Vai trò của nhiên liệu hóa thạch trong cơ cấu năng lượng toàn cầu năm 2050?

07:00 | 30/06/2023

|
(PetroTimes) - Châu Âu sẽ củng cố vị thế "đầu tàu quá trình chuyển dịch năng lượng trong bối cảnh cần đảm bảo nguồn cung và đối mặt với tình trạng chi phí năng lượng leo thang”, theo báo cáo Triển vọng Chuyển dịch Năng lượng 2022 của công ty tư vấn quản trị rủi ro DNV (Na Uy).
Vai trò của nhiên liệu hóa thạch trong cơ cấu năng lượng toàn cầu năm 2050?
Biểu đồ cơ cấu năng lượng toàn cầu hiện nay: 80% đến từ nhiên liệu hóa thạch

Tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay

Lần đầu tiên trong quá trình phát triển kịch bản chính, DNV dự đoán rằng nhiên liệu hóa thạch sẽ chiếm chưa đến một nửa mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp toàn cầu năm 2050 (so với mức hơn 80% hiện nay). Cụ thể: Ở quy mô toàn cầu, nhu cầu dầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2025, còn khí đốt đạt đỉnh vào năm 2036. Mặt khác, nhu cầu than đã đạt đỉnh vào năm 2014.

Theo công ty Na Uy này, “tác động của cuộc khủng hoảng hiện nay đối với quá trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu đã được xoa dịu bằng cách giảm chi phí năng lượng tái tạo và tăng cường định giá carbon trong dài hạn”. So với những dự báo năm ngoái, lần này, DNV nhận thấy nhu cầu “tiêu thụ khí đốt tự nhiên năm 2050” của châu Âu “sẽ giảm đi gần 2 lần so với hiện nay, và khí đốt khi đó sẽ chỉ đáp ứng 10% nhu cầu năng lượng của châu Âu, so với 25% hiện nay”.

Điện khí hóa mạnh mẽ

Điện khí hóa là “động lực chính của quá trình chuyển dịch năng lượng”, DNV nhấn mạnh. Thật vậy, theo công ty này, do ảnh hưởng chủ yếu từ quá trình điện khí hóa giao thông đường bộ, nhu cầu tiêu thụ điện toàn cầu có thể tăng gần 3%/năm trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2050. Hơn nữa, tỷ trọng điện năng có thể tăng "từ 19% lên 36% trong cơ cấu năng lượng toàn cầu" giữa thế kỷ 21.

Nhìn chung, sản lượng điện toàn cầu có thể "tăng hơn gấp đôi" trong 3 thập kỷ tới và đạt khoảng 62.000 TWh vào năm 2050. Theo DNV, vào năm 2050, điện gió và điện mặt trời có thể chiếm gần 70% sản lượng trên (so với gần 11% hiện nay).

Trong trường hợp này, đóng góp của những loại năng lượng khác sẽ giảm đi đáng kể. Ví dụ, theo DNV, trong trường hợp điện hạt nhân, "những lo ngại về an ninh năng lượng đang khơi dậy lại mối quan tâm" về lĩnh vực này. Tuy nhiên, tỷ trọng của điện hạt nhân trong cơ cấu điện năm 2050 có thể sẽ chỉ còn là 5% (so với khoảng 10% hiện nay).

Vai trò của nhiên liệu hóa thạch trong cơ cấu năng lượng toàn cầu năm 2050?
Biểu đồ sản lượng điện theo nguồn

Mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050

Trong Triển vọng Chuyển dịch Năng lượng 2022, DNV cũng đã giới thiệu thêm một kịch bản tên "Con đường dẫn đến Net Zero" (Pathway to Net Zero), với nội dung giả dụ về một quỹ đạo năng lượng toàn cầu ​​nhằm hạn chế nguy cơ nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5°C vào năm 2100. Mặt khác, trong kịch bản chính của DNV, nhiệt độ toàn cầu "nhiều khả năng sẽ tăng 2,2°C”, và vào năm 2029, thế giới sẽ phát thải vượt quá "ngân sách carbon" đặt ra cho mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ bình quân toàn cầu dưới 1,5°C.

DNV ước tính, để đạt được trung hòa carbon vào năm 2050, "không nên thăm dò hydrocarbon để đáp ứng nhu cầu của những nước thu nhập cao sau năm 2024, và của những nước thu nhập trung bình và thấp sau năm 2028". Để đạt được điều này, “những khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo phải tăng gấp 3 lần hiện tại, còn những khoản đầu tư vào mạng lưới điện thì phải tăng hơn 50% trong 10 năm tới”.

Ý có thể từ bỏ than đá vào năm 2024Ý có thể từ bỏ than đá vào năm 2024
Chủ tịch COP28: Việc ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch là không thể tránh khỏiChủ tịch COP28: Việc ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch là không thể tránh khỏi
CER: Mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch toàn cầu giảm mạnh vào năm 2050CER: Mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch toàn cầu giảm mạnh vào năm 2050
Tăng trưởng kỷ lục của năng lượng tái tạo vẫn không thể cắt giảm thị phần nhiên liệu hóa thạch toàn cầuTăng trưởng kỷ lục của năng lượng tái tạo vẫn không thể cắt giảm thị phần nhiên liệu hóa thạch toàn cầu

Ngọc Duyên

AFP