Tương lai nào cho ôtô điện toàn cầu

14:33 | 13/06/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Trong báo cáo “Triển vọng ôtô điện toàn cầu năm 2023” vào cuối tháng 4-2023, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết: Trong năm 2023, dự kiến lượng ôtô điện tiêu thụ toàn cầu sẽ đạt mức cao kỷ lục, thúc đẩy sự chuyển đổi lớn của ngành công nghiệp ôtô. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhận định trái ngược.
Tương lai nào cho ôtô điện toàn cầu
Rimac Nevera là chiếc xe điện thương mại tăng tốc nhanh nhất thế giới

“Tăng trưởng thổi phồng”

Năm 2022, lượng ôtô điện toàn cầu tiêu thụ (bao gồm cả những mẫu 100% chạy điện và plug-in hybrid) đã vượt mốc 10 triệu xe, tăng 55% so với năm 2021. Cách đây 5 năm, vào năm 2017, lượng ôtô điện tiêu thụ chỉ khoảng 1 triệu chiếc. Còn năm 2012, con số đó chỉ đạt 100.000 chiếc.

IEA nhận định, quốc gia góp phần vào tình trạng “tăng trưởng thổi phồng” đó chính là Trung Quốc. Chỉ riêng năm 2022, Trung Quốc đã chiếm gần 60% tổng số ôtô điện tiêu thụ trên toàn cầu. Tổng cộng có hơn 26 triệu ôtô điện nhẹ trên toàn thế giới đã được đăng ký vào cuối năm 2022, hơn một nửa trong số đó nằm ở Trung Quốc (13,8 triệu chiếc).

Hai thị trường lớn khác của ôtô điện - Liên minh châu Âu (tính cả Na Uy) và Mỹ - cũng lần lượt ghi nhận sự gia tăng lượng ôtô điện năm 2022. So với năm 2021, lượng ôtô điện bán tại EU tăng 15%, Mỹ tăng 55%.

Ngoài 3 thị trường lớn trên, IEA ghi nhận “dấu hiệu khả quan” tại những thị trường mới như Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia. Tại 3 khu vực này, tổng lượng ôtô điện tiêu thụ trong năm 2022 lên tới gần 80.000 xe.

Tương lai nào cho ôtô điện toàn cầu
Tương lai nào cho ôtô điện toàn cầu

Theo IEA, lượng ôtô điện bán ra trên toàn thế giới đã vượt quá 2,3 triệu chiếc trong quý I/2023, cao hơn khoảng 25% so với quý I/2022. IEA dự kiến, trong cả năm 2023, toàn cầu sẽ tiêu thụ gần 14 triệu chiếc ôtô điện, tăng 35% so với năm 2022. Thị phần ôtô điện toàn cầu năm 2023 có thể chiếm đến 18%, nhờ có những chiến lược và chính sách ưu đãi, chưa kể giá xăng tăng cao trong năm 2022 là một động lực thúc đẩy tiêu thụ ôtô điện.

Theo ước tính của IEA trong kịch bản tham chiếu “STEPS” (dựa trên những chính sách đang có hiệu lực), trong dài hạn, thị phần ôtô điện có thể tăng lên 35% vào năm 2030 (Trung Quốc chiếm 40% thị trường ôtô điện). Dự kiến số lượng xe điện đang lưu thông trên toàn thế giới, bao gồm cả xe buýt và xe tải chạy điện (không bao gồm xe 2 và 3 bánh chạy điện) có thể lên tới gần 240 triệu chiếc vào cuối năm 2030, cao gấp gần 8 lần so với hiện tại.

Tương lai nào cho ôtô điện toàn cầu
Hyundai đã đầu tư gần 5,5 tỉ USD vào Nhà máy xe điện Bryan County, Georgia, Mỹ

Tương lai ôtô điện ra sao?

Vào năm 2021, giao thông vận tải tiêu thụ 26% năng lượng đầu cuối trên toàn thế giới và 62% dầu toàn cầu. Gần 89% loại năng lượng tiêu thụ trong ngành vận tải đến từ dầu mỏ (khí tự nhiên chiếm 6%, nhiên liệu sinh học chiếm 4% và điện chiếm 1%). Theo Công ty dịch vụ Na Uy DNV, từ nay đến năm 2030, tỷ trọng khí đốt tự nhiên, điện và nhiên liệu sinh học tiêu thụ sẽ tăng mạnh mẽ. Dù vậy, dầu vẫn sẽ đáp ứng 82% nhu cầu năng lượng trong ngành vận tải.

Theo IEA, lượng ôtô điện bán ra trên toàn thế giới đã vượt quá 2,3 triệu chiếc trong quý I/2023, cao hơn khoảng 25% so với quý I/2022. IEA dự kiến, trong cả năm 2023, toàn cầu sẽ tiêu thụ gần 14 triệu chiếc ôtô điện, tăng 35% so với năm 2022.

Theo IEA, trong năm 2022, tất cả phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng điện (bao gồm ôtô hạng nhẹ, xe buýt, xe tải, xe 2 và 3 bánh chạy điện) đã tiêu thụ khoảng 110 TWh điện năng, tức gần ngang nhu cầu năm 2022 của Hà Lan hoặc ít hơn 0,5% tổng mức tiêu thụ điện hằng năm trên thế giới (sản lượng điện toàn thế giới năm 2022 là 28.510 TWh).

IEA dự kiến mức độ tiêu thụ điện toàn cầu trong lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ tăng rất mạnh trong thập niên tới. Nếu tính theo kịch bản tham chiếu, mức độ tiêu thụ điện trong lĩnh vực giao thông đường bộ năm 2030 có thể đạt tới 950 TWh. Khi đó, xe điện sẽ chiếm gần 4% mức tiêu thụ điện toàn cầu. Tiến trình điện khí hóa giao thông vận tải đường bộ cũng có thể làm giảm nhu cầu xăng và dầu diesel với mức 5 triệu thùng dầu/ngày trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Đáng chú ý, trong báo cáo, IEA đề cập đến một vài điểm hạn chế hoặc bất cập trong tiến trình điện khí hóa giao thông đường bộ như: Tính biến động giá của những khoáng chất cần thiết cho mảng sản xuất pin; ưu thế của SUV và những phương tiện lớn trên thị trường điện; vấn đề về thuế...

IEA cho biết thêm: Do tiến trình chuyển đổi sang sử dụng xe điện, khoản thuế thu toàn cầu năm 2022 từ xăng và dầu diesel đã giảm đi 11 tỉ USD. Cùng lúc đó, thuế tiêu thụ điện để nạp pin cho xe điện là 2 tỉ USD. Như vậy, theo IEA, toàn

thế giới sẽ ghi nhận một khoản thiếu hụt hằng năm gần 9 tỉ USD tiền thuế. Do đó, IEA nhấn mạnh tính cần thiết trong việc phát triển những chính sách thuế mới nhằm duy trì nguồn thu của chính phủ mà không gây cản trở đến xu hướng chuyển sang sử dụng xe điện.

Tương lai nào cho ôtô điện toàn cầu
Ôtô Renault Twingo và Clio được lắp ráp tại nhà máy sản xuất xe điện của công ty ở Novo Mesto, Slovenia

Quá trình chuyển dịch quá chậm

Trong báo cáo Transport in Transition (Chuyển dịch năng lượng ngành giao thông vận tải), DNV nhận định: Mặc dù nhu cầu tiêu thụ dầu của ngành giao thông vận tải dự kiến sẽ giảm đi một nửa vào năm 2050, nhưng tốc độ chuyển dịch hiện tại vẫn còn quá chậm để có thể đạt được mục tiêu của Thỏa thuận chung về biến đổi khí hậu Paris. Từ đó, DNV kêu gọi đẩy nhanh tiến trình thay đổi, thông qua những dự án thử nghiệm và chuyển sang sử dụng năng lượng khác để thay thế.

Na Uy đã vạch ra những lộ trình khác nhau cho những loại phương tiện giao thông khác nhau. Tuy điện có thể chiếm 1/3 năng lượng tiêu thụ trong lĩnh vực vận tải đường bộ của năm 2050, nhưng đối với mảng vận tải hàng hải, tỷ trọng chỉ được giới hạn ở mức 4%, lý do: Chỉ những tàu có lộ trình ngắn và những tàu lớn đang lưu trú tại cảng mới sử dụng điện. Hơn nữa, nhiên liệu có nguồn gốc từ hydrogen có thể chiếm một nửa nhu cầu năng lượng của lĩnh vực vận chuyển hàng hải vào năm 2050. Song đối với hàng không, tỷ trọng có thể chỉ là 2%.

Theo IEA, hiện nay, hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hóa chiếm 1/4 lượng khí thải CO2 toàn cầu. DNV ước tính tỷ lệ này có thể tăng lên 30% trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2050 vì phần lớn hệ thống giao thông vận tải sẽ tiếp tục phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Đáng chú ý, DNV dự đoán dịch vụ vận tải sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong 3 thập niên tới, cùng với những dịch vụ khác. Từ nay đến năm 2050, số lượng phương tiện giao thông đường bộ sẽ tăng gấp đôi, còn lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không tăng 130%. Mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu của ngành giao thông vận tải sẽ vẫn tương đối ổn định (+8,6% trong giai đoạn năm 2020-2050), do đã đạt được hiệu quả trong việc điện khí hóa.

Theo IEA, trong năm 2022, tất cả phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng điện (bao gồm ôtô hạng nhẹ, xe buýt, xe tải, xe 2 và 3 bánh chạy điện) đã tiêu thụ khoảng 110 TWh điện năng, ít hơn 0,5% tổng mức tiêu thụ điện hằng năm trên thế giới (năm 2022 là 28.510 TWh).

S.Phương