Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 21/9/2022

20:24 | 21/09/2022

6,125 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu; Mỹ chuẩn bị bán 10 triệu thùng dầu dự trữ; Iran thu mua một lượng khí đốt lớn của Nga; Châu Âu sẽ mất nhiều năm để thay thế ngành hóa dầu Nga… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 21/9/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 21/9/2022
Một cơ sở chế biến dầu thô tại Nhà máy lọc và hóa dầu TANECO, ở Nizhnekamsk, Nga. Ảnh: Bloomberg

Kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu

Tại Hội nghị “Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu” do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tổ chức ngày 21/9 tại Hà Nội, đại diện nhiều doanh nghiệp xăng dầu đã nêu khó khăn gặp phải thời gian qua, trong đó có nghịch lý doanh nghiệp càng bán càng lỗ, thu không đủ bù chi.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, kinh doanh xăng dầu lệ thuộc vào thị trường quốc tế. Diễn biến xăng dầu năm 2022 mang tính dị biệt, trong đó đây là năm đầu tiên có khái niệm chiết khấu xăng dầu bằng 0, thậm chí âm. Do đó, cần phải có những đề xuất về mặt cơ chế mang tính khác biệt trước các diễn biến đặc biệt này.

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương nêu rõ, thời gian qua, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng gặp khó khăn, đặc biệt về nguồn cung xăng dầu. Do đó, việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu là nhiệm vụ then chốt đầu tiên. Tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ tham mưu cấp có thẩm quyền để điều chỉnh sao cho gần hơn với thực tiễn và tiếp cận sát hơn các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Mỹ chuẩn bị bán 10 triệu thùng dầu dự trữ

Bộ Năng lượng Mỹ ngày 20/9 thông báo nước này có kế hoạch bán 10 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược (SPR) để giúp giảm chi phí năng lượng cho các hộ gia đình Mỹ. Dự kiến 10 triệu thùng dầu SPR được bán cho đơn vị mua tiềm năng trước ngày 7/10, đến tháng 11 giao hàng. Đợt bán ra sẽ giúp nâng lượng dầu giải phóng lên 165 triệu thùng.

Động thái trên nằm trong cam kết giải phóng 180 triệu thùng dầu SPR hỗ trợ thị trường mà Tổng thống Joe Biden đưa ra tháng 3. Ông từng nhiều lần đề nghị Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng đối tác (OPEC+) tăng sản lượng nhưng không được đáp ứng. Vì vậy Mỹ khởi động nỗ lực phối hợp Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh giải phóng dự trữ dầu.

Trích dẫn phân tích từ Bộ Tài chính Mỹ, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết lượng SPR bán ra năm nay cùng lượng dầu một số quốc gia khác giải phóng giúp giữ giá ở mức khoảng 40 cent/gallon. Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh đều chưa từng đưa ra cam kết cụ thể nên không rõ 5 nước giải phóng bao nhiêu dầu dự trữ.

Iran thu mua một lượng khí đốt lớn của Nga

Theo kênh truyền hình RT, Bộ Dầu mỏ Iran ngày 19/9 thông báo Tehran sẽ sớm nhập khẩu 9 triệu m3/ngày khí đốt của Nga thông qua Azerbaijan. Kế hoạch này đã được đề cập trong một báo cáo về thỏa thuận trị giá 40 tỷ USD giữa Công ty Dầu khí Quốc gia Iran (NIOC) và tập đoàn sản xuất khí đốt Gazprom của Nga ký kết hồi tháng 7.

Bộ dầu mỏ Iran cũng thông báo một phần khí đốt nhập khẩu từ Nga được xuất khẩu sang các nước khác từ miền nam Iran dưới dạng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Thỏa thuận cũng bao gồm việc hoàn thành các đường ống dẫn khí đốt từ Iran đến Pakistan và Oman, cũng như một số dự án sản xuất LNG tại nước này.

Tháng trước, trang thông tin về năng lượng OilPrice cho biết Moskva và Tehran đã thực hiện các quy trình để thành lập một liên minh tương tự Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) về khí đốt tự nhiên, cho phép họ điều phối một tỷ lệ dự trữ khí đốt lớn cũng như kiểm soát giá cả.

Châu Âu sẽ mất nhiều năm để thay thế ngành hóa dầu Nga

Phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng và Công nghiệp Tuymen ngày 21/9, Giám đốc điều hành Công ty hóa dầu Nga Sibur, ông Mikhail Karisalov, cho hay châu Âu đã ngừng hợp tác với Nga về dây chuyền cung cấp cao su và polymer, song khẳng định phía châu Âu sẽ mất nhiều năm để thay thế các chất hóa dầu của Nga.

Ông Karisalov cũng cho biết Sibur đã tìm thấy thị trường mới ở châu Á, những vẫn tồn tại một số khó khăn về hậu cần.

Trước đó, Sibur thông báo cho biết đã cắt giảm hoàn toàn cung cấp các sản phẩm của công ty sang châu Âu và nhanh chóng chuyển hướng sang Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và các nước châu Á khác. Do đó 30% danh mục sản phẩm, vốn từng được xuất khẩu sang châu Âu đã được chuyển hướng sang Trung Quốc và châu Á.

Đức quốc hữu hóa Tập đoàn khí đốt Uniper

Chính phủ Đức và Tập đoàn năng lượng Uniper của nước này cùng công ty mẹ ở Phần Lan - Fortum, đã đạt được thỏa thuận quốc hữu hóa trong bối cảnh Uniper đứng trước nguy cơ phá sản sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt sang châu Âu liên quan đến cuộc xung đột với Ukraine. Với thỏa thuận vừa đạt được, Chính phủ Đức sẽ trở thành cổ đông lớn nhất của Uniper, với 98,5% cổ phần.

Trước đó, cuối tháng 8/2022, Chính phủ Đức thông báo mua 30% cổ phần của Uniper (tương đương gói cứu trợ 15 tỷ euro), đồng thời giảm quyền sở hữu của công ty mẹ Fortum từ gần 80% xuống 56% sau nhiều tuần đàm phán nhằm giải cứu nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, đến nay tập đoàn có trụ sở tại Düsseldorf thông báo đã sử dụng gần hết hạn mức tín dụng trong gói cứu trợ trên nhưng không cứu vãn được tình hình.

Theo Uniper, nguồn cung khí đốt của Nga bị cắt trong khi giá khí đốt và điện tăng đáng kể, đồng nghĩa với việc Uniper không còn đủ năng lực để mua thêm nhiên liệu hay trang trải các khoản đặt cọc giao dịch. Uniper là công ty năng lượng đầu tiên ở Đức gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác động của việc chi phí năng lượng tăng vọt và họ đã nộp đơn xin cứu trợ để được chính phủ hỗ trợ vào đầu tháng 8/2022.

Hà Lan công bố gói hỗ trợ người dân kỷ lục

Chính phủ Hà Lan ngày 20/9 đã thông báo gói hỗ trợ lớn "chưa từng có" lên tới 17,2 tỷ euro để hỗ trợ người dân đang phải đối mặt với giá năng lượng tăng cao cũng như mức lạm phát 2 con số - hậu quả của cuộc xung đột tiếp diễn tại Ukraine.

Theo Văn phòng Thống kê Trung ương Hà Lan (CBS), lạm phát ở nước này trong tháng 8 là 12%, cao hơn 3 điểm % so với mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU) và là mức cao nhất ở Hà Lan kể từ thập niên 1970 đến nay. Cũng theo CBS, giá năng lượng đã tăng 170% và giá điện tăng 149% trong tháng 8.

Để ứng phó những tác động này, chính phủ Hà Lan đã thông báo sẽ áp giá trần đối với khí đốt và điện kể từ ngày 1/1/2023. Bản tóm lược về ngân sách tài khóa mới 2023 của Hà Lan cho biết chính phủ nước này sẽ dành 17,2 tỷ euro để hỗ trợ người dân vào năm sau và 4,9 tỷ euro nữa trong những năm tiếp theo.

Bulgaria đấu thầu cung cấp khí đốt

Ngày 20/9, Bulgargaz - công ty khí đốt nhà nước của Bulgaria, đã bắt đầu triển khai 3 cuộc đấu thầu cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhằm tránh thiếu hụt nguồn cung vào mùa đông và đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn.

Giám đốc điều hành (CEO) Bulgargaz, bà Denitsa Zlateva nêu rõ Bulgaria không giới hạn cơ hội đối với bất kỳ đơn vị cung ứng nào. Bà cho biết nước này đặt mục tiêu mua từ 130-150% lượng khí đốt cần thiết, đề phòng trường hợp một nhà cung cấp nào đó không giao hàng.

CEO Zlateva nói thêm rằng Bulgargaz sẽ mở một cuộc đấu thầu cung ứng LNG vào khoảng 2 tháng cuối năm nay trong khuôn khổ kế hoạch thu mua khoảng 142 triệu mét khối khí vào tháng 11 và khoảng 190 triệu mét khối khí vào tháng 12. Bên cạnh đó, Bulgargaz sẽ tìm kiếm các hợp đồng cung cấp LNG trong suốt năm 2023, nhằm đặt mua 1,5 tỷ mét khối khí. Ngoài ra, công ty này sẽ triển khai một quy trình kéo dài 6 tháng dành cho hoạt động phân phối 1 tỷ mét khối LNG mỗi năm trong giai đoạn từ 2024-2034.

Nghị sĩ Mỹ đề xuất cách khiến Nga không thể tránh lệnh trừng phạt

Các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa hôm 20/9 đề xuất chính quyền Tổng thống Joe Biden sử dụng biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các ngân hàng quốc tế nhằm thúc đẩy kế hoạch áp trần giá dầu Nga.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Van Hollen và Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Pat Toomey - đều là thành viên của Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, cơ quan giám sát chính sách trừng phạt - đã công bố một khuôn khổ pháp lý để áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp, nhằm vào các tổ chức tài chính liên quan đến tài trợ thương mại, bảo hiểm, tái bảo hiểm và môi giới dầu và các sản phẩm xăng dầu của Nga được bán với giá vượt giá trần.

Cả hai thượng nghị sĩ cho biết khả năng nhắm mục tiêu vào các ngân hàng sẽ khiến Nga khó trốn tránh việc bị áp giá trần thông qua các giao dịch với các quốc gia không chính thức tham gia kế hoạch áp trần giá dầu của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 20/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 20/9/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 19/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 19/9/2022

T.H

DMCA.com Protection Status