COP28: Trung Quốc cho biết các cuộc đàm phán về nhiên liệu hóa thạch đã có "tiến triển"

16:00 | 11/12/2023

|
(PetroTimes) - Ba ngày trước khi kết thúc Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28), thứ Bảy (ngày 9/12), Trung Quốc đã khẳng định rằng các cuộc đàm phán về việc chấm dứt dầu mỏ, khí đốt và than đá đang có tiến triển tốt, trong khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang cố ngăn chặn làn sóng phản đối nhiên liệu hóa thạch.
COP28: Trung Quốc cho biết các cuộc đàm phán về nhiên liệu hóa thạch đã có
Đặc phái viên khí hậu Trung Quốc Xie Zhenhua

Đặc phái viên khí hậu Trung Quốc Xie Zhenhua cho biết: "Chúng tôi đã đạt được nhiều tiến bộ về vấn đề này và tôi nghĩ chúng tôi sẽ sớm đạt được nhiều tiến bộ hơn trong những ngày tới".

Ông còn nói thêm rằng "nếu chúng ta không đạt được mục tiêu, nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề này, thì tôi thấy có rất ít cơ hội để có một COP28 thành công".

Theo mong muốn của hàng trăm quốc gia bao gồm cả Liên minh châu Âu (EU), đây là lúc COP28 kết thúc thời đại của nhiên liệu hóa thạch và cần nhấn mạnh rằng quá trình chuyển đổi năng lượng không được đồng nghĩa với việc các nước đang phát triển phải hy sinh.

Trung Quốc được xem là cầu nối giữa các nước phát triển và đang phát triển nên quốc gia này luôn có mặt trong mọi cuộc họp.

Thứ Bảy (ngày 9/12), ông Xie Zhenhua đã nhắc lại rằng Trung Quốc và Mỹ đã ký một bản tuyên bố chung vào tháng 11 để tuyên bố rằng năng lượng tái tạo sẽ dần thay thế năng lượng hóa thạch.

Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber hy vọng các nước sẽ đạt được một "thỏa thuận" vào thứ Ba tới (ngày 12/12) nhân lễ kỷ niệm 8 năm thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Động thái của OPEC

Hội nghị COP28 diễn ra trong 3 ngày tới sẽ phải tìm ra điểm cân bằng để đạt được lời chấp thuận của 194 quốc gia và EU.

Bộ trưởng Chuyển đổi Năng lượng của Pháp Agnès Pannier-Runacher giải thích: "Toàn bộ thách thức là tìm ra cách giải đáp quan điểm của mỗi quốc gia và cách họ hình dung con đường hướng tới mục tiêu trung hòa carbon, đồng thời phải cố gắng duy trì tham vọng ở mức độ cao".

Để đạt được mục tiêu, các quốc gia phản đối nhiên liệu hóa thạch bắt đầu nhắm vào OPEC do Ả Rập Xê-út dẫn đầu.

Tổng thư ký OPEC Haitham al-Ghais đã phản đối mọi mục tiêu cụ thể về nhiên liệu hóa thạch trong thỏa thuận cuối cùng. Ông nói: "Không có giải pháp hay con đường duy nhất nào để đạt được một tương lai năng lượng bền vững".

Tuần này, ông đã viết thư gửi đến 23 quốc gia thành viên và đồng minh để kêu gọi họ phản đối mọi thỏa thuận nhắm vào năng lượng hóa thạch.

Hành động này đã làm dậy sóng phản đối tại Dubai, cả các tổ chức phi chính phủ cũng như giữa các bộ trưởng.

Bộ trưởng Chuyển đổi Sinh thái Tây Ban Nha Teresa Ribera, quốc gia giữ chức Chủ tịch EU, đã tố cáo quan điểm đáng sợ của OPEC.

Bà Agnès Pannier-Runacher cũng rất tức giận với hành động lần này của OPEC.

Bà Tina Stege, đặc phái viên khí hậu của Quần đảo Marshall, cho biết: "Không có gì đe dọa sự thịnh vượng và tương lai của con người trên Trái đất, kể cả công dân của các nước OPEC, hơn nhiên liệu hóa thạch".

Nhưng không quốc gia nào muốn trở thành quốc gia bị buộc tội phá vỡ mục tiêu chung của toàn cầu, một thành viên trong nhóm chủ trì COP28 cho biết thêm.

Làm gương

Các quốc gia lần lượt lên phát biểu vào thứ Bảy (ngày 9/12) đều không thay đổi lập trường công khai của mình.

Đại diện Qatar đã tận dụng thời cơ để ca ngợi khí đốt tự nhiên hàng đầu tại quốc gia này. "Qatar cung cấp cho thị trường toàn cầu năng lượng sạch thông qua việc khai thác khí đốt tự nhiên", Bộ trưởng Môi trường Qatar, Faleh Nasser Al-Thani, khẳng định.

Các nước mới nổi và đang phát triển yêu cầu các nước giàu phải bồi thường thiệt hại khi ký kết thỏa thuận loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Vấn đề công bằng và chính đáng đều được gợi lên trong các bài phát biểu.

Bộ trưởng Bộ Khí hậu Ấn Độ Bhupender Yadav đã kêu gọi các nước phát triển làm gương.

Làm gì để kìm hãm sự nóng lên của Trái đất?Làm gì để kìm hãm sự nóng lên của Trái đất?
Đến tham dự COP28, Nigeria tranh thủ ký hai thỏa thuận khí đốtĐến tham dự COP28, Nigeria tranh thủ ký hai thỏa thuận khí đốt
2500 nhà vận động hành lang cho ngành dầu mỏ “đột kích” COP282500 nhà vận động hành lang cho ngành dầu mỏ “đột kích” COP28

Ý Thiên

AFP