Chương trình Tặng quà tết cho đồng bào Tây Bắc:

“Đường lên Tây Bắc xa xôi…”

14:00 | 23/01/2013

808 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Hoạt động an sinh xã hội là công tác trọng điểm được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đặc biệt quan tâm, đã và đang là một nét văn hóa của người Dầu khí. Chỉ tính riêng trong 5 năm vừa qua, Petrovietnam đã dành gần 3.000 tỉ đồng cho công tác an sinh xã hội. Chuẩn bị đón Tết Quý Tỵ, Báo Năng lượng Mới đã đứng ra tổ chức và vận động các đơn vị trong ngành tặng quà cho đồng bào có hoàn cảnh khó khăn hai tỉnh miền núi biên giới nghèo nhất đất nước là Điện Biên và Lai Châu.

Một kế hoạch “không tưởng”

Ngay từ ngày chuẩn bị đầu tiên, khi đề ra kế hoạch thực hiện tổng hành trình hơn 2.300km trong vòng 7 ngày và cần phải có một số lượng hàng khoảng 400 triệu đồng. Thoạt nghe, bất cứ người nào từng đi qua Tây Bắc đều cho rằng, đây là một điều phi thực tế, nhất là vào thời điểm cận tết. Sau 1 tháng vận động, chuẩn bị, Báo Năng lượng Mới cùng các đơn vị đồng hành trong Tập đoàn như: Công Đoàn Dầu khí, PVFCCo, PVDrilling, PVGas, PVEP, DMC, Vietsovpetro, Công đoàn VPI, Biển Đông POC, Phòng Khai thác và Sản xuất Cửu Long JOC, PVC, đặc biệt có đơn vị ngoài ngành là metruyen.com cũng tham gia.

Đoàn chuẩn bị được 1.000 chiếc chăn bông và hơn 2 tấn hàng hóa thiết yếu như bột canh, dầu ăn, bánh kẹo… có trị giá 420 triệu đồng. Báo Năng lượng Mới cùng các đơn vị đồng hành và các đơn vị ủy quyền cho báo tặng quà tới các hộ gia đình còn khó khăn của các xã vùng sâu, biên giới góp phần nhỏ bé như ước nguyện của toàn thể cán bộ, công nhân viên ngành Dầu khí để bà con các dân tộc, gia đình có hoàn cảnh khó khăn có thể đón một cái tết đầm ấm và đầy đủ hơn.

duong len tay bac xa xoi

Học sinh Trường THPT bán trú xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) nhận quà tết

Việc thuê phương tiện vận chuyển đến các vùng núi Tây Bắc trong dịp cận tết là cực kỳ khó khăn. Vận chuyển hàng hóa, quà tặng đến những xã biên giới, vùng sâu, vùng cao đường đi rất xấu như xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên; bản Nậm Luồng xã Kan Hồ, huyện Mường Tè; bản Hơ Miêng, xã Tông Qua Lìn tỉnh Lai Châu… Đoàn công tác sẽ không thể hoàn tất hành trình đến tận các bản, xã suốt một dải biên giới phía bắc thuộc hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu.

Trong những ngày cùng nhau vượt qua mưa dầm, những quãng đường lầy lội, chia nhau miếng xôi khô, chén rượu nhạt… các thành viên trong đoàn công tác đã hiểu và nhận ra rằng, nếu không có sự đồng hành, giúp đỡ của người bạn rất giản dị, nhiệt tình thuộc lực lượng Công an hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu thì không có cách nào vận chuyển hàng hóa lên các bản, xã nói trên cũng như hoàn thành toàn bộ hành trình một cách an toàn.

Đường núi liên tỉnh Điện Biên lên vùng biên giới đang được sửa chữa nên rất lầy lội khó đi, xe ôtô chạy không quen đường dễ sa lầy hoặc nguy hiểm hơn nữa là rơi xuống vực. Nhiều chặng đường rất khó đi, xe chỉ chạy được dưới vận tốc 15-20km/h. Riêng cung đường từ thành phố Điện Biên lên xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé chỉ 280km thôi mà đoàn Công tác phải đi mất 10 giờ đồng hồ. Trong đó 180km đường rất xấu, xe chở đoàn bị 3 lần sa lầy.

Chiếc xe Mecedes 16 chỗ do PVTrans tài trợ cho đoàn vừa chở các thành viên vừa chở hàng cứ xoay ngang đường, bánh xe quay tít, khiến đuôi xe vẩy vung vít như con cá mắc cạn cố trườn mình nhưng không thể trồi lên nổi vài chục mét đường đất. Cũng may có xe đặc chủng của công an đi cùng đoàn đã dùng tời kéo xe vượt qua, đến với xã vùng cao Sín Thầu giáp biên giới với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Nói về những bãi lầy này, một nhà báo lão thành có hơn 30 năm ngang dọc trên vùng núi Tây Bắc cho biết, chúng được gọi là những “bẫy đất đặc sản” của đường miền núi. Những chiếc bẫy này được hình thành do các mạch nước từ trên núi chảy xuống những đoạn trũng trên đường. Lâu ngày tích tụ thành những túi nước, lớn thì có đường kính cả trăm mét, nhỏ thì hơn chục mét. Gặp thời thiết ẩm ướt, nước mưa xói mòn, khi ấy những chiếc bẫy này mới lộ ra. Xe nào sa vào, bánh xe lập tức mất độ bám do đất cực mềm, nhão nên quay tít, xoay vòng tại chỗ. Người có kinh nghiệm đi đường rừng không bao giờ dám chủ quan chạy tốc độ cao trên cung đường Tây Bắc nếu không chỉ sơ sẩy một chút là có thể xảy ra tai nạn.

duong len tay bac xa xoi

Cán bộ xã Chà Cang (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) nhận quà để phát cho bà con

Để điều trị các loại bẫy trên đường, đáp ứng yêu cầu “hành quân khẩn cấp”, Ban Giám đốc Công an Lai Châu và Điện Biên đã cử đội xe đặc chủng gồm 5 chiếc của cảnh sát cơ động phục vụ chở hàng và hộ tống đoàn. Đây là xe chuyên dụng với máy hai cầu, gầm cao, được trang bị lốp đặc biệt chuyên băng rừng. Những chiếc xe tải này trong đơn vị chỉ được dùng để chuyển quân trên các vùng biên giới Tây Bắc. Trong suốt 7 ngày, mỗi xe thường trực 4 chiến sĩ gồm hai tài xế thay phiên nhau lái, hai chiến sĩ phụ trợ việc dỡ hàng, xử lý các sự cố nên rất kịp thời, nhanh chóng khi đoàn gặp sa lầy trên đường.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương các xã rất nhiệt tình giúp đỡ đoàn công tác, phối hợp với công an địa phương bảo vệ trật tự, an toàn cho đoàn làm việc và bà con đến nhận quà, giao lưu cùng các thành viên trong đoàn.

Những ấn tượng Tây Bắc

Khi đến huyện Mường Tè, anh em trong đoàn ở nhờ nhà khách của Bộ đội Biên phòng. Nghe chúng tôi kể lại hành trình đã đi qua, các anh cười và bảo rằng, phải nói là đang “hành quân” thì đúng hơn. Ngẫm lại thì vẫn chưa hoàn toàn đúng vì chúng tôi không chỉ cắm đầu chạy mà còn đủ thời gian ghi nhận những thông tin, ấn tượng đặc trưng của dải biên cương Tây Bắc Tổ quốc.

Theo thống kê của tỉnh Điện Biên, năm 2008, Mường Nhé có đến 78% hộ nghèo. Được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền tỉnh Điện Biên và sự nỗ lực của nhân dân toàn huyện phát triển kinh tế nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại. Đến nay, Mường Nhé vẫn có 51% hộ nghèo, chiếm tỷ lệ cao nhất cả nước. Để đến nhận quà của đoàn công tác, bà con ở các bản nằm trong rừng sâu, hay trên núi phải dậy từ sớm, đi bộ, gùi cơm, địu con qua hàng chục kilômét đường rừng mới đến được điểm tập kết để kịp nhận quà. Nhìn các bà, các chị người Hà Nhì, người Mông lôi trong gùi ra những bộ váy, áo, khăn đội đầu được thêu công phu, sặc sỡ mặc lên người để đón đoàn công tác khiến chúng tôi rất cảm động. Mọi người hay hỏi bà con chuyện lên nương làm rẫy, cho lũ trẻ kẹo, bánh, chụp ảnh lưu niệm.

Hiện nay, huyện Mường Nhé vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố rất phức tạp về an ninh biên giới. Do đặc thù địa phương nghèo nàn, lạc hậu nên dễ bị kích động, vẫn muốn theo tín đồ Vàng Chứ (vua Mèo). Trong năm 2012, Công an Lai Châu đã nhiều lần thuyết phục, cảnh cáo các tín đồ không được tụ tập đông người, không nghe các phần tử xấu kích động, hiểu sai đường lối chính sách của Nhà nước. Đến nay, hầu hết người dân tộc Mông đã quay lại tiếp tục làm nương, rẫy, cùng chính quyền nhân dân các cấp, các dân tộc trong huyện giao lưu, buôn bán.

duong len tay bac xa xoi

Cảnh sát cơ động Công an Lai Châu giúp vận chuyển quà của Tập đoàn Dầu khí xuống bản

Với những người đã từng nhiều năm làm việc trên các tỉnh Tây Bắc, cảm nhận rất rõ những thay đổi của bà con, kinh tế vùng biên giới. Cách đây 25 năm, một xã trong huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cũng có diện tích bằng cả tỉnh Bắc Ninh. Nếu tính diện tích cả huyện thì tương đương với 6 tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ là Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên và Hải Dương. Sau khi tách làm 2, diện tích cũng bằng với tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Hà Nam. Tuy diện tích lớn nhưng đất có thể canh tác rất hiếm, mật độ dân số của Mường Tè cực kỳ thưa thớt 27 người/km2.

Địa hình toàn bộ huyện là những dãy núi đá trùng điệp, hiểm trở, muốn có đất canh tác, người dân phải phá rừng hoặc gùi đất lên núi trám vào các hốc đá để trồng ngô, lúa. Lúa Mường Tè khó trồng nên đặc biệt rất thơm ngon, hạt trắng dài và dẻo mềm. Đặc biệt rau xanh ở Mường Tè rất hiếm, thường phải vận chuyển từ dưới miền xuôi nên khá đắt đỏ. Bữa cơm khách có vài loại thịt nhưng bao giờ đĩa rau, su hào luộc cả lá hay cải bẹ cũng hết trước tiên.

Đến với Trường THCS Dân tộc nội trú Dào San, huyện Dào San, tỉnh Lai Châu, đúng lúc cái rét căm căm của miền núi ùa về kèm với mưa phùn lất phất, khoảng 30 em học sinh trong trang phục mỏng manh ùa ra đón đoàn công tác. Đây là trường nội trú duy nhất của huyện, vào thời điểm giáp tết nên mỗi lớp học chỉ lèo tèo từ 6 tới 10 học sinh. Cả trường có 2 dãy nhà cấp 4, mỗi dãy có 5 phòng ở khoảng 16m2 cho 6 học sinh.

Ấy vậy nhưng khoảng sân trường rộng lớn với vài chục gốc đào, thông xanh rờn được các em học sinh và thầy, cô chăm sóc nên mập mạp xanh mướt. Vài bông đào phai kiên cường trong giá rét sớm hé nụ như những nét điểm xuyến rất duyên dáng trong cái không gian xam xám của buổi chiều đông. Khi đoàn thăm chỗ ăn ở của các em, anh Quang, cán bộ Công đoàn PVC cứ nhắc đi nhắc lại mãi câu: “Làm sao mà các em nó chịu được…”, khi chứng kiến bữa cơm của các em với thực đơn chỉ gồm thịt mỡ lợn và đậu phụ.

Cuộc hành trình của chúng tôi có đến 2/3 là dọc ngang dòng sông Đà. Con sông được mệnh danh là hung dữ nay như dòng suối nhỏ, chảy hiền hòa. Những dấu vết của thác gềnh thuở nào chỉ còn trơ ra những gềnh đá mốc thếch, lởm chởm. Chị Phúc, Công an huyện Mường Tè cho biết, một loạt các đập Thủy điện như Sơn La, Sông Đà đã tích nước nên dòng chảy khô cạn.

Đến hôm xả nước lại ầm ào thành cơn lũ cuốn phăng mọi thứ như nạn hồng thủy rất nguy hiểm cho tính mạng của bà con trong vùng. Thủy điện Sơn La tích nước đã nhấn chìm toàn bộ thị xã Điện Biên cũ ngập trong nước. Đến mùa nước cạn lại trơ ra cả một vùng thị xã bạc màu cùng đá tảng và cặn rác nhìn mà thê thảm và xót xa. Hiện nay, tỉnh Điện Biên đang thiếu đất canh tác rất nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu không có hướng đầu tư cây công nghiệp một cách đúng đắn. Cây cao su trồng không theo quy hoạch và hợp lý hóa là nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng sinh thái, cạn kiện nguồn lợi rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Nhiều vụ phá rừng phòng hộ quốc gia với diễn biến ngày càng phức tạp và nguy hiểm. Nhiều dãy núi đang trở nên trơ trọi, mất sạch màu xanh, trần mình bạc thếch vì nạn phá rừng. Tây Bắc đã và đang mất đi những đặc sản rừng, hệ động thực vật đặc trưng cũng như nhiều nét thơ mộng. Đây cũng là hồi chuông báo động cho sự tàn phá của thiếu tri thức, thiếu quy hoạch vĩ mô, lâu dài để lại những hậu quả cho nhiều thế hệ kế tiếp, là nguyên nhân dẫn đến nghèo đói trên vùng đất địa đầu Tổ quốc.

Những cảm xúc trong chuyến đi

* Tại xã Sín Thầu, ông Phạm Tô Văn, Chủ tịch Công đoàn PVGas North, đại diện cho Tổng Công ty khí (PVGas): “Tôi rất xúc động khi chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn của bà con dân tộc Hà Nhì. Đây là những chứng cứ rất hùng hồn có tính giáo dục rất cao cho thế hệ trẻ tham gia hành trình này để các em biết mình đang có những gì, nên chia sẻ thế nào. Thay mặt PVGas, tôi xin gửi đến đồng bào những món quà tình nghĩa của Tổng Công ty, mong rằng sẽ là nguồn động viên, góp phần giúp bà con đón tết thêm đầm ấm…”.

* Tại xã Tông Qua Lìn (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), ông Bùi Quang Hưng, Ủy viên HĐQT Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo): “Đây là lần đầu tiên tôi đến thăm tỉnh Lai Châu, đại diện cho Tổng Công ty tặng quà tết cho đồng bào tôi rất cảm động trước hoàn cảnh khó khăn của bà con. Mong rằng những món quà được chia sẻ từ cán bộ, công nhân viên PVFCCo sẽ giúp bà con thêm ấm no đón tết Quý Tỵ. Trong thời gian tới, PVFCCo sẽ tiếp tục dành kinh phí thực hiện công tác an sinh xã hội theo chỉ đạo của Tập đoàn, tiếp tục đồng hành với Báo Năng lượng Mới đến với các tỉnh Tây Bắc…”.

* Tại xã Chà Cang (huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên), Bà Lê Hoàng Anh, đại điện Tổng Công ty Khoan và Khai thác Dầu khí (PVDrilling): “Thay mặt PVDrilling tôi xin gửi lời chúc sức khỏe, thịnh vượng của lãnh đạo đơn vị đến bà con xã Chà Cang. PV Driling mong muốn những đóng góp của mình sẽ giúp bà con có một cái tết cổ truyền được đầy đủ, no ấm và hạnh phúc hơn. Trong những năm qua, PVDrilling là một trong những đơn vị luôn đi đầu trong công tác An sinh xã hội của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam với nhiều công trình, hành động chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn trên cả nước. Mong rằng trong thời gian tới, cùng Báo Năng lượng Mới, PVDrilling sẽ tiếp tục đồng hành đến với bà con các dân tộc trên các tỉnh Tây Bắc…”.

* Tại Trung tâm GDTX tỉnh Lai Châu, thị xã Lai Châu, chị Nguyễn Hồng Trang, chuyên viên truyền thông đại điện Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí (DMC): “Đi và tận mắt chứng kiến tôi mới cảm nhận được sâu sắc sự khó khăn, thiệt thòi của bà con Tây Bắc. Ấn tượng nhất với tôi là thị xã Mường Lay mới được xây dựng cho bà con tái định cư. Nếu chỉ nhìn qua ảnh không thể biết những người dân nơi đây đang rất khó khăn khi phải hy sinh cả làng mạc, nhà cửa cho Thủy điện Sơn La. Hình ảnh những em bé Mường Nhé, Mường tè, Dào San mong manh trong tấm áo mỏng, đôi chân trần giữa trời sương giá hay khi chảo thức ăn cho 50 em học sinh nội trú chỉ có vài miếng thịt mỡ sốt cùng mấy bìa đậu, lõng bõng nước thì tôi không thể cầm được lòng mình. Nhìn ánh mắt đầy vui mừng của bà con khi nhận được những món quà của đoàn công tác, tôi càng cảm nhận rõ hơn ý nghĩa của chuyến đi. Sự sẻ chia những ngọn lửa ấm tình người Dầu khí là những món quà tinh thần kịp thời động viên đồng bào, giúp bà con Tây Bắc có một cái tết ấm áp hơn, đầy đủ hơn...”.

Phóng sự của Thành Công

DMCA.com Protection Status