Wood Mackenzie: 10 dự đoán về năng lượng trong năm 2021

09:00 | 24/12/2020

|
(PetroTimes) - Các nhà phân tích của Wood Mackenzie vừa đưa ra những dự báo năng lượng trong năm 2021, từ thị trường dầu mỏ đến lĩnh vực NLTT và quá trình chuyển đổi năng lượng.
Mỹ ủng hộ Châu Âu nối dài cánh tay năng lượng tới đồng minh IsraelMỹ ủng hộ Châu Âu nối dài cánh tay năng lượng tới đồng minh Israel
Tin thị trường: Thị trường 2021 dần ổn địnhTin thị trường: Thị trường 2021 dần ổn định
Wood Mackenzie: 10 dự đoán về năng lượng trong năm 2021

Nhu cầu dầu phục hồi

Với việc vacxin Covid-19 của Pfizer và BioNTech bắt đầu được triển khai tại Anh và Mỹ từ giữa tháng 12/2020, Wood Mackenzie dự báo, sự lây lan của đại dịch sẽ bắt đầu giảm dần trong quý I/2021. Vì vậy, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng lên trung bình 6,6 triệu thùng/ngày trong năm 2021. Hiện tại, Trung Quốc đã ghi nhận nhu cầu dầu mỏ tăng mạnh trong quý IV/2020 so với cùng kỳ năm 2019. Sự thay đổi lớn về nhu cầu dầu của nước này là dấu hiệu đầu tiên cho thấy nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng trong năm tới. Xu hướng này sẽ thắt chặt cân bằng cung cầu vào nửa cuối năm 2021 và hỗ trợ giá dầu.

Lĩnh vực dầu khí thượng nguồn sẽ tiếp tục trải qua tình trạng ảm đạm trong năm 2021 ngay cả khi giá dầu tăng

Đầu tư vào lĩnh vực thượng nguồn sẽ duy trì ở mức khoảng 300 tỷ USD vào năm 2021. Các phản ứng trước tín hiệu tích cực của giá dầu sẽ không tương xứng với khả năng phục hồi của lĩnh vực thượng nguồn. Các dự án sẽ ngày càng bị siết chặt về các quy định môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp. Hơn nữa, năm 2020 đánh dấu sự quan tâm mạnh mẽ lĩnh vực carbon thấp và chi phí thấp. Hướng đi này sẽ tiếp tục nhân được sự quan tâm của các bên trong ngành công nghiệp dầu mỏ.

Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi các công ty dầu khí sang công ty năng lượng carbon thấp

Các tập đoàn dầu khí hàng đầu châu Âu đã đặt ra các mục tiêu không phát thải ròng carbon trong năm 2020 và sẽ tiếp tục xây dựng nền tảng không phát thải ròng bằng cách tăng đầu tư vào các công nghệ carbon thấp. Sự thay đổi trong chính quyền Mỹ, Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP 26 (2021) và sự thay đổi tâm lý của các bên liên quan sẽ gây áp lực lên các công ty dầu khí quốc tế và công ty dầu khí quốc gia đi theo xu hướng chuyển đổi năng lượng.

Nhiều công ty sẽ đặt mục tiêu cắt giảm lượng khí thải

Trong một dấu hiệu cho thấy áp lực của giới đầu tư đối với biến đổi khí hậu, một nhóm 30 nhà quản lý quỹ với tổng giá trị 9.000 tỷ USD đã cam kết hướng tới mục tiêu không phát thải ròng carbon trong danh mục đầu tư vào năm 2050, đồng thời xác định các mục tiêu trung gian đến năm 2030 phù hợp với việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Đầu năm 2021, các cơ quan quản lý ở EU và Vương quốc Anh sẽ bắt đầu đề nghị các công ty niêm yết áp dụng các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm về công khai tài chính về khí hậu (Task Force on Climate-Related Financial Disclosures). Áp lực tổng hợp từ các nhà đầu tư và cơ quan quản lý sẽ đồng nghĩa với việc nhiều công ty thực hiện cam kết về phát thải.

Sẽ có một thỏa thuận M&A quy mô lớn trong ngành dầu mỏ Mỹ

Các yếu tố cần thiết cho sự mua bán, sáp nhập quy mô lớn đã xuất hiện trong ngành dầu mỏ Mỹ. Các công ty mạnh về tài chính có thể khai thác lợi thế về chi phí vốn của mình. Các thương vụ sáp nhập sẽ góp phần làm đa dạng hóa hoạt động, đồng thời giảm thiểu rủi ro cần thiết cho các doanh nghiệp kinh doanh dầu mỏ hàng đầu. Các hợp đồng M&A quy mô lớn tại Mỹ sẽ tạo ra những làn sóng chấn động thị trường. Một số công ty “tên tuổi” trong ngành dầu mỏ Mỹ sẽ “nghỉ hưu” trong năm 2021.

Giá hợp đồng mua điện mặt trời sẽ đạt mức kỷ lục mới, thấp hơn 13 USD/MWh (1,3 cents/KWh)

Lĩnh vực năng lượng mặt trời ghi nhận giá hợp đồng mua bán điện (PPA) tiếp tục giảm xu hướng giảm, trong đó các hợp đồng PPA có giá thấp nhất đều đến từ khu vực Trung Đông, nơi có các điều kiện thuận lợi cho sản xuất điện mặt trời giá rẻ như chi phí vốn thấp, đầu ra được đảm bảo, vốn chủ sở hữu của nhà cung cấp và nguồn nắng dồi dào. UAE hiện dẫn đầu thế giới về giá PPA ở mức thấp kỷ lục 13,5 USD/MWh. Tây Ban Nha và Chile xếp ở các vị trí tiếp theo. Cả hai quốc gia này đều có thị trường bán buôn điện được thiết lập tốt và có thể thu hút được nhiều nhà phát triển với giá PPA thấp hơn nữa.

Doanh số bán xe điện toàn cầu sẽ đạt gần 4 triệu đơn vị, tăng 74% so với năm 2020

Các chương trình kích thích kinh tế của nhiều quốc gia nhằm bù đắp tác động kinh tế của đại dịch Covid-19 đã bao gồm hỗ trợ mở rộng cho lĩnh vực xe điện. Các biện pháp hỗ trợ có khả năng mang lại kết quả tích cực vào năm 2021. Trung Quốc đã mở rộng các chính sách trợ cấp đến năm 2022. Một số nước EU tăng trợ cấp cho xe điện nhằm đảm bảo các chỉ tiêu khí thải nghiêm ngặt. Chính quyền mới của Mỹ cũng cam kết hỗ trợ xe điện và “bật đèn xanh” đối với các tiêu chuẩn khí thải và tiết kiệm nhiên liệu nghiêm ngặt của bang California. Tất cả điều này dẫn đến một năm tăng trưởng nhanh của lĩnh vực xe điện, mặc dù số lượng xe điện chỉ chiếm khoảng 5% doanh số bán xe toàn cầu.

Nhiều chính phủ sẽ bắt đầu thực hiện chính sách công bằng trong các chuỗi cung ứng chuyển đổi năng lượng quan trọng

Khi tân tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức (20/01), tất cả các nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đều có chiến lược hành động giảm khí thải nhà kính về mức không trong vòng 30-40 năm tới. Chuỗi cung ứng năng lượng carbon thấp sẽ có ý nghĩa chiến lược hơn bao giờ hết. Đối với một số nguồn tài nguyên như “kim loại chuyển tiếp năng lượng”, bao gồm lithium, niken và coban, các chính phủ sẽ thực hiện các giải pháp để ổn định nguồn cung như: nắm giữ cổ phần trong các tài sản quan trọng và đảm bảo tài chính cho các khoản đầu tư của khu vực tư nhân ở các quốc gia không thể đầu tư với các nguồn lực thiết yếu.

Lệnh cấm nhập khẩu than của Trung Quốc đối với Úc sẽ kéo dài trong cả năm 2021

Mặc dù việc nhập khẩu than của Úc chắc chắn sẽ thuận lợi hơn đối với người mua Trung Quốc, song vẫn có nhiều nguồn thay thế có sẵn nếu phía Trung Quốc sẵn sàng trả thêm tiền. Các chuỗi cung ứng quốc tế có thể được liên kết lại để tiếp tục đáp ứng nhu cầu của nước này. Giá than trong nước đã được phép tăng cao trong năm 2020, cho thấy Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ cho sự thay đổi nguồn cung nhập khẩu này.

Chính quyền Biden sẽ xem xét cẩn thận về chính sách khí hậu

Tân tổng thống Biden cam kết hành động vì khí hậu ngay lập tức. Nhưng thực tế thì các yếu tố chính trị và kinh tế sẽ hạn chế các nguồn lực cho cam kết của Biden. Thành phần của Thượng viện với đa số thuộc Đảng Cộng hòa sẽ ngăn cản bất cứ đạo luật cấp tiến nào về khí hậu được thông qua. Bên cạnh đó, việc kìm hãm ngành dầu khí có thể tác động không tốt đối với một nền kinh tế đang trong thời gian suy thoái và kéo theo đó là số lượng người mất việc làm tăng. Tuy nhiên, sẽ có một số động thái mang tính biểu tượng quan trọng, bao gồm việc đưa Mỹ trở lại Thỏa thuận khí hậu Paris và đặt mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050.

Viễn Đông