15:08 | 11/01/2024   548 lượt xem

Quyền lực của OPEC và OPEC+

Quyền lực của OPEC và OPEC+

OPEC (Organization of Petroleum Exporting Countrie) - Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ - luôn giữ vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách năng lượng và giá cả năng lượng toàn cầu thông qua việc điều chỉnh sản lượng dầu của các nước thành viên.

Cuộc chiến tài nguyên

Trong hơn nửa thế kỷ qua, mỗi quyết định của OPEC không chỉ ảnh hưởng đến thị trường năng lượng mà còn có tác động rộng lớn đến kinh tế toàn cầu và chính sách năng lượng của các quốc gia nhập khẩu dầu. OPEC thường xuyên phối hợp với các quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn khác ngoài tổ chức (như Nga, Kazakhstan, Oman, Azerbaijan…) trong nhóm OPEC+, nhằm ổn định thị trường và hỗ trợ giá dầu.

Tuy nhiên, giờ đây quyền lực của OPEC đang bị thách thức khi thị phần toàn cầu của họ mất dần vào tay các đối thủ và giảm xuống mức thấp nhất kể từ đại dịch Covid-19 do chính sách cắt giảm sản lượng để giữ giá dầu neo cao. Theo một số nhà phân tích, OPEC+ có thể sẽ tung ra nhiều “chiêu” bất ngờ cho thị trường dầu thô trong năm 2024.

Vào những năm 70 của thế kỷ XX, OPEC từng cung cấp khoảng một nửa lượng dầu thô toàn cầu. Trong những thập niên sau đó, thị phần của OPEC đứng ở mức từ 30% đến 40% nhưng mức tăng trưởng sản lượng kỷ lục từ các đối thủ như Mỹ đã dần chiếm lĩnh thị phần đó trong những năm gần đây.

Năm 2023 và 2024, sản lượng dầu thô của OPEC đã và sẽ chỉ còn dao động xung quanh mức 27-28% tổng nguồn cung thị trường toàn cầu là 102 triệu thùng/ngày. Báo cáo Triển vọng dầu thế giới mới nhất của OPEC dự đoán tổng thị phần dầu mỏ của nhóm này sẽ tăng lên 40% vào năm 2045 khi sản lượng của các nước ngoài OPEC bắt đầu giảm từ đầu những năm 2030.

Chính sách sản xuất dầu và quản lý thị trường để đảm bảo sự ổn định và cân bằng giữa cung và cầu trên thị trường dầu mỏ toàn cầu hiện nay do 3 nhóm nước xuất khẩu dầu mỏ chính trên thế giới quyết định, bao gồm OPEC, G20 và BRICS.

Cho dù vậy, câu chuyện về thị trường dầu mỏ liên quan đến OPEC vẫn luôn là chủ đề nóng nhất. Ngược dòng thời gian để tìm hiểu sâu hơn về sự hình thành của OPEC và OPEC+.

Ngày 10 tháng 9 năm 1960, đại diện của 5 nước xuất khẩu dầu gồm Saudi Arabia, Venezuela, Kuwait, Iraq, Iran đã tới thủ đô Baghdad theo sáng kiến của Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Venezuela Juan Pablo Pérez Alfonso và bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Saudi Arabia Abdullah al-Tariki để thảo luận các phương án nhằm tăng giá dầu thô sản xuất ở các quốc gia này. Ngày 14 tháng 9, hội nghị hoàn thành mục đích. Một chính thể mới được thành lập – OPEC, thời điểm đó 5 thành viên sáng lập OPEC đóng góp tới 80% lượng dầu thô xuất khẩu của toàn thế giới.

Quyền lực của OPEC và OPEC+

1960: Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) được thành lập tại Baghdad

Mục tiêu của tổ chức này rất rõ ràng là bảo vệ giá dầu và đảm bảo sự ổn định trên thị trường dầu mỏ. Họ hy vọng có khả năng đàm phán với các công ty dầu khí toàn cầu như Anglo-Iran Oil Company, Gulf Oil, Shell, Standard Oil of California, Standard Oil of New Jersey (Esso), Standard Oil of New York (Mobil), Texaco… về giá cả và đưa ra ý kiến của họ về vấn đề này, điều này có ảnh hưởng đến thu nhập của các quốc gia thành viên. Họ cũng đề xuất việc thiết lập một hệ thống "điều tiết sản xuất" có quy mô toàn cầu. Ngoài ra, họ cam kết đoàn kết và hợp tác trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của các quốc gia thành viên, đặc biệt trong trường hợp có bất kỳ sự cố hoặc hành động trừng phạt từ các công ty dầu khí lớn.

Việc thành lập OPEC tượng trưng cho hành động chung đầu tiên thể hiện chủ quyền của các nước xuất khẩu dầu mỏ, cũng như bước ngoặt đầu tiên trong quan hệ kinh tế quốc tế theo hướng các quốc gia giành lấy quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Quyền lực của OPEC và OPEC+

Tuy vậy, bất chấp tất cả những động thái và sự khoa trương, tổ chức OPEC mới ra đời dường như không đáng sợ hay thật sự gây ấn tượng với các công ty dầu khí lớn. Chính phủ các nước phương Tây cũng không quá chú ý tới những diễn biến này. Trong một báo cáo bí mật dài 43 trang về "Dầu Trung Đông" vào tháng 11 năm 1960, hai tháng sau khi OPEC ra đời, CIA chỉ dành vẻn vẹn bốn dòng nói về tổ chức này. Có thể do OPEC mới ra đời và chưa có ảnh hưởng lớn đối với thị trường dầu mỏ vào thời điểm đó.

Vào những năm 1960, OPEC chỉ có hai thành tựu đáng chú ý trong giai đoạn đầu của sự tồn tại của họ. Đầu tiên, họ đã làm cho các công ty dầu mỏ phải cẩn trọng và không dám thực hiện các hành động đơn phương quan trọng trên thị trường. Thứ hai, họ đã đạt được sự thỏa thuận để không giảm giá dầu một lần nữa sau cuộc khủng hoảng giá dầu trước đó.

Có nhiều nguyên nhân giải thích tại sao OPEC thể hiện ít tầm ảnh hưởng trong giai đoạn đầu tồn tại của họ. Một trong những yếu tố quan trọng là việc dự trữ dầu của hầu hết các quốc gia thành viên, trừ Iran, thực tế phụ thuộc vào các hợp đồng với các công ty dầu mỏ và các chủ mỏ cá nhân. Điều này đã hạn chế khả năng kiểm soát của nhà nước đối với nguồn cung cấp dầu mỏ. Hơn nữa, vào thời điểm đó, thị trường dầu mỏ thế giới đang đối diện với tình trạng dư thừa và sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nước xuất khẩu dầu, họ đã phải cạnh tranh để thâm nhập và duy trì thị trường của họ. Do đó, họ không thể hoàn toàn tách biệt khỏi các công ty mà họ đang phụ thuộc để có thể duy trì lợi nhuận của họ và đảm bảo sự ổn định trên thị trường.

Thập niên 1960 chứng kiến sự tiếp diễn của quá trình phi thực dân hóa và sự trỗi dậy những nghi vấn và tranh cãi trong "Thế giới thứ ba". Đó là vấn đề chủ quyền trong lĩnh vực dầu mỏ, vấn đề phức tạp và trung tâm khi OPEC thành lập năm 1960 nhưng chìm đi trong những năm tiếp theo, các công ty tìm cách đáp ứng yêu cầu tăng lợi nhuận của các quốc gia xuất khẩu khi sản lượng khai thác tăng lên. Đó còn là những nhân tố chính trị có quy mô rộng hơn.

Thêm nữa, vị trí thống trị và tầm quan trọng của Mỹ đối với an ninh của một số quốc gia sản xuất dầu mỏ, khiến cho các nước này không thể thách thức Mỹ và các quốc gia công nghiệp phương Tây khác. Trong khi các thành viên OPEC có một mục tiêu kinh tế chung là tăng lợi nhuận, thì sự cạnh tranh chính trị giữa các nước này cũng vô cùng gay gắt. Gần như trong suốt thập kỷ 1960, các công ty dầu mỏ luôn tìm cách tránh đàm phán trực tiếp với OPEC.

Mục tiêu chính thức được ghi vào hiệp định thành lập của OPEC là ổn định thị trường dầu thô, bao gồm các chính sách khai thác dầu, ổn định giá dầu thế giới và ủng hộ về mặt chính trị cho các thành viên khi bị các biện pháp cưỡng chế vì các quyết định của OPEC. Nhưng thật ra nhiều biện pháp được đề ra lại có động cơ bắt nguồn từ quyền lợi quốc gia, thí dụ như trong các cơn khủng hoảng dầu, OPEC chẳng những đã không tìm cách hạ giá dầu mà lại duy trì chính sách cao giá trong thời gian dài.

Đỉnh cao quyền lực

Từ năm 1974 đến năm 1978 được coi là "Thời đại hoàng kim" của OPEC". Giá dầu mỏ là trái tim của thương mại thế giới và những ai nắm quyền kiểm soát giá dầu mỏ sẽ được xem là ông chủ mới của nền kinh tế toàn cầu. Các thành viên OPEC trong những năm 1970 gần như bao gồm tất cả các nhà xuất khẩu xăng của thế giới, trừ Liên Xô và họ nắm quyền quyết định liệu có lạm phát hay suy thoái không. Các nước thành viên OPEC có tiếng nói quan trọng đối với các chính sách đối ngoại và thậm chí là quyền tự trị của một số nước quyền lực nhất trên thế giới.

Giữa những năm 1975, các nước OPEC đã hoàn tất việc giành lại quyền kiểm soát đối với nguồn tài nguyên của chính mình. Không còn nghi vấn nào nữa về việc ai sở hữu dầu mỏ của họ. Giá dầu tăng lên bốn lần do lệnh cấm vận dầu mỏ của các nước Arập và các nước xuất khẩu nắm quyền kiểm soát giá đã kéo theo những thay đổi to lớn ở khắp nơi trên thế giới. Tổng thu nhập từ dầu của các nước xuất khẩu đã tăng từ 23 tỷ đô-la năm 1972 lên 140 tỷ đô-la năm 1977.

Các con mắt trên khắp thế giới dán chặt vào các cuộc họp, dõi theo các chi tiết kịch tính, vẻ phô trương và nhiều chấn động. Những đôi tai háo hức nắm bắt bất kỳ manh mối nào về những gì có thể sẽ xảy ra đối với nền kinh tế thế giới. Bắt đầu một ngày làm việc của OPEC, đàm phán về dầu mỏ − "những ưu đãi", "thay đổi theo mùa", "xây kho hàng tồn" – khi đó trở thành cách nói của các nhà hoạch định chính sách chính phủ, các phóng viên, những kẻ đầu cơ tài chính.

Trong ba thập niên từ 1980 đến 2010, OPEC đã trải qua nhiều giai đoạn có tầm ảnh hưởng khác nhau trong thị trường năng lượng toàn cầu. Trong những năm 1980, OPEC giữ vai trò quan trọng trong việc thiết lập giá dầu toàn cầu, nhưng sự sụt giảm giá dầu vào giữa thập kỷ này đã làm giảm quyền lực của họ. Vào những năm 1990 và 2000, OPEC tiếp tục nỗ lực kiểm soát giá dầu, nhưng sự xuất hiện của các nguồn cung dầu mới và tăng trưởng của các thị trường mới như Nga và Biển Bắc đã làm giảm tầm quan trọng của OPEC. Tuy nhiên, OPEC vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định thị trường dầu mỏ quốc tế, đặc biệt là thông qua việc điều chỉnh sản lượng dầu.

Số lượng thành viên của OPEC đã trải qua nhiều biến động trong các giai đoạn lịch sử. Ban đầu, OPEC có 5 thành viên sáng lập. Trong những thập kỷ tiếp theo, tổ chức này đã mở rộng với sự gia nhập của các nước khác. Tuy nhiên, cũng đã có lúc một số quốc gia rời bỏ OPEC. Tính đến thời điểm hiện nay OPEC có 13 thành viên gồm: Algeria, Angola, Cộng hòa Congo, Guinea Xích Đạo, Gabon, Iran, Iraq, Kuwait, Libya, Nigeria, Saudi Arabia, UAE (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất) và Venezuela. Angola cho biết sẽ rời OPEC từ tháng 1/2024, sau khi Ecuador rời khỏi tổ chức này vào năm 2020, Qatar vào năm 2019 và Indonesia vào năm 2016.

Quyền lực của OPEC và OPEC+

Các quốc gia thành viên liên minh OPEC+ họp tại Vienna, Áo.

Từ sau năm 2014, Mỹ đã vượt qua Saudi Arabia để trở thành người xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu trên thế giới. Cuộc cách mạng về dầu đá phiến đã mang lại lợi ích lớn cho các công ty dầu khí Mỹ, khi sản lượng dầu đá phiến tăng đáng kể từ dưới 0,5 triệu thùng/ngày lên 4,3 triệu thùng/ngày vào năm 2015. Khi dầu Mỹ được đưa vào thị trường trong bối cảnh nhu cầu yếu, giá dầu có xu hướng giảm từ năm 2014 đến năm 2016.

Sự xuất hiện của dầu Mỹ trên thị trường đã cho phép các nước nhập khẩu dầu đa dạng hóa nguồn cung cấp và thậm chí thương lượng giá thấp hơn. Điều này đã gây lo ngại trong các thành viên của OPEC, và đó là lý do chính dẫn đến việc thành lập OPEC+. OPEC và các nhà sản xuất dầu ngoài OPEC đã hợp tác để quản lý thị trường và ổn định giá dầu, đồng thời thảo luận về việc cân nhắc sản lượng để duy trì sự cân bằng giữa cung và cầu trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Sự thay đổi này đã thách thức vị thế của các quốc gia Trung Đông trước đây được xem là những người thống trị thị trường dầu và cung cấp dầu mỏ, và đã tạo ra một sự cạnh tranh mới trong ngành dầu mỏ toàn cầu.

Phép cộng quyền lực

Liên minh OPEC+ được thành lập từ năm 2016 khi một số quốc gia xuất khẩu dầu ngoài OPEC đã bắt tay với tổ chức này để duy trì sự ổn định trên thị trường dầu mỏ. Ngày 23/9/2016, các nước OPEC đã thông qua cột mốc "Hiệp định Algiers". Một trong những quyết định quan trọng được đưa ra là thành lập một ủy ban cấp cao để đối thoại và thảo luận giữa OPEC cùng các nước sản xuất dầu mỏ khác. Điều này dẫn đến việc ký "Thỏa thuận Vienna" vào tháng 11/2016 và "Tuyên bố hợp tác" (DoC) giữa OPEC và các nước xuất khẩu dầu lớn khác vào tháng 12/2016.

Kể từ đó, OPEC+ thường xuyên tổ chức các cuộc họp thảo luận về sản lượng cũng như triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường dầu mỏ. OPEC+ có 23 thành viên, gồm 10 quốc gia sản xuất dầu lớn (Nga, Kazakhstan, Azerbaijan, Brunei, Bahrain, Mexico, Oman, Nam Sudan, Sudan và Malaysia) và 13 thành viên OPEC.

Quyền lực của OPEC và OPEC+

Từ năm 2017 đến đầu năm 2020, giá dầu thô toàn cầu đã tăng lên khoảng 80 USD/thùng, so với mức chỉ 30 USD/thùng vào năm 2016. Trong thời gian này, OPEC+ đã thực hiện phân bổ hạn ngạch sản xuất cho từng quốc gia thành viên dựa trên trữ lượng dầu và khả năng sản xuất của họ. OPEC+ đã tìm cách duy trì môi trường giá dầu cao và quản lý thành công hoạt động của nhóm như một "nhà điều hành" trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Tác động của chính sách của OPEC+ và mối quan hệ với giá dầu thực tế phụ thuộc vào sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm trữ lượng dầu, hạn ngạch sản xuất, và mức độ việc các thành viên OPEC+ tuân thủ hạn ngạch.

OPEC+ kiểm soát khoảng hơn 45% nguồn cung dầu thế giới, và đòn bẩy của mỗi quốc gia phụ thuộc vào thị phần của họ trong OPEC+. Những quốc gia có thị phần lớn hơn có đòn bẩy lớn hơn trong việc ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ. Saudi Arabia và Nga là hai trong số các quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất trong OPEC+. Saudi Arabia được xem là nhà lãnh đạo thực tế của OPEC và OPEC+, và với vị trí độc tôn này, họ thường được coi là "nhà cung cấp linh hoạt" toàn cầu, có khả năng tăng cường sản xuất khi nhu cầu tăng và cắt giảm sản lượng khi thị trường dư thừa để giảm thiểu biến động giá dầu.

Gánh nặng của việc cắt giảm sản lượng thường được chia sẻ bởi các nhà sản xuất lớn hơn của OPEC+ như Saudi Arabia, Nga, Kuwait và UAE. Nhiều quốc gia OPEC+ có công suất dự phòng đáng kể, nhờ đó họ có thể sản xuất dầu với giá thậm chí thấp. Để duy trì sự ổn định của thị trường dầu mỏ, các thành viên OPEC+ hiện đang tích cực theo đuổi các chính sách củng cố thị phần cũng như tối đa hóa lợi ích kinh tế.

Xu hướng này có nghĩa là nhóm sẽ gặp khó khăn trong việc thu hẹp việc cắt giảm sản lượng, trừ khi nhu cầu dầu toàn cầu tăng tốc hoặc OPEC sẵn sàng chấp nhận giá dầu thấp hơn.

Sau hội nghị thượng đỉnh OPEC+ ngày 30/11/2022, các quốc gia thành viên của nhóm đã quyết định cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện bổ sung để đạt được sự cân bằng trên thị trường.

Được biết, Saudi Arabia sẽ giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày cho đến cuối tháng 3/2024, trong khi Nga sẽ tiếp tục giảm sâu lượng dầu xuất khẩu tới thị trường quốc tế từ 300.000 thùng/ngày lên 500.000 thùng/ngày. Các quốc gia OPEC+ khác sẽ giảm sản lượng tổng cộng gần 700.000 thùng/ngày, bao gồm Iraq (giảm 223.000 thùng/ngày), UAE (giảm 163.000 thùng/ngày), Kuwait (giảm 135.000 thùng/ngày), Kazakhstan (giảm 82.000 thùng/ngày), Algeria (giảm 51.000 thùng/ngày) và Oman (giảm 42.000 thùng/ngày). Những cắt giảm này không phải là một phần của thỏa thuận OPEC+ và vẫn là tự nguyện. Ngoài những đợt cắt giảm mới, một số thành viên OPEC+ sẽ tiếp tục tôn trọng thỏa thuận giảm sản lượng 1,66 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2024. Do đó, tổng khối lượng cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện của các nước OPEC+ sẽ là 3,86 triệu thùng/ngày cho đến cuối quý 1 năm 2024.

Đồng thời, như một phần của thỏa thuận OPEC+, hạn ngạch sản xuất dầu sửa đổi sẽ có hiệu lực vào năm 2024. Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), thị trường sẽ thâm hụt khoảng 800.000 thùng/ngày vào quý I năm 2024 trước tác động cắt giảm sản lượng của OPEC+. EIA cũng ước tính giá dầu WTI đạt đỉnh vào tháng 3/2024 với 81,5 USD/thùng, đạt trung bình trong quý I là 78,8 USD/thùng.

Sự ra đi của các thành viên khiến cho thị phần OPEC+ ngày càng giảm, bên cạnh việc phải cạnh tranh với các nước không thuộc nhóm, đặc biệt là sản lượng tăng mạnh ở Mỹ. Tuy nhiên, xét về dài hạn, quyền lực của OPEC và OPEC+ gần như vẫn khó bị lung lay khi mà trữ lượng của Mỹ hay các nước bên ngoài vốn không thể sánh bằng và khó có thể cạnh tranh được với mức chi phí sản xuất dầu rất rẻ của nhóm nước xuất khẩu này.

Quy mô thị trường kết hợp của 10 thị trường kim loại hàng đầu lên tới 967 tỷ USD, ít hơn một nửa so với thị trường dầu mỏ. Trên thực tế, ngay cả khi chúng ta thêm tất cả các thị trường kim loại thô nhỏ hơn còn lại, thị trường dầu vẫn sẽ lớn hơn nhiều. Điều này cũng phản ánh quy mô lớn của tiêu thụ dầu toàn cầu hàng năm, với tài nguyên có mặt khắp nơi trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Quyền lực của OPEC và OPEC+

Thực hiện: Hải Minh

Đồ họa: Hải Minh