19:05 | 05/02/2024   1,689 lượt xem

Tác động của Petrodollars đối với kinh tế toàn cầu

Tác động của Petrodollars đối với kinh tế toàn cầu

Petrodollars (dollar dầu lửa) là thuật ngữ được sử dụng để chỉ việc sử dụng đồng USD trong các giao dịch dầu mỏ. Hệ thống Petrodollars không chỉ ảnh hưởng đến các giao dịch mua bán dầu mỏ mà còn tác động sâu rộng đến nền tài chính, chính trị và kinh tế toàn cầu.

80 năm thống trị của đồng đô la Mỹ

Mặc dù hệ thống petrodollar của Mỹ có lẽ là cơ cấu kinh tế quan trọng nhất trên thế giới nhưng nó hầu như không bao giờ được thảo luận trong các nguồn thông tin chính thống. Petrodollar là một khái niệm quan trọng và có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường dầu mỏ đang chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau, việc hiểu rõ về vị trí và vai trò của petrodollar là cực kỳ cần thiết.

Ngược dòng thời gian, vào tháng 7 năm 1944, trước khi chiến tranh thế giới thứ II chấm dứt, 730 đại biểu từ 44 quốc gia đã tập trung tại một khu nghỉ mát trên núi ở Bretton Woods, New Hamsphire, Mỹ tham gia Hội nghị Tài chính và Tiền tệ của Liên hợp quốc để thảo luận về một trật tự tiền tệ quốc tế mới. Trước đó, vàng là thước đo tài chính duy nhất để trao đổi tiền tệ và mỗi quốc gia đặt ra tỷ giá hối đoái của đồng tiền quốc gia một cách độc lập tương ứng với giá trị của vàng.

Mục tiêu của hội nghị là để xây dựng hệ thống tài chính thế giới sau chiến tranh, tránh nguy cơ tái diễn khủng hoảng kinh tế, cải tổ hệ thống tiền tệ quốc tế tránh được những sai lầm trước đây, tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế trong khi vẫn bảo vệ các mục tiêu chính sách tự trị của các quốc gia riêng lẻ, cũng như tạo ra một trật tự tiền tệ quốc tế mới để tránh sự tan rã các mối quan hệ tiền tệ trên phạm vi quốc tế vào những năm 1930.

Tác động của Petrodollars đối với kinh tế toàn cầu
Năm 1944, Hội nghị Tài chính và Tiền tệ của Liên hợp quốc họp để thảo luận về một trật tự tiền tệ quốc tế mới.

Một sức ép lớn đối với các quốc gia tham dự hội nghị Bretton Woods là cảm giác về sự hỗn loạn của hệ thống tài chính giữa hai cuộc thế chiến, sự sụp đổ của hệ thống bản vị vàng, cuộc Đại Khủng hoảng 1930 và sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ.

Kết quả của hội nghị này là việc lập ra Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng quốc tế về tái thiết và phát triển (Ngân hàng thế giới - World Bank). Hội nghị kết thúc với một thỏa ước quốc tế quan trọng mang tên Chế độ tiền tệ Bretton Woods được xây dựng chủ yếu trên cơ sở của Mỹ.

Thời điểm đó, Mỹ là trung tâm tài chính, kinh tế duy nhất của thế giới, đặc biệt Mỹ nắm đến 70% trữ lượng vàng thế giới vì vậy các nước đồng ý quy đổi mọi đồng USD thành vàng nếu các nước khác neo giá đồng tiền theo USD. Điều này được pháp điển hóa bằng thỏa ước Bretton Woods, thống nhất mức tỉ giá cố định cho các đồng tiền chính, quy định một ounce (khoảng 28gr) vàng có giá 35 USD.

Dưới hệ thống Bretton Woods, các ngân hàng trung ương của các nước trừ Hoa Kỳ phải có nhiệm vụ duy trì tỷ giá hối đoái cố định giữa các đồng tiền của họ với đồng đôla. Họ làm điều này bằng việc can thiệp vào các thị trường ngoại hối. Nếu đồng tiền của một nước quá cao so với đồng đôla thì ngân hàng trung ương của nước đó cần phải bán tiền của mình để đổi lấy đôla, đẩy giá trị của đồng tiền đó xuống. Ngược lại, nếu giá trị đồng tiền của một nước quá thấp thì nước đó cần phải mua vào tiền của chính mình, do vậy sẽ đẩy giá của đồng tiền đó lên.

Chính hệ thống Bretton Woods kéo dài từ năm 1944 đến 1971 này đã giúp đồng USD có được vị trí quan trọng tuyệt đối, trở thành đồng tiền quốc tế.

Tới năm 1971, khi kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái và lạm phát, đồng USD lao dốc, nhiều nước đã đòi đổi đồng USD họ nắm giữ thành vàng. Nhằm bảo vệ nguồn vàng dự trữ, tổng thống Mỹ lúc đó là Richard Nixon đã xóa bỏ bản vị vàng của USD. Tiền USD giảm giá lập tức, giúp Mỹ vực dậy kim ngạch xuất khẩu do hàng hóa của họ trở nên rẻ hơn tương đối, nhưng đồng thời cũng làm giảm vị thế quốc tế của đồng tiền nội tệ Hoa Kỳ.

Các nhà chiến lược Mỹ lúc đó tìm kiếm một giải pháp thay thế khả dĩ cho bản vị vàng, và petrodollar đã ra đời - có thể gọi nó là đồng USD bản vị dầu mỏ. Thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và các quốc gia OPEC để bán dầu mỏ bằng đồng USD, thường được biết đến với tên gọi "hệ thống petrodollar," được thiết lập vào giữa những năm 1970. Sự sắp xếp này là kết quả của các cuộc đàm phán giữa chính phủ Hoa Kỳ và các thành viên của OPEC, đặc biệt là Ả Rập Xê Út, trong thời kỳ có nhiều thay đổi đáng kể trong thị trường dầu mỏ toàn cầu và hệ thống tiền tệ quốc tế.

Tác động của Petrodollars đối với kinh tế toàn cầu

Điểm then chốt trong sự phát triển này là vào năm 1974, khi Hoa Kỳ và Ả Rập Xê Út được cho là đã đạt được một thỏa thuận. Theo đó, Hoa Kỳ cung cấp viện trợ quân sự và trang thiết bị cho Ả Rập Xê Út, đổi lại là việc giá dầu được quy định bằng đồng USD. Động thái này đã có hiệu quả biến đồng đô la Mỹ trở thành đồng tiền chủ đạo cho các giao dịch dầu mỏ toàn cầu, là yếu tố quan trọng trong việc duy trì vị trí thống trị của đồng đô la trong nền kinh tế toàn cầu.

Mặc dù không có một tài liệu cụ thể, công khai với tên gọi "thỏa thuận" giữa Hoa Kỳ và OPEC chính thức hóa việc này, nhưng hệ thống petrodollar đã trở thành quy chuẩn sau các cuộc đàm phán này và đã có ảnh hưởng lâu dài đối với tài chính quốc tế và thị trường dầu mỏ.

Tác động của Petrodollars đối với kinh tế toàn cầu

Henery Kissinger, Bộ trưởng ngoại giao Mỹ, thăm quốc vương Ả Rập Xê Út (Vua Faisal) vào tháng 12 năm 1973 nhằm thuyết phục ông tiếp tục phát triển hệ thống petrodollar

Vào thời kỳ khủng hoảng dầu mỏ lần thứ nhất (1973-1975), giá dầu tăng vọt. Các nước xuất khẩu dầu lửa, nhất là Kuwait, Ả Rập Xê Út và Qatar, thu bội tiền, nhưng đầu tư và chi tiêu tài chính trong nước không dùng hết số tiền đó. Số dollar dôi dư đó được các nước đưa vào các quỹ đầu tư hoặc các ngân hàng thương mại để đầu tư vào thị trường tài chính quốc tế, nhất là thị trường tài chính ở Hoa Kỳ, để kiếm lời. Những quỹ này, chẳng hạn như Kuwait Investment Authority, được gọi là quỹ dollar dầu lửa. Ngoài việc đầu tư kiếm lời, nhiều nước A Rập xuất khẩu dầu lửa còn dùng số dollar dôi dư để viện trợ cho các nước khác. ODA từ các nước A Rập tăng mạnh từ giữa năm 1973.

Hoa Kỳ là nước nhập khẩu dầu lửa có lợi lớn từ dollar dầu lửa. Vì thu nhập từ dầu lửa bằng dollar, nên các nước có dollar dầu lửa có xu hướng đầu tư vào Hoa Kỳ và làm lãi suất ở Mỹ hạ xuống. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ có thể in thêm dollar để mua dầu lửa.

Song thực tế, không chỉ có Hoa Kỳ mà nhiều nước đang phát triển cũng được lợi. Việc xuất hiện một nguồn tài chính dồi dào mới này khiến cho lãi suất cho vay quốc tế hồi cuối thập niên 1970 hạ xuống. Nhiều nước đang phát triển, nhất là ở khu vực Mỹ Latinh, đã tận dụng cơ hội đó để vay tiền phục vụ công nghiệp hóa.

Một vấn đề mà dollar dầu lửa đem lại là sự gia tăng của dòng vốn ngắn hạn có tính thanh khoản cao vì một phần lớn dollar dầu mỏ được dùng để mua chứng khoán. Nó nguy hiểm với mọi nền kinh tế mở trên thế giới.

Bởi vì petrodollars về bản chất là đồng đôla Mỹ, sức mua thực sự của chúng phụ thuộc vào cả tỉ lệ lạm phát cơ bản của Mỹ và giá trị của đồng đôla Mỹ. Việc đảm bảo rằng dầu mỏ được bán bằng đồng USD đã giúp Mỹ duy trì vai trò là quốc gia có đồng tiền chủ đạo trên thế giới, từ đó tạo ra sự phụ thuộc lớn vào đồng USD và Mỹ. Thứ hai, việc sử dụng đồng USD cũng đã giúp Mỹ kiểm soát giá dầu mỏ trên thị trường quốc tế, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế của họ.

Hệ thống petrodollar tạo ra sự phụ thuộc của các quốc gia vào đồng USD theo nhiều khía cạnh như: Vì giá dầu được định giá bằng USD, các quốc gia nhập khẩu dầu mỏ cần phải mua USD để thanh toán cho dầu nhập khẩu. Điều này tạo ra một nhu cầu liên tục và cao cho đồng USD trên thị trường tài chính quốc tế. Các quốc gia thường giữ một lượng lớn USD trong dự trữ ngoại hối của họ để đảm bảo có đủ tiền mặt cho các giao dịch dầu mỏ và để bảo vệ giá trị của tiền tệ của họ. Do vai trò trung tâm của dầu mỏ trong nền kinh tế toàn cầu, sự ổn định của giá trị đồng USD ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định kinh tế của các quốc gia nhập khẩu dầu. Quan hệ giữa các quốc gia sản xuất dầu (như các thành viên OPEC) và Hoa Kỳ thường được củng cố thông qua hệ thống petrodollar, đôi khi tạo ra sự phụ thuộc chính trị và an ninh.

Được biết, hiện tại, khoảng 80% lượng dầu mỏ giao dịch trên thế giới vẫn đang được mua bán bằng USD. Tỉ lệ này đã ổn định trong suốt vài thập niên qua, bất chấp việc luôn có những nỗ lực muốn “lật đổ” thế thống trị của USD trên thị trường dầu mỏ. Thực tế, việc nắm giữ đồng tiền được chọn làm tiêu chuẩn định giá cho mặt hàng thiết yếu như dầu mỏ mang lại cho nước Mỹ nhiều quyền lực, tất yếu bao hàm quyền lực chính trị. Nỗ lực bảo vệ vị thế đồng USD nói chung và đôla dầu mỏ nói riêng của Washington trong nhiều năm qua, do vậy, không nằm ngoài mong muốn bảo vệ thế thống trị của nền kinh tế số 1 thế giới.

Những nỗ lực “thoát” đô la

Hiện nay, với sự gia tăng của các quốc gia sản xuất dầu mỏ khác nhau và sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mới trong ngành dầu mỏ, việc duy trì sức mạnh của petrodollar cũng đang đối diện với nhiều thách thức.

Với sự phát triển của năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng thay thế, nhu cầu đối với dầu mỏ có thể giảm, ảnh hưởng đến vai trò của petrodollars. Các quan hệ địa-chính trị, cùng với các biện pháp trừng phạt và chính sách tiền tệ, có thể ảnh hưởng đến vị thế của USD trong thị trường dầu mỏ. Sự xuất hiện của các hệ thống thanh toán mới và kỹ thuật số có thể cung cấp các phương thức thay thế cho việc sử dụng USD trong giao dịch dầu mỏ.

Trong những năm gần đây, thế giới đã chứng kiến những nỗ lực rõ ràng để thoát khỏi đồng tiền Mỹ. Nếu các quốc gia bắt đầu sử dụng đồng tiền khác trong các giao dịch dầu mỏ, thì vai trò và vị trí của petrodolar sẽ bị đe dọa.

Thực tế là nhiều quốc gia đang tìm cách giải quyết vấn đề phụ thuộc vào hệ thống petrodollar bằng các biện pháp chủ yếu như sau: Các quốc gia như Nga, Iran và Trung Quốc đang nỗ lực để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD nhằm tăng cường tính độc lập kinh tế và chính trị, đồng thời tránh bị ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ và ngoại giao của Hoa Kỳ. Để làm điều này, Iran, Nga và Ấn Độ đã xem xét việc sử dụng đồng tiền của chính nước mình khi xuất khẩu hàng hóa thay vì sử dụng đồng đô la Mỹ.

Với việc thường xuyên phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt từ Hoa Kỳ, Iran và Nga đang tìm cách thực hiện các giao dịch dầu mỏ bằng các loại tiền tệ khác nhằm tránh bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt này. Trong khi đó, Trung Quốc và một số quốc gia ở Trung Đông đã tăng cường dự trữ vàng và các đồng tiền khác như euro để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.

Trung Quốc cũng đang nỗ lực thách thức sự thống trị của USD trong thương mại quốc tế thông qua việc phát triển đồng nhân dân tệ và sáng kiến Vành đai và Con đường. Ngoài ra, Nga và Trung Quốc cũng đã phát triển các hệ thống thanh toán quốc tế riêng biệt nhằm giảm sự phụ thuộc vào hệ thống tài chính dựa trên đô la Mỹ.

Tác động của Petrodollars đối với kinh tế toàn cầuCòn nhớ, vào đầu tháng 6 năm 2021, Nga đã thông báo sẽ thay thế khoảng 40 tỉ USD trong Quỹ Thịnh vượng quốc gia (NWF) của họ bằng các loại tiền tệ khác như nhân dân tệ, euro và vàng. Bộ Tài chính Nga cũng đã xác nhận rằng hiện tại, khoảng 35% quỹ NWF của họ là USD. Điều này làm cho tỷ lệ này trở nên cao bất ngờ, bởi vì từ năm 2009, tổng thống Nga Dmitry A. Medvedev đã cảnh báo về những hệ lụy của việc phụ thuộc quá mức vào đồng USD.

Tác động của Petrodollars đối với kinh tế toàn cầu

Mặc dù không phải là điều mới, nhưng rõ ràng những chiến lược để thoát khỏi sự ảnh hưởng của đồng USD đã được đẩy lên một tầm cao mới khi cuộc xung đột tại Ukraine bùng nổ. Ngay cả khi có những quốc gia không ủng hộ cuộc chiến của Nga, họ vẫn chỉ miễn cưỡng đồng ý với quan điểm của Mỹ và châu Âu trong cuộc xung đột tại Ukraine, vì điều đó có thể ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của họ.

Ngày càng nhiều quốc gia không muốn phụ thuộc quá sâu vào đồng USD trong các giao dịch liên quan đến dầu mỏ. Ví dụ điển hình là quyết định gần đây của Ấn Độ khi mua dầu từ Nga bằng đồng rúp hoặc rupee. Trong bối cảnh Mỹ và châu Âu áp đặt lệnh cấm vận với năng lượng của Nga, Ấn Độ đã tận dụng cơ hội này để đạt được thỏa thuận thanh toán bằng rúp hoặc rupee với Nga để mua dầu mỏ với giá chiết khấu sâu hơn so với giá thị trường.

Quốc gia chủ xướng trong OPEC là Ả Rập Xê Út đang xem xét khả năng sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc thay cho USD trong các hợp đồng bán dầu. Các cuộc đàm phán giữa hai nước về vấn đề này đã diễn ra liên tục trong 6 năm qua và đang được thúc đẩy mạnh mẽ hơn khi mối quan hệ giữa Riyadh và Washington ngày càng căng thẳng với nhiều vấn đề khác nhau. Trung Quốc hiện là khách hàng mua hơn 25% lượng dầu xuất khẩu của Ả Rập Xê Út. Nếu việc mua hàng này được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ, đồng tiền của Trung Quốc sẽ có vị trí quan trọng hơn.

Tác động của Petrodollars đối với kinh tế toàn cầu

Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman Al Saud bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuộc họp các nhà lãnh đạo G20 tại Hàng Châu năm 2016

Ngoài ra, Ả Rập Xê Út cũng là nhà cung cấp dầu thô chính cho Nhật Bản và Ấn Độ, hai nền kinh tế lớn thứ hai và ba tại châu Á, và lần lượt đứng thứ ba và thứ bảy trên toàn cầu. Thậm chí, chỉ cần Ả Rập Xê Út đồng ý định giá một phần nhỏ trong số 6,2 triệu thùng dầu xuất đi hàng ngày bằng một đồng tiền khác ngoài USD, điều này đã đủ để tạo ra một sự thay đổi lớn.

Trước xu hướng muốn thoát khỏi đồng đô la của một số quốc gia như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và có thể là Ả Rập Xê Út, các chuyên gia đặt câu hỏi liệu hệ thống đồng đô la dầu mỏ có thể tiếp tục giữ vị thế hàng đầu lâu dài hay không? Có bốn lý do để nhiều người cho rằng đồng USD sẽ vẫn duy trì được vị thế cao nhất của nó. Đầu tiên, đó là đồng tiền được Chính phủ Mỹ bảo trợ. Thứ hai, đó là phương tiện thanh toán phổ biến trên toàn cầu nhờ vào các thị trường tài chính và hệ thống thanh toán kết nối rộng khắp. Thứ ba, hầu hết các hợp đồng quốc tế đều được định giá bằng USD. Và thứ tư, có lẽ là lý do quan trọng nhất, Mỹ là khách hàng lớn nhất của nhiều quốc gia.

Các quốc gia là đối tác xuất khẩu chính của Mỹ đã chấp nhận USD là đồng tiền của họ, trong khi đó nhiều quốc gia khác cũng áp dụng chính sách neo giá theo đồng USD, do đó không dễ để họ chuyển sang sử dụng đồng tiền khác. Dù Trung Quốc muốn thúc đẩy sự thay đổi vị thế toàn cầu của USD nhưng hiện tại họ vẫn là một trong những quốc gia có lượng dự trữ ngoại hối bằng USD lớn nhất thế giới.

Vì vậy, việc chuyển đổi khỏi hệ thống petrodollars sẽ không dễ dàng và có thể mất nhiều thời gian. USD vẫn là đồng tiền chính trong dự trữ ngoại hối toàn cầu và là phương tiện giao dịch chính trong thương mại quốc tế. Do đó, mặc dù có những thách thức, petrodollars có thể vẫn sẽ duy trì vai trò quan trọng của mình trong tương lai gần vì chưa có một lựa chọn nào tốt hơn đủ để thay thế.

Hải Minh

Đồ họa: Hải Minh