Lâm Đồng: Giáo dục huyện Di Linh vượt khó phát triển bền vững

16:36 | 18/07/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Suốt chiều dài lịch sử, huyện Di Linh luôn đặc biệt quan tâm và thực hiện tốt các chủ trương giáo dục làm nền tảng, nên trong hơn 47 năm qua sự nghiệp giáo dục đã có những phát triển vượt bậc. Đây chính là tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương trên địa bàn.
Lâm Đồng đình chỉ thi công dự án Khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa SenLâm Đồng đình chỉ thi công dự án Khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen
Di Linh (Lâm Đồng): Vượt qua khó khăn hoàn thành “mục tiêu kép”Di Linh (Lâm Đồng): Vượt qua khó khăn hoàn thành “mục tiêu kép”

Khó khăn gặp phải

Huyện Di Linh có hơn 40% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần một nửa dân số của toàn huyện. Tỷ lệ giáo viên có trình độ trên chuẩn còn thấp, nguyên nhân là do áp dụng chuẩn đào tạo giáo viên theo quy định của Luật Giáo dục 2019, nên công tác triển khai giáo dục, dạy học trên địa bàn gặp nhiều trở ngại. Việc tiếp cận, xây dựng cơ sở hạ tầng trường học, vận chuyển trang thiết bị, hỗ trợ sách và vận động khuyến khích trẻ em đến trường gặp vô vàn khó khăn. Với quyết tầm phổ cập giáo dục trên toàn địa bàn huyện Di Linh, không để một ai bị bỏ lại phía sau, cán bộ, thầy cô giáo động viên tuyên truyền, kêu gọi hỗ trợ đồng thời sử dụng nguồn ngân sách của tỉnh để xây dựng các điểm trường mới, khang trang cải tiến trang thiết bị, giáo viên sẵn sàng ở lại công tác vùng sâu vùng xa, chủ động tiếp cận công nghệ, cải tiến phương pháp tổ chức dạy và học.

Lâm Đồng: Giáo dục huyện Di Linh vượt khó phát triển bền vững
Giáo viên chú ý nâng cao tinh thần làm việc nhóm, khuyến khích học sinh phát triển tư duy/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Tuy khó khăn chồng chất khó khăn nhưng Uỷ ban nhân dân các cấp đã sáng suốt nhìn thẳng vào vấn đề, biến khó khăn thành cơ hội, đồng thời luôn đặt giáo dục làm trọng tâm, hoàn thành mục tiêu phổ cập cho con trẻ. Ngoài hệ đào tạo chính quy, toàn huyện Di Linh cũng tập trung nhiều trong việc bồi dưỡng thường xuyên cho học sinh, đào tạo hướng đẫn dạy nghề, phát triển tư duy sáng tạo phấn đấu phát triển theo điểm mạnh của vùng, giảm tỉ lệ thất nghiệp và tăng tỉ lệ người lành nghề để giúp toàn huyện phát triển kinh tế.

Năm học 2021-2022 là năm học thứ 2 triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó ngành Giáo dục huyện Di Linh cũng tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV, đây cũng là năm học mà toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung các điều kiện đảm bảo triển khai thực hiện thành công chương trình và sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 và các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra trong điều kiện tình hình dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến điều kiện phát triển kinh kế xã hội của đất nước nói chung và địa phương huyện Di Linh nói riêng.

Nỗ lực vượt khó gặt hái quả ngọt

Được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Di Linh cũng như sự chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời của Sở GDĐT, ngành Giáo dục huyện Di Linh đã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ ứng phó với dịch Covid-19, tiếp tục đổi mới, kiên trì thực hiện mục tiêu chất lượng giáo dục, đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, đảm bảo chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với nhiều thuận lợi, đảm bảo các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện các nhiệm vụ giáo dục của địa phương.

Lâm Đồng: Giáo dục huyện Di Linh vượt khó phát triển bền vững
Giáo dục huyện Di Linh đã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ ứng phó với dịch Covid-19/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Đến nay, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành giáo dục đạt chuẩn là 1.751 (72,75%), trên chuẩn: 422 (17,53%)

Đội ngũ cán bộ Quản lý (CBQL), giáo viên (GV) cơ bản đủ về số lượng. Đa số CBQL, GV tích cực, chủ động trong việc đổi mới phương pháp, tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông 2018, tham gia đầy đủ các đợt bồi dưỡng chuyên môn do Bộ, Sở, Phòng tổ chức.

Năm học 2021-2022, 100% trường Mầm non có đủ đồ dùng đồ chơi theo quy định; 100% trường tiểu học, trung học cơ sở có đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định. 100% trường học có công trình vệ sinh nước sạch và sân chơi, bãi tập an toàn, trong đó có 95% đảm bảo diện tích theo quy định.

Về trang thiết bị dạy học: 100% trường học có đủ trang thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi theo yêu cầu, đáp ứng nhu cầu dạy học và nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, trong đó một số trường đã được trang bị thiết bị dạy học chuyên dụng, hiện đại. Việc đầu tư, mua sắm thiết bị dạy học lớp 2 và lớp 6 được rà soát, thực hiện chặt chẽ để vừa đảm bảo nhu cầu dạy học vừa tránh lãng phí ngân sách nhà nước. Đến nay, 100% trường học đã được cung cấp thiết bị dạy học lớp 2 và lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Lâm Đồng: Giáo dục huyện Di Linh vượt khó phát triển bền vững
Học sinh trên địa bàn toàn huyện Di Linh đã được tiếp cận với máy tính, tin học/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Để tạo môi trường lành mạnh, với đúng khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Phòng GDĐT huyện Di Linh phối hợp với các ban ngành đoàn thể tăng cường kiểm tra, giám sát tất cả các trường học trên địa bàn trong việc thực hiện các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các đơn vị thường xuyên thay đổi hình thức dạy học nhưng hầu hết các trường đã chủ động chỉ đạo giáo viên thiết kế bài dạy, tiến trình dạy học mỗi bài học được xây dựng thành các hoạt động học tập với mục tiêu, nội dung, cách thức thực hiện và sản phẩm cụ thể để giao cho học sinh thực hiện trong lớp học, ngoài lớp học, ở trường, ở nhà, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tại di sản văn hóa và cộng đồng.

Lâm Đồng: Giáo dục huyện Di Linh vượt khó phát triển bền vững
Học sinh trường Tiểu học Võ Thị Sáu được học tập qua tivi/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Quy mô trường lớp dần phát triển, đội ngũ giáo viên được kiện toàn, chất lượng giáo dục được nâng lên, nhiều giải pháp đổi mới trong dạy học được thực hiện. Trong năm 2021 toàn huyện có 56/76 trường đạt chuẩn quốc gia, 77,8% trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo; toàn bộ trẻ em DTTS trên địa bàn huyện đều được tăng cường tiếng Việt. Về cơ sở vật chất, trên 85% cơ sở giáo dục bao gồm cả tư thục được đầu tư trang thiết bị được đánh giá chuẩn quốc gia. Tất cả các trường trên địa bàn bao gồm cả mầm non và mẫu giáo có kết nối Internet và phần mềm quản lý. Hàng năm huyện có trên 600 sáng kiến công nhận cấp trường, 250 sáng kiến được công nhận cấp huyện và trên 15 sáng kiến công nhận cấp tỉnh.

Đặc biệt, theo thống kê điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021 tại 6 điểm trường trên địa bàn huyện Di Linh da số học sinh đều đạt chỉ tiêu xét tốt nghiệp.

Để đạt được những con số trên, ngành giáo dục huyện Di Linh đã phải cố gắng nỗ lực không ngừng học hỏi và cải thiện. Thầy trò ngành giáo dục huyện Di Linh như những tấm gương tiêu biểu cho mỗi giai đoạn. Thành tích của ngành giáo dục là sự góp công thầm lặng của các cán bộ bám bản, bám buôn làng không ngại khó khăn vất vả. Và thành tích ấy, mới đây đã được Chủ tịch nước ghi nhận và trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Bước qua những khó khăn thách thức, cán bộ thầy cô giáo của huyện Di Linh đã và đang làm rạng danh cho sự nghiệp giáo dục trên địa bàn huyện miền núi nghèo với những thành tích đáng tự hào qua các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, tuyển sinh vào đại học, du học…

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hoàng Thị Thu - Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, huyện Di Linh