TSKH Trương Minh: Sự đồng hành bền bỉ và đầy nghĩa tình của Liên bang Nga với ngành Dầu khí Việt Nam

tăng
a a
giảm
In bài viết
(PetroTimes) - Từ những bước chân đầu tiên ở đồng bằng Bắc bộ đến khoảnh khắc dầu phun trào từ tầng đá móng ngoài khơi Bạch Hổ, hành trình "đi tìm lửa" của TSKH Trương Minh là lát cắt sống động về thuở ban đầu dựng xây ngành Dầu khí Việt Nam, nơi dấu ấn Liên Xô hiện diện không chỉ trong thiết bị, công nghệ, mà còn trong tư duy và niềm tin.

Năm 2025 đánh dấu cột mốc lịch sử trọng đại: 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2025), cũng là năm kỷ niệm 50 năm hình thành và phát triển Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) (1975-2025). Hành trình phát triển của Petrovietnam gắn liền với công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh. Trong dòng chảy ấy, sự đồng hành bền bỉ và đầy nghĩa tình của Liên Xô (Liên bang Nga) đã trở thành một phần không thể tách rời.

TSKH Trương Minh: Lát cắt sống động về thuở ban đầu dựng xây ngành Dầu khí
TSKH Trương Minh

Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Petrovietnam, cùng lắng nghe những hồi ức của một trong những kỹ sư địa vật lý đầu tiên - TSKH Trương Minh, nguyên Đoàn trưởng Đoàn đồng bằng sông Cửu Long, Phó vụ trưởng Vụ Kỹ thuật (Tổng cục Dầu khí), Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam, người đã góp phần đặt nền móng cho ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam.

Cái lạnh Moskva và "ngọn lửa" đam mê địa chất

Năm 1955, chàng thanh niên trẻ Trương Minh được cử sang Liên Xô học tại Trường Thăm dò Địa chất Moskva - một trong những trung tâm đào tạo kỹ thuật địa chất hàng đầu thế giới thời bấy giờ. Hành trình bắt đầu dưới cái lạnh cắt da của mùa đông nước Nga, nhưng trong lòng ông và những bạn học đồng hương lại ấm lên bởi niềm tin rằng họ đang mang trên vai sứ mệnh đi tìm nguồn năng lượng cho tương lai đất nước.

"Cuộc sống sinh viên khi đó không hề dễ dàng, nhiều hôm tôi phải xoa tuyết lên mặt để tỉnh ngủ rồi vội vã chạy tới tàu điện ngầm đến lớp, bụng đói cồn cào”, ông Trương Minh kể lại. Dù vất vả, nhưng dưới sự hướng dẫn tận tâm của các giáo viên Liên Xô, những sinh viên Việt Nam như ông đã tiếp thu được khối lượng kiến thức khổng lồ về địa vật lý, khoan thăm dò, địa chất công trình...

Nền móng tri thức đó sau này trở thành “vũ khí chiến lược” để họ trở về nước xây dựng ngành Dầu khí phát triển từ con số không.

Những năm tháng đi “tìm lửa”

Năm 1962, sau khi tốt nghiệp, ông Trương Minh trở về nước, gia nhập Đoàn Thăm dò Dầu lửa số 36 - đơn vị thăm dò dầu khí đầu tiên tại miền Bắc Việt Nam. Cùng với các đồng nghiệp và chuyên gia Liên Xô, ông bắt đầu những cuộc khảo sát đầu tiên ở Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên), sau đó mở rộng sang Nam Định, Thái Bình…

Tại những vùng quê đồng bằng sông Hồng, ông và cộng sự đã thử nghiệm thành công phương pháp địa chấn phản xạ, rồi lần đầu tiên ghi được tín hiệu sóng từ lòng đất nhờ hệ thống máy móc do Liên Xô viện trợ. Những vụ nổ mìn thăm dò rung chuyển mặt đất, các tấm phim ghi lại đường cong sóng địa chấn trở thành niềm hy vọng rằng dưới lòng đất có dầu.

Cùng lúc đó, tại vùng Tiền Hải - Thái Bình, nhóm của ông đã khoan trúng dòng khí tự nhiên đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của mỏ khí Tiền Hải - "đứa con đầu lòng" của ngành Dầu khí Việt Nam.

Thập niên 1970 là thời kỳ then chốt. Sau ngày giải phóng miền Nam, đất nước đứng trước cơ hội lớn để khai thác tài nguyên tại khu vực thềm lục địa phía Nam. Nhưng lực lượng kỹ thuật Việt Nam khi đó còn non trẻ, trang thiết bị hầu như không có. Lúc ấy, một lần nữa Liên Xô lại là "điểm tựa" không thể thiếu.

Chuyên gia Liên Xô không chỉ dạy nghề, mà cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với cán bộ Việt Nam. “Họ giúp ta lập kế hoạch thăm dò, chia sẻ tài liệu nghiên cứu, và đặc biệt là truyền đạt tư duy địa chất hiện đại”, ông Trương Minh nhấn mạnh.

Chính các tàu địa chấn của Liên Xô là công cụ chủ chốt khi Việt Nam bắt đầu khảo sát thềm lục địa phía Nam, trong đó có mỏ Bạch Hổ. Thời điểm đó, quan điểm chung của cả thế giới là dưới lớp đá móng granite không thể có dầu. Nhưng các kỹ sư Việt Nam, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Liên Xô, đã kiên trì khoan sâu hơn, vượt qua quan điểm cũ. Và rồi, dầu phun trào từ lòng đá, mở ra một chương mới cho ngành Dầu khí Việt Nam.

“Sau khi vào miền Nam, chúng tôi bắt đầu triển khai công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí, và bước đầu đã phát hiện một số mỏ có triển vọng, trong đó có mỏ Bạch Hổ. Tuy nhiên, điều may mắn và quan trọng nhất lúc đó là việc tiếp quản Công ty Dầu khí miền Nam do Mỹ để lại. Họ rút đi nhưng để lại một kho tư liệu đồ sộ và còn gần như nguyên vẹn, bao gồm kết quả khảo sát, thăm dò ở nhiều khu vực tiềm năng như Bạch Hổ, Đại Hùng…

Lúc đó, người Mỹ chưa tiến hành khai thác, họ mới dừng ở bước tìm kiếm và khoan thăm dò sơ bộ, chủ yếu trên tầng trầm tích. Khi tiếp quản, chúng tôi giữ lại một số cán bộ kỹ thuật người miền Nam từng làm việc với phía Mỹ. Họ am hiểu địa bàn, kỹ thuật nên hỗ trợ rất tốt cho quá trình tiếp nối của chúng tôi.

TSKH Trương Minh: Sự đồng hành bền bỉ và đầy nghĩa tình của Liên bang Nga với ngành Dầu khí Việt Nam
Cán bộ địa chất dầu khí cùng chuyên gia Liên Xô khảo sát thực địa vùng trũng An Châu (tỉnh Thái Bình).

Từ đó, đoàn chúng tôi kết hợp cùng chuyên gia và thiết bị của Liên Xô bắt đầu triển khai các đợt khảo sát rộng khắp ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Tôi được giao phụ trách công tác thăm dò ngoài khơi thềm lục địa. Trong một lần khoan, chúng tôi quyết định tiếp tục khoan sâu xuống dưới lớp đá granite, bởi sau khi nghiên cứu, chúng tôi nhận ra rằng tại những vị trí đá granite bị nứt, dầu đã len lỏi xuống dưới. Và thật bất ngờ, dầu đã phun lên. Đây là một phát hiện mang tính đột phá. Từ đây, trữ lượng dầu rất lớn được tìm thấy không chỉ ở tầng trầm tích mà còn ở tầng đá móng.

Phát hiện này mở ra một hướng mới cho ngành Dầu khí Việt Nam, đặc biệt là ở thềm lục địa phía Nam. Không chỉ mỏ Bạch Hổ, mà sau đó là các mỏ khác đều được phát hiện theo cách này. Có thể nói, từ nền tảng dữ liệu tiếp quản được và sự hỗ trợ kỹ thuật từ Liên Xô, ngành Dầu khí đã có bước khởi đầu đầy đột phá”, ông Trương Minh nhớ lại.

Niềm tin và tri thức

Liên Xô không chỉ giúp Việt Nam thiết bị, công nghệ, mà còn đặt ra một chuẩn mực khoa học kỹ thuật trong mọi khâu từ khảo sát, đo đạc, phân tích, cho đến vận hành và khai thác. Họ truyền cảm hứng làm việc nghiêm túc, chuẩn mực, và không bao giờ được thỏa mãn với kết quả đạt được.

Nhiều thế hệ kỹ sư dầu khí đã trưởng thành từ thực tiễn làm việc cùng các chuyên gia Nga. Một số người tiếp tục học tập tại các viện nghiên cứu của Liên Xô, mang về không chỉ kiến thức, mà cả phương pháp làm việc khoa học.

Không chỉ Bạch Hổ, các mỏ như Rồng, Đại Hùng, Thanh Long… đều lần lượt được phát hiện dựa trên hệ thống dữ liệu do Liên Xô và Mỹ để lại, cùng với tư duy phân tích tiên tiến mà các kỹ sư Việt Nam đã lĩnh hội từ những người thầy Nga.

Khi được hỏi về vai trò của Liên Xô đối với ngành Dầu khí Việt Nam, TSKH Trương Minh trầm ngâm: “Nếu không có Liên Xô, có lẽ chúng ta sẽ phải mất thêm hàng chục năm để đi những bước đầu tiên”. Không có sự đào tạo bài bản, không có thiết bị hiện đại, không có những người bạn tận tâm từ Moskva, ngành Dầu khí Việt Nam sẽ khó có thể hình thành và phát triển nhanh chóng như vậy. Họ đã không chỉ trao cho Việt Nam công nghệ mà còn cả niềm tin, tri thức, và một thế hệ kỹ sư tài năng".

Nửa thế kỷ đã trôi qua, ngành Dầu khí Việt Nam đã trưởng thành mạnh mẽ, trở thành một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế quốc gia. Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Petrovietnam, nhìn lại những chặng đường gian khó và vinh quang, chúng ta càng trân trọng hơn những đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng to lớn của các thế hệ tiên phong như TSKH Trương Minh - những người đi tìm “ngọn lửa” giữa lòng biển khơi để thắp sáng tương lai đất nước.

Đình Khương

Cùng chuyên mục

[VIDEO] Petrovietnam tổ chức chương trình hiến máu nhân đạo “Giọt hồng yêu thương” năm 2025

PV Shipyard bàn giao "trái tim" trạm biến áp ngoài khơi, khẳng định năng lực, vươn tầm quốc tế

(PetroTimes) - Công ty Cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard), một thành viên trong hệ sinh thái của Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) và Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) vừa hoàn tất hạ thủy và bàn giao thành công phần thượng tầng (Topside) của dự án trạm biến áp ngoài khơi (OSS) cho dự án điện gió tại Đài Loan (Trung Quốc), đây không chỉ là một cột mốc quan trọng đối với riêng PV Shipyard mà còn mang ý nghĩa sâu sắc, khẳng định vị thế và năng lực của ngành công nghiệp - năng lượng Việt Nam.
[VIDEO] Petrovietnam tổ chức chương trình hiến máu nhân đạo “Giọt hồng yêu thương” năm 2025

Bài 3: Tái cơ cấu là nhiệm vụ sống còn để phát triển

(PetroTimes) - Giai đoạn 2020-2025, Công ty TNHH MTV Đóng tàu và Công nghiệp cơ khí Dầu khí (PVSM) ghi dấu bằng loạt cột mốc quan trọng: doanh thu vượt 1.000 tỷ đồng năm 2024 và phương án tái cơ cấu được Bộ Chính trị thông qua. Bước vào nhiệm kỳ 2025-2030, Đảng ủy PVSM xác định tái cơ cấu tiếp tục là nhiệm vụ then chốt, mở đường cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
[VIDEO] Petrovietnam tổ chức chương trình hiến máu nhân đạo “Giọt hồng yêu thương” năm 2025

Bài 2: Vừa chống dịch, vừa làm các dự án lớn

(PetroTimes) - Thời điểm 2020-2022, khi cả thế giới quay cuồng vì Covid-19, hàng loạt dock tàu lớn bé tại khu vực châu Á đóng cửa vì nhiều lý do thì dock Dung Quất luôn tấp nập tàu vào ra. Dịch bệnh Covid-19 diễn ra nằm ngoài dự đoán của cả thế giới, PVSM cũng không ngoại lệ, nhưng bằng sự quyết tâm, sự nhạy bén, linh hoạt, Công ty đã biến “nguy” thành “cơ”; biến khó khăn thành động lực, đòn bẩy phát triển cho cả giai đoạn sau này.
[VIDEO] Petrovietnam tổ chức chương trình hiến máu nhân đạo “Giọt hồng yêu thương” năm 2025

Petrovietnam cùng lan tỏa "Không gian Hồ Chí Minh" ra thế giới

(PetroTimes) - Không chỉ là một Tập đoàn kinh tế trụ cột quốc gia, Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đang từng bước khẳng định vai trò là một “sứ giả văn hóa”, tích cực đồng hành với Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan trong việc xây dựng và lan tỏa “Không gian Hồ Chí Minh” tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Đó không chỉ là hành động tri ân sâu sắc đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, mà còn là sự tiếp nối di sản tư tưởng Hồ Chí Minh – một di sản sống mãi với thời gian và có sức lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu.
[VIDEO] Petrovietnam tổ chức chương trình hiến máu nhân đạo “Giọt hồng yêu thương” năm 2025

[VIDEO] Tự hào Petrovietnam

(PetroTimes) - Khởi nguồn từ khát vọng bền bỉ vượt thời gian, vững vàng trước sóng gió mang trong mình sứ mệnh khai thông dòng chảy làm giàu cho đất nước với truyền thống văn hoá là nền tảng là điểm tựa vững chắc, thực tại là cơ sở để vững tin vào tương lai, một đội ngũ can trường trước thử thách cùng hướng tới một mục tiêu, bứt phá mọi giới hạn, nửa thế kỷ phát triển chúng tôi với khát vọng trí tuệ cùng sự chuyên nghiệp và nghĩa tình lan tỏa văn hoá Petrovietnam chinh phục những đỉnh cao để ngọn lửa Petrovietnam sáng mãi.