Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 5/9/2022

20:15 | 05/09/2022

6,777 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - EVN ký hợp đồng mua bán điện với 23 dự án tại Lào; EU tìm cách kiềm chế giá năng lượng; OPEC+ có thể tuyên bố giảm sản lượng dầu trong cuộc họp ngày 5/9… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 5/9/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 5/9/2022
Đường dây 220 kV Nậm Mô - Tương Dương phần trên lãnh thổ Việt Nam phục vụ nhập khẩu điện từ Lào. Ảnh: VGP

EVN ký hợp đồng mua bán điện với 23 dự án tại Lào

Thực hiện Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về hợp tác phát triển các dự án thủy điện, liên kết lưới điện và nhập khẩu điện từ Lào, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký kết 18 hợp đồng mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư để mua điện của 23 dự án tại Lào.

EVN đã tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác mua bán điện với Công ty Điện lực Lào (EDL) và Tổng công ty Phát điện Lào (EDL-Gen). EVN đang bán điện qua các cấp điện áp 220 kV-22 kV-35 kV tại 9 địa điểm, khu vực gần biên giới giữa hai nước với sản lượng điện thương mại khoảng 50 triệu kWh/năm.

Việc phối hợp, vận hành, bảo vệ an ninh, an toàn lưới điện được hai bên thực hiện tốt, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các địa phương của Lào. Trong lĩnh vực năng lượng, Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào nhận định còn nhiều dư địa để phát triển quan hệ hợp tác.

Cần Thơ chấp thuận đầu tư dự án nhiệt điện gần 27.600 tỉ đồng

Cần Thơ vừa có Quyết định số 2447/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III. Mục tiêu dự án là xây dựng nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) turbine khí chu trình hỗn hợp để cung cấp nguồn điện ổn định cho khu vực miền; đồng thời, cùng các NMNĐ trong Trung tâm Điện lực Ô Môn tiêu thụ hết khí lô B.

Dự án NMNĐ Ô Môn III tọa lạc tại Trung tâm Điện lực Ô Môn, phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, có tổng vốn đầu tư sơ bộ khoảng 27.596 tỉ đồng (tương đương 1,19 tỉ USD). Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 9.926 tỉ đồng (tương đương 428,2 triệu USD); vốn huy động 17.670 tỉ đồng (tương đương 762,29 triệu USD). Nhà đầu tư dự án là EVN.

Thời hạn hoạt động của dự án là 31 năm kể từ ngày quyết định cho thuê đất (2021- 2052). Các hạng mục chính của dự án gồm: Gian máy turbine khí - máy phát, turbine hơi - máy phát, khu vực máy biến áp và khu vực sân phân phối; các khu phụ trợ như nhà hành chính, khu điều khiển trung tâm, kênh lấy nước làm mát, đường ống xả nước làm mát, khu xử lý nước.

EU tìm cách kiềm chế giá năng lượng

Theo hãng tin Reuters, tài liệu dự thảo của cuộc họp bộ trưởng năng lượng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), dự kiến diễn ra vào ngày 9/9 cho thấy các phương án đang cân nhắc gồm: quy định mức trần giá khí đốt nhập khẩu, mức giá trần cho khí đốt được sử dụng để sản xuất điện, hoặc tạm thời loại các nhà máy sản xuất điện sử dụng khí đốt ra khỏi hệ thống ấn định giá điện hiện tại của EU.

Ngoài ra, các bộ trưởng cũng sẽ cân nhắc cơ chế khẩn cấp "hỗ trợ hạn mức tín dụng toàn châu Âu" cho các bên tham gia thị trường năng lượng. Trong ngày 4/9, Phần Lan và Thụy Điển đã công bố kế hoạch cung cấp hàng tỉ USD bảo đảm thanh khoản cho các công ty điện lực, nhằm ngăn chặn các yêu cầu ký quỹ đang gia tăng từ các công ty hoạt động bấp bênh.

Dự thảo của EU nêu rõ: "Các yêu cầu ký quỹ cho các hợp đồng trong tương lai đang gia tăng tỉ lệ thuận với dao động giá cả hằng ngày. Điều này khiến các doanh nghiệp đứng trước nhiều rủi ro và có nguy cơ phải rút khỏi thị trường hàng hóa kỳ hạn".

OPEC+ có thể tuyên bố giảm sản lượng dầu trong cuộc họp ngày 5/9

5 nguồn tin từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa và các đối tác (OPEC+) nói với Reuters rằng có khả năng sẽ giữ nguyên sản lượng trong lần họp này. Tuy nhiên, 2 nguồn tin OPEC+ khác nói liên minh này có thể thảo luận giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày để đưa hạn ngạch sản lượng về bằng với mức của tháng 8.

Tháng trước, Saudi Arabia - thủ lĩnh không chính thức của OPEC - đặt ra khả năng cắt giảm sản lượng khai thác dầu để giải quyết vấn đề mà Riyadh cho là sự giảm giá quá mức của dầu.

Các tín hiệu từ thị trường dầu cho thấy nguồn cung dầu vẫn thắt chặt, với nhiều nước thành viên OPEC đang khai thác dầu ở mức sản lượng thấp hơn mục tiêu đề ra và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đe doạ xuất khẩu dầu Nga.

Tuyên bố mới nhất của Moscow trước cáo buộc “vũ khí hóa năng lượng”

Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo), ông Mikhail Ulyanov, ngày 5/9 khẳng định, Nga không phải là bên phá hủy mối quan hệ kinh tế và thương mại bình thường trên toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Ông Ulyanov nhấn mạnh việc các nước phương Tây đang hoài nghi về sự tin cậy của Nga với tư cách là một nhà cung cấp năng lượng toàn cầu là điều vô lý.

Trước đó, hôm 4/9, phía Nga tuyên bố rằng tuyến đường ống khí đốt Nord Stream 1 bị đóng cửa vì Liên minh châu Âu (EU) đã vi phạm hợp đồng vận chuyển và sửa chữa.

Theo đài RT, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hôm 4/9 cho biết chính EU là bên chịu trách nhiệm về việc tuyến đường ống Nord Stream 1 phải đóng cửa vô thời hạn. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya 1, Phó Thủ tướng nêu rõ: “Toàn bộ vấn đề chính xác là do phía châu Âu gây ra. EU đã vi phạm tất cả các điều kiện của hợp đồng sửa chữa và các điều khoản vận chuyển thiết bị”.

Italy kêu gọi EU phản ứng khẩn cấp về năng lượng

Phát biểu ngày 4/9 tại Diễn đàn Ambrosetti lần thứ 48 đang diễn ra tại Como, phía Bắc Italy, Tổng thống Italy Sergio Mattarella nhấn mạnh Liên minh châu Âu (EU) cần phản ứng cấp bách khi đối mặt với sự gia tăng chóng mặt của giá năng lượng và nêu rõ EU là nhân tố duy nhất có thể hành động để hạ nhiệt giá năng lượng.

Chia sẻ lời kêu gọi của Tổng thống Mattarella, lãnh đạo đảng Dân chủ (PD) Enrico Letta bày tỏ: “Một phản ứng có thể mang tính toàn diện chỉ ở cấp độ châu Âu, trong khi ở cấp độ quốc gia, chúng tôi có thể đưa ra những phản ứng hữu ích nhưng hạn chế”. Trong khi, lãnh đạo đảng Liên đoàn (Lega) Matteo Salvini cho rằng trước việc giá năng lượng leo thang, cần xem xét lại các biện pháp trừng phạt Nga.

Diễn đàn European House-Ambrosetti là sự kiện thường niên từ năm 1975, quy tụ các nguyên thủ quốc gia và chính phủ, đại diện các tổ chức và lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu để thảo luận về những thách thức toàn cầu trong tương lai. Diễn đàn Ambrosetti lần thứ 48 diễn ra từ ngày 2-4/9 tại Como, Italy.

Dân Indonesia chuẩn bị biểu tình vì giá nhiên liệu tăng

Các công đoàn thương mại Indonesia cho biết giá nhiên liệu tăng sẽ làm giảm sức mua, vào thời điểm tiền lương bị hạn chế và lạm phát tăng vọt. Hàng chục nghìn công nhân Indonesia dự kiến biểu tình ở Jakarta vào 6/9, sau khi chính phủ tăng giá nhiên liệu 30% để kiểm soát chi phí trợ cấp, theo Bloomberg.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã hoãn thông báo tăng giá nhiên liệu hàng tuần liền trong bối cảnh các cuộc biểu tình quy mô nhỏ diễn ra. Chính phủ của ông cuối cùng đưa ra thông báo hôm 3/9. Ông Widodo nói đây là “lựa chọn cuối cùng” mà chính quyền có thể thực hiện.

Indonesia tăng giá nhiên liệu vì muốn kiểm soát chi phí trợ cấp đang tăng cao. Nhưng dù tăng giá, số ngân sách bổ sung nước này chi cho trợ cấp năng lượng cũng sẽ tăng 137 nghìn tỉ rupiah (9,2 tỉ USD) lên 151 nghìn tỉ rupiah (10 tỉ USD). Theo ông Widodo, trong hoàn cảnh này sẽ khó duy trì việc tiếp tục trợ cấp. Hơn nữa, hơn 70% trợ cấp nhiên liệu mang lại lợi ích cho những cá nhân có thu nhập khá giả và có điều kiện sử dụng ô tô.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 4/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 4/9/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 3/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 3/9/2022

T.H

DMCA.com Protection Status