Nơi làm ra hạt ngọc cho những mùa vàng (Kỳ cuối)

14:00 | 28/10/2019

578 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Ý tưởng và sáng kiến được ví như những con suối nhỏ róc rách chảy về một dòng sông làm nên một giá trị to lớn, vì một mục tiêu chung là nhà máy không ngừng phát triển. Có người ví Đạm Phú Mỹ như mảnh “đất lành chim đậu”, như vườn ươm, nảy nở tài năng, ý tưởng quả không sai. Điều này không chỉ tạo ra môi trường làm việc vui tươi, luôn suy nghĩ, tìm tòi cái mới mà điều quan trọng hơn là ai cũng thấy được ý nghĩa của công việc mình làm.

Đến hiện thực

Trong cuộc đời hơn 30 năm làm báo, tận mắt tham dự, chứng kiến và tìm hiểu nhiều về phong trào thi đua, đưa ra ý tưởng, sáng kiến ở các doanh nghiệp trong và ngoài ngành dầu khí, song khi đến Đạm Phú Mỹ tôi không khỏi bất ngờ và thú vị bởi số lượng và chất lượng của các ý tưởng, sáng kiến. Chương trình này được nhà máy xây dựng rất bài bản, công phu, ban hành công khai và được đánh giá, sơ kết, tổng kết, khen thưởng định kỳ. Tôi trầm ngâm nghiên cứu bản chương trình triển khai ý tưởng sáng tạo dài 4 trang bao gồm từ khâu nhận ý tưởng của người lao động đến khâu tiếp nhận, phân loại, đánh giá, cuối cùng là Hội đồng Khoa học Công nghệ nghiệm thu, khen thưởng. Người có ý tưởng, sáng tạo phải trình bày trước Hội đồng Khoa học Công nghệ ý tưởng của mình, lĩnh vực và phạm vi áp dụng, nội dung, bản chất của ý tưởng, dự kiến lợi ích thu được… Thông thường những ý tưởng lớn, giá trị kinh tế cao, nhà máy mời thêm các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực đánh giá, nghiệm thu và được gửi về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tóm lại, người có ý tưởng, sáng tạo phải bảo vệ trước Hội đồng Khoa học như bảo vệ luận án tốt nghiệp. Tuy nhiên, đặc điểm công việc của các xưởng bảo dưỡng trong nhà máy có mối quan hệ vật lý với các xưởng vận hành khá chặt chẽ. Do đó, khi một thay đổi ở xưởng này thường sẽ liên quan đến các xưởng khác. Để vượt qua những khó khăn đó, người có ý tưởng phải thuyết phục các bên liên quan thấy được những lợi ích, kết quả sẽ đạt được nếu thực hiện thay đổi, mà việc này đôi khi rất mất thời gian.

noi lam ra hat ngoc cho nhung mua vang ky cuoi
Sản xuất phân bón tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ

Chiến sĩ thi đua Đỗ Xuân Mai, Đội trưởng phụ trách khu vực Utility là một trong những người đã bảo vệ thành công ý tưởng của mình. Với các sáng kiến thiết kế logic cho bơm dầu 10-P-4010 A/B, bơm condensate 10-P-4001A/B và đấu dây cho bơm dầu 10-P-4010, đo mức bồn pha loãng dung dịch acid sulfuric sử dụng đầu dò Ultrasonic đã đảm bảo an toàn cho vận hành, tăng tuổi thọ thiết bị, không tốn chi phí thuê chuyên gia. Kỹ sư Võ Trung Hiếu, Tổ trưởng Tổ Sáng chế sáng kiến Đội Turbine - máy nén cũng là “ngôi sao sáng” trong lĩnh vực này. Sáng kiến lắp thêm hệ thống vent cho cụm 10-E-3001, thay đổi vòng carbon làm kín trên bộ van trip và van điều khiển của turbine 10-STK-8001A bằng loại vật liệu khác sản xuất trong nước nhưng độ bền và các thông số kỹ thuật rẻ hơn nhiều lần lại chủ động trong bảo dưỡng, thay đổi thiết kế kỹ thuật đã góp phần kéo dài tuổi thọ thiết bị, tăng năng suất lao động.

Kỹ sư Nguyễn Minh Tâm cũng là chủ nhân của 18 sáng kiến làm lợi nhiều tỷ đồng và được Hội đồng Khoa học sáng kiến Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đánh giá cao về tính sáng tạo. Tâm là một trong các kỹ sư được tham gia vào đội ngũ học viên vận hành bảo dưỡng thuộc Ban Quản lý Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ từ ngày đầu xây dựng. Anh cho biết: Khó khăn lớn nhất là chưa có kinh nghiệm thực tế, kiến thức từ trường đại học và đào tạo bổ sung trong thời gian một năm chưa đủ để anh cùng các cộng sự làm chủ nhà máy công nghiệp hiện đại. Với ý thức trách nhiệm, lòng khát khao cống hiến, đam mê của tuổi trẻ, lại được làm đúng nghề, Tâm đã không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn, học tập từ các chuyên gia, nghiên cứu tài liệu, tích cực tham gia xử lý các sự cố và nghiên cứu thực hiện sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Nhà máy hóa chất dầu khí có công nghệ phức tạp, độ tự động hóa cao, luôn chứa đựng nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng là điều kiện tốt để anh và các đồng nghiệp phấn đấu lao động và sáng tạo.

“Khắc phục lỗi tràn bộ nhớ hệ thống ESD gây trip IS1 và IS2” là ý tưởng và sáng tạo đáng nhớ nhất của Tâm. Đây là 1 trong 3 sáng kiến của Nguyễn Minh Tâm được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam công nhận.

Bức tâm thư

Học Khoa Hóa dầu, ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh và là lứa kỹ sư đầu tiên của nhà máy, Giám đốc Lê Trọng Đĩnh Chi, người có “mái tóc bất khuất, nước da ngăm đen, cặp kính tri thức, cái tên lịch sử” (mà các kỹ sư đã thân thương gắn cho anh) đã không ngừng nỗ lực và trưởng thành từ Trưởng ca Điều hành, Phó Giám đốc rồi Giám đốc nhà máy. Giám đốc Lê Trọng Đĩnh Chi nhớ lại: Khi nhà máy xây dựng và lắp đặt dây chuyền thiết bị có tới hơn 50 chuyên gia của Hãng Technip và các nước khác sang giám sát. Anh và các kỹ sư phát hiện ra một số thiết bị khi về đến Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi môi trường ẩm ướt, một số thiết bị khác lại chưa được tối ưu hóa cần phải chỉnh sửa lại. Vậy là anh em bàn nhau mạnh dạn viết bức tâm thư gửi lãnh đạo nhà máy, Tổng công ty và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hứa sẽ cùng nhau đưa ra các sáng kiến, hiến kế và ý tưởng để dây chuyền nhà máy chạy ổn định, trường tồn, tiết kiệm chi phí, đồng thời cho ra sản phẩm chất lượng cao.

Được cấp trên khuyến khích, tạo điều kiện, Chi cùng các cộng sự ngày đêm lăn lộn, trăn trở suy nghĩ cho ra nhiều ý tưởng, sáng kiến tối ưu áp dụng vào sản xuất, góp phần đưa Đạm Phú Mỹ chạy ổn định, dài ngày. Theo Chi, biết lắng nghe, khuyến khích phản biện, tạo điều kiện cho người lao động cống hiến, dám chịu trách nhiệm là phương châm hành động đầy tính thuyết phục và nhân văn của lãnh đạo nhà máy, trong đó có nhiều ý tưởng chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Rồi Chi kể cho tôi nghe một chuyện: Một kỹ sư đi kiểm tra máy, anh ta nghe tiếng máy chạy bất thường. Thay vì báo cáo lãnh đạo, kỹ sư ấy cho máy dừng luôn. Có hai câu hỏi sẽ đặt ra: Một là mặc kệ cứ cho máy chạy, nếu xảy ra sự cố thì đó là tại thiết bị. Hai là tự tin, cho dừng máy và chịu trách nhiệm trước lãnh đạo nếu dừng sai. Kết quả là, tinh thần trách nhiệm, sự tự tin của kỹ sư trẻ ấy đã cứu nhà máy, sự cố đã không xảy ra, tránh được nhiều thiệt hại về kinh tế…

Thật vui là từ đó đến nay, ý tưởng và sáng kiến ngày càng nhiều hơn, có giá trị hơn và người tham gia cũng đông hơn. Ý tưởng và sáng kiến được ví như những con suối nhỏ róc rách chảy về một dòng sông làm nên một giá trị to lớn, vì một mục tiêu chung là nhà máy không ngừng phát triển. Có người ví Đạm Phú Mỹ như mảnh “đất lành chim đậu”, như vườn ươm, nảy nở tài năng, ý tưởng quả không sai. Điều này không chỉ tạo ra môi trường làm việc vui tươi, luôn suy nghĩ, tìm tòi cái mới mà điều quan trọng hơn là ai cũng thấy được ý nghĩa của công việc mình làm. Không ít kỹ sư và công nhân nhà máy bảo với tôi rằng: Giám đốc Lê Trọng Đĩnh Chi là điển hình rất thuyết phục trong “ngọn lửa, đam mê” ý tưởng, sáng tạo tại đây.

Nhà máy chạy ổn định, dây chuyền thiết bị trơn tru, phương pháp quản lý, điều hành công việc của các phòng ban suôn sẻ, vậy có khi nào hết ý tưởng, hết sáng kiến không? Tôi đem băn khoăn, thắc mắc này hỏi Giám đốc Lê Trọng Đĩnh Chi, anh quả quyết: “Không bao giờ hết bởi thiết bị máy móc ngày càng cũ, kỹ sư, công nhân ngày càng có kinh nghiệm và giỏi nghề. Vậy ý tưởng và sáng kiến sẽ ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, chúng tôi đang chuẩn bị đưa xưởng NH3 mở rộng và Nhà máy NPK Phú Mỹ vào vận hành. Chắc chắn nhiều ý tưởng và sáng kiến sẽ ra đời từ hai dự án quan trọng này khi khớp nối và đồng bộ hoạt động bởi dự án này là nguyên liệu của dự án kia”.

Lần nào về Đạm Phú Mỹ tôi cũng tìm ra được ý tưởng mới, đề tài mới để viết bài. Có lẽ lòng đam mê phát hiện cùng sự say mê nghề nghiệp của các bạn trẻ ở đây đã lan tỏa sang tôi. Ngắm nhìn những cỗ máy khổng lồ, những bình bể to đùng chứa hóa chất, những con người làm việc nghiêm túc, say mê, luôn suy nghĩ để phát hiện ý tưởng…, tôi thấy phân xưởng nào của nhà máy cũng quan trọng và cho dù là “bộ não, trái tim, quả thận” hay “chân tay” đều là bộ phận không thể thiếu để tạo thành một cơ thể hoàn chỉnh sung sức, cường tráng.

Thang máy đưa tôi lên thăm quan tháp tạo hạt cao hơn 120m thuộc Phân xưởng Urê. Từ đây, phóng tầm mắt nhìn xuống, Khu Công nghiệp Phú Mỹ trông như một bức tranh thủy mặc và Đạm Phú Mỹ nổi bật trong bức tranh ấy. Những bao phân đạm nối đuôi nhau chạy theo băng tải xuống sà lan tỏa về các vùng nông thôn phục vụ bà con nông dân. Chao ôi, sau 13 năm, sức trẻ ở Đạm Phú Mỹ đã làm được điều kỳ diệu, đã cho ra hơn 700 ý tưởng và sáng kiến. Nếu quy ra tiền, nó sẽ là một con số khổng lồ, mà cao hơn đó là trí tuệ dầu khí, trí tuệ Việt Nam... Họ là tài sản quý và vô giá của ngành dầu khí Việt Nam và của cả đất nước. Đạm Phú Mỹ đã đem về những mùa màng bội thu cho bà con nông dân cả nước và là điển hình sáng chói, điển hình rất đẹp về thế hệ trẻ dầu khí, thế hệ trẻ Việt Nam. Một thế hệ luôn tìm tòi, học hỏi và đam mê nghiên cứu khoa học, luôn khát khao cống hiến cho nước non mình…

Trong một lần thân tình trò chuyện với tôi, Chủ tịch HĐQT PVFCCo Lê Cự Tân, người có nhiều ý tưởng và sáng kiến được áp dụng vào sản xuất khi anh dọc ngang trên tàu dịch vụ kỹ thuật của Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) tâm sự: Câu hỏi làm anh cùng các cộng sự luôn day dứt là: “Người Việt Nam mình có thể làm tốt hơn không, tiết kiệm hơn không, các lỗi kỹ thuật nhà cung cấp thiết bị bản quyền chưa khắc phục được, người Việt Nam có thể khắc phục được không”? Bài viết này đã giúp Lê Cự Tân, tôi và các bạn trả lời câu hỏi đó…

Năm 2015

Trần Thị Sánh

DMCA.com Protection Status