Quy hoạch xây dựng trụ sở các tổng công ty: Đất vàng đắp chiếu, dự án nằm trên giấy

13:36 | 17/08/2018

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Được phê duyệt xây dựng trụ sở các tổng công ty, nhưng 28ha "đất vàng" trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) của 23 doanh nghiệp gần 10 năm nay "án binh bất động" hoặc bị biến tướng thành các hoạt động kinh doanh khác nhau, gây lãng phí tài nguyên đất, ngân sách nhà nước và nhếch nhác bộ mặt đô thị...
quy hoach xay dung tru so cac tong cong ty dat vang dap chieu du an nam tren giay5 dự án đường sắt đô thị đội vốn gần 5 tỷ USD
quy hoach xay dung tru so cac tong cong ty dat vang dap chieu du an nam tren giayHà Nội có ưu ái chủ đầu tư chiếm đất vàng rồi đắp chiếu?

Năm 2011, nhằm phục vụ mục tiêu xây dựng một khu tổ hợp cao ốc, văn phòng cho thuê hiện đại làm trụ sở các tổng công ty lớn, Hà Nội phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết khu vực trụ sở các tổng công ty tại Khu đô thị mới Cầu Giấy tỷ lệ 1/500 (ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy và xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm cũ). Tổng diện tích khu đất khoảng 28ha (gồm 7 ô đất ký hiệu từ E3 đến E9).

Đến tháng 9/2015, quy hoạch khu trụ sở các tổng công ty được điều chỉnh lại và UBND TP Hà Nội đã hiện thực hoá bằng quyết định 4377/QĐ-UBND, phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Theo đó, khu đất xây dựng được nằm trong ranh giới Khu đô thị mới Cầu Giấy (giáp mặt đường Phạm Hùng và đường Dương Đình Nghệ) thuộc địa bàn phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) và phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm).

Với quyết định này, Hà Nội kỳ vọng sẽ quy hoạch được đồng bộ trụ sở các tổng công ty có vị trí giáp mặt đường Phạm Hùng và Dương Đình Nghệ, với điểm nhấn là tòa nhà Keangnam.

quy hoach xay dung tru so cac tong cong ty dat vang dap chieu du an nam tren giay
Hà Nội kỳ vọng quy hoạch đồng bộ trụ sở các tổng công ty có vị trí giáp mặt đường Phạm Hùng và Dương Đình Nghệ.

Theo đó, tổ hợp trụ sở các tổng công ty được thiết kế theo hướng triển khai tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan khu vực, đảm bảo tính hiện đại với điểm nhấn là tổ hợp khách sạn Keangnam 5 sao cao 70 tầng (ở ô đất 12-E6). Từ đây, không gian độ cao được chuyển tiếp, có nhịp điệu cao thấp hài hòa với những công trình điểm nhấn tại các điểm ngã tư chính, như: Trụ sở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (ô đất 23-E3, cao 55 tầng), tổ hợp công trình của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ô đất 08-E7, cao 35 tầng), tổ hợp công trình cao 45 tầng (nằm trên lô đất E9).

Trước khi phê duyệt quy hoạch Tổ hợp trụ sở các tổng công ty tỷ lệ 1/500, Hà Nội đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối, với trục đường Phạm Hùng - Dương Đình Nghệ và các khu vực lân cận. Tuy nhiên, sau gần 10 năm nghiên cứu và lập quy hoạch, đến nay mới chỉ có tòa tháp Keangnam và trụ sở Tổng cục Hải Quan được triển khai đúng tiến độ, quy hoạch được phê duyệt.

Theo đó, tất cả những tòa cao ốc được vẽ thành tổ hợp công trình hiện đại làm trụ sở các tổng công ty vẫn chỉ nằm trên giấy chưa hẹn ngày khởi công, dẫn đến tình trạng đất vàng "đắp chiếu" gây lãng phí tài nguyên đất. Đáng nói là đa phần các khu đất trong vùng quy hoạch này bị đem ra cho thuê sử dụng sai mục đích nhiều năm qua, dẫn đến tình trạng nhiễu loạn, khó kiểm soát.

Thời gian qua, UBND quận Cầu Giấy, UBND phường Yên Hòa và các đơn vị chức năng đã nhiều lần có văn bản yêu cầu các tổng công ty được giao đất chấm dứt hợp đồng với các đơn vị thuê mặt bằng tại các ô đất, trả lại nguyên trạng, bàn giao mặt bằng, nhưng đến nay mọi thứ vẫn rơi vào bế tắc.

Trước tình trạng "đất vàng đắp chiếu" gây lãng phí, tháng 8/2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp với các Phó Chủ tịch, lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan về tình hình triển khai 23 dự án xây dựng tại khu vực quy hoạch trụ sở các tổng công ty.

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã làm việc với hầu hết các đơn vị được quy hoạch giao đất xây dựng trụ sở và ban hành nhiều văn bản đốc thúc các đơn vị này có báo cáo về việc triển khai dự án. Nhưng đến thời hạn cuối theo yêu cầu của Sở này, mới có 21/23 đơn vị được giao đất có báo cáo năng lực tài chính, kế hoạch triển khai dự án trên đất được giao.

Qua kết quả rà soát cho thấy, hiện mới có hai đơn vị đang thi công công trình là Tổng Công ty Xi măng Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam. Dự án Trung tâm điều hành và Giao dịch Vicem có tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng đến nay mới chỉ xây xong phần thô và đang trong tình trạng ngưng thi công.

Cùng với đó, có 9 đơn vị cam kết thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Hà Nội và vẫn còn nhu cầu triển khai dự án trong giai đoạn 2018-2022 là Công ty Cổ phần Hanel, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Hưng Hải Thăng Long, Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi), Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank)…

Ngoài ra, 8 đơn vị đề nghị tiếp tục thực hiện dự án nhưng thiếu cam kết hoặc không có báo cáo tài chính, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như: Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng (Coma), Công ty CP Viễn thông Hà Nội, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Tổng Công ty CP Thương mại và Xây dựng (Vitrancimex)…

Hai đơn vị cam kết thực hiện nhưng không nêu cụ thể thời gian triển khai dự án là Công ty CP Đầu tư Hàng không Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Còn 2 đơn vị không thực hiện việc báo cáo là Công ty TNHH SBIC - CFTD và Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Hợp Nhất.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, họ đã gửi đúng địa chỉ đăng ký hoạt động của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Hợp Nhất, nhưng công văn bị trả về và khi tra tìm trên mạng Internet thì đơn vị này không có địa chỉ liên lạc. Đặc biệt, có một doanh nghiệp lớn vẫn đề nghị được tiếp tục thực hiện dự án nhưng không có cam kết, không nộp báo cáo tài chính là Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC).

Trọng Đức - An Khang