Nord Stream 2 - Kẻ được, người mất sau thỏa thuận Mỹ - Đức

11:04 | 06/08/2021

|
(PetroTimes) - Thỏa thuận vừa được ký kết giữa Đức và Mỹ liên quan đến việc xây dựng Dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) nối Nga với Đức và các khoản “bồi thường” được cấp cho Ukraine đang gây ra những phản ứng trái chiều và những đánh giá khác nhau.
Nord Stream 2 - Kẻ được, người mất  sau thỏa thuận Mỹ - Đức

Xây dựng Dự án Nord Stream 2

Thủ tướng Đức Angela Merkel, Đức và Mỹ cuối cùng đã đạt được thỏa thuận liên quan đến việc hoàn thiện xây dựng Nord Stream 2, gồm những điểm chính:

1. Đức và Mỹ sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính cho Ukraine để đa dạng hóa các nguồn năng lượng và giảm sự phụ thuộc của Ukraine vào khí đốt và nguồn thu từ phí quá cảnh khí đốt của Nga.

2. Mỹ và Đức sẽ hỗ trợ việc gia hạn 10 năm thỏa thuận vận chuyển giữa Ukraine và Nga, để Kiev tiếp tục nhận được số tiền mà Moscow trả theo thỏa thuận hiện tại, kết thúc vào năm 2024.

3. Đức cam kết thực hiện các biện pháp ở cấp quốc gia và cũng tìm kiếm các biện pháp hiệu quả ở cấp độ châu Âu, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt, nhằm hạn chế tiềm năng xuất khẩu năng lượng từ Nga sang châu Âu nếu Nga cố gắng sử dụng các nguồn năng lượng làm vũ khí hoặc thực hiện các hành động tác động hơn nữa đối với Ukraine.

4. Ngoài ra, Đức và Mỹ sẽ mua một số công ty Ukraine hoạt động trong lĩnh vực điện mặt trời hoặc điện gió.

Tuy nhiên, cần lưu ý, điểm thứ hai trong thỏa thuận, Đức và Mỹ không có bất cứ cam kết gì ngoại trừ cố gắng thuyết phục Nga. Điều duy nhất đã thúc đẩy Nga gia hạn đồng vận chuyển khí đốt chỉ có thời hạn 5 năm với Ukraine là sự chậm trễ trong việc xây dựng Nord Stream 2 (trì hoãn do lệnh trừng phạt của Mỹ). Nếu không có sự chậm trễ này, Nga đã có thể ngừng mọi hoạt động vận chuyển khí đốt qua Ukraine.

Việc Kiev mất “công cụ gây áp lực” thông qua việc vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu đã được một số người ở Ukraine ghi nhận, chẳng hạn như cố vấn chính trị Alexandre Khaberine. Tuyên bố trên Ukrlife.tv, ông Khaberine cho rằng Ukraine đã mất mọi tiềm năng để thương lượng về chủ đề này kể từ cuộc nổi dậy Maidan. Ukraine từ năm 2014 đã mất hết khả năng thương lượng. Nord Stream 2 là một thất bại đối với Ukraine nhưng không phải là một thất bại của chính phủ hiện tại mà xuất phát từ các đời tổng thống trước.

Nord Stream 2 - Kẻ được, người mất  sau thỏa thuận Mỹ - Đức

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Đức Angela Merkel họp báo chung trong Phòng phía Đông tại Nhà Trắng ngày 15-7-2021

Ông Khaberine đổ lỗi cho các nhà chức trách Ukraine, đặc biệt chỉ trích lời tuyên truyền “dối trá” rằng khí đốt mà Kiev mua không còn là khí đốt của Nga, mà là khí đốt của châu Âu (Ukraine vận chuyển khí đốt của Nga qua châu Âu rồi mua lại của các nước châu Âu chính khí đốt này). Nếu khí đốt mà Kiev mua thực sự đến từ châu Âu, thì tại sao việc Nga ngừng vận chuyển khí đốt qua Ukraine lại là vấn đề nghiêm trọng? Ông Khaberine kết luận Ukraine vô lý khi trách móc các nước phương Tây liên quan đến Nord Stream 2. Đối với nhà tư vấn chính trị này, Kiev chỉ có thể tự trách mình về tình huống này.

Có vẻ như Mỹ đã đoán trước được rằng Ukraine sẽ “phát cuồng” vì một thỏa thuận về Nord Stream 2. Politico đưa tin Mỹ đã yêu cầu Ukraine ngừng hoàn toàn việc phản đối thỏa thuận giữa Mỹ và Đức về Dự án Nord Stream 2. Các nguồn tin cho biết, các quan chức Mỹ đã chỉ ra rằng, việc công khai phản đối thỏa thuận có thể gây tổn hại đến quan hệ song phương giữa Mỹ và Ukraine. Cùng lúc, các quan chức chính quyền Đức đã lặng lẽ kêu gọi những người đồng cấp Ukraine không chỉ trích thỏa thuận giữa Đức và Mỹ.

Tổng thống Ukraine Zelensky đã rất tức giận và cho rằng Mỹ có thể đã dừng Dự án Nord Stream 2 bằng các biện pháp trừng phạt mới nếu chính quyền của Tổng thống Biden muốn. “Ông Volodymyr Zelensky thật ngây thơ và vẫn chưa hiểu rằng cả Đức và Mỹ hoàn toàn không quan tâm gì đến lợi ích của Ukraine, họ sẽ đặt lợi ích của mình lên trước Ukraine”, ông Khaberine nói.

Nước Đức từ bỏ năng lượng hạt nhân, có nhu cầu lớn về khí đốt rẻ tiền, để ngăn giá điện vốn đã quá cao, thậm chí còn tăng cao hơn nữa. Đức cần nhất dự án Nord Stream 2 chứ không phải Nga. Chính điều này đã dẫn đến sự thất bại của các lệnh trừng phạt của Mỹ. Nga có thể bán khí đốt cho Trung Quốc nếu châu Âu không mua. Nhưng Đức không thể thay thế khí đốt giá rẻ của Nga bằng khí đốt của Mỹ vì khí đốt của Mỹ sẽ phải vượt đại dương để đến Đức, do đó có giá cao hơn nhiều.

Không giống như người tiền nhiệm của mình, Tổng thống Mỹ Biden hiểu rằng nếu ông tung ra các biện pháp trừng phạt mà chính quyền Ukraine yêu cầu, Đức sẽ ra khỏi liên minh với Mỹ, vì năng lượng và nền kinh tế của Đức đang bị đe dọa. Vì vậy, Mỹ và Đức đã đàm phán thỏa thuận về Nord Stream 2.

Nhưng để “cứu vãn thể diện”, Đức và Mỹ nói họ sẽ bảo vệ lợi ích của Ukraine. Trên thực tế, sẽ không có gì có thể bù đắp cho thâm hụt tài chính nghiêm trọng của Ukraine sau khi nước này mất việc vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu. Tuyên bố đã đầu tư vào điện mặt trời và điện gió ở Ukraine, Đức muốn làm “an lòng” Ukraine và không quên “năn nỉ” Nga hãy cho Ukraine thêm ít tiền bằng cách gia hạn thêm hợp động vận chuyển khí đốt trong vài năm nữa.

Đức cần nhất Dự án Nord Stream 2 chứ không phải Nga. Nga có thể bán khí đốt cho Trung Quốc nếu châu Âu không mua. Nhưng Đức không thể thay thế khí đốt giá rẻ của Nga bằng khí đốt của Mỹ vì khí đốt của Mỹ sẽ phải vượt đại dương để đến Đức, do đó có giá cao hơn nhiều.

S.Phương