05:56 | 18/01/2024   1,898 lượt xem

Aramco - “Người khổng lồ” trong thế giới dầu mỏ

Aramco - “Người khổng lồ” trong thế giới dầu mỏ

Tính đến tháng 1 năm 2024, Công ty dầu khí Saudi Aramco của Arabia Saudi có vốn hóa thị trường là 2.146 tỷ USD, tương đương tổng giá trị của 14 công ty đứng liền sau đó trên bảng xếp hạng các công ty dầu khí lớn nhất thế giới.

Đế chế của những con số kỷ lục

Saudi Aramco, ban đầu có tên là Arabian American Oil Company, được thành lập vào năm 1933 sau khi chính phủ Arabia Saudi cấp quyền thăm dò dầu mỏ cho Standard Oil Co. of California (nay là Chevron). Phát hiện dầu mỏ đầu tiên gần Dhahran vào năm 1938 đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của công ty mặc dù vào thời điểm đó, từ năm 1934 đến năm 1940, giá dầu bình quân ở Mỹ chỉ dao động từ 1 USD đến 1,18 USD/thùng do khủng hoảng thừa dầu mỏ.

Trong những năm 1970 và 1980, chính phủ Arabia Saudi đã dần dần mua lại quyền sở hữu của Aramco và chính thức đổi tên công ty thành Saudi Aramco vào năm 1988.

Saudi Aramco ngày nay không chỉ là nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới mà còn là một trong những người chơi chính trong việc định hình tương lai của ngành năng lượng. Saudi Aramco cũng có tầm ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế và chính trị của Arabia Saudi. Chính phủ Arabia Saudi nắm giữ tới 98,5% cổ phần của công ty. Aramco hiện đang sử dụng khoảng 70.000 nhân viên trên toàn thế giới, bao gồm cả các công ty con ở Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, UAE, Mỹ, Anh và nhiều nước khác.

Aramco - “Người khổng lồ” trong thế giới dầu mỏ

Aramco là công ty thường xuyên đạt lợi nhuận hàng năm cao nhất trong lịch sử doanh nghiệp toàn cầu. Công ty quản lý một trong những mạng lưới hydrocarbon lớn nhất thế giới, với tổng doanh thu đạt 535,188 tỷ USD, lợi nhuận ròng 161,068 tỷ USD vào năm 2022.

Năm 2023, tuy chỉ đứng thứ 3 thế giới về giá trị doanh nghiệp nhưng lợi nhuận ròng của Saudi Aramco vẫn đạt 195,1 tỷ USD, suýt soát bằng tổng lợi nhuận của cả hai công ty lớn nhất thế giới là Apple và Microsoft cộng lại và gấp gần 3 lần so với “chàng khổng lồ” thứ hai trong lĩnh vực dầu khí là Exxon Mobil của Mỹ.

Những kết quả này là một phần của chiến lược đầu tư vào chuỗi hydrocarbon, mở rộng và đa dạng hóa quy mô lớn, bao gồm cả việc thâm nhập vào thị trường khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và thị trường Nam Mỹ thông qua chiến lược chuyển đổi hạ nguồn, đồng thời tận dụng các công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa hoạt động và phát triển các giải pháp năng lượng mới. Các động thái mở rộng chiến lược do Saudi Aramco thực hiện đã cho thấy cách tiếp cận chủ động để tăng trưởng và đa dạng hóa, củng cố hơn nữa vị thế công ty có lợi nhuận cao nhất thế giới.

Là một trong những công ty lớn nhất và quan trọng nhất trong ngành công nghiệp dầu mỏ với vai trò không thể phủ nhận trong việc định hình và duy trì nguồn cung năng lượng toàn cầu, Aramco hoạt động qua hai phân khúc chính: Phân khúc Upstream (thượng nguồn) chuyên về thăm dò, phát triển và sản xuất dầu thô, ngưng tụ, khí đốt tự nhiên và chất lỏng khí tự nhiên, trong khi phân khúc Downstream (hạ nguồn) bao gồm lọc dầu và hóa dầu, dầu nhờn cơ bản, hoạt động bán lẻ, phân phối, cung ứng và giao dịch, và các hoạt động phát điện.

Aramco - “Người khổng lồ” trong thế giới dầu mỏ

Nhà máy lọc dầu Ras Tanura, một trong những nhà máy lớn nhất thế giới chế biến 550.000 thùng/ngày

Aramco cũng nổi tiếng với việc quản lý một số mỏ dầu lớn nhất thế giới, bao gồm mỏ dầu Ghawar - mỏ dầu onshore lớn nhất thế giới, và mỏ dầu Safaniya - mỏ dầu offshore lớn nhất thế giới. Dự án dầu khí Shaybah của Saudi Aramco là một kỳ tích kỹ thuật giúp giảm bớt những khó khăn khi vận hành ở những sa mạc xa xôi và dường như không thể vượt qua. Aramco đã xây dựng những con đường nhựa và một đường băng trên sa mạc được gọi là Empty Quarter để mang thiết bị cần thiết cho việc xây dựng trạm khai thác. Mỏ dầu Shaybah là bước phát triển quan trọng giúp Aramco có khả năng duy trì năng lực sản xuất khoảng 12 triệu thùng dầu/ngày.

Saudi Aramco vận hành nhiều nhà máy lọc dầu tại Saudi Arabia và quốc tế. Trong nước, những nhà máy lớn bao gồm Nhà máy lọc dầu Ras Tanura, một trong những nhà máy lớn nhất thế giới chế biến 550.000 thùng/ngày và Nhà máy lọc dầu Yanbu. Để đảm bảo nhu cầu về dầu thô của mình trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng lớn từ các nhà cung cấp khác, Aramco đã và đang xây dựng các nhà máy lọc dầu liên doanh ở nước ngoài, từ Mỹ đến Ấn Độ và trên khắp Trung Quốc và Nhật Bản. Những nhà máy này đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu của Aramco, chuyển đổi dầu thô thành các sản phẩm dầu mỏ khác nhau.

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính khi Thủ tướng thăm Vương quốc Saudi Arabia tháng 10/2023 vừa qua, ông Yasser M.Mufti, Phó Chủ tịch Điều hành Aramco đã bày tỏ mong muốn tìm hiểu thị trường, nắm bắt các cơ hội để tiến hành đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là trong xây dựng các nhà máy lọc hóa dầu. Hiện Aramco cung cấp dầu thô cho các doanh nghiệp ở Việt Nam, song chưa có đầu tư trực tiếp.

Aramco   “Người khổng lồ” trong thế giới dầu mỏAramco   “Người khổng lồ” trong thế giới dầu mỏ

Một trong những câu chuyện ấn tượng về Saudi Aramco liên quan đến việc họ trở thành công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới sau khi niêm yết cổ phiếu lần đầu trên Sàn giao dịch chứng khoán Riyadh (Tadawul) vào ngày 11 tháng 12 năm 2019, với giá trị vốn hóa thị trường ban đầu là khoảng 1,88 nghìn tỷ USD và vượt qua mức 2 nghìn tỷ USD vào ngày giao dịch thứ hai, một con số khổng lồ mà không nhiều công ty trên thế giới có thể đạt được. Điều này không chỉ phản ánh tầm quan trọng kinh tế của Saudi Aramco mà còn cho thấy sức mạnh của ngành dầu mỏ trong nền kinh tế thế giới.

Đây là một sự kiện quan trọng trong lịch sử tài chính toàn cầu, đánh dấu một bước ngoặt trong quá trình phát triển của công ty và ngành công nghiệp dầu mỏ. Sự kiện đó cũng phản ánh sức hút của thị trường chứng khoán Arabia Saudi và sự quan tâm rộng lớn của các nhà đầu tư toàn cầu đối với ngành năng lượng. Nó cũng là một phần trong kế hoạch lớn hơn của Arabia Saudi nhằm đa dạng hóa nền kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ thông qua Sáng kiến 2030 của Hoàng gia. Câu chuyện này nổi bật không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt chiến lược, phản ánh sự thay đổi trong cách thức các quốc gia sản xuất dầu mỏ quản lý nguồn lực của mình và hướng tới tương lai năng lượng toàn cầu.

Không ngừng củng cố sức mạnh

Trong 10 năm qua, Saudi Aramco đã chứng kiến những thay đổi và phát triển đáng kể về mặt sản xuất kinh doanh. Aramco không chỉ là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới mà còn là một trong những công ty có chi phí sản xuất thấp nhất. Một số điểm nổi bật trong chiến lược và hoạt động của Aramco trong những năm gần đây bao gồm tiếp tục phát triển mảng kinh doanh Upstream, với mục tiêu duy trì vị thế là công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới về khối lượng sản xuất. Mở rộng hoạt động kinh doanh Downstream thông qua các thương vụ mua bán và đầu tư chiến lược. Tập trung vào các sáng kiến giảm carbon, hướng tới mục tiêu đạt lượng khí thải Scope 1 và Scope 2 ròng bằng không vào năm 2050. Thực hiện các khoản đầu tư quan trọng trong các dự án hóa dầu và năng lượng tái tạo.

Là một trong những nhà cung cấp chính của Trung Quốc, Aramco đã ký các hợp đồng mới cung cấp khoảng 1,7 triệu thùng dầu thô mỗi ngày cho nước này từ năm 2019. Các thỏa thuận này sẽ cho phép hãng giành lại vị trí hàng đầu từ các đối thủ cạnh tranh như Nga.

Aramco - “Người khổng lồ” trong thế giới dầu mỏ

Saudi Aramco bán dầu thông qua một hệ thống phức tạp, bao gồm các hợp đồng dài hạn và giao dịch trên thị trường hàng hóa toàn cầu. Họ cung cấp dầu cho nhiều quốc gia và các công ty năng lượng lớn trên thế giới. Phương thức bán dầu của Aramco cũng linh hoạt để đáp ứng nhu cầu thị trường và biến động giá cả.

Những năm gần đây, Aramco cũng đã thực hiện một số thương vụ lớn như mua lại Valvoline Inc.'s global products business với giá 2,65 tỷ USD, mở rộng hoạt động ở châu Âu thông qua các thương vụ với PKN ORLEN và hợp tác với TotalEnergies để xây dựng một phức hợp hóa dầu lớn tại Arabia Saudi. Công ty cũng hợp tác với Stellantis để chứng minh khả năng tương thích của eFuel với 24 dòng động cơ tại châu Âu.

Bên cạnh việc mở rộng chiến lược kinh doanh, bao gồm thỏa thuận đầu tư quốc tế đầu tiên vào lĩnh vực LNG, Saudi Aramco cũng đang mở rộng hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và dự án năng lượng mới nhằm hỗ trợ chiến lược chuyển đổi năng lượng của họ. Họ đầu tư vào nhiều dự án nhằm phát triển năng lượng sạch, bao gồm năng lượng mặt trời và gió.

Ngoài ra, vào tháng 10 năm 2022, Aramco đã thiết lập Quỹ Bền vững trị giá 1,5 tỷ USD để đầu tư vào công nghệ hỗ trợ chuyển đổi năng lượng ổn định và bao trùm. Vào tháng 11, công ty đã ký kết thỏa thuận phát triển chung với Bộ Năng lượng để xây dựng một trong những trung tâm bắt giữ và lưu trữ carbon lớn nhất thế giới tại Jubail, Arabia Saudi nhằm mục tiêu giảm phát thải và tăng cường hiệu quả năng lượng.

Saudi Aramco, với vị thế là công ty sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, có ảnh hưởng đáng kể đến thị trường dầu khí thế giới. Là nhà sản xuất chính của một trong những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu, Aramco đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập giá dầu thô và cân bằng cung cầu trên thị trường, các quyết định của họ về sản lượng và đầu tư có thể ảnh hưởng sâu rộng đến giá cả năng lượng và chính sách năng lượng trên toàn cầu.

Aramco - “Người khổng lồ” trong thế giới dầu mỏ

Tháng 6 năm 2023, Saudi Aramco và tập đoàn năng lượng Total Energies của Pháp đã ký kết các hợp đồng để triển khai xây dựng tổ hợp hóa dầu Amiral trị giá 11 tỷ USD tại Saudi Arabia.

Nội dung: Hải Minh

Đồ họa: Hải Minh