09:57 | 21/02/2025   40 lượt xem

Dồn lực cho mục tiêu tăng trưởng trên 8%

Dồn lực cho mục tiêu tăng trưởng trên 8%

Hàng loạt động thái cho thấy Chính phủ đang rất quyết tâm đạt được tăng trưởng kinh tế trên 8% trong năm nay.

Quyết tâm tăng trưởng trên 8%

Tại Kỳ họp thứ tám, ngày 12/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Nghị quyết số 158/2024/QH15), trong đó xác định chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2025 khoảng 6,5 - 7,0%, phấn đấu khoảng 7,0 - 7,5%.

Dồn lực cho mục tiêu tăng trưởng trên 8%

Ngày 27/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 140/CĐ-TTg về việc phấn đấu năm 2025 tăng trưởng kinh tế hai con số. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng kịch bản tăng trưởng để thực hiện, phấn đấu năm 2025 đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu 8%, trong điều kiện thuận lợi thì phấn đấu đạt tăng trưởng hai con số.

Ngày 8/1/2025, tại Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng ít nhất 8%.

Dồn lực cho mục tiêu tăng trưởng trên 8%

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra từ chiều 23 đến ngày 24/1, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất với đề án bổ sung mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.

Ngày 5/2/2025, tại Phiên họp thường kỳ tháng 1/2025, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực, địa phương bảo đảm tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên (Nghị quyết số 25/NQ-CP). Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương khẩn trương xây dựng kịch bản tăng trưởng và chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo thẩm quyền, kiến nghị, đề xuất giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng hằng tháng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.

Tại Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 dự kiến diễn ra từ ngày 12 đến 19/2/2025.

Đề án thúc đẩy tăng trưởng

Sáng 12/2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày tờ trình Đề án bổ sung phát triển kinh tế - xã hội 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt từ 8% trở lên.

Năm 2025 được xác định là cột mốc quan trọng, đánh dấu năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, đồng thời tạo tiền đề vững chắc cho Chiến lược phát triển 10 năm 2021-2030. Trong tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh mục tiêu tăng tốc, bứt phá để đạt các chỉ tiêu phát triển, đồng thời chuẩn bị tốt các nền tảng cần thiết cho giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước.

Chính phủ đề nghị điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên, đưa quy mô GDP vượt mức 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt trên 5.000 USD. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân được đề xuất điều chỉnh trong khoảng 4,5 - 5% để đảm bảo dư địa trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng sẽ đóng vai trò dẫn dắt, trong đó tăng trưởng GRDP của các địa phương phải đạt tối thiểu 8 - 10%. Đồng thời, Chính phủ cũng đề xuất cơ chế khuyến khích phù hợp với các địa phương có mức tăng trưởng cao, có điều tiết về Trung ương.

Dồn lực cho mục tiêu tăng trưởng trên 8%

Nhằm thúc đẩy tăng trưởng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh và đổi mới các động lực tăng trưởng truyền thống, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nâng cao chất lượng nhân lực. Trường hợp cần thiết, Chính phủ có thể điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên khoảng 4-4,5% GDP để huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển. Dự báo nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể chạm hoặc vượt ngưỡng cảnh báo, ở mức khoảng 5% GDP.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu và kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 do Chính phủ đề xuất. Đối với mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%, Ủy ban Kinh tế lưu ý Chính phủ cần theo dõi chặt chẽ diễn biến kinh tế, chính trị thế giới, đặc biệt là những tác động từ xung đột địa chính trị, chiến tranh thương mại và chính sách bảo hộ của các nước lớn. Đầu tư công trong năm 2025 được xác định là một trong những trụ cột quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, với tổng số vốn phân bổ gần 890.000 tỷ đồng. Do đó, cần có các giải pháp cụ thể để đổi mới quản lý đầu tư công, gắn trách nhiệm thực hiện, nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

Dồn lực cho tăng trưởng

Chiều 14/2, thảo luận tại Tổ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với các nhóm giải pháp Chính phủ đề ra, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu cần quyết tâm cao, giải pháp đột phá với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, ngành cũng như mỗi địa phương.

Theo các đại biểu, có nhiều cơ sở để xem xét tính khả thi của Đề án này, đặc biệt là những kết quả tích cực đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; việc thực hiện các khâu đột phá, hệ thống hạ tầng đầu tư tương đối đồng bộ, toàn diện; một số hạn chế tồn tại kéo dài đã và đang được quyết tâm khắc phục. Đây là nền tảng quan trọng để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2025.

Dồn lực cho mục tiêu tăng trưởng trên 8%

Theo đại biểu Vũ Hồng Thanh (Đoàn Quảng Ninh), Đề án đặt chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5% là phù hợp. Tuy nhiên, đây là chỉ tiêu rất quan trọng nên cần có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Đặc biệt, theo đại biểu, cần quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các dự án, doanh nghiệp. Hiện nay, người dân, doanh nghiệp không đưa tiền vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tiền “chôn” trong ngân hàng nên phải có những cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực này để đưa vào sản xuất kinh doanh mới đẩy được tăng trưởng 8%.

“Vừa qua, Chính phủ đã có nghị quyết giao chỉ tiêu cho từng bộ, ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương phải đạt mức tăng trưởng, nhưng các đơn vị, địa phương cũng cần phải có thêm các giải pháp đột phá, cộng dồn lại mới có thể đạt được chỉ tiêu đầy thách thức này” - đại biểu Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Việt Hà (Đoàn Tuyên Quang) cho rằng, hiện nay, vốn của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tín dụng, gây khó khăn cho nền kinh tế và áp lực rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, thị trường trái phiếu, chứng khoán, bảo hiểm là những thị trường chủ yếu huy động vốn trung, dài hạn thì đang gặp khó khăn, không phải là kênh huy động vốn chủ yếu cho doanh nghiệp. Do vậy, đại biểu đề nghị cần tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bảo hiểm, các quỹ đầu tư để mở rộng nguồn cung vốn cho nền kinh tế.

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8%, bắt buộc phải dồn mọi sức lực, vượt qua khó khăn.

“Vừa qua, Chính phủ có Nghị quyết số 25/NQ-CP giao chỉ tiêu tăng trưởng, mỗi địa phương phải tăng trưởng bao nhiêu, mỗi ngành phải hành động gì. Nếu tất cả cùng hành động sẽ tạo xung lực, đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra”- đại biểu Cường nói.

Dồn lực cho mục tiêu tăng trưởng trên 8%

Nội dung - Đồ họa: Diệp Quỳnh