Kế hoạch chặn khí LNG Nga của EU liệu có thành công?

16:43 | 07/05/2024

|
(PetroTimes) - Trong gói trừng phạt thứ 14 của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga, Ủy ban châu Âu đã đề xuất các hạn chế nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của nước này.
Năm 2023, xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng của Nga sang EU đạt mức cao nhất mọi thời đại
Năm 2023, xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng của Nga sang EU đạt mức cao nhất mọi thời đại.

Theo đó, Ủy ban châu Âu đề xuất cấm vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga sang các nước thứ ba thông qua các cảng của EU. Hiện tại, các cảng của Bỉ, Pháp và Tây Ban Nha đang tạo điều kiện cho phần lớn LNG của Nga vận chuyển qua EU.

Trên thực tế, các biện pháp mới từ châu Âu sẽ không trực tiếp cấm nhập khẩu LNG của Nga vào EU, nhưng sẽ ngăn các nước EU tái xuất khẩu LNG của Nga. Ngoài ra, các lệnh trừng phạt cũng sẽ cấm EU tham gia vào các dự án LNG sắp tới ở Nga.

Đề xuất này cũng được lý giải nhằm áp đặt các biện pháp để hạn chế việc mở rộng công suất LNG của Nga, từ đó hạn chế nguồn thu của nước này. Động thái mới nhất của EU đánh dấu lần đầu tiên khối này nhắm vào lĩnh vực khí đốt của Moscow.

Theo ba nhà ngoại giao EU giấu tên, Ủy ban châu Âu đang lên kế hoạch ban hành lệnh cấm đối với các cảng EU bán lại LNG của Moscow ngay sau ngày 3/5. Ủy ban cũng sẽ yêu cầu hạn chế đối với ba dự án LNG sắp tới của Nga.

Mặc dù việc theo đuổi biện pháp trừng phạt đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong chiến lược chung của EU, song, các hình phạt được đề xuất sẽ chỉ chạm tới một phần doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Năm 2023, việc bán lại LNG của Moscow tại EU chỉ chiếm 1/4 tổng doanh thu của Nga từ việc kinh doanh khí đốt. Giới chuyên gia cho biết, các biện pháp trừng phạt đối với các dự án LNG sắp tới hầu hết mang tính phòng ngừa, vì hiện tại không có dự án nào trong số đó gửi hàng đến châu Âu.

Ngày càng có nhiều sự ủng hộ từ các nước lớn trong EU như Đức và Ý đối với các lệnh trừng phạt về khí đốt của Nga.

Việc ngăn chặn bán lại LNG của Nga cho EU sẽ yêu cầu Moscow phải cải tổ lại mô hình kinh doanh hiện tại của mình. Nếu không có các cảng châu Âu làm điểm dừng chân thuận tiện, Nga sẽ phải sử dụng các tàu phá băng được trang bị đặc biệt để cắt băng ở Biển Bắc Cực - để đưa khí đốt đến châu Á.

Theo Laura Page, chuyên gia khí đốt tại công ty phân tích dữ liệu Kpler, điều đó sẽ gây tổn hại cho nhà máy Yamal LNG trị giá 27 tỷ USD của Nga ở vùng cực Bắc Siberia.

Petras Katinas, nhà phân tích năng lượng tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, cho biết sự thay đổi này sẽ làm doanh thu LNG của Nga sụt giảm 2 tỷ Euro, căn cứ trên số liệu năm 2023. Đó là số tiền rất lớn nhưng chỉ chiếm 28% lợi nhuận LNG của Nga và chỉ hơn 1/5 lượng xuất khẩu sang EU vào năm 2023.

Bình An

T/H