Những phát biểu đáng chú ý của Tổng thống Nga tại EEF 2022

13:30 | 08/09/2022

|
(PetroTimes) - Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 7 (EEF 2022) diễn ra từ ngày 5/9 - 8/9 tại Vladivostok là một diễn đàn kinh tế hướng về châu Á và là dịp để Tổng thống Nga gặp gỡ các lãnh đạo và các quan chức cấp cao của các nước thuộc khu vực này.
Tổng thống Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 7.
Tổng thống Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 7.

Trong thông điệp gửi tới EEF lần thứ 7, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, đây là diễn đàn có uy tín quốc tế cao và đóng góp đáng kể vào việc xây dựng quan hệ kinh doanh giữa Nga và các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, ông Putin đã ca ngợi "vai trò ngày càng lớn mạnh" của vùng châu Á-Thái Bình Dương

Chủ đề chính của EEF lần thứ 7 "Con đường hướng tới thế giới đa cực" dường như rất phù hợp và có ý nghĩa, nhà lãnh đạo Nga nhận định.

"Chúng tôi hài lòng ghi nhận sự hợp tác song phương trực tiếp giữa các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương, cũng như hợp tác giữa các quốc gia trong khuôn khổ các hiệp hội có ảnh hưởng như Cộng đồng Kinh tế Á-Âu, SCO, BRICS, APEC và ASEAN, đang đạt được đà phát triển. Nga sẵn sàng tiếp tục, cùng với tất cả các đối tác quan tâm, nỗ lực cải thiện hợp tác khu vực dưới nhiều hình thức khác nhau", Tổng thống Putin cho hay.

Cũng tại diễn đàn, ông Putin tuyên bố các nước phương Tây sẽ không thể nào cô lập được nước Nga dù đã thi hành các trừng phạt đối với Nga, những trừng phạt mà theo ông chính là "mối đe dọa đối với toàn thế giới", theo hãng tin AFP.

Nhà lãnh đạo Nga cũng cho rằng, việc các nước phương Tây muốn áp giá trần đối với dầu của Nga là một ý tưởng "thiếu chuẩn mực", chỉ làm cho giá của loại năng lượng này tăng thêm. Tổng thống Nga còn khẳng định Moscow không hề dùng năng lượng như là một vũ khí chống châu Âu, vài ngày sau khi tập đoàn Gazprom ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu qua đường ống Nord Stream-1.

Về vấn đề lương thực toàn cầu, Tổng thống Putin cũng cảnh báo thị trường lương thực toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi hầu hết số ngũ cốc xuất khẩu từ Ukraine theo thỏa thuận với Nga dưới sự trung gian của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ mới chỉ đến được các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) chứ không phải là các nước nghèo nhất như mục tiêu ban đầu.

"Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine nhằm mục tiêu ngăn chặn giá lương thực toàn cầu tăng cao và giúp các quốc gia nghèo đói. Thế nhưng thực tế không diễn ra như vậy. Tôi muốn nhấn mạnh là chỉ có 2 trong số 87 tàu và 60.000 trên tổng số 2 triệu tấn lương thực được đưa đến các nước nghèo - chỉ chiếm 3% số ngũ cốc được trở đến các nước đang phát triển."

Nhà lãnh đạo Nga quan ngại thực trạng trên sẽ khiến vấn đề lương thực toàn cầu trở nên tồi tệ hơn và có thể gây ra thảm họa nhân đạo chưa từng có. Vì thế, ông có kế hoạch sẽ trao đổi lại với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ về các điều khoản trong thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine nhằm giải quyết những thách thức trên.

Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần này được đặc biệt chú ý trong bối cảnh Nga phải đối mặt với hàng nghìn biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine. EEF 2022 được xem là cơ hội để Nga tìm kiếm những giải pháp, những quan hệ đối tác tin cậy để tháo gỡ những khó khăn gây ra bởi các lệnh trừng phạt.

Petrovietnam tham dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ V Petrovietnam tham dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ V
Diễn đàn Kinh tế Phương Đông EEF và chính sách hướng đông của Tổng thống Putin Diễn đàn Kinh tế Phương Đông EEF và chính sách hướng đông của Tổng thống Putin

Bình An