Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/9/2022

20:45 | 07/09/2022

4,708 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Nga và Trung Quốc đạt thỏa thuận thanh toán khí đốt; Iran sẵn sàng giúp cải thiện an ninh năng lượng toàn cầu; Châu Âu hỗ trợ hàng tỷ USD cho các công ty điện… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 7/9/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 6/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 6/9/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 5/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 5/9/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/9/2022
Gazprom cho biết Trung Quốc sẽ bắt đầu thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp và NDT thay vì USD theo một thỏa thuận hai bên vừa ký kết. Ảnh minh họa: Reuters

Nga và Trung Quốc đạt thỏa thuận thanh toán khí đốt

Ngày 6/9, Tập đoàn Năng lượng Nhà nước Gazprom của Nga thông báo đã ký một thỏa thuận với Trung Quốc để bắt đầu chuyển sang thanh toán nguồn khí đốt mà Moskva cung cấp cho nước này bằng đồng nhân dân tệ (NDT) và đồng ruble của Nga thay vì đồng USD như trước đây.

Giám đốc điều hành (CEO) của Gazprom, ông Alexei Miller nói sau cuộc họp trực tuyến với người đứng đầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) Dai Houliang rằng: “Cơ chế thanh toán mới là giải pháp đôi bên cùng có lợi, kịp thời, đáng tin cậy và thiết thực”.

Thỏa thuận này là một phần trong nỗ lực của Nga nhằm giảm sự phụ thuộc vào các loại ngoại tệ mạnh. Điều này cũng được Thứ trưởng Bộ Kinh tế Nga IIya Torosov nhắc đến với trong cuộc phỏng vấn tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 7. Thứ trưởng nói thêm rằng, các khoản thanh toán bằng đồng ruble và tiền tệ của "các quốc gia thân thiện" là một trong những mục tiêu chính của Chính phủ Nga và các đồng minh.

Iran sẵn sàng giúp cải thiện an ninh năng lượng toàn cầu

Hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran dẫn lời ông Owji phát biểu tại một cuộc họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa và các đối tác (OPEC+) khẳng định nước này sẵn sàng hỗ trợ đáp ứng các nhu cầu năng lượng toàn cầu, đồng thời bác bỏ việc chính trị hóa thị trường dầu mỏ.

Bộ trưởng Owji cho biết do lo ngại tác động của những căng thẳng địa chính trị đối với tăng trưởng kinh tế thế giới và nhu cầu năng lượng, thị trường dầu mỏ toàn cầu đang trong tình trạng mong manh và giá dầu thô biến động liên tục trong những tháng gần đây. Quan chức trên cũng cho rằng tình hình hiện nay cho thấy thị trường năng lượng quốc tế cần thêm dầu mỏ từ Iran.

Bình luận của Bộ trưởng Iran được đưa ra trong bối cảnh các bên đang nỗ lực nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Các chuyên gia phân tích cho biết việc hồi sinh thỏa thuận trên sẽ giúp tăng lượng dầu Iran xuất khẩu ra các thị trường thế giới, từ đó giúp giảm sức ép nguồn cung.

Châu Âu hỗ trợ hàng tỷ USD cho các công ty điện

Phần Lan và Thụy Sỹ ngày 6/9 đã cung cấp hàng tỷ USD hỗ trợ tài chính cho các công ty điện trong bối cảnh châu Âu cố gắng đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng giữa lúc cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng do Nga ngừng cung cấp khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1.

Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Phần Lan cho biết khoản hỗ trợ này là một phần cho kế hoạch đảm bảo thanh khoản trị giá 10 tỷ euro (9,8 tỷ USD) mà Chính phủ thông báo với các công ty điện hôm 4/9. Trong khi đó, Chính phủ Thụy Sỹ đã thiết lập một mạng lưới an toàn trị giá 10 tỷ franc Thụy Sỹ (10,14 tỷ USD) cho các công ty điện lực.

Các chính phủ châu Âu cũng đang thúc đẩy thông qua các gói hỗ trợ trị giá hàng tỷ euro để ngăn chặn các công ty điện bị “sụp đổ” và bảo vệ các hộ gia đình trong bối cảnh chi phí năng lượng tăng cao.

Giá khí đốt chuẩn ở châu Âu đã tăng khoảng 340% trong một năm và tăng tới 35% vào ngày 5/9 sau khi Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga thông báo sẽ đóng cửa đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 vô thời hạn.

Myanmar bắt đầu mua dầu Nga

Bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) ở thành phố cảng Vladivostok (Nga), Chủ tịch Hội đồng hành chính nhà nước Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing ngày 6/9 tuyên bố, nước này bắt đầu mua các sản phẩm dầu từ Nga. Trong vài ngày tới, Myanmar sẽ tiếp nhận lô dầu diesel đầu tiên từ Nga và sẵn sàng thanh toán bằng đồng Ruble.

Thống tướng Aung Hlaing cho biết thêm: "Liên quan hệ thống thanh toán, phía Nga chấp nhận đồng tiền nào thì chúng tôi sẽ thanh toán như thế. Việc thanh toán bằng đồng Ruble đơn giản hóa đáng kể thủ tục của chúng tôi, bởi có nhiều hạn chế khi thanh toán bằng các loại tiền tệ khác. Do đó, tôi hy vọng vấn đề này được giải quyết và chúng tôi có thể thanh toán bằng đồng tiền này".

Cũng tại phiên thảo luận “Lĩnh vực tài chính của Nga: những kết quả đầu tiên của quá trình chuyển đổi” trong khuôn khổ EEF, người đứng đầu ngân hàng VTB Andrey Kostin cho biết, tăng trưởng kinh tế Nga ở mức 4,6% của năm 2021 chỉ có thể đạt được sau khoảng 4-5 năm tới.

Italy công bố chiến lược tiết kiệm năng lượng

Ngày 6/9, Bộ Chuyển đổi sinh thái Italy ban hành những biện pháp quan trọng với mục tiêu tiết kiệm khoảng 3,6 tỷ m3 khí đốt, tương đương mức 7% từ nay đến hết tháng 3/2023 để đủ trữ lượng cho mùa đông 2022-2023 và 2023-2024. Đây là một trong những kế hoạch lớn cuối cùng được chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi thông qua trước thềm tổng tuyển cử sớm vào ngày 25/9 tới.

Các biện pháp ngắn hạn bao gồm việc rút ngắn thời gian sưởi mùa đông 2 tuần, giới hạn nhiệt độ phòng đến 19°C, giảm số giờ sưởi ấm trong các tòa nhà, văn phòng và tăng cường sản xuất điện từ các nguồn thay thế như than đá. Chiến lược cũng vạch ra một lộ trình trung hạn để “giảm mạnh” phụ thuộc vào khí đốt của Nga và ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Các sáng kiến ​​cho phép Italy thay thế 25/30 tỷ m3 khí đốt Nga thông qua đa dạng hóa nguồn cung, bao gồm tăng sản lượng khí đốt nội địa từ 3 đến 6 tỷ m3 và 5 tỷ m3 còn lại bằng các biện pháp thúc đẩy hiệu suất và sử dụng năng lượng tái tạo đến 2025.

Đức tung gói hỗ trợ 65 tỷ euro đối phó khủng hoảng năng lượng

Chính phủ Đức đã nhất trí với kế hoạch hỗ trợ tài chính trị giá 65 tỷ euro nhằm đối phó với chi phí năng lượng tăng cao trong bối cảnh châu Âu đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng. Gói hỗ trợ tài chính nhằm bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp khỏi lạm phát tăng vọt.

Theo đó, gói hỗ trợ lần này lớn hơn so với 2 gói trước đó, bao gồm các biện pháp đề xuất gia hạn giảm giá phương tiện giao thông công cộng và giảm thuế 1,7 tỷ euro cho 9.000 công ty sử dụng nhiều năng lượng. Ông Scholz cũng cho biết, chính phủ sẽ sử dụng thu nhập từ thuế lợi nhuận đối với các công ty năng lượng để giảm giá tiêu dùng cuối cùng đối với khí đốt, dầu và than.

Đức ghi nhận tỷ lệ lạm phát ở mức 7,9% trong tháng 8 vừa qua và tình trạng càng trở nên trầm trọng hơn do Nga tuyên bố cắt giảm lượng khí đốt cung cấp cho nước này đã khiến giá năng lượng tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu tăng vọt.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói chính sách “khiêu khích” Nga của phương Tây là sai lầm

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 7/9 cho biết ông không nghĩ rằng các chính sách "khiêu khích" của phương Tây đối với Nga là đúng, sau khi Liên minh châu Âu (EU) đề xuất giới hạn giá khí đốt của Nga. Theo ông Erdogan, những người đánh giá thấp Nga là sai lầm.

Trước đó hôm 6/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết rằng Nga đang cắt dòng khí đốt tự nhiên đến châu Âu để trả đũa các lệnh trừng phạt, đồng thời nói thêm rằng châu Âu đang "gieo nhân nào, gặt quả nấy".

Theo ông Erdogan, châu Âu sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng trong mùa đông này, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không gặp vấn đề như vậy. Lo ngại ở châu Âu đã gia tăng trong một mùa đông ảm đạm có thể xảy ra sau khi Nga tuyên bố đóng cửa đường ống dẫn khí đốt chính đến Đức.

Thứ trưởng Tài chính Mỹ tiết lộ giới hạn “hướng dẫn” về giá dầu của Nga

Ngày 6/9, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Adewale Adeyemo đã tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông rằng, Mỹ bước đầu muốn giới hạn giá dầu thô của Nga ở mức 44 USD/thùng. Ông Adeyemo nhấn mạnh rằng, 44 USD/thùng là giá chi phí sản xuất dầu thô mà Nga ước tính trước đó, và Mỹ tạm coi đây là giá hướng dẫn sơ bộ.

"Chúng tôi sẽ không đặt mức giá này thấp hơn giá thành sản xuất của Nga. Do đó, mức giá này có thể khuyến khích Nga tiếp tục sản xuất dầu thô, nhưng không cho phép nước này thu lợi nhuận từ hoạt động này", "Mục tiêu chính trong chính sách của chúng tôi là giảm thu nhập của họ trong khi vẫn để năng lượng tiếp tục chảy ra khỏi Nga", ông Adeyemo nói.

Theo trang tin Phượng hoàng của Trung Quốc, con số thực tế về mức trần giá dầu của Nga và nó sẽ được duy trì trong bao lâu, vẫn cần được quyết định sau các cuộc thảo luận nội bộ giữa các nước phương Tây.

Goldman Sachs nhận định “hóa đơn” năng lượng của EU sẽ tăng 2.000 tỷ USD cho tới năm 2023

Báo cáo phân tích mới được công bố của Goldman Sachs Group Inc cho biết, các loại năng lượng của các hộ gia đình tại Liên minh châu Âu (EU) sẽ tăng khoảng 2.000 tỷ USD cho tới năm 2023, theo các chuyên gia tại Goldman Sachs Group Inc. Và vào thời kỳ đỉnh điểm, chi phí cho các loại năng lượng của EU sẽ tương đương 15% GDP khối này.

“Theo quan điểm của chúng tôi, thị trường đang đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng và những hệ luỵ của cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại. Đây sẽ là cuộc khủng hoảng sâu sắc hơn cả khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970”, báo cáo của Goldman Sachs cho biết.

Việc chi phí năng lượng ngày càng gia tăng buộc châu Âu nhanh chóng hành động. Việc áp đặt giá trần năng lượng có thể giúp EU tiết kiệm được khoảng 650 tỷ euro chi phí và phần nào giảm bớt nỗi lo của người tiêu dùng, cho phép chính phủ các quốc gia có thể thời gian để có thể xoay sở giữa khủng hoảng năng lượng.

T.H

DMCA.com Protection Status