Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên nhau khởi động điện hạt nhân

11:53 | 20/05/2021

|
Ngày 19 tháng 5 năm 2021 Điện Kremlin đưa lên trang nhất tin Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã tham gia, qua cầu truyền hình, lễ khởi động xây dựng tổ máy điện thứ bảy và thứ tám tại Nhà máy điện hạt nhân Tianwan và tổ máy điện thứ ba và thứ tư tại Nhà máy điện hạt nhân Xudapu ở Trung Quốc.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên nhau khởi động điện hạt nhân

Tổng thống Putin trong buổi lễ khởi động xây dựng các tổ máy điện mới tại nhà máy điện hạt nhân Tianwan và Xudapu (qua cầu truyền hình).

Về phía Nga, sự kiện còn có sự tham dự của Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Nga-Trung về Hợp tác Năng lượng Alexander Novak và Tổng Giám đốc Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Nhà nước Rosatom Alexei Likhachev.

Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng dự án này thể hiện rõ ý nghĩa sâu sắc của quan hệ Đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược Trung - Nga trong thời kỳ mới. Phía Trung Quốc khẳng định năng lượng luôn là nhánh lớn nhất và thành công nhất trong hợp tác Trung – Nga, trong đó hợp tác năng lượng hạt nhân là ưu tiên chiến lược của Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu rõ hai bên phát triển và tăng cường hợp tác khoa học và kỹ thuật trong lĩnh vực hạt nhân, tập trung vào bảo vệ môi trường trong lĩnh vực hạt nhân, y học hạt nhân, nhiên liệu hạt nhân và các công nghệ tiên tiến, thúc đẩy việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số mới nhất trong ngành công nghiệp hạt nhân và đóng góp trí tuệ đáng kể vào sự phát triển theo hướng đổi mới của lĩnh vực hạt nhân toàn cầu.

Phía Trung Quốc cho rằng cần phải mở rộng tương tác chiến lược một cách đều đặn góp phần vào sự phát triển đồng bộ của hệ thống quản lý năng lượng toàn cầu, hai bên phải đóng góp vào việc hình thành một hệ thống quản lý năng lượng toàn cầu công bằng hơn, cân bằng hơn và dễ tiếp cận hơn, cũng như cởi mở hơn, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp hơn nữa để cải thiện quản lý năng lượng toàn cầu.

Ông nhấn mạnh chống biến đổi khí hậu là thách thức chung của tất cả các quốc gia. Với tư cách là các cường quốc có trách nhiệm, Trung Quốc và Nga phải mở rộng hiểu biết về những thách thức này, thúc đẩy việc thực hiện các dự án tham vọng hơn nữa về hợp tác các-bon thấp tương tự như bốn khối này và đóng vai trò xây dựng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong phát biểu đã gọi Chủ tịch Tập Cận Bình là người bạn thân yêu của tôi.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi sự kiện này là một bước ngoặt và nêu rõ: hợp tác trong lĩnh vực phát triển hạt nhân là một thành phần thiết yếu của toàn bộ phạm vi của Quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung, là quan hệ đối tác sâu rộng, thực sự hữu nghị và cùng có lợi.

Đối với Nga, 20 năm quan hệ song phương Nga – Trung với cốt lõi là Hiệp ước láng giềng hữu nghị, hữu nghị và hợp tác, Nga và Trung Quốc đã đạt được nhiều thành công trong việc tăng cường hợp tác đa chiều và sự tin cậy lẫn nhau trên tất cả các lĩnh vực, không ngoại lệ: chính trị, các vấn đề quốc tế, thương mại và kinh tế, giao lưu văn hóa và nhân đạo. Có thể nói, quan hệ Nga - Trung đã đạt mức cao nhất trong lịch sử.

Ông Putin nêu bật những dự án hợp tác của hai bên trong lĩnh vực hạt nhân, như lò phản ứng neutron nhanh được xây dựng thử nghiệm ở Trung Quốc với sự tham gia của Nga. Có khả năng Trung Quốc sẽ tham gia vào một tập đoàn quốc tế đang xây dựng một lò phản ứng nghiên cứu neutron nhanh đa mục đích ở Dimitrovgrad, Nga. Các kế hoạch khác bao gồm nghiên cứu chung liên quan đến việc phát triển một chu trình nhiên liệu hạt nhân khép kín.

Nga cũng cung cấp cho Trung Quốc khối sưởi ấm hạt nhân phóng xạ cho tàu vũ trụ đầu tiên trong lịch sử hạ cánh ở phía xa của Mặt trăng vào năm 2019.

Giám đốc Hiệp hội Hạt nhân Thế giới về Trung Quốc, Ông François Morin, cho biết: Điều này đảm bảo mục tiêu của Trung Quốc là bắt đầu xây dựng bốn lò phản ứng trong nửa đầu năm 2021, cho phép bắt đầu hoạt động trên tối đa tám lò phản ứng trước cuối năm 2021.

Theo Ông Morin cho biết, tỷ lệ nội địa hóa trong các dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân của Trung Quốc hiện ở mức 85%, điều này chứng tỏ quốc gia này rất cởi mở với công nghệ và nhân sự từ nước ngoài. 15 năm tới sẽ là thời kỳ quan trọng của các cơ hội chiến lược cho sự phát triển năng lượng hạt nhân ở Trung Quốc.

Ngọc Linh