Vì sao Mỹ quyết chặn dầu thô Iran?

13:50 | 06/07/2018

|
(PetroTimes) - Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tìm mọi cách để ngăn cản dầu thô của Iran xuất khẩu ra thị trường thế giới thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015. Câu hỏi đặt ra là: Tổng thống Mỹ làm gì khi muốn giá dầu thế giới giảm?
vi sao my quyet chan dau tho iran
Một tàu chở dầu xuất khẩu của Iran

Trong tuần qua, chính quyền Washington liên tục cảnh báo các nước nên hạn chế dần nhập khẩu dầu thô từ Iran để tiến tới cắt hẳn nguồn cung này vào ngày 4/11 tới. Mới đây nhất, ngày 2/7, ông Hook, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, nói với các phóng viên rằng: “Mục tiêu của chúng tôi là tăng áp lực lên chính quyền Iran bằng cách giảm doanh thu từ việc bán dầu thô xuống con số 0... Chúng tôi không tìm cách cấp rộng rãi giấy phép hoặc sự miễn trừ nào vì điều đó sẽ làm giảm đáng kể áp lực đối với Iran”. Tuy nhiên, ông Hook nói rằng, Washington sẵn sàng làm việc với từng nước để xem xét mức giảm nhập khẩu dầu thô của họ từ Iran.

Cũng trong thời gian này, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục kêu gọi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hạ nhiệt giá dầu, bởi lẽ nếu giá dầu tăng cao sẽ kéo theo giá tiêu dùng tăng, chỉ có lợi cho ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ nhưng lại gây bất lợi cho lá phiếu của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.

Nhưng tại sao ông Trump lại muốn cắt nguồn cung dầu thô của Iran ra thị trường thế giới, chẳng khác nào đẩy giá dầu tăng thêm sao?

Mới nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng dường như ông Trump đã có tính toán kỹ lưỡng. Để bù đắp lượng dầu thiếu hụt của Iran, ông Trump kêu gọi OPEC và các đối tác khác tăng sản lượng. Mới đây, Nga và Arập Xêút đã quyết định tăng thêm 1 triệu thùng/ngày.

Trong bài đăng trên Twitter ngày 30/6, ông Trump cho biết, vua Salman bin Abdulaziz Al Saud của Arập Xêút đã đồng ý với yêu cầu thúc đẩy sản xuất dầu có thể lên đến 2 triệu thùng.

“Tôi đã trao đổi với vua Salman của Arập Xêút và giải thích với ông ấy rằng, vì tình hình hỗn loạn và bất ổn ở Iran và Venezuela nên tôi đề nghị Arập Xêút tăng sản lượng dầu, có thể sẽ lên đến 2 triệu thùng, để bù đắp cho sự thiếu hụt… Giá dầu đã lên quá cao. Ông ấy đã đồng ý” - trích từ Twitter của ông Trump.

Việc Arập Xêút đồng ý đề nghị của Mỹ là điều thật dễ hiểu. Một mặt, Arập Xêút muốn chiếm lĩnh thị phần dầu của Iran, do hai nước là kình địch của nhau cả về vị thế tại Trung Đông lẫn trong OPEC. Mặt khác, bản thân Ryad cũng không muốn giá dầu tăng quá cao vì để còn giữ chân khách hàng. Arập Xêút muốn dầu ở mức giá gần 70USD/thùng và không muốn nó lên tới 90USD/thùng. Cuối cùng, việc chấp thuận “giúp đỡ” Mỹ đồng nghĩa với việc Arập Xêút sẽ được “trả ơn” về mặt địa chính trị trong cuộc ganh đua giành vị trí nắm giữ quyền chi phối Trung Đông.

Nhưng tính toán của Tổng thống Trump vẫn chưa được như ý khi mà giá dầu vẫn tăng trong mấy ngày qua bất chấp khả năng Nga và Arập Xêút tăng sản lượng. Bởi lẽ nguồn cung dầu thế giới đang bị những xáo trộn khác, chẳng hạn như lượng dầu xuất khẩu từ Libya bị giảm do xung đột vũ trang, năng lực sản xuất của Venezuela bị suy yếu vì khủng hoảng kinh tế, chính trị, mất điện tại một mỏ dầu cát ở Canada...

Câu hỏi đặt ra tiếp theo là tại sao Tổng thống Trump lại phải vất vả gây áp lực lên Iran? Câu trả lởi là: Tất cả cũng vì lợi ích của nước Mỹ. Sự hồi sinh của Iran cũng có nghĩa là tạo ra sự cạnh tranh cho các công ty dầu mỏ và khí đá phiến của Mỹ.

Nếu các nước ở Trung Đông sống yên ổn trong hòa bình thì sẽ không cần các căn cứ quân sự của Mỹ và Arập Xêút sẽ không phải mua vũ khí của Mỹ và Anh. Đối với tổ hợp quân sự - công nghiệp Mỹ, Trung Đông đã là một “con gà đẻ trứng vàng” từ hai thập niên qua. Chiến tranh liên miên đồng nghĩa với lợi nhuận chiến tranh khổng lồ cho các tập đoàn quốc phòng. Đối với tầng lớp chính trị phương Tây, việc kiểm soát các quốc gia và khu vực Trung Đông là điều tối cần thiết. Hiện nay Washington đã bán vũ khí trị giá hơn 200 tỉ USD cho Arập Xêút và các quốc gia Arập vùng Vịnh, ngoài ra là khoản viện trợ quân sự hơn 3 tỉ USD cho Israel hằng năm.

S.Phương