Xung quanh thỏa thuận hạt nhân Iran

16:52 | 30/12/2020

|
(PetroTimes) - Tổng thống tương lai của Mỹ Joe Biden đã cam kết trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran. Nhiều bất ổn, đặc biệt xuất phát từ các lợi ích khác nhau, xoay quanh khả năng ông Biden thực hiện cam kết, sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu của Iran và thị trường dầu mỏ thế giới.

Kỳ I: Mối quan hệ "nóng - lạnh"

Xung quanh thỏa thuận hạt nhân Iran
Tổng thống tương lai của Mỹ Joe Biden đã cam kết trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran

Iran và Mỹ đã có một lịch sử quan hệ phức tạp trong một thời gian dài, lúc nóng tột độ, lúc lạnh cùng cực. 5 năm qua là minh chứng cho các giai đoạn thăng trầm khác nhau, với việc ký kết thỏa thuận Vienna về hạt nhân Iran (Kế hoạch hành động toàn diện chung - JCPoA) vào năm 2015, sự bác bỏ thỏa thuận này của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2018 và khả năng khôi phục thỏa thuận của Tổng thống Mỹ tương lai Joe Biden.

Vấn đề dầu mỏ của Iran trong bối cảnh hiện nay đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Iran và thế giới. Nó là một phần đặc biệt của an ninh năng lượng trong bối cảnh nguồn cung có thể suy giảm trong ngắn hạn và là một phần cuộc chiến chống biến đổi khí hậu yêu cầu giảm tiêu thụ dầu mỏ.

Nguồn gốc của thỏa thuận Vienna

Iran có khả năng đã tiến hành một chương trình hạt nhân quân sự, ít nhất là trong giai đoạn 1997-2003. Điều này công chúng biết đến bởi những tiết lộ trong cuộc họp báo ngày 14-8-2002 của Alireza Jafarzadeh, phát ngôn viên của Hội đồng Quốc gia kháng chiến Iran (NCRI), về sự tồn tại của hai cơ sở hạt nhân bí mật, một ở Natanz (làm giàu uranium), một ở Arak (dự án xây dựng một lò phản ứng nước nặng).

Mối đe dọa do khả năng Iran có được vũ khí hạt nhân đã khiến Mỹ và cộng đồng quốc tế thông qua Nghị quyết 1737 năm 2006 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran. Sau đó, Tổng thống ôn hòa Hassan Rouhani đắc cử năm 2013, các lựa chọn mới đã xuất hiện. Năm 2013, Iran và các nước “P5+1” (thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Đức) đã gặp nhau tại Vienna (Áo) đàm phán về việc tạm ngừng chương trình hạt nhân Iran để đổi lấy việc dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt kinh tế. Các cuộc đàm phán tiếp tục cho đến khi JCPoA được ký kết vào năm 2015 nhằm ngăn chặn Iran có được vũ khí hạt nhân. Theo đó, để có được sự nới lỏng một phần các biện pháp trừng phạt kinh tế, Iran phải giới hạn và kiểm soát nghiêm ngặt các hoạt động hạt nhân của mình.

Thỏa thuận Vienna quy định giảm dần các ràng buộc trong vòng 15-20 năm để chuyển từ chế độ đặc biệt đối với Iran (rất hạn chế và dành đặc quyền rộng rãi cho các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế) sang chế độ chung của các quốc gia không được trang bị vũ khí nhưng có các cơ sở hạt nhân dân sự.

Thỏa thuận Vienna không hoàn hảo, là kết quả của sự thỏa hiệp giữa các lợi ích rất khác nhau. JCPoA chỉ quy định duy nhất với vũ khí hạt nhân. Một số điểm quan trọng không được đề cập, chẳng hạn như vấn đề Iran phát triển tên lửa đạn đạo...

Xung quanh thỏa thuận hạt nhân Iran
Sự trở lại thị trường dầu mỏ thế giới của Iran đang là bài toán khó cho chính quyền Mỹ sắp tới

Hành động của Mỹ

Năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định rút khỏi JCPoA vì cho rằng thỏa thuận này là chưa đủ. Mỹ đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran, dần nhấn chìm những gì cộng đồng quốc tế đạt được 3 năm trước đó với Thỏa thuận hạt nhân Iran.

Tuy nhiên, Tehran tiếp tục tôn trọng các cam kết của mình trong một năm tiếp theo trước khi áp dụng cách tiếp cận mới, xa rời dần các cam kết của mình (tăng số lượng máy ly tâm, tích tụ uranium làm giàu thấp...). Với lý do những vi phạm này, Mỹ muốn kích hoạt một cơ chế có trong JCPoA để có thể áp dụng lại các biện pháp trừng phạt quốc tế sâu rộng đã được áp dụng đối với Iran. Tuy nhiên, sau khi rời khỏi JCPoA, quyết định chỉ được kích hoạt bởi các bên ký kết (Pháp, Anh, Trung Quốc, Nga và Đức).

Tóm lại cho đến nay tình hình như sau: việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Vienna rồi đơn phương leo thang các biện pháp trừng phạt chống lại Iran, ít nhiều được quốc tế tôn trọng vì tính ngoài lãnh thổ của luật pháp Mỹ và Iran đáp lại để thể hiện sự bất bình của mình với tình hình này.

Quan điểm sẽ đổi khác?

Mỹ sẽ có Tổng thống mới vào đầu năm 2021. ông Joe Biden đã nói rằng ông muốn quay trở lại JCPoA. Tuy nhiên, có rất nhiều trở ngại giữa mong muốn và hiện thực.

Khi đối mặt với việc xử lý thảm họa do đại dịch Covid-19 ở Mỹ, Iran có thể không phải là vấn đề ưu tiên của chính quyền tương lai. Sau đó, khả năng hành động của ông Joe Biden sẽ phụ thuộc vào đa số ghế mà chính quyền Joe Biden sẽ có (hoặc không) trong Thượng viện. Nếu đảng Cộng hòa giữ được đa số, ông Joe Biden sẽ khó có thể đảo ngược các lệnh trừng phạt mà Tổng thống Donal Trump áp đặt.

Ông Joe Biden cũng có thể muốn cam kết với đảng Cộng hòa cũng như một phần đảng Dân chủ bằng cách buộc Iran phải mở rộng thỏa thuận, như thêm vào tình hình khu vực hoặc việc phát triển tên lửa đạn đạo. Điều này sẽ làm phức tạp đáng kể các cuộc đàm phán với Iran, vì Tehran từng tuyên bố sẽ không đàm phán lại.

Giá dầu cũng sẽ ảnh hưởng đến những nỗ lực mà ông Joe Biden chuẩn bị để bảo đảm các cuộc đàm phán với Iran thành công. Nếu giá dầu vẫn ở mức thấp, chính quyền Mỹ tương lai sẽ không cho phép Iran trở lại thị trường dầu mỏ vì điều này có hại cho sản xuất dầu đá phiến của Mỹ. Ngược lại, nếu giá dầu tăng sẽ có tác động trở lại nền kinh tế Mỹ và thúc đẩy chính quyền tương lai tìm kiếm một thỏa hiệp với Iran để cho phép Iran bán dầu của mình.

(Xem tiếp số sau)

S.Phương