Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 13/9/2022

20:22 | 13/09/2022

4,568 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Azerbaijan cung ứng khí đốt “giải cứu” châu Âu; Đức nỗ lực tiến tới độc lập hoàn toàn với khí đốt của Nga; Châu Á bắt đầu tích trữ cả dầu nhiên liệu do tình trạng thiếu khí đốt… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 13/9/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 13/9/2022
Azerbaijan sẽ tăng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu lên 31% trong năm 2022 trong bối cảnh EU nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Ảnh: AP

Azerbaijan cung ứng khí đốt “giải cứu” châu Âu

Bộ trưởng Năng lượng Azerbaijan - ông Parviz Shahbazov ngày 12/9 cho hay, trong 8 tháng năm nay, nước này đã cung cấp cho châu Âu 7,3 tỉ mét khối khí đốt tự nhiên, trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga.

Bộ trưởng Năng lượng Azerbaijan cho biết tổng khối lượng khí đốt nước này cung cấp cho châu Âu trong năm 2022 sẽ lên tới 12 tỉ mét khối. “Tổng khối lượng (khí đốt) cung cấp cho châu Âu trong năm 2022 sẽ lên tới 12 tỉ mét khối, tăng 31% so với năm 2021” - ông Shahbazov viết trên Twitter.

Bộ trưởng Năng lượng Azerbaijan cũng cho biết sản lượng khí đốt đã tăng gần 10%, đạt 30,6 tỉ mét khối trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 8/2022.

Đức nỗ lực tiến tới độc lập hoàn toàn với khí đốt của Nga

Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 13/9 cho biết, nhờ các cơ sở nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) đang được xây dựng và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay và năm sau, nhu cầu khí đốt của Đức có thể được đảm bảo từ các quốc gia như Mỹ, Na Uy và nhiều quốc gia khác. Do đó Đức có thể hoàn toàn thoát khỏi phụ thuộc Nga về khí đốt.

Theo Thủ tướng Scholz, vào tháng 1 năm tới, cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng đầu tiên sẽ bắt đầu hoạt động; các kết nối đường ống sẽ được thiết lập và mở rộng. Các cơ sở khác sẽ được tiếp tục hoàn thành trong năm để mở rộng việc nhập khẩu khí hóa lỏng.

Ông cũng khẳng định việc nhập khẩu khí lỏng sẽ không ảnh hưởng tới kế hoạch chuyển đổi năng lượng mà nước Đức đang gấp rút triển khai. Tất cả các văn bản luật cần thiết sẽ được thông qua trong năm nay để thúc đẩy mở rộng năng lượng tái tạo.

Israel muốn tham gia cung cấp khí đốt cho EU

Thủ tướng Israel Yair Lapid ngày 12/9, tuyên bố, nước này có thể cung cấp khoảng 10% lượng khí đốt mà châu Âu nhận được từ Nga vào năm ngoái. Phát biểu họp báo sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Đức Olaf Scholz, ông Lapid nêu rõ: "Chúng tôi sẽ tham gia nỗ lực thay thế khí đốt của Nga ở châu Âu".

Về phần mình, Thủ tướng Scholz cho biết, Đức đang tập trung vào cơ sở hạ tầng nhập khẩu khí đốt nhằm cho phép các đối tác mới cung cấp năng lượng trong bối cảnh Berlin tìm cách cắt nguồn cung của Moscow.

Trước đó, ngày 15/6, Israel đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) với Ai Cập và Liên minh châu Âu (EU) tại Cairo nhằm tạo thuận lợi cho việc cung cấp thường xuyên khí đốt từ Israel, Ai Cập và các nguồn khác tới EU, thông qua các đường ống dẫn khí hiện có tại Israel và các cơ sở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Ai Cập. Thỏa thuận có hiệu lực trong 3 năm và sẽ tự động gia hạn thêm 2 năm tiếp theo.

Tây Ban Nha tăng gấp đôi nhập khẩu khí đốt Nga

Dữ liệu cho thấy lượng khí đốt Nga mà Tây Ban Nha nhập khẩu đã tăng gấp đôi trong tháng 8 vừa qua so với năm ngoái. Cụ thể, Madrid đã mua 4.505 gigawatt giờ (GWh) khí đốt từ Moskva so với 2.228 GWh vào tháng 8/2021. Trong khi đó, nhập khẩu từ Algeria, theo truyền thống là nhà cung cấp khí đốt chính cho Tây Ban Nha, giảm 34,8%, theo dữ liệu được công bố ngày 12/9 bởi công ty năng lượng Tây Ban Nha Enagas.

Dữ liệu cũng cho thấy nhập khẩu khí đốt từ Mỹ chiếm 26,5% nguồn cung của Tây Ban Nha. Nga đứng thứ 5 trong số các nhà cung cấp chính của nước này (11,8%), sau Mỹ, Algeria, Nigeria và Pháp. Tính tổng cộng trong 8 tháng đầu năm 2022, Tây Ban Nha đã mua 32.770 GWh khí đốt từ Nga, nhiều hơn 22,8% so với cùng kỳ của năm 2021.

Các nước EU gần đây đã tăng cường mua khí đốt để tích trữ cho mùa Đông. Hôm 9/9, các quốc gia thành viên Liên minh đã không đạt được đồng thuận về việc thiết lập giới hạn giá khí đốt của Nga nhằm mục đích xoa dịu giá năng lượng đang tăng vọt trong khu vực.

Giá khí đốt và giá điện ở châu Âu “hạ nhiệt”

Giá khí đốt tại thị trường châu Âu giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (12/9), khi Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu hé lộ chi tiết kế hoạch ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng chưa có tiền lệ, bao gồm đề xuất những mục tiêu cho việc cắt giảm nhu cầu tiêu thụ điện. Giá điện tại châu Âu cũng giảm mạnh trong phiên cùng ngày - hãng tin Bloomberg đưa tin.

Giá khí đốt giao sau tiêu chuẩn có lúc giảm tới 9,3%, xuống mức thấp nhất 1 tháng. Dù vậy, so với mức giá bình thường ở thời điểm này hàng năm, giá khí đốt tại châu Âu hiện vẫn cao gấp khoảng 8 lần. Các chuyên gia của ngân hàng Goldman Sachs dự báo đến khoảng quý 1/2023, giá khí đốt tại châu Âu sẽ giảm một nửa.

Dự trữ khí đốt của châu Âu hiện đầy khoảng 84%, cao hơn một chút so với mức bình quân 5 năm - theo dữ liệu của cơ quan hạ tầng khí đốt châu Âu Gas Infrastructure Europe. EU đang nỗ lực cắt giảm tiêu thụ năng lượng và bơm thanh khoản vào thị trường năng lượng nhằm ngăn cuộc khủng hoảng này bóp nghẹt toàn bộ nền kinh tế khu vực.

Chính phủ Séc quy định giá tối đa cho điện và khí đốt

Tại cuộc họp bất thường hôm 12/9, chính phủ Séc đã đưa ra mức giá tối đa cho điện và khí đốt trong năm tới để bảo vệ các hộ gia đình khỏi giá tăng cao trên thị trường. Theo đó, các hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ phải trả tối đa 6 korun (0,247 USD) cho một kilowatt điện (kWh) và 3 korun cho mỗi kilowatt khí đốt chưa bao gồm VAT.

Thủ tướng Fiala cũng cho biết, những thay đổi sẽ được thực hiện từ các khoản thanh toán tiền đặt cọc vào tháng 11 tới. Thủ tướng Fiala hy vọng Hạ viện sẽ thông qua các biện pháp của chính phủ tại phiên họp ngày 16/9 tới. Ngoài ra, một giải pháp để đối phó với giá cao cho các ngành công nghiệp cũng sẽ được công bố vào ngày 14/9 tới.

Với việc được điều chỉnh về thuế, giới hạn giá điện của Séc sẽ tương ứng khoảng 200 euro mỗi megawatt giờ. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Zbynek Stanjura cho biết, số tiền giới hạn này sẽ tiêu tốn của nhà nước lên tới 5,36 tỷ USD vào năm tới. Tuy nhiên, theo ông Stanjura, việc giới hạn giá năng lượng sẽ có tác dụng chống lạm phát đáng kể, điều này có lợi cho các khoản chi ngân sách nhà nước khác.

Châu Á bắt đầu tích trữ cả dầu nhiên liệu do tình trạng thiếu khí đốt

Theo Bloomberg, châu Á đang tích trữ dầu nhiên liệu (fuel oil, còn gọi là dầu mazut, dầu đốt lò) để sản xuất điện trong mùa đông sớm hơn thường lệ do tình trạng thiếu khí đốt đang khiến các nước gác lại mối lo về môi trường để đảm bảo an ninh năng lượng...

Theo dữ liệu từ công ty thông tin năng lượng Vortexa, nhập khẩu dầu nhiên liệu - loại có thể dùng để thay khí đốt tự nhiên trong sản xuất điện - của Nhật Bản đã tăng lên mức cao nhất 4 năm trong tháng 8 và được dự báo tiếp tục tăng trong những tháng tới. Tháng trước, Đài Loan và Bangladesh cũng tăng gấp đôi lượng nhập khẩu mặt hàng này so với cùng kỳ năm trước.

“Nhập khẩu dầu nhiên liệu của Nhật có thể sẽ vẫn tăng trong những tháng tới”, ông Roslan Khasawneh, nhà phân tích cấp cao của Vortexa, dự báo. “Những nơi khác tại châu Á sản đang xuất điện từ dầu như Đài Loan, Hàn Quốc và Pakistan ít nhất sẽ duy trì mức nhập khẩu hiện tại”.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 12/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 12/9/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 11/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 11/9/2022

T.H

DMCA.com Protection Status