Singapore thử nghiệm sử dụng nhiên liệu sinh học cho tàu container

18:13 | 30/07/2023

|
(PetroTimes) - Một tàu container của công ty vận tải Maersk (Đan Mạch) đã được tiếp nhiên liệu bằng methanol sinh học tại Singapore - trung tâm tiếp nhiên liệu tàu thuyền lớn nhất thế giới, đánh dấu lần đầu tiên Singapore sử dụng methanol làm nhiên liệu tàu thủy.
Singapore thử nghiệm sử dụng nhiên liệu sinh học cho tàu container
Tiếp nhiên liệu methanol sinh học cho tàu container tại Singapore

Theo Cơ quan Hàng hải và Cảng Singapore (MPA) ngày 29/7, tàu chở dầu của Hong Lam Marine đã tiếp cho con tàu trên khoảng 300 tấn methanol sinh học.

MPA cho biết, trước đó, methanol sinh học được lưu trữ tại các kho trữ của công ty cung cấp cơ sở hạ tầng Vopak (Hà Lan).

Thông qua chiến dịch này, Singapore đạt được một bước tiến mới đến tham vọng đáp ứng những mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trong ngành vận tải hàng hải vào năm 2050, bằng cách tăng cường cung cấp nhiên liệu sạch hơn cho tàu thuyền.

Vào ngày 10/7, Maersk đã nhận con tàu container mới từ xưởng đóng tàu Hyundai Mipo của Hàn Quốc. Con tàu đã được tiếp đầy 1.000 tấn methanol sinh học - do nhà sản xuất OCI Global (Hà Lan) cung cấp, trước khi bắt đầu khởi hành chuyến đi đầu tiên từ cảng Ulsan của Hàn Quốc.

Maersk dự kiến sẽ nhận thêm 24 tàu chạy bằng loại nhiên liệu này. Methanol tái tạo thường được sản xuất từ sinh khối, chẳng hạn như chất thải lâm nghiệp và nông nghiệp.

Ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc sử dụng methanol sinh học làm nhiên liệu tàu thuyền, trong bối cảnh ngành vận tải biển hướng đến những mục tiêu giảm phát thải carbon. Nhiều chủ tàu và cảng lớn đang thúc đẩy dự án tiếp nhiên liệu methanol sinh học trên toàn cầu.

Tổng thống Pháp công bố kế hoạch hỗ trợ phát triển xăng sinh học cho máy bayTổng thống Pháp công bố kế hoạch hỗ trợ phát triển xăng sinh học cho máy bay
Chính quyền Biden chi 450 triệu đô la cho nhiên liệu sinh họcChính quyền Biden chi 450 triệu đô la cho nhiên liệu sinh học
Nga tái chế dầu ăn đã qua sử dụng để làm nhiên liệu hàng hảiNga tái chế dầu ăn đã qua sử dụng để làm nhiên liệu hàng hải

Ngọc Duyên

AFP