Tìm ra nguyên nhân khiến triệu chứng bệnh COVID-19 kéo dài

03:06 | 13/07/2021

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Nhiều bệnh nhân COVID-19 có thể phải đối mặt với các tác dụng phụ của bệnh đến vài tháng sau khi hết bệnh. Những triệu chứng dai dẳng này luôn là điều bí ẩn đối với các bác sĩ. Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Ðức có thể giúp giải đáp tại sao một số người dường như không thể khỏi bệnh hoàn toàn.
Tìm ra nguyên nhân khiến triệu chứng bệnh COVID-19 kéo dài
Nhiễm SARS-CoV-2 làm biến dạng tế bào máu - nguyên nhân khiến nhiều người khó bình phục hẳn. Ảnh: IANS

Thực tế cho thấy một số bệnh nhân COVID-19 tiếp tục “vật lộn” với tình trạng khó thở, mệt mỏi và đau đầu kéo dài sau khi nhiễm SARS-CoV-2 nặng. Ðôi khi, những tác dụng phụ này kéo dài trên 6 tháng. Một số nghiên cứu trước đây cũng ghi nhận nhiều bệnh nhân đang hồi phục phải đối phó với rối loạn chức năng thần kinh và một số trường hợp còn gặp các vấn đề về tim. Các chuyên gia phát hiện bệnh thường làm giảm lưu thông máu, có thể dẫn đến sự hình thành các cục máu đông nguy hiểm và hạn chế khả năng vận chuyển ôxy đi khắp cơ thể.

Vì tất cả những vấn đề trên đều xoay quanh tế bào máu, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Vật lý và Y học Max Planck tập trung nghiên cứu tế bào máu và lần đầu tiên phát hiện: virus gây bệnh COVID-19 đã làm thay đổi kích thước và độ dẻo dai của cả tế bào hồng cầu và bạch cầu trong cơ thể người trong thời gian dài, khiến các triệu chứng bệnh khó mà chấm dứt.

Theo đó, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một kỹ thuật gọi là “đo sự biến dạng tế bào theo thời gian thực” (RT-DC). Công nghệ này tương đối mới, nhưng nó có thể giúp khám phá một ẩn số quan trọng trong nghiên cứu bệnh COVID-19: làm thế nào SARS-CoV-2 có thể ảnh hưởng đến máu ở cấp độ tế bào. Ðáng chú ý, nó có khả năng phân tích nhanh tới 1.000 tế bào máu mỗi giây để biết chúng có những thay đổi bất thường về kích thước và cấu trúc hay không.

Cụ thể, RT-DC cho phép các chuyên gia truyền các tế bào máu (hồng cầu và bạch cầu) đi qua một kênh hẹp với tốc độ cao. Quá trình này kéo giãn tế bào máu và một camera tốc độ cao ghi lại sự thay đổi của từng tế bào với sự hỗ trợ của kính hiển vi. Khi quá trình hoàn tất, phần mềm máy tính chuyên dụng sẽ giúp xác định kích cỡ và mức độ biến dạng của mỗi tế bào.

Trong nghiên cứu, các chuyên gia đã kiểm tra hơn 4 triệu tế bào máu của 17 bệnh nhân COVID-19 nặng, 14 người đã khỏi bệnh và 24 tình nguyện viên khỏe mạnh. Các xét nghiệm cho thấy so với ở người không mắc bệnh, tế bào hồng cầu của những người bị bệnh đã biến đổi kích thước lớn hơn và cứng hơn về mặt cấu trúc, cũng như ít linh hoạt hơn nên ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển ôxy đi khắp cơ thể, khiến họ tăng nguy cơ bị nghẽn đường thở và cục máu đông trong phổi.

Ngoài ra, kết quả kiểm tra cũng cho thấy một số loại tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng gồm lympho và neutrophil (tế bào bạch cầu hạt trung tính) ở bệnh nhân COVID-19 dường như cũng mềm hơn đáng kể, chứng tỏ cấu trúc của các tế bào miễn dịch này cũng đã thay đổi sau khi nhiễm bệnh. “Chúng tôi phát hiện những thay đổi rõ rệt và lâu dài trong các tế bào - cả trong thời kỳ nhiễm trùng cấp tính và sau đó” - Giáo sư Jochen Guck, giám đốc Viện Khoa học Ánh sáng Max Planck, cho biết. Ðiều này lý giải tại sao một số người dường như không thể khỏi bệnh hoàn toàn.

Nhóm nghiên cứu kết luận sự thay đổi dai dẳng của hồng cầu và bạch cầu trung tính có liên quan đến các triệu chứng kéo dài ở những người đã hồi phục, gồm 70% trường hợp đau đầu mãn tính hoặc các triệu chứng thần kinh, 54% bị rối loạn tập trung và 62% gặp các vấn đề về hô hấp và tuần hoàn như đổ mồ hôi lạnh, nhịp tim nhanh. Các chuyên gia cũng tin rằng kỹ thuật phân tích máu RT-DC có thể là “chìa khóa” trong các xét nghiệm COVID-19 sắp tới, cũng như đóng vai trò như một “hệ thống cảnh báo sớm” trong các dịch bệnh ở tương lai liên quan đến các loại virus chưa được biết đến.

https://dulich.petrotimes.vn/

Báo Cần Thơ

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]