Điều tra tài nguyên than bể sông Hồng:

Vì sao không đánh giá bằng chính dữ liệu khi thăm dò dầu khí?

07:00 | 11/06/2013

707 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Nhớ tên gọi, vị trí cả về địa lý cũng như địa chất và những thông tin cơ bản của hàng trăm giếng khoan có chiều sâu từ 600m đến trên 4.000m tại Đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH), ông Nguyễn Xuân Nhự, Ủy viên BCH Hội Dầu khí Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Dầu khí Thái Bình, nguyên chuyên viên cao cấp, hàm Phó vụ trưởng, Vụ Dầu khí Văn phòng Chính phủ cho rằng, nếu có “tư duy thực tế” hơn thì Nhà nước chỉ cần chi không quá 30 tỉ đồng là đánh giá được khá đầy đủ tài nguyên than ĐBSH. Phóng viên Báo điện tử Petrotimes có cuộc trao đổi với ông xung quanh những trăn trở về công tác đánh giá và quy hoạch thăm dò, khai thác than tại ĐBSH.

PV: Được biết, bằng Quyết định số 326/QĐ-TTg, ngày 20/3/2012 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền, bể Sông Hồng. Ông có nhận xét gì về tính thời điểm của đề án này?

Ông Nguyễn Xuân Nhự: “Bể trầm tích Sông Hồng” là một cấu trúc địa chất, phân bố từ Đồng bằng Bắc Bộ ra vịnh Bắc Bộ kéo dài tới vùng biển Đà Nẵng.

Như chúng ta biết, với các mỏ than đang khai thác hiện nay thì chỉ vài năm nữa là nước ta phải nhập khẩu than cho nhu cầu phát triển nền kinh tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong khi đó than tại ĐBSH được phát hiện ngay từ những giếng khoan dầu khí đầu tiên vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước. Tài liệu thu được từ thăm dò dầu khí cho phép khẳng định đây là khu vực chứa than có trữ lượng gấp nhiều lần khu mỏ than Quảng Ninh. Đến nay ta mới có đề án đánh giá tài nguyên than tại đây là chậm. Đề án được thành lập theo quy định của Luật Khoáng sản.

Ông Nguyễn Xuân Nhự

PV: Là người có nhiều năm làm công tác thăm dò, khai thác dầu khí tại ĐBSH. Theo ông, những tài liệu thăm dò, khai thác dầu khí đã được thu được suốt mấy chục năm qua tại ĐBSH có liên quan gì tới việc nhận biết và đánh giá tài nguyên than?

Ông Nguyễn Xuân Nhự: Về mặt địa chất, ĐBSH được các nhà địa chất Việt Nam gọi là Miền Võng Hà Nội hoặc Trũng Sông Hồng. Đầu thập niên 60 bắt đầu tiến hành thăm dò dầu khí tại đây bằng các công trình nghiên cứu cấu trúc địa chất. Tới nay, công việc thăm dò dầu khí tại đây vẫn tiếp tục. Công tác nghiên cứu than một cách sâu rộng chỉ mới được bắt đầu trong những năm gần đây.

Thông thường, để thăm dò dầu khí, đầu tiên phải áp dụng các phương pháp nghiên cứu đơn giản, rẻ tiền, nhanh chóng cho kết quả như từ telua, từ trường, trọng lực, để đánh giá sơ bộ cấu trúc địa chất làm cơ sở để tiến hành các phương pháp có độ chính xác cao, đắt tiền như địa chấn, khoan. Hiện nay, chúng ta có trên 6.800km tuyến địa chấn 2D và trên 100 giếng khoan có chiều sâu 600-4.200m, thu được gần 10.000m mẫu lõi và tài liệu địa vật lý giếng khoan (karota) ở các địa tầng khoan qua. Đặc biệt, các giếng khoan sâu 1.200m lấy mẫu lõi tới 100% chiều sâu khoan qua lại là chiều sâu chứa than chính của ĐBSH.

Đánh giá về than tuy không phải là công việc của các nhà địa chất dầu khí, nhưng có thể khẳng định rằng tài liệu dầu khí đảm bảo chính xác về cấu trúc địa chất, tài liệu mẫu lõi, phân tích hàng ngàn mẫu thạch học dưới kính hiển vi hoàn toàn cần thiết cho nghiên cứu than. Đặc biệt, tài liệu karota giúp xác định chính xác vị trí, chiều dày vỉa than. Nói khác đi, chúng ta dễ dàng biết rõ quy luật phân bố than tại ĐBSH.

PV: Dưới góc nhìn của một nhà địa chất dầu khí, ông đánh giá như thế nào về quy mô cũng như các mục tiêu được đề án này xác định, đặc biệt là thông tin cho rằng trữ lượng than tại ĐBSH lên đến 210 tỉ tấn, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Nhự: Chúng tôi đã biết con số này từ cuối những năm 80 do ông Vũ Xuân Doanh, trên cơ sở khai thác tài liệu địa chất dầu khí, đã công bố tại một báo cáo chuyên về nghiên cứu than ĐBSH. Tuy nhiên, lúc đó chúng tôi không quan tâm đến vấn đề này. Tới gần đây, khi được biết, các tác giả của đề án căn cứ chủ yếu vào báo cáo này và sau đó là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam lại căn cứ vào đề án để lập quy hoạch thăm dò, khai thác than tại ĐBSH, tôi đã tìm hiểu và phát hiện báo cáo tồn tại những sai lầm rất cơ bản trong việc xác định các vỉa than và tất nhiên từ đó dẫn tới sai lầm trong việc xác định địa tầng chứa than, quy luật phân bố than và cuối cùng là con số dự báo về tài nguyên than lên tới 210 tỉ tấn.

Có các địa tầng không có than lại được cho là có nhiều vỉa và thậm chí tổng chiều dày lại lớn hơn cả đối với địa tầng chính chứa than. Người đọc như chúng tôi không biết báo cáo nói về vùng nào chứ không phải là về ĐBSH! Từ đó làm cho chiều sâu, diện tích chứa than tăng lên rất nhiều so với thực tế và tất nhiên con số 210 tỉ tấn than là quá lớn. Đáng tiếc là ngay cả Quyết định phê duyệt đề án của Thủ tướng cũng đề ra: “Mục tiêu tài nguyên than cấp 333, 334a, 334b đạt 210 tỉ tấn”. Trong khi còn đang điều tra đánh giá tài nguyên mà đã đưa ra con số định lượng phải đạt được thì lấy gì làm căn cứ?

PV: Đây là một vấn đề lớn, có ảnh hưởng quan trọng tới đề án đã được Thủ tướng phê duyệt, chắc hẳn ông phải có những cơ sở và dẫn chứng cụ thể?

Ông Nguyễn Xuân Nhự: Bất kỳ đề án nghiên cứu địa chất nào cũng phải căn cứ vào các tài liệu thu được từ trước đó. Phải tập hợp, kiểm tra, so sánh toàn bộ tài liệu có trước, xem các công trình trước đó đã giải quyết được vấn đề gì, cái gì còn tồn tại cần nghiên cứu thêm. Đó là cơ sở để đề án đưa ra các phương pháp nghiên cứu tiếp theo. Nhưng, ở đây lại chủ yếu sử dụng các thông tin từ một báo cáo nên đề án đã có nhiều sai sót cơ bản. Do chưa nghiên cứu kỹ các tài liệu cũ và ngay cả báo cáo của Vũ Xuân Doanh, nên các tác giả của đề án đã không phát hiện những lập luận và nhận xét thiếu lôgic của bản thân báo cáo.

Do vậy, đề án lại tiếp tục thiếu lôgic và lãng phí đến khó tưởng tượng. Có hàng loạt dẫn chứng về những sai lầm này. Một vài ví dụ điển hình: Đề án đề ra phải khoan 1 giếng khoan sâu tới 3.200m tại vùng tài nguyên than Quỳnh Phụ - Thái Thụy trong khi tại khu vực này đã có 19 giếng khoan sâu 3.100-4.100m và than ở đây chỉ tồn tại tới chiều sâu 2.500m. Hoặc khoan giếng khoan sâu 2.200m tại vùng tài nguyên than Xuân Trường - Vũ Tiên, trong khi ở đây có 5 giếng khoan sâu 2.400-4.100m và than ở đây có ở chiều sâu 2.000m...

Rải dây tiến hành phương pháp đo điện từ - telua ở khu vực miền võng Hà Nội

PV: Chính là những giếng khoan thăm dò dầu khí chúng ta đã thực hiện? Xin ông cho biết thêm về dữ liệu thu được từ những giếng khoan đó và chi phí đã bỏ ra, so sánh với nhiệm vụ của đề án mới được phê duyệt?

Ông Nguyễn Xuân Nhự: Thật thú vị khi các giếng khoan dầu khí tập trung chủ yếu ở các khu vực nhiều than nhất. Tài liệu thu được đã chỉ ra than chỉ tập trung đa số là ở chiều sâu không quá 1.600m, một số ít khu vực tới chiều sâu 2.500m. Nên nhớ rằng để khoan giếng khoan sâu tới 3.200m phải chi không dưới 15 triệu USD và nước ta không có doanh nghiệp nào có thể khoan được loại giếng khoan có chiều sâu trên 1.200m ở trên đất liền. Về thu nổ địa chấn, nhìn sơ đồ thiết kế 436,5km, thấy rõ tại khu vực này tài liệu địa chấn đã khá dày đặc, chất lượng tốt, các bản đồ thu được cho có độ tin cậy cao, nhất là với địa tầng chứa than. Các bản đồ này đã được kiểm chứng bằng tài liệu khoan, nên không cần phải đo lại địa chấn nữa. Cũng phải nói thêm: để thu nổ 1km tuyến địa chấn 2D phải chi ra không dưới 12.000USD mà nước ta cũng không có doanh nghiệp nào làm được.

Còn việc xử lý lại 3.000,75km tài liệu địa chấn cũng là việc làm không cần thiết, do địa tầng chứa than nằm ở chiều sâu không lớn, tài liệu đã xử lý cho chất lượng cao. Nếu cần kiểm tra thì chỉ cần chọn một vài tuyến. Thêm nữa: Đề án còn “xử lý, phân tích lại tài liệu trọng lực, điện, từ telua” thì quả là đáng ngạc nhiên. Đây là các phương pháp nghiên cứu cấu trúc địa chất chỉ được áp dụng đối với một vùng mới để có sơ đồ cấu trúc sơ bộ, làm cơ sở tiến hành các phương pháp nghiên cứu chi tiết, có độ chính xác cao là địa chấn và khoan. Trong khi đó lại chỉ sử dụng 50% tài liệu địa chấn thì quả thật khó hiểu (?). Trên 3.000km tuyến địa chấn còn lại dù là chất lượng không cao nhưng vẫn còn tốt hơn nhiều so với tài liệu trọng lực, từ telua và điện.

Tại sao đề án lại chỉ thống kê 48 giếng khoan dầu khí có mà không phải gần 100 giếng? Hơn nữa, đề án lại chỉ sử dụng tài liệu địa vật lý giếng khoan (karota) của 16 giếng, trong khi đó lại dự kiến khoan thêm 106 giếng chưa kể 18 giếng nghiên cứu địa chất thủy văn. Một khối lượng khổng lồ (khoảng gần một vạn mét) mẫu lõi khoan kèm với nó là nhiều nghìn lát mỏng thạch học đã được mô tả, nhưng không thấy đề án có một từ nào đề cập tới khối tài liệu quý giá này.

PV: Như vậy, theo ý ông, lẽ ra trước khi lập đề án này, cần phải sử dụng những tài liệu của dầu khí?

Ông Nguyễn Xuân Nhự: Đúng vậy, cần phải xem xét, tổng hợp tỉ mỉ và sử dụng toàn bộ khối lượng khổng lồ tài liệu mà khi thăm dò dầu khí đã thu được. Đó là cách làm việc nghiêm túc, khoa học, nhất là đối với khoa học địa chất. Việc làm này sẽ tiết kiệm nhiều tiền bạc và thời gian.

PV: Không lẽ các tác giả của đề án cũng là những nhà khoa học, nhà quản lý có tên tuổi, có trách nhiệm... lại không biết điều này, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Nhự: Không phải thế, mà ngược lại họ biết rất rõ khối lượng tài liệu này nhưng quan điểm của họ được ghi rõ tại trang 49 của đề án là: “Công tác tổng hợp và phân tích tài liệu cũ: Khối lượng công tác này là rất lớn, đòi hỏi phải được đầu tư không chỉ về thời gian mà cả kinh phí. Bởi vậy, công tác này được tiến hành tiếp tục trong giai đoạn công tác thi công đề án”.

Rõ ràng quan điểm này không ổn cả về khoa học và thực tiễn. Tìm hiểu một đối tượng địa chất là một quá trình lâu dài, trong đó công tác khảo sát phải tiến hành từng bước bằng các phương pháp từ đơn giản, rẻ tiền đến các phương pháp chính xác, đắt tiền hơn. Đối với ĐBSH, công việc này đã làm nhiều năm, chi một khoản ngân sách không nhỏ. Vì vậy, khối lượng tài liệu này phải được sử dụng triệt để và từ đó mới thi công công trình mới. Do chưa làm tốt công việc này nên đề xuất công việc của đề án không phù hợp với thực tế. 

PV: Theo phân tích của ông, quả có quá nhiều vấn đề về chất lượng của đề án này, xin ông quy về một số đánh giá cơ bản nhất?

Ông Nguyễn Xuân Nhự: Từ những dẫn chứng trên, có một số nhận xét như sau: Phương pháp lập đề án chưa thể hiện tính khoa học nghiên cứu địa chất tại một vùng đã có một một khối lượng khổng lồ các tài liệu do dầu khí thu được; chất lượng tài liệu đầu vào thấp, nhiều sai sót cơ bản không được phát hiện; Đề án có rất nhiều chỗ thiếu lôgic; có những phương pháp nghiên cứu được nêu ra thể hiện sai lầm về mặt khoa học; hậu quả là vô cùng tốn kém cả về tiền của, công sức và thời gian.

PV: Ông có thể chỉ ra một vài nguyên nhân chính của các sai sót này?

Ông Nguyễn Xuân Nhự: Có thể khái quát hai nguyên nhân chính. Một là, các tác giả của đề án không giành thời gian thích hợp để tiếp xúc tài liệu trong khi khối lượng tài liệu lại quá lớn. Các tác giả chủ yếu dựa vào báo cáo của Vũ Xuân Doanh, một báo cáo còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng. Hai là, các tác giả của đề án thiếu kiểm tra, so sánh giữa các phần lời với nhau và cả phần lời với các bản vẽ nên không phát hiện sai lầm và nhất là không có sự kiểm chứng giữa báo cáo với tài liệu hiện có nên dẫn tới hậu quả là đề án có nhiều sai sót rất đáng tiếc.

Lắp ráp máy khoan 4LD-150D và nền khoan GK-100 còn lưu lại trên cánh đồng lúa làng Khuốc, huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình

PV: Được biết, từ khi đề án này phôi thai (năm 2010), ông đã tìm hiểu và có ý kiến không chỉ về đề án này mà cả về công tác quy hoạch thăm dò, khai thác than ĐBSH?

Ông Nguyễn Xuân Nhự: Đúng vậy, phải nói ngay rằng, không chỉ cá nhân tôi mà những nhà địa chất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhiều năm thăm dò dầu khí tại ĐBSH đều hết sức ngạc nhiên về đề án này. Với lòng yêu nghề, trách nhiệm với đất nước, chúng tôi đã gửi ý kiến của mình tới nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp có liên quan trực tiếp. Hội Dầu khí Việt Nam cũng đã có ý kiến về “Báo cáo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng than ĐBSH đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

Ý kiến này do tôi và một chuyên gia hàng đầu về địa chất ĐBSH viết. Tôi cũng chuyển ý kiến của mình cho một thành viên Hội đồng Thẩm định đề án và báo cáo quy hoạch, cũng đã trực tiếp trao đổi với các tác giả của báo cáo quy hoạch. Nhưng người ta cho rằng, ý kiến của tôi là quý giá nhưng là ý kiến cá nhân còn báo cáo của Vũ Xuân Doanh là báo cáo đã được phê duyệt nên nó có tính pháp lý(!)… và thêm nữa, quy hoạch thường xuyên điều chỉnh nên cứ trình Thủ tướng rồi điều chỉnh sau.

Cuối cùng, tôi cũng nhận được một ý kiến trả lời của một trong số lãnh đạo mà tôi đã gửi thư là: “Tôi đã biết vấn đề này và sẽ cố gắng điều chỉnh, anh cứ yên tâm”.

PV: Và câu trả lời ấy có khiến ông yên tâm?    

Ông Nguyễn Xuân Nhự: Giờ nghỉ hưu rồi và nếu không có trách nhiệm thì cứ kê cao gối ngủ cho ngon. Nhưng… quả là rất buồn khi một đề án chất lượng thế này mà trình Thủ tướng phê duyệt thì rất đáng phải suy nghĩ, nhất là ngân sách phải chi ra tới trên 473,5 tỉ đồng.

PV: Với kinh nghiệm của người đã kinh qua các công việc của một kỹ sư địa chất, quản lý doanh nghiệp đến quản lý Nhà nước, ông có đề xuất gì về công tác điều tra, đánh giá tài nguyên than ĐBSH?

Ông Nguyễn Xuân Nhự: Trước hết, đây là công tác điều tra cơ bản buộc phải làm, nhất là trong tương lai gần Việt Nam phải nhập than. Công tác này được quy định theo Luật Khoáng sản, Nhà nước chi ngân sách để tiến hành công việc. Song với thực tế tài liệu hiện có, câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có cách làm nào đạt được mục đích mà ngân sách chỉ cần chi một khoản rất nhỏ không? Theo tôi hoàn toàn có thể làm được, nếu biết tận dụng lực lượng sẵn có, Nhà nước chỉ cần chi ra không quá 30 tỉ đồng và mất khoảng 2 năm, sẽ có được báo cáo trên. Và như vậy công tác tiếp theo sẽ sớm bắt đầu nhanh hơn. Nhưng muốn làm điều này thì phải vận dụng Luật Khoáng sản một cách linh hoạt và phải có tư duy thực tế hơn. Việc đầu tiên phải làm là điều chỉnh đề án.

PV: Tận dụng lực lượng sẵn có là lực lượng nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Nhự: Theo Luật Khoáng sản, chủ trì đề án phải là Cục Địa chất Khoáng sản. Nhưng tham gia vào công việc cụ thể thì không lực lượng nào tinh thông bằng các chuyên gia địa chất dầu khí, mà hiện tại lại chủ yếu tập trung ở Hội Dầu khí Việt Nam. Ở đây, có nhiều tiến sĩ, kỹ sư gần như thuộc lòng địa chất ĐBSH. Ngoài ra, nhiều đơn vị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có đầy đủ trang thiết bị hiện đại để tiến hành minh giải các loại tài liệu hiện có.

PV: Nếu được mời tham gia thực hiện đề án, ông có sẵn sàng?

Ông Nguyễn Xuân Nhự: Kinh nghiệm và kiến thức của người già là rất đáng quý. Nếu không được sử dụng thì rồi sẽ về với đất. Điều đó quả là lãng phí. Như trên tôi đã nói, tốt nhất là Cục Địa chất Khoáng sản nên hợp tác với Hội Dầu khí Việt Nam, tôi sẽ tích cực tham gia công việc dưới sự phân công của Hội.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi thẳng thắn và thú vị này.

Nguyễn Tiến Dũng (thực hiện)

DMCA.com Protection Status