Hà Nội: Dừng dự án cao ốc trên tuyến đường Lê Văn Lương

20:04 | 22/11/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Mới đây, UBND TP Hà Nội cho biết đã chỉ đạo dừng thực hiện quyết định chủ trương đầu tư dự án công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở tại ô đất N14, N15 đường Lê Văn Lương (quận Cầu Giấy).
Hà Nội: Nhiều sai phạm tại cụm công nghiệp làng nghề Dương LiễuHà Nội: Nhiều sai phạm tại cụm công nghiệp làng nghề Dương Liễu
Hà Nội tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực trong quy hoạch, xây dựng và nhà ởHà Nội tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực trong quy hoạch, xây dựng và nhà ở

Liên quan đến ô đất N14, N15 đường Lê Văn Lương, UBND TP Hà Nội cho biết, ô đất có tổng diện tích 12.560,6m2, được UBND TP phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 11/08/2016. Đây là dự án đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở do Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Louis làm chủ đầu tư.

Hà Nội: Dừng dự án cao ốc trên tuyến đường Lê Văn Lương
Khu đất thực hiện dự án/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trong quá trình triển khai công tác GPMB có phát sinh đơn thư. Căn cứ báo cáo của Thanh tra TP về việc xem xét đơn thư, tháng 2/2020, UBND TP đã có chỉ đạo về việc dừng thực hiện quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Về việc xử lý các nội dung tồn tại của dự án, UBND TP đã giao các Sở, ngành rà soát quy định hiện hành để tham mưu đề xuất.

Tại báo cáo đề xuất nhu cầu sử dụng đất trên địa bàn thời kỳ kỳ 2021 - 2030 mà UBND quận Cầu Giấy gửi Sở TN&MT cho biết, dự án khu đất dự án N14, N15 này có diện tích 0,96 ha, chức năng là đất ở đô thị. Dự án nằm tại ô quy hoạch có ký hiệu QH 46, thuộc địa phận phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Phía tây nam dự án giáp phố Hoàng Ngân, phía tây bắc giáp tiếp giáp đường Lê Văn Lương.

Ô đất N14 và N15 trước đây từng có tên cũ là ô đất 5.1-NO và 5.5-NO, chủ đầu tư là Công ty Louis. Từ năm 2018, các hộ dân trên vùng dự án đã nhận quyết định thu hồi đất.

Công ty Louis được thành lập vào tháng 2/2016, có trụ sở tại Đống Đa, Hà Nội. Doanh nghiệp này có nhiều mối liên hệ với Tập đoàn Lã Vọng.

Trước đây, cơ cấu cổ đông của Louis có sự xuất hiện của ông Lê Văn Vọng - người sáng lập Tập đoàn Lã Vọng Group. Cổ đông sáng lập của Louis còn có bà Đặng Thị Lý, người đồng thời là cổ đông sáng lập của CTCP Đầu tư Phát triển và Dịch vụ Thương mại Đại An - đối tác của Lã Vọng Group tại một số dự án ở Hà Nội.

Qua tìm hiểu, Louis cùng với CTCP Thương mại Ngôi Nhà Mới (một doanh nghiệp mới trong hệ sinh thái Lã Vọng Group) đang nắm 85% vốn góp tại CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị Hoàng Mai - chủ đầu tư Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ tại quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Trước đó hồi tháng 5/2022, Thanh tra Bộ Xây dựng công bố Kết luận thanh tra số 39, trong đó chỉ ra một số lô đất bên đường Lê Văn Lương - Tố Hữu chậm tiến độ nhiều năm, bỏ hoang lãng phí. Cùng với đó, kết luận chỉ loạt vi phạm trong quy hoạch, xây dựng các dự án cao ốc hai bên tuyến đường này.

Theo Kết luận thanh tra số 39 của Bộ Xây dựng, hàng loạt các dự án được điều chỉnh nâng tầng sai quy hoạch trên tuyến đường Lê Văn Lương. Thậm chí có những dự án bị điều chỉnh nhiều lần theo hướng thay đổi chức năng sử dụng đất, “nhồi” thêm tầng cao.

Cụ thể, dự án Manhattan Tower sau 4 lần điều chỉnh sai quy định, đã tăng số tầng trung bình từ 5 lên 30 tầng, làm tăng quy mô dân số từ 500 người lên khoảng 1.308 người.

Dự án Times Tower của Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 Hà Nội điều chỉnh tăng tầng cao từ trung bình 7 tầng cùng 1 tầng kỹ thuật, 1 tum thành 25 tầng, mật độ xây dựng từ 56,7% thành 59,5%, tăng thêm dân số 680 người.

Dự án HandiResco Lê Văn Lương do liên danh Tổng Công ty Handico và Công ty HandiResco là chủ đầu tư với 4 lần điều chỉnh đã điều chỉnh từ đất ở thành văn phòng, thương mại (năm 2008), thành hỗn hợp văn phòng, nhà ở và nhà trẻ (năm 2012); 1 khối văn phòng lại thành tổ hợp văn phòng dịch vụ thương mại, nhà ở và nhà trẻ (năm 2017); nâng từ 6,5 tầng lên 25 tầng khối văn phòng, 27 tầng khối nhà ở, phát sinh tăng dân số 754 người, diện tích sàn xây dựng tăng thêm hơn 10.790m2.

Dự án án Hà Nội Center Point do Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội làm chủ đầu tư điều chỉnh “đất công cộng thành phố” thành đất xây nhà ở cho thuê và đã xây thành nhà ở và tiếp tục bị “biến” thành hỗn hợp (văn phòng, dịch vụ và nhà cho thuê). Mật độ xây dựng dự án này tăng từ 26% thành 52%, tầng cao từ 15 tầng thành 32 tầng, làm tăng thêm dân số khoảng 1.060 người.

Tại dự án The Golden Palm do Công ty CP Phát triển Đầu tư Hà Nội - Sunrise (HDIS) là chủ đầu tư điều chỉnh sai quy định từ đất ở thành dịch vụ, thương mại thành nhà ở, mật độ xây dựng từ 51,7% với tầng cao điểu chỉnh liên tiếp từ 9 lên 23 rồi lên 25 và sau đó lên 27 tầng làm tăng thêm dân số khoảng 914 người.

Ở dự án công trình trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê số 19 đường Lê Văn Lương do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Đầu tư làm chủ đầu tư đã được điều chỉnh sai quy định từ “đất ở” thành đất xây trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê, tầng cao từ trung bình 7-9 tầng thành 16 tầng.

Dự án tòa văn phòng Hud Tower điều chỉnh sai quy định trong xây dựng. Đất cho dự án này được điều chỉnh từ “đất ở” thành “đất xây dựng văn phòng, khách sạn, thương mại”, rồi biến thành tòa nhà văn phòng Hud Tower. Hệ số sử dụng đất tăng từ 3,1 lần thành 10,9 lần, tầng cao tối đa từ 16 tầng thành 32 tầng.

Tòa Golden West do Công ty Vietradico là chủ đầu tư 3 lần “bị” điều chỉnh sai quy định, từ 6,5 tầng thành 25 tầng, mật độ từ 38% thành 47%, số căn hộ từ 352 căn thành 740 căn...

/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (t/h)