bình Gia, Then có nghĩa là “Trời”. Hát Then là một loại hình diễn xướng âm nhạc tín ngưỡng dân gian, có nội dung thuật lại cuộc hành trình của con người lên thiên giới cầu xin Then ban cho những điều may mắn và một cuộc sống tốt lành. Hát Then của người Tày, Nùng phản ánh chuyện từ đời sống, bản mường, đến chuyện tình yêu, ma chay, cưới hỏi… Khi nghiên cứu các lễ Then cổ truyền, các nhà nghiên cứu thấy rõ nhân sinh quan, thế giới quan và bản sắc văn hóa của đồng bào Tày, Nùng ở vùng Bắc Sơn.

Về miền Bắc SơnQua các đợt khảo sát văn hóa ở huyện Bắc Sơn, Hữu Lũng các cơ quan chức năng đã nhận định rằng, Hát Then - Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO công nhận năm 2019 đã được các tộc người Tày - Nùng (cùng với tộc người Thái là chủ nhân của Di sản này) giữ gìn và phát huy rất tốt. Hát Then đã tạo thành một phần cơ bản trong đời sống tinh thần của người Tày, Nùng sinh sống ở cánh cung núi đá vôi Bắc Sơn, phản ánh mối quan hệ giữa con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Di sản Hát Then có tại 11 tỉnh ở Việt Nam, nhưng tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng Đông Bắc. Riêng tỉnh Lạng Sơn có số nghệ nhân then đông nhất với hơn 500 người.`

Về miền Bắc Sơn

Biểu diễn Hát Then - Đàn tính ở Bắc Sơn (ảnh: Tư liệu Trung tâm Xúc tiến du lịch - Tỉnh Lạng Sơn)

Đơn cử như tại huyện Bắc Sơn, từ năm 2019 đến nay, huyện đã có trên 50 câu lạc bộ, đội văn nghệ được thành lập để lưu giữ, truyền dạy di sản Hát Then. Cùng với du lịch cảnh quan Thung lũng Bắc Sơn, bản làng người Tày, Nùng, thưởng thức ẩm thực bản địa thì Hát Then đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo khi du khách đến nơi này. Hát Then đã trở thành một sợi dây vô hình, một thứ âm thanh quyến rũ mời gọi du khách đến với Lạng Sơn.

Về miền Bắc SơnVà cũng có một điều thú vị, có Hát Then hình thành và phát triển trên dãy núi đá vôi Bắc Sơn, CVĐC Lạng Sơn đã chứa trong mình một di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.

Về miền Bắc Sơn
Du khách lướt sóng trên hồ Đồng Lâm (ảnh: Trịnh Thông Thiện)

Đối chiếu với yêu cầu UNESCO về tiêu chuẩn của CVĐC toàn cầu là một khu vực tự nhiên, độc đáo, chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất có giá trị khoa học, chứa đựng các giá trị về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa xã hội và có diện tích thích hợp để phát triển du lịch và các dịch vụ phụ trợ thì di sản Hát Then là một điểm cộng lớn trong hành trình cánh cung núi đá vôi Bắc Sơn trở thành CVĐC toàn cầu. Sâu xa hơn, Hát Then chính là “chìa khóa” để tỉnh Lạng Sơn mở cửa đón du khách trong và ngoài nước đến với CVĐC toàn cầu trong một tương lai gần.

Nội dung: Trịnh Thông Thiện

Đồ họa: Quang Huy