12:23 | 31/12/2023   964 lượt xem

Nhìn lại một năm “biến động” chưa từng có của giá vàng

Dấu ấn thị trường vàng năm 2023 và dự báo năm 2024

Nhìn lại một năm “biến động” chưa từng có của Giá vàng

Năm 2023, đặc biệt là những ngày cuối cùng của năm ghi nhận sự biến động rất mạnh của giá vàng. Tại Việt nam gía vàng miếng SJC, vàng nhẫn đã liên tiếp thiết lập mức giá kỉ lục. Sự biến động này thậm chí diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn, dồn dập.

liên tục lập kỉ lục

Liên tục tăng khiến khoảng cách giá vàng thế giới với giá vàng trong nước có những thời điểm giãn rộng lên tới mức 16,17 triệu đồng/ lượng. Cùng với đó, giá mua vào và bán ra của các cửa hàng kinh doanh vàng cũng có khoảng cách rộng, có thời điểm chênh lệch hơn 2 triệu đồng/lượng.

Như vậy có thể thấy sự nóng lên của giá vàng ở thị trường trong nước đã tạo ra sự biến động chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây.

Năm 2023, giá vàng trong nước sau khi tăng liên tục trong tháng 1/2023, có lúc vượt 69 triệu đồng/lượng thì đã giảm và dao động trong phạm vi hẹp trên dưới 67 triệu đồng/lượng trong suốt hơn 5 tháng, từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 7.

Tuy nhiên, từ trung tuần tháng 9, giá vàng diễn biến đáng chú ý khi liên tục tăng, chạm mức 69,35 triệu đồng/lượng vào ngày 19/9, là mức cao nhất trong vòng 1 năm.

Đến trung tuần tháng 10, giá vàng vượt 70 triệu đồng/lượng. Từ đó đến nay, giá vàng dồn dập tăng mạnh. Trong 2 tháng, giá vàng đã tăng thêm hơn 10 triệu đồng/lượng.

Giá các loại vàng nhẫn trong nước cũng ghi nhận mức tăng tương ứng với vàng miếng. Hồi tháng 2/2023, giá giảm 400.000 đồng/lượng, về mức 54,65 triệu đồng. Từ tháng 3/2023, vàng nhẫn giao dịch quanh ngưỡng 56 - 57 triệu đồng, kéo dài suốt thời gian qua.

Đến tháng 11, giá vàng nhẫn liên tục tăng, vượt 59 triệu đồng/lượng, vượt 60 triệu đồng/lượng và đến ngày 28/12 đã gần chạm mốc vượt 63 triệu đồng/lượng, đắt nhất lịch sử.

Ngày 29/11/2023, giá vàng miếng SJC vọt lên mức 74,5 triệu đồng/lượng, được giới chuyên gia đánh giá cao nhất lịch sử, xô đổ kỷ lục 74 triệu đồng đã được lập tháng 3/2022.

Thế nhưng, liên tiếp những ngày cuối tháng 12, đỉnh điểm đến ngày 27/12, giá vàng miếng SJC ở chiều bán ra cao nhất ghi nhận 80,2 triệu/lượng. Một mốc giá thực sự “gây choáng” với thị trường.

Dấu ấn thị trường vàng năm 2023 và dự báo năm 2024

Như vậy, nếu so với với thời điểm đầu năm 67 triệu đồng/lượng thì đến nay giá vàng có thời điểm đã tăng lên hơn 13 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, giá vàng trong nước lao dốc mạnh sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 gửi công điện tới Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành về giải pháp quản lý thị trường vàng, trong đó yêu cầu điều hành giá trong nước theo thị trường, không để vênh cao với quốc tế.

Thời điểm 13h ngày 28/12/2023, ghi nhận giá vàng trong nước đã giảm sát về mức 79 triệu đồng/lượng bán ra. Tại Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn - SJC giá vàng SJC niêm yết chiều mua vào ở mức 77,7 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 79,2 triệu đồng/lượng. So với rạng sáng cùng ngày, giá vàng tại đơn vị này giảm 100.000 đồng chiều mua vào và giảm 320.000 đồng chiều bán ra.

Dấu ấn thị trường vàng năm 2023 và dự báo năm 2024
NHNN khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Nhìn sang thị trường thế giới, từ đầu tháng 12/2023 đến nay, giá vàng quốc tế tăng mạnh trên mức 2.000 USD/oz. Riêng ngày 26/12/2023, giá vàng quốc tế giao dịch quanh mức 2.063 USD/oz, tăng 232 USD/oz (tương đương tăng 12,7%) so với đầu năm. Trước đà tăng của giá vàng quốc tế, giá vàng miếng SJC trong nước diễn biến tăng theo. Riêng trong ngày 26/12/2023, giá vàng miếng SJC biến động mạnh, gần trưa lên đến 80 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, đến giờ giao dịch buổi chiều, giá mua bán vàng miếng SJC đã giảm nhanh trở lại, xuống mức 77,4-79,23 triệu đồng/lượng.

Ngày 28/12/2023, giá vàng quốc tế tăng 19 USD/oz, giá mua bán vàng SJC trong nước quanh mức 78,2 - 79,87 triệu đồng/lượng.

Giá vàng tăng là điều đã được dự báo?

Việc giá vàng SJC tăng mạnh theo các chuyên gia phân tích cũng là điều dễ hiểu bởi những nguyên nhân cũng có thể nhìn thấy rõ.

Giới chuyên gia nhận định giá vàng trong nước tăng một phần do vàng thế giới vẫn đang nhích lên sau khi tăng mạnh trước đó và được đánh giá vẫn đang nằm trong một xu hướng tăng. Trong khi đó, vàng thế giới được dự báo có thể đạt đỉnh trong năm 2024, khi đồng USD đang trong xu hướng suy giảm. Nước Mỹ sẽ buộc phải hạ lãi suất khi kinh tế suy yếu và lạm phát hạ nhiệt.

Thêm vào đó, yếu tố mùa vụ cũng là nguyên nhân thúc đẩy giá vàng SJC trong nước tăng cao, bởi người dân thường có xu hướng mua vàng vào dịp lễ tết để biếu, tặng quà.

Lý giải về những biến động khó lường của giá vàng trong nước và thế giới, ông Trần Quang Trung - Giám đốc Phát triển Kinh doanh của OneHousing cho rằng, việc tác động đến giá vàng liên quan 2 vấn đề, một là chính sách điều tiết tiền tệ của thị trường thế giới, trong đó có FED và yếu thứ hai liên quan đến các quy định về sở hữu vàng miếng ở Việt Nam.

Ông Trung cho rằng, đầu tiên về chính sách tiền tệ, khi mà Mỹ để lãi suất tiền gửi cao đồng nghĩa sẽ đẩy giá tiền USD lên, khi đó dòng tiền sẽ đổ xô về Mỹ. Nhưng khi có tín hiệu là FED dừng hoặc kết thúc chu kỳ tăng lãi suất, người ta không lựa chọn đồng USD nữa. Và năm 2024, đồng USD sẽ giảm sức ảnh hưởng của nó. Đồng nghĩa đây là cơ hội đồng tiền điện tử tăng giá.

Đặc biệt là vàng, do bất ổn của thị trường và tình hình chính trị thế giới, trong đó liên quan đến câu chuyện về chiến tranh Nga - Ukraine còn dai dẳng và tình hình Trung Đông có nhiều diễn biến khó lường. Vì thế, giá vàng thế giới và trong nước liên tục biến động.

Dấu ấn thị trường vàng năm 2023 và dự báo năm 2024
Ảnh: Dân Việt

Trả lời trên kênh VOV, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, diễn biến của giá vàng có thể nhận định là tăng sốc, tăng nóng, tuy nhiên mức độ sốc cũng không quá lớn với diễn biến trên thị trường tiền tệ cũng như yếu tố về địa chính trị trong năm 2022 và năm 2023. Cùng với đó, một số phản ứng của các ngân hàng trung ương trước chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất của một số nền kinh tế phát triển trên thế giới thì sự tăng lên của giá vàng cũng được dự báo từ trước.

Lý giải về việc tại sao, những quy định chặt chẽ của Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, lâu nay thị trường vàng Việt Nam vẫn được xem là không có liên thông gì với thị trường vàng thế giới nhưng khi giá vàng thế giới tăng thì lập tức giá vàng trong nước tăng, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng cần lưu ý mấy điểm về đặc điểm của thị trường vàng Việt Nam.

Việc giá vàng trên thị trường trong nước phục thuộc thế giới là một việc hoàn toàn bình thường có thể giải thích được vì nguồn nguyên liệu vàng sử dụng trong nước chúng ta nhập khẩu hoàn toàn, sản xuất trong nước rất ít thậm chí có sản xuất cũng chỉ để xuất khẩu chứ không phải sử dụng cho thị trường vàng trong nước do đó mỗi khi thị trường vàng thế giới có biến động mạnh sẽ tác động trực tiếp vào thị trường vàng Việt Nam.

Dấu ấn thị trường vàng năm 2023 và dự báo năm 2024

Người dân xếp thành hàng, chờ đến lượt để vào mua vàng trong ngày vía Thần Tài năm Quý Mão 2023. Ảnh: KTNT

Mỗi một năm theo Hội đồng vàng thế giới đánh giá, Việt Nam nhập khẩu khoảng từ 40-50 tấn vàng để sử dụng trong nước dưới dạng vàng trang sức, vàng hàng hoá và vàng tiền tệ. Rõ ràng sự biến động của giá vàng là có thể giải thích được.

Ở góc độ quản lý NHNN khẳng định trước biến động mạnh của giá vàng quốc tế và trong nước những ngày gần đây, khối lượng giao dịch cả chiều mua, lẫn chiều bán vàng đều tăng nhẹ, tuy nhiên thị trường vàng miếng SJC nhìn chung không biến động bất thường, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng khi giá vàng tăng cao như giai đoạn trước đây.

Theo đánh giá của NHNN, nguyên nhân khiến giá vàng miếng SJC trong nước tăng mạnh trong những ngày vừa qua chủ yếu do yếu tố tâm lý trước đà tăng liên tục của giá vàng quốc tế. Do vậy, trong những ngày giá vàng quốc tế biến động tăng mạnh, giá vàng miếng SJC trong nước thường tăng với tốc độ nhanh hơn.

sửa Nghị định 24 để “cởi trói” cho thị trường vàng

Nghị định 24/2012/NĐ-CP ban hành nhằm tạo ra một khung chính sách quản lý thị trường vàng, nhằm đảm bảo ổn định và trật tự. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện, những hạn chế nảy sinh, từ việc cản trở nhập khẩu vàng, đã gây ra sự khan hiếm của loại vàng SJC và chênh lệch giá so với thị trường quốc tế.

Điều này tạo ra một vấn đề là việc ngăn chặn các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu trong khi Ngân hàng Nhà nước có quyền độc quyền nhập khẩu nhưng lại không tiến hành việc này. Kết quả, nguồn cung vàng giảm, đặc biệt khi một số doanh nghiệp phải sử dụng vàng SJC cho sản xuất vàng trang sức.

Dấu ấn thị trường vàng năm 2023 và dự báo năm 2024
Ảnh: Dân Việt

Nhìn nhận vấn đề, sự chênh lệch lớn giữa giá vàng nội địa và thế giới đã tạo khoảng trống lợi nhuận, thúc đẩy việc nhập khẩu lậu vàng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thị trường nội địa mà còn làm cho nền kinh tế và người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải điều chỉnh Nghị định 24/2012/NĐ-CP để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển ngành vàng. Bằng cách này, chúng ta có thể đảm bảo cung cấp vàng ổn định, đồng thời bảo đảm rằng giá vàng trong nước không chênh lệch quá lớn so với thế giới, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Theo ông Đinh Nho Bảng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA), Nghị định 24/2012/NĐ-CP không tách bạch giữa quản lý Nhà nước và sản xuất kinh doanh. Một Nghị định về quản lý Nhà nước nhưng lại giao cho cơ quan quản lý Nhà nước tham gia thị trường. Nghị định quy định ngân hàng Nhà nước nhập khẩu vàng về, dập ra vàng miếng SJC và bán ra thị trường. Tuy nhiên, không có ngân hàng Trung ương nào đi sản xuất vàng để bán ra thị trường.

Ngân hàng Nhà nước không nên làm việc đó, nếu ngân hàng Nhà nước nhập hàng về bán, đã bán thì phải có mua. Khi đó cơ quan Nhà nước trở thành doanh nghiệp, “vừa đá bóng vừa thổi còi”, điều này trái thông lệ quốc tế. Cơ quan quản lý Nhà nước có chức năng can thiệp thị trường bằng chính sách chứ không phải bằng hàng hóa.

Cũng theo ông Bảng, mặc dù Nghị định 24/2012/NĐ-CP có quy định quản lý chặt chẽ vàng miếng, phát triển thị trường vàng trang sức, nhưng các Điều trong Nghị định này không thực hiện trọn vẹn. Thêm vào đó, Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định nguyên tắc, thủ tục, điều kiện để ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp, tuy nhiên, 11 năm qua thực tế không cấp.

“Không có Nghị định nào áp dụng 11 năm như vậy, Nghị định thông thường từ 2-5 năm là cần xem xét, chỉnh sửa để phù hợp với biến động của thị trường. Chính sách phải định hướng dẫn dắt thị trường, chứ không phải ngược lại”, ông Bảng bày tỏ.

Ông Nguyễn Thế Hùng, phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng Công điện số 1426/CĐ-TTg của Thủ tướng chỉ đạo việc chấn chỉnh và bình ổn thị trường vàng là rất cần thiết và kịp thời trước diễn biến giá vàng thời gian qua, nhất là hiện tượng giá vàng SJC có mức chênh lệch quá lớn với giá thế giới.

Cũng theo ông Hùng, những vấn đề được Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh cho thấy những bất cập của nghị định 24 quản lý hoạt động kinh doanh vàng đang bộc lộ rõ nét. Đây cũng là những vấn đề mà Hiệp hội Kinh doanh vàng đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh.

Trong đó, để không còn độc quyền, đẩy giá thương hiệu vàng SJC, cần cho phép các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức nhập khẩu nguyên liệu, xem vàng nữ trang là mặt hàng kinh doanh bình thường, thay vì là mặt hàng kinh doanh có điều kiện như hiện nay.

Trong động thái mới đây nhất, NHNN khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng.

Trong tháng 1/2024, NHNN sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thị trường vàng quốc tế và trong nước, NHNN khuyến cáo người dân nên thận trọng trong giao dịch vàng.

giá vàng 2024 sẽ ra sao?

Trong báo cáo triển vọng vàng năm 2024 công bố mới đây, WGC cho rằng, căng thẳng địa chính trị có thể gia tăng trong năm bầu cử quan trọng ở nhiều nền kinh tế lớn kết hợp với lực mua mạnh từ các ngân hàng trung ương tiếp tục cung cấp thêm hỗ trợ cho vàng trong năm tới. Bên cạnh đó, vẫn chưa có gì là chắc chắn về việc nền kinh tế Mỹ có “hạ cánh mềm” được hay không, trong khi khả năng suy thoái vẫn hiện hữu. Điều này sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ các biện pháp phòng ngừa rủi ro hiệu quả, chẳng hạn vàng, trong danh mục đầu tư của họ.

Hiện nhiều dự báo cho rằng, mức giá trên 2.000 USD/ounce đối với giá vàng thế giới chưa phải là điểm dừng chân cuối cùng của vàng.

Theo Ngân hàng ING Bank của Hà Lan, sức mạnh của đồng USD trong năm 2023 đã gây áp lực giảm giá rất mạnh lên vàng. Tuy nhiên sang năm 2024, tình hình sẽ khác hẳn. Đa số các yếu tố hỗ trợ cho vàng, từ một đồng USD khó tránh khỏi xu hướng sụt giảm do Mỹ nới lỏng chính sách tiền tệ, cho tới những bất ổn địa chính trị và sự kém hấp dẫn của nhiều kênh đầu tư.

Ngân hàng Bank of America kỳ vọng giá vàng sẽ tăng lên 2.400 USD/ounce vào năm 2024. Ngân hàng Saxo của Nhật dự báo vàng sẽ chạm 2.300 USD/ounce.

Dấu ấn thị trường vàng năm 2023 và dự báo năm 2024

Tại Việt Nam, các chuyên gia cũng nhìn nhận, tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2024 còn đối mặt nhiều thách thức, song cũng có không ít cơ hội. Việc đầu tư vào lĩnh vực nào phụ thuộc chủ yếu vào tình hình tài chính, kiến thức, kinh nghiệm... của từng cá nhân. Và điều quan trọng nhất là tuỳ theo khẩu vị rủi ro của mỗi người, nhưng không nên "bỏ trứng vào một giỏ".

Theo ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam xu hướng giá vàng năm 2024 tăng nhiều hơn giảm. Nếu giá vàng thế giới tiếp tục tăng, giá vàng trong nước điều chỉnh theo, trừ trường hợp, trong nước cho nhập vàng nguyên liệu về sản xuất vàng SJC.

Dấu ấn thị trường vàng năm 2023 và dự báo năm 2024

Ở một góc nhìn khác, lãnh đạo một công ty vàng chia sẻ với báo chí rằng, nút thắt hiện nay đang nằm ở việc liệu Ngân hàng Nhà nước có cấp phép cho Công ty SJC dập thêm vàng miếng SJC hay không.

Vì từ năm 2014 Công ty SJC không được cấp phép dập thêm vàng miếng mà chỉ được dập lại một lượng rất ít vàng miếng đã sản xuất nhiều năm trước bị móp méo. Điều đó có nghĩa suốt 10 năm qua, nguồn cung vàng miếng SJC ra thị trường không tăng thêm mà còn "hao hụt" đi do các công ty vàng chuyển hóa sang vàng trang sức, mỹ nghệ, sau đó đem đi xuất khẩu.

"Sau tuyên bố can thiệp của cơ quan quản lý, người đu đỉnh vàng với giá 80 triệu đồng/lượng rơi vào trạng thái "đu đỉnh". Nếu Ngân hàng Nhà nước mạnh tay cấp quota vàng và cho phép Công ty SJC dập thêm vàng miếng SJC, dù chỉ với số lượng hạn chế, thì cũng đủ sức khiến cho giá vàng miếng SJC sập về ngưỡng 65 triệu đồng/lượng", vị này dự báo.

Hải Minh

Đồ họa: Hải Minh