Tổng thống Biden gửi thông điệp “răn đe” trong bối cảnh đàm phán hạt nhân Iran

08:26 | 30/06/2021

|
(PetroTimes) - CNBC ngày 28/6/2021 đưa tin Bộ Quốc phòng Mỹ đã cung cấp hình ảnh về các đòn tấn công trên không của Mỹ ngày 27/6 vào các cơ sở của các nhóm dân quân được Iran giúp đỡ, nằm ở dọc biên giới giữa Iraq và Syria. Các cuộc tấn công diễn ra trong bối cảnh chính quyền Biden đang tiến hành đàm phán nhằm làm sống lại thỏa thuận hạt nhân Iran. Chính quyền Biden nói đòn tấn công tối Chủ nhật là “đòn tấn công chính xác mang tính phòng vệ”, nhằm vào các cơ sở vũ khí của dân quân do Iran giúp đỡ ở Iraq và Syria. Các chuyên gia nghiên cứu khu vực cho rằng đòn tấn công của Mỹ đã gửi một thông điệp “răn đe” rõ ràng rằng các nỗ lực ngoại giao không ngăn cản Mỹ có một lựa chọn khác là quân sự khi cần thiết.
Mỹ phủ nhận dỡ bỏ các lệnh trừng phạt dầu mỏ với IranMỹ phủ nhận dỡ bỏ các lệnh trừng phạt dầu mỏ với Iran
Đàm phán thỏa thuận hạt nhân: Mỹ nói khó quay trở lại JCPOA, Iran phản đối các biện pháp trừng phạtĐàm phán thỏa thuận hạt nhân: Mỹ nói khó quay trở lại JCPOA, Iran phản đối các biện pháp trừng phạt

Mỹ mong muốn nối lại thỏa thuận hạt nhân, đồng thời kiềm chế hoạt động của Iran trong khu vực

Người Phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết các mục tiêu được lựa chọn là những cơ sở do các nhóm dân quân được Iran ủng hộ sử dụng trong các đòn tấn công bằng vật thể bay không người lái chống người Mỹ và các cơ sở của Mỹ ở Iraq. Các cuộc tấn công tối Chủ nhật 27/6 là lần thứ hai Tổng thống Biden ra lệnh cho quân đội Mỹ phản ứng với các nhóm dân quân được Iran ủng hộ trong khu vực. Tháng 2/2021, Mỹ đã có các cuộc tấn công chống một số cơ sở ở Syria. Sự khác biệt so với cuộc tấn công lần trước là lần này Mỹ nhằm vào các cơ sở ở cả Iraq và Syria.

Tổng thống Biden gửi thông điệp “răn đe” trong bối cảnh đàm phán hạt nhân Iran
Tổng Thư ký NATO Jen Stoltenberg và Ngoại trưởng Mỹ Blinken tại Hội nghị Bộ trưởng Liên minh toàn cầu Đánh bại ISIS tại Rome, Italia, ngày 28/6/20201. Ảnh: Angelo Carconi/Anadolu Agency.

Sau cuộc gặp với các đại diện cấp Bộ trưởng của Liên minh toàn cầu đánh bại Nhà nước Hồi giáo cực đoan (ISIS) họp ở Roma, Italia, ngày 28/6, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken mô tả các cuộc tấn công là “hành động cần thiết, phù hợp, có chủ đích”, nhằm “hạn chế nguy cơ leo thang căng thẳng nhưng cũng gửi thông điệp răn đe rõ ràng và không mơ hồ”; Tổng thống Biden “sẽ hành động để bảo vệ người Mỹ”; Mỹ phản ứng với "các cuộc tấn công do các nhóm được Iran ủng hộ, nhằm vào mục tiêu là các lợi ích của Mỹ ở Iraq” và Tổng thống "đã ra lệnh hành động quân sự tiếp theo”. Một quan chức giấu tên cho biết bản thân Ngoại trưởng Blinken “liên quan chặt chẽ” tới việc lên kế hoạch hành động và được biết trước cuộc tấn công sẽ diễn ra tối muộn Chủ Nhật.

Chính quyền Biden đang thực hiện một nhiệm vụ nặng nề là vừa rút quân đội Mỹ ra khỏi Afganistan, đánh giá lại lợi ích đối ngoại của mình ở Trung Đông và làm sống lại thỏa thuận hạt nhân Iran. Các chuyên gia đối ngoại cho rằng các cuộc tấn công gần đây nhất cho thấy tại sao quân đội Mỹ vẫn duy trì “dấu chân” ở Iraq và Syria. Chính quyền Mỹ muốn ngăn chặn các cuộc tấn công vào người Mỹ, đồng thời cũng không muốn bị lôi kéo vào một cuộc leo thang với Iran ở Trung Đông. Một cuộc leo thang căng thẳng có thể sẽ phá hỏng cuộc đàm phán hạt nhân và lôi kéo Mỹ vào một cuộc xung đột mới ở Trung Đông. Dù muốn hay không, tình hình quan hệ Mỹ-Iran sẽ tác động tới đàm phán hạt nhân.

Chính quyền Biden muốn quay trở lại thỏa thuận hạt nhân, đã kết thúc 6 vòng đàm phán ở Vienne, Áo. Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết đoàn đàm phán của Mỹ vẫn chưa đạt được thỏa thuận và sẽ bước vào vòng đàm phán tiếp theo nhưng chưa cho biết chi tiết khi nào vòng đàm phán thứ bẩy sẽ diễn ra.

Nỗ lực ngoại giao không ngăn cản nguy cơ leo thang hành động quân sự

Liệu cuộc tấn công của Mỹ vào các cơ sở ở Iraq và Syria có làm trệch hướng đàm phán hay là chỉ gửi thông điệp “răn đe” rằng nỗ lực giải quyết ngoại giao không ngăn cản các hành động quân sự khi chính quyền thấy là cần thiết? Theo Sanam Vakil, một chuyên gia về Iran, Phó giám đốc chương trình Trung Đông Bắc Phi tại Chatham House, “các cuộc tấn công gửi một thông điệp rõ ràng rằng Mỹ sẽ không bỏ qua các hành động của Iran chỉ vì đang diễn ra các cuộc đàm phán ở Vienne”. “Hành động này cũng nhằm làm yên lòng các đối tác khu vực của Mỹ rằng Mỹ đã quay trở lại, việc tiến hành đàm phán không có nghĩa là cho Iran “toàn quyền hành động”.

Mặc dù có các cuộc tấn công quân sự của Mỹ, các cuộc đàm phán hiện nay dự kiến sẽ vẫn được nối lại. Aniseh Tabrizi, nghiên cứu viên cao cấp tại Đại học Royal United Services ở London cho rằng chính quyền Biden ra lệnh tấn công vào các mục tiêu của các nhóm dân quân do Iran giúp đỡ ở Syria trong tháng 2/20201 mà sau đó vẫn tiến hành các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, Tổng thống mới đắc cử của Iran Ebrahim Raisi là một người theo đường lối cứng rắn với lập trường mạnh mẽ chống phương Tây, khác với Tổng thống sắp mãn nhiệm Hassan Rouhani là người ủng hộ can dự với Phương Tây. Với suy nghĩ đó, Aniseh Tabrizi cho rằng các cuộc tấn công của các lực lượng dân quân do Iran ủng hộ sẽ không giảm đi trong khu vực, “trên thực tế, có khả năng các cuộc tấn công của các lực lượng này còn được đẩy mạnh hơn”.

Tổng thống Biden gửi thông điệp “răn đe” trong bối cảnh đàm phán hạt nhân Iran
Tổng thống đắc cử của Iran Ebrahim Raisi tại cuộc họp báo đầu tiên ngày 21/6/2021. Ảnh: EPA-EFE.

Bên cạnh đó, Tổng thống đắc cử Ebrahim Raisi cũng bày tỏ ủng hộ việc làm sống lại thỏa thuận hạt nhân 2015, muốn gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt bị áp đặt từ thời Tổng thống Trump. Việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt là điều quan trọng, giúp cho nền kinh tế Iran không tiếp tục đi xuống. Do vậy, Ali Vaez, Giám đốc chương trình Iran tại tổ chức tư vấn Nhóm Khủng hoảng, chung quan điểm cho rằng cuộc tấn công của Mỹ không làm ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán hạt nhân. “Hai bên có vẻ đã tách bạch các khác biệt của mình, giữa các vấn đề có thể giải quyết bằng con đường ngoại giao và các vấn đề họ sẽ tìm giải pháp quân sự”. “Cả hai bên Iran và Mỹ đều thể hiện rằng họ có khả năng đồng thời tiến hành cả hai việc”.

Nguy cơ cuộc đàm phán hạt nhân có thể thất bại

Tuy nhiên, có nhiều nhân tố bất định và có nguy cơ rất hiện thực là cuộc đàm phán có thể thất bại. Iran và Mỹ vẫn tranh cãi về các biện pháp trừng phạt. Iran đã đẩy nhanh đáng kể chương trình làm giàu uranium, vi phạm thỏa thuận hạt nhân 2015 khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, Iran yêu cầu Mỹ gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt trước thì Iran mới quay trở lại thỏa thuận. Trong khi đó, Chính quyền Biden chối gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt cho đến khi Iran từ bỏ hành động vi phạm thỏa thuận hạt nhân. Đầu tháng 6, Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế IAEA cho biết “chỉ các nước đang chế tạo bom hạt nhân” mới làm giàu uranium ở mức Iran đang làm. Chủ Nhật ngày 27/6/2021, Chủ tịch Hạ viện Iran nói Iran sẽ “không bao giờ” trao các hình ảnh bên trong các cơ sở hạt nhân của Iran cho cơ quan thanh sát hạt nhân của Liên hợp quốc, mà đó là một phần của thỏa thuận với nhóm thanh sát. Hiện thỏa thuận thanh sát hạt nhân giữa Iran với IAEA đã hết hạn.

Chuyên gia đối ngoại Ali Vaez cảnh cáo rằng các loạt tên lửa của Mỹ vừa qua cho thấy “nếu như đàm phán hạt nhân ở Vienne thất bại, căng thẳng trong khu vực sẽ diễn biến xấu đi hơn, thay đổi từ “xấu sang xấu hơn”./.

Thanh Bình