Làm thế nào để phá vỡ bế tắc xung quanh Dòng chảy Phương Bắc 2

20:55 | 12/05/2021

|
(PetroTimes) - Tạp chí Chính sách Đối ngoại (Foreign Policy) số ngày 6/5/2021 đã đưa một số lập luận phản đối việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dự án Dòng chảy Phương Bắc 2. Tiếp theo ý kiến cho rằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ làm phương hại ngoại giao khí hậu, một số học giả nhấn mạnh đường ống dẫn khí Nga-Đức không làm ảnh hưởng tới an ninh châu Âu. Nếu Mỹ thật sự lo ngại sự phụ thuộc của Đức vào nguồn khí tự nhiên của Nga, giải pháp cho lo ngại đó sẽ không phải là việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mà là giúp Đức phát triển một thị trường năng lượng đa dạng và cạnh tranh hơn.
Dòng chảy Phương Bắc 2: Các biện pháp trừng phạt sẽ làm phương hại ngoại giao khí hậuDòng chảy Phương Bắc 2: Các biện pháp trừng phạt sẽ làm phương hại ngoại giao khí hậu

Làm thế nào để phá vỡ bế tắc xung quanh Dòng chảy Phương Bắc 2

Lắp đặt đường ống dẫn khí của Dòng chảy Phương Bắc 2 trên biển Baltic. Ảnh: Nord Stream 2/ Axel Schmidt

Lô-gic địa chính trị sau chính sách của Mỹ đối với Dòng chảy Phương Bắc 2 là rất rõ ràng. Cách suy nghĩ này không có gì mới. Chính quyền Biden lo ngại Nga sẽ sử dụng đường ống dẫn khí làm đòn bẩy đối với EU, trùng hợp với những lo ngại từ thời cựu Tổng thống Reagan về đường dẫn khí Yamal-Europe chuyển dẫn khí tự nhiên từ Sibiriea đến Tây Đức, đi qua Ucraina. Tuy nhiên, dù ở đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, lo ngại của chính quyền Reagan đã không bao giờ trở thành hiện thực. Nga chưa bao giờ cắt nguồn khí tự nhiên tới Đức như một chiến thuật địa chính trị trực tiếp. Ngược lại, tại những thời điểm bất ổn năng lượng, Nga đã duy trì dòng chảy khí ga, như khi thỏa thuận khí ga tự nhiên Tây Đức-Iran-Nga bị sụp đổ năm 1979 vì cuộc cách mạng Iran và cuộc khủng hoảng dầu lần thứ hai. Sau đó, Nga và Đức đã có thỏa thuận song phương mới. Do vậy, lo ngại Nga có thể sử dụng khí tự nhiên để làm đòn bẩy với Đức không có cơ sở lịch sử. Suy nghĩ này cũng đã bỏ qua nhân tố là sự phụ thuộc của chính Gazprom vào những người tiêu dùng Trung Âu.

Nếu Mỹ thực sự lo ngại sự phụ thuộc của Đức vào khí tự nhiên của Nga, giải pháp cho mối lo ngại này không phải là áp đặt trừng phạt mà là phải giúp Đức phát triển một thị trường năng lượng đa dạng và cạnh tranh hơn. Việc này sẽ giúp người Đức có thể tiếp cận các nguồn năng lượng khác nhau, khí tự nhiên hay các loại nhiên liệu khác, để sản xuất điện cùng với năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, việc tạo thị trường cần thời gian, đặc biệt là đối với thị trường năng lượng, là loại hàng hóa cần nguồn vốn rất lớn và cơ sở hạ tầng để thu nhận, lưu trữ, vận chuyển và phân phối tới người tiêu dùng. Không thể chỉ bằng một động tác đơn giản là vẫy cây gậy trừng phạt và trông đợi chỉ sau một đêm LNG của Mỹ trở nên cạnh tranh về giá cả ở châu Âu.

Tổng thống Biden có thể thử đưa ra củ cà rốt thay vì cây gậy. Thay vì muốn loại bỏ ngay lập tức Dòng chảy Phương Bắc 2, Mỹ có thể bảo đảm rằng đường ống dẫn khí tiếp tục là một trong nhiều nguồn cung cấp nhiên liệu cho ngành sản xuất điện của Đức. Mỹ có thể đồng tài trợ xây dựng trạm LNG ở Đức để Đức có thể nhập khẩu LNG từ bất cứ nơi nào trên thế giới.

Làm thế nào để phá vỡ bế tắc xung quanh Dòng chảy Phương Bắc 2
Công trường xây dựng của Dòng chảy Phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức. Ảnh: Nord Stream 2 / Paul Langrock

Một giải pháp tốt hơn tại thời điểm này là thúc đẩy sự hợp tác giữa Thỏa thuận Xanh của EU với chương trình nghị sự khí hậu của chính Tổng thống Biden. Bằng cách này, trên cơ sở các cam kết được đưa ra tại Thượng đỉnh Khí hậu vừa qua, Tổng thống Biden có thể xây dựng một kế hoạch với cách tiếp cận hợp tác mới cho ngoại giao khí hậu. Mỹ dẫn đầu trong công nghệ pin và Đức cần nhiều khả năng lưu giữ hơn bất kỳ nước nào khác. Bang California của Mỹ hiện đang đứng đầu toàn cầu về việc xây dựng những hệ thống pin lớn lưu trữ điện từ nguồn năng lượng gió và mặt trời. Hệ thống pin lớn nhất thế giới sắp được hoàn thành ở Monterey, California, và nhiều hệ thống pin rất lớn được lắp đặt trên đường ở San Francisco và Long Beach. Mỹ đang lắp đặt một số lượng kỷ lục lưới lưu trữ, vượt mốc 1 GW lần đầu tiên vào năm 2020. Đức, ngược lại, vẫn còn tụt hậu trong những dự án hạ tầng lớn để quản lý lưới điện năng lượng tái tạo.

Một dự án liên doanh Mỹ-Đức được nhà nước cung cấp tài chính có thể xây dựng pin lưu trữ trên diện rộng ở châu Âu. Việc này sẽ khiến cho khí tự nhiên chỉ là một trong nhiều lựa chọn năng lượng và dần dần khí tự nhiên trở thành rất đắt khi giá năng lượng mặt trời và gió tiếp tục hạ. Hai nước Mỹ và Đức sẽ cùng có lợi: Đức sẽ làm “xanh hóa”mạng lưới điện và đẩy nhanh chương trình “Energiewende” và Mỹ giảm nhẹ được những gì được cho là đe dọa địa chính trị từ phía Nga, điều chỉnh cách tiếp cận một cách linh hoạt hơn trong ngoại giao khí hậu.

Trong ngoại giao khí hậu, những lợi ích ích kỷ ngắn hạn thường ngăn cản các bên tìm được một giải pháp tối ưu cho tất cả các bên. Dòng chảy Phương Bắc 2 là một trường hợp như vậy: mong muốn của Mỹ ngay lập tức giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga đã làm lu mờ đi một giải pháp hiệu quả và lâu dài hơn đối với những thách thức năng lượng của châu Âu.

Chống biến đổi khí hậu đòi hỏi nỗ lực hợp tác toàn cầu, một vấn đề có thể bị phá hỏng do những biện pháp trừng phạt mà chính quyền Biden đang xem xét. Để nuôi dưỡng một cách tiếp cận hợp tác hơn trong chính sách khí hậu, Tổng thống Biden cần phải để cho Dòng chảy Phương Bắc 2 tiếp tục tồn tại, tập trung sự quan tâm và tiền của vào việc giúp châu Âu xây dựng một cơ sở hạ tầng năng lượng cho tương lại. Nếu Tổng thống Biden làm được điều đó thì một tương lai xanh sẽ đến sớm hơn dự kiến./.

Thanh Bình