Sau Ấn Độ, PTSC M&C chuẩn bị xuất khẩu giàn khai thác dầu khí sang Brunei

11:07 | 12/03/2015

867 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Mới chỉ hơn ba tháng từ khi lần đầu tiên xuất khẩu giàn công nghệ trung tâm HRD sang Ấn Độ, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C)đã và đang chuẩn bị xuất khẩu công trình thứ hai sang Brunei. Đây là dự án đóng mới giàn đầu giếng Marahaja Lela South hay còn gọi là Dự án MLS của chủ đầu tư Total E&P Borneo B.V (Brunei).

Giám đốc PTSC M&C Đồng Xuân Thắng vẫn nhớ như in cái cảm giác bất ngờ, phấn khởi nhưng cũng đan xen lo lắng khi nhận được Ý định thư (LOI) trao thầu dự án từ chủ đầu tư Total vào ngày 15/01/2014. Thắng thầu quốc tế và trở thành Tổng thầu cho một Tập đoàn dầu khí toàn cầu như Total là một cơ hội lớn để PTSC M&C tiếp tục khẳng định tên tuổi và vị thế của mình trong ngành công nghiệp dầu khí trong nước và quốc tế. Tuy nhiên đây cũng là một thử thách to lớn bởi Total từ lâu đã nổi tiếng là một chủ đầu tư cực kỳ “khó tính”, yêu cầu rất cao về an toàn, chất lượng đến từng chi tiết nhỏ nhất.

Phạm vi công việc của PTSC M&C bao gồm thiết kế chi tiết, mua sắm, thi công chế tạo, đấu nối và chạy thử ngoài khơi (EPCC) giàn đầu giếng MLS với tổng khối lượng gần 4.000 tấn. Đây là những hạng mục không còn xa lạ gì với một PTSC M&C dày dạn kinh nghiệm, đã thực hiện thành công hơn 50 dự án cho các khách hàng trong và ngoài nước như ONGC, Talisman, Premier Oil Vietnam, Petronas, British Petroleum, Cửu Long JOC, Hoàng Long JOC, Biển Đông POC, Thăng Long JOC, Lam Sơn JOC,…Tuy nhiên, mỗi dự án đều có các yêu cầu đặc thù và khó khăn, thử thách riêng; và với một dự án quốc tế như Dự án MLS thì những khó khăn, thử thách này còn tăng lên gấp nhiều lần.

Giàn đầu giếng Marahaja Lela South

Dự án “nhìn đâu cũng thấy khó”!

Theo cam kết với Chính phủ Brunei,Total E&P Borneo B.V phải đảm bảo hỗ trợ phát triển năng lực dầu khí nội địa khi thực hiện dự án. Theo đó nhà thầu thực hiện dự án phải huy động, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, kho bãi để thi công ít nhất là phần chân đế nặng 1.200 tấn ở Brunei; nhân lực ít nhất 50% là người bản địa, thậm chí mọi trang thiết bị, vật tư cũng đều được Total chỉ định đơn vị cung cấp. Trong khi đó tại Brunei, lực lượng lao động chuyên ngành dầu khí hầu như rất ít, chưa qua đào tạo hoặc không có nhiều kinh nghiệm; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thiếu thốn và mọi thứ đều đắt đỏ. Thậm chí bãi cảng dùng để chế tạo chân đế cũng không đạt tiêu chuẩn, buộc phải cải tạo, xây dựng lại từ đầu. Do đó, để có thể tổ chức thực hiện dự án, ngoài việc nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng và bổ sung máy móc thiết bị, PTSC M&C phải điều động đội ngũ chuyên viên, cán bộ kỹ thuật và thậm chí cả công nhân sang để quản lý, giám sát, đào tạo và trực tiếp làm cùng. Việc đưa chuyên gia người Việt ra nước ngoài thực hiện những dự án lớn trước nay vẫn có, nhưng đối với Dự án MLS lần này số lượng lên đến hàng trăm người trong thời gian dài. Từ đó phát sinh rất nhiều khó khăn về thủ tục hành chính, hải quan, đó là chưa kể đến rào cản văn hóa và ngôn ngữ khi công nhân Việt Nam phải làm việc cả năm trời tại một vùng đất hoàn toàn xa lạ.

Sau nhiều tháng chật vật với thủ tục hành chính, cuối cùng hơn 100 nhân lực người Việt thuộc các lực lượng giám sát, quản lý, kỹ sư, thiết kế và cả công nhân đã được đưa đến Brunei. Tại vùng đất mới, bên cạnh việc thực hiện dự án, họ còn phải kiêm luôn công việc dẫn dắt, đào tạo nguồn nhân lực địa phương theo như yêu cầu từ Chính phủ Brunei. Thậm chí, Chính phủ Brunei còn thành lập cả một ủy ban đảm nhiệm vai trò giám sát việc tham gia của các đơn vị trong nước để đảm bảo 50% nhân lực thi công phải là người bản địa. Điều này đã tạo một áp lực vô cùng lớn cho PTSC M&C khi vừa phải đáp ứng được yêu cầu khắt khe của chủ đầu tư về tiến độ cũng như chất lượng của dự án, vừa phải “chiều lòng” Chính phủ Brunei trong việc thực hiện nghiêm túc chính sách nội địa hóa công trình.

Một bài toán khó khác là về công tác mua sắm vật tư thiết bị. Giám đốc Đồng Xuân Thắng cho hay, trong hồ sơ chào thầu ban đầu cho chủ đầu tư, PTSC M&C đã tính toán cực kỳ chi tiết các gói mua sắm vật tư, căn cứ vào giá chào sơ bộ ban đầu của các nhà cung cấp đã từng cung cấp cho các dự án mà công ty đã thực hiện trước đây, sao cho có được giá chào thầu tốt nhất, thời gian giao hàng nhanh nhất nhằm giành lợi thế cạnh tranh với các tổng thầu thầu quốc tế khác. Tuy nhiên, khi triển khai dự án, hàng loạt các yêu cầu khắt khe được đặt ra, theo đó mặc dù hình thức mua sắm là trọn gói nhưng công ty phải gọi, mua trực tiếp với các nhà cung cấp do chủ đầu tư Total ấn định mà hầu hết các nhà sản xuất và cung cấp này công ty chưa hề làm việc với họ bao giờ. Như vậy vô hình chung chi phí mua sắm vật tư bị đội lên nhiều, buộc PTSC M&C phải gấp rút triển khai một loạt các giải pháp, trong đó đặc biệt là công tác tối ưu hóa công tác thiết kế và điều chỉnh, phân bổ lại các chi phí nhằm cân đối chi phí của toàn dự án. Hàng trăm đầu mục buộc phải tính toán chi phí lại thật cặn kẽ chi li. Ví dụ như trừ các thiết bị vật tư được Total ấn định nhà cung cấp, hàng loạt các thiết bị, dụng cụ thi công,các loại vật liệu tiêu hao dù là nhỏ nhất cũng phải vận chuyển từ Việt Nam sang để bù vào cho khoản chi phí tăng lên.

Cứ như vậy, bằng quyết tâm cao độ và nỗ lực không mệt mỏi trong suốt một năm làm việc đầy khó khăn tại Brunei, đến nay PTSC M&C đã hoàn thành 99,8% phần chân đế dự án MLS, chỉ còn một hạng mục cuối cùng là hạ thủy và vận chuyển, lắp đặt ngoài khơi. Những cố gắng, nỗ lực và kết quả ngoạn mục mà PTSC M&C đạt được ở Brunei thông qua dự án MLS cuối cùng đã được các đối tác nước bạn ghi nhận và đánh giá rất cao.

Tổng thầu EPCC phải gắn liền với thiết kế chi tiết

Nắm rõ tầm quan trọng chiến lược của công tác Thiết kế chi tiết trong chuỗi cung ứng dịch vụ EPC/EPCI, từ năm 2010 PTSC M&C đã có lộ trình cụ thể trong việc phát triển hệ thống, xây dựng nguồn lực kỹ sư, chuyên gia Việt Nam để làm chủ công nghệ và tiến tới tự thực hiện công tác Thiết kế chi tiết. Từ năm 2012 đến nay, PTSC M&C đã đạt được nhiều kết quả quan trọng khi đã tự tổ chức thực hiện Thiết kế chi tiết cho hàng loạt dự án như các Dự án Hải Sư Trắng – Hải Sư Đen (Thăng Long JOC), Thăng Long – Đông Đô (Lam Sơn JOC), Sư Tử Nâu và Sư Tử Vàng Tây Nam (Cửu Long JOC) và đặc biệt Dự án MLS là dấu ấn quan trọng khi năng lực Thiết kế chi tiết của PTSC M&C được chủ đầu tư khó tính như Total phê duyệt và cũng là lần đầu tiên PTSC M&C xuất khẩu dịch vụ Thiết kế chi tiết ra nước ngoài. Từ tháng 01/2014 đến nay, công tác Thiết kế chi tiết cho giàn đầu giếng MLS đang được thực hiện ngay trong văn phòng thiết kế của PTSC M&C tại thành phố Vũng Tàu, Việt Nam.

Trưởng phòng Thiết kế PTSC M&C Nguyễn Anh Dũng cho biết: Trong quá trình triển khai thực hiện dự án,với mục đích thuyết phục chủ đầu tư chấp nhận giảm một số tiêu chuẩn của vật tư nhằm tối ưu hóa chi phí dự án, đội ngũ thiết kế PTSC M&C đã chủ động thực hiện một số nghiên cứu đặc biệt, mà thông thường được đảm nhiệm bởi các chuyên gia nước ngoài như tính toán FEA (Finite Element Assessment) cho Flange, Fitting hoạt động trong ở môi trường nhiệt độ cao hơn nhiệt độ giới hạn theo các tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, các kỹ sư PTSC M&C cũng tham gia đóng góp nhiều ý kiến cải tiến để tối ưu hóa thiết kế, tạo điều kiện thắng thầu, giúp tiết kiệm hàng triệu đô la Mỹ cho dự án. Một số ví dụ điển hình cho việc áp dụng thành công các sáng kiến như: Tối ưu hóa thiết kế cho các hạng mục Power Consumable theo thiết kế FEED để giảm công suất máy phát; đưa ra các giải pháp thiết kế kỹ thuật để sử dụng được Gas Driven Pump cho hệ thống bơm Diesel Injection; và thay đổi thiết kế FEED để gộp các van đơn lẻ thành hệ thống van tích hợp.

Thực tế cho thấy, việc thực hiện công tác thiết kế chi tiết tại Việt Nam đã mang lại những lợi ích to lớn cho lĩnh vực cơ khí nói chung và cơ khí chế tạo dầu khí nói riêng. Cái lợi đầu tiên đó là tiến độ thực hiện các dự án không còn bị động và phụ thuộc như trước. Bằng nguồn lực thực hiện và giám sát tại chỗ, PTSC M&C có thể kiểm soát được các sai sót, kiểm soát các thay đổi và khắc phục ngay trong văn phòng bãi thi công nên hoàn toàn làm chủ được tiến độ. Nếu như trước đây PTSC M&C thi công một chân đế (jacket) lớn như của Dự án Sư Tử Nâu phải mất 10-11 tháng, thì nay chỉ còn khoảng 5 tháng, thi công khối thượng tầng (topside) trước đây từ 16-18 tháng nay có thể rút xuống chỉ còn 9-10 tháng.

Cái lợi thứ hai đó là tiết giảm chi phí. Chúng ta không còn phải điều động hàng chục cán bộ quản lý dự án, chuyên viên, kỹ sư sang giám sát, thực hiện công việc thiết kế, mua sắm ở nước ngoài như trước đây, qua đó kiểm soát được rất chặt chẽ chi phí thực hiện dự án.Việc mua sai, mua thiếu, làm sai, chi phí phát sinh... được hạn chế ở mức thấp nhất, dự phòng hao phí trong thi công được giảm thiểu tối đa. Đây cũng là cơ sở để PTSC M&C không những vẫn giữ được mức giá nhận thầu không tăng, thậm chí còn giảm giá đáng kể so với các dự án trước kia, tạo dựng một thế đứng vững chắc để PTSC M&C tiếp tục đấu thầu cạnh tranh và thắng thầu các dự án nước ngoài.

Ông Bharata Rahaju – đại diện Chủ đầu tư Total, hiện đang làm việc cùng đội ngũ PTSC M&C nhận định: “Mặc dù các kỹ sư thiết kế PTSC M&C đa phần tuổi đời còn rất trẻ nhưng lại có trình độ, chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm qua việc tham gia vào nhiều dự án, đặc biệt trong lĩnh vực xây lắp các công trình dầu khí”. Cho đến nay, khi Dự án MLS đã đi được 67,32% chặng đường, chưa từng có những sự cố hay sai sót nào đáng kể diễn ra. “Công việc hiện đang tiến triển rất tốt và chúng tôi tin rằng PTSC M&C sẽ hoàn thành dự án đúng tiến độ” - ông Bharata Rahaju đánh giá.

Và khi được hỏi về khả năng hợp tác giữa Total và PTSC M&C trong tương lai, đại diện Chủ đầu tư Total khẳng định, Dự án MLS thành công sẽ trở thành một bước đệm vững chắc giúp PTSC M&C vươn lên trở thành Tổng thầu uy tín, không chỉ đối với Total mà còn đối với các Chủ đầu tư lớn khác trên thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết kế chi tiết các công trình giàn khai thác dầu khí.

Nguyên Phương

tổng hợp

DMCA.com Protection Status