Kinh tế của Việt Nam là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh tế thế giới

14:00 | 31/12/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Năm 2022, nước ta đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế rất cao, tăng 8,02% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một trong những điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh chung không mấy khả quan về tăng trưởng kinh tế của thế giới và khu vực.

Kinh tế của Việt Nam là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh tế thế giới - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Dũng Anh, Học viện Chính trị khu vực III. Ảnh: VGP/Nhật Anh

Đó là đánh giá của TS. Nguyễn Dũng Anh, Học viện Chính trị khu vực III khi chia sẻ về tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2022.

Theo TS. Nguyễn Dũng Anh, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Chính phủ đã nhanh chóng xây dựng và ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, với mục tiêu tổng quát là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước…

Để thực hiện được mục tiêu tổng quát đó, Chính phủ đã đề ra 13 nhiệm vụ chủ yếu năm 2022, với quyết tâm vượt qua đại dịch, vượt qua mọi khó khăn bị tác động từ tình hình thế giới, khu vực. Nước ta đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế rất cao, tăng 8,02% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một trong những điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh chung không mấy khả quan về tăng trưởng kinh tế của thế giới và khu vực.

"Để có được thành tựu đó là nhờ quyết tâm chung của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng với phương châm: Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, đột phá, 'biến nguy thành cơ', coi khó khăn, thách thức là động lực phấn đấu để vươn lên, bám sát thực tiễn, đánh giá, dự báo đúng tình hình, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm", TS. Nguyễn Dũng Anh nhìn nhận.

Tiếp nối thành công đó, trong năm 2023, TS. Nguyễn Dũng Anh đề xuất Chính phủ cần tập trung vào lĩnh vực cải cách thể chế mạnh hơn nữa theo hướng cấp nào, cơ quan nào ban hành cấp đó phải tháo gỡ; báo cáo cấp trên trực tiếp đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; tổng kết, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện chính sách bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Kinh tế của Việt Nam là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh tế thế giới - Ảnh 2.

Bà Lê Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP. Đà Nẵng - Ảnh: VGP/Minh Trang

Còn theo bà Lê Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP. Đà Nẵng, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, tạo ra những thách thức chưa từng có không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, sáng tạo trong áp dụng linh hoạt biện pháp chống dịch trên cơ sở bám sát thực tiễn, nhận định, dự báo tình hình dịch và dựa vào khoa học.

Qua đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả những quyết sách, nhiệm vụ, giải pháp lớn: Chương trình phòng chống dịch COVID-19; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; quan tâm xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, triển khai nhiệm vụ xây dựng quy hoạch; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy các công trình hạ tầng giao thông vận tải chiến lược, các chương trình mục tiêu quốc gia; giải quyết các công việc tồn đọng, kéo dài, các dự án yếu kém…

Trong đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Đồng thời, hết sức quan tâm 3 khâu đột phá chiến lược đã được Đảng xác định, gồm thể chế, hạ tầng và nhân lực, nhằm thiết lập các nền tảng phát triển bền vững trong trung và dài hạn, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

"Để nâng cao hiệu quả huy động, sử dụng các nguồn lực phục vụ phát triển, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị quan trọng về ổn định kinh tế vĩ mô, doanh nghiệp, các thị trường vốn, lao động, bất động sản, khoa học công nghệ… ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP để tháo gỡ 'nút thắt' cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tăng tính minh bạch và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư", Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng đánh giá.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ rào cản nguồn lực cho phát triển. Chính phủ và các cơ quan đã rà soát, hoàn thiện tổ chức bộ máy bên trong của bộ, cơ quan, dự kiến giảm 17 tổng cục, hơn 100 cục và tương đương.

"Với tư duy đột phá, hành động khẩn trương, linh hoạt, đặt hiệu quả chỉ đạo lên trên hết, với sự đồng hành hiệu quả của Quốc hội, nhiều chính sách, giải pháp được Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện đúng thời điểm trong thời gian qua đã đưa nền kinh tế nước ta phục hồi nhanh.

Kết quả trong đầu tư trực tiếp nước ngoài và hoạt động xuất, nhập khẩu của nền kinh tế cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn môi trường đầu tư, vị thế kinh tế của nước ta trong chuỗi cung ứng toàn cầu", bà Lê Thanh Tùng cho hay.

Trong xu thế chung của thế giới là tăng trưởng thấp, lạm phát cao, thì Việt Nam đạt tăng trưởng cao và lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm; quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, an sinh xã hội được chú trọng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện; hội nhập và đối ngoại được mở rộng, thúc đẩy phù hợp tình hình; niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, của toàn xã hội được nâng lên, uy tín của Việt Nam với bạn bè, đối tác quốc tế được nâng cao.

Kinh tế của Việt Nam là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh tế thế giới - Ảnh 3.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Việt Nam. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Việt Nam đánh giá, với ngành du lịch thì việc Chính phủ quyết định mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/3 là quyết định sáng suốt.

Theo ông Vũ Thế Bình, đại dịch COVID-19 đã gây ra thiệt hại to lớn chưa từng có trong lịch sử, toàn ngành du lịch bị thiệt hại rất nặng nề, cho nên để nhanh hồi phục thì sự hỗ trợ của Chính phủ là vô cùng quan trọng.

"Chính phủ đã nhanh chóng quyết định mở cửa hoàn toàn từ ngày 15/3, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa hoàn toàn du lịch. Việc mở cửa đó đã tạo động lực tăng trưởng trong ngành du lịch, bởi du lịch phát triển thì nhiều ngành đi theo và nhiều địa phương đã có sự hồi phục du lịch rất tốt", ông Vũ Thế Bình cho hay.

Theo Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Việt Nam, tuy du khách quốc tế đến Việt Nam năm nay chưa đạt như kỳ vọng (3,5 triệu lượt, đạt 70% chỉ tiêu đặt ra), nhưng du lịch nội địa đã tăng trưởng rất nhanh. Cả năm 2022 nước ta ước đón được 101,5 triệu lượt khách, vượt xa con số kỷ lục của năm 2019 (đón 85 triệu lượt khách). Có thể nói, du lịch nội địa Việt Nam đã cơ bản phục hồi trong năm 2022.

"Chúng tôi rất hy vọng trong năm tới, các cấp chính quyền, ngành du lịch tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về việc đưa du phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì du lịch sẽ phục hồi rất nhanh hơn. Ví dụ như chuyển từ giá điện dịch vụ sang giá điện sản xuất cho cơ sở lưu trú, giảm thuế, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, cho vay ưu đãi để khôi phục các cơ sở dịch vụ du lịch… Nếu thực hiện được những nội dung này thì đó sẽ là sự hỗ trợ vững chắc để du lịch sớm phục hồi", Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Việt Nam khẳng định.

baochinhphu.vn

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/