IEA cáo buộc các nhà khai thác dầu khí “lơ là” với việc chống rò rỉ khí metan

08:25 | 23/02/2023

|
(PetroTimes) - Trong một báo cáo được công bố vào hôm 21/2, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định: Tuy có doanh thu cao, các công ty khai thác hydrocacbon vẫn chưa nỗ lực hết sức để giảm thiểu lượng khí thải metan, vốn đã ở mức “cao và khó kiểm soát”.
IEA cáo buộc các nhà khai thác dầu khí “lơ là” với việc chống rò rỉ khí metan

Khí metan – loại khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều thứ hai sau CO2, là một thành phần của khí tự nhiên. Nhưng metan cũng có nguồn gốc từ phân bò, từ rác thải hoặc từ hiện tan băng vĩnh cửu. Khí metan có khả năng làm ấm mạnh gấp nhiều lần so với CO2, nhưng có thời gian tồn tại ngắn hơn (tầm 10 năm). Dù vậy, metan đã khiến nhiệt độ toàn cầu ấm thêm 30% so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Theo báo cáo Global Methane Tracker 2023 của IEA, lượng khí thải metan trong những lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt, than đá và năng lượng sinh học đã tăng nhẹ vào năm 2022, sau khi đạt mức cao nhất vào năm 2019. Như vậy, ngành năng lượng chiếm 40% trong cơ cấu lượng khí thải metan thải ra từ hoạt động của con người. Nguồn khí metan của ngành xuất phát chủ yếu từ việc đốt bỏ khí, hoặc để rò rỉ khí trong quá trình khai thác và vận chuyển.

IEA tố cáo các công ty khai thác hydrocarbon “chưa hành động đủ”. Theo cơ quan, họ đã có thể giảm 75% lượng khí thải metan thải ra từ dầu khí, bằng cách sử dụng những phương thức hiện đại và “rất rẻ”, chẳng hạn như, thăm dò phát hiện rò rỉ hoặc sửa chữa thiết bị.

Báo cáo viết: “Để có khoản đầu tư cần thiết cho mức giảm này, ta chỉ cần huy động 100 tỷ USD - chưa tới 3% tổng doanh thu năm 2022 của tất cả những công ty dầu khí trên toàn cầu”.

“Chúng ta đã có tiến bộ, nhưng lượng khí thải vẫn còn quá cao, tốc độ giảm quá chậm. Trong khi đó, giảm phát thải khí metan là một trong những giải pháp rẻ nhất để hạn chế sự nóng lên toàn cầu trong ngắn hạn. Có lý nào mà lại không làm.” – Theo lời của ông Fatih Birol - giám đốc điều hành của IEA.

Ông cũng lưu ý rằng, vụ nổ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream vào tháng 9/2022 đã giải phóng “một lượng lớn” khí metan vào bầu khí quyển. Trong lúc đó, các công ty dầu khí vẫn đang thải ra rất nhiều khí metan mỗi ngày.

Theo IEA, trong số 260 tỷ m3 khí thải ra mỗi năm, ngành công nghiệp đã có thể thu hồi, tái chế và thương mại hóa lại 3/4 số khí đó, tạo ra sản lượng còn nhiều hơn lượng khí đốt mà Liên minh châu Âu đã nhập khẩu từ Nga trước khi xảy ra cuộc chiến Nga - Ukraine.

Ông Birol cho biết, bài báo cáo cũng xem xét lượng khí thải từ các mỏ than. Theo họ, lượng khí thải của ngành than “thường xuyên nằm trong tầm chú ý”, do đó cần có thêm nỗ lực để giảm thiểu phát thải. Theo IEA, Trung Quốc hiện đang là quốc gia phát thải khí metan nhiều nhất.

Nếu các nhà khai thác dầu khí bị buộc phải thu giữ khí CO2?Nếu các nhà khai thác dầu khí bị buộc phải thu giữ khí CO2?
2023: Đấu thầu thăm dò khai thác dầu khí trên khắp các châu lục2023: Đấu thầu thăm dò khai thác dầu khí trên khắp các châu lục
Công ty Indonesia Pertamina đặt mục tiêu tăng 5% khai thác dầu khí vào năm 2023Công ty Indonesia Pertamina đặt mục tiêu tăng 5% khai thác dầu khí vào năm 2023

Ngọc Duyên

AFP