Có một trường nghề độc đáo

08:20 | 20/11/2015

1,869 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Chắc chắn rằng, Trường cao đẳng Nghề Dầu khí (PVMTC) là trường nghề độc đáo nhất ở Việt Nam. Ở đây, có một đội ngũ vừa là thầy, vừa là thợ. Ở đây, người ta đã đào tạo những thạc sĩ, kỹ sư thành... thợ lành nghề… Và ở đây, thầy, trò cùng “lăn xả” vào các công trình dầu khí để vừa học, vừa làm và vừa lo kiếm tiền.  

Những tháng ngày gian khó

Tính đến ngày 7/11/2015 thì PVMTC tròn 40 năm hình thành và phát triển, một hành trình đầy gian nan, thử thách nhưng đầy vinh quang. Còn nhớ, cách đây 40 năm vào ngày 3/9/1975 Chính phủ ban hành Nghị định thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam - tiền thân của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ngày nay.

Không lâu sau, vào ngày 7/11/1975 Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam ký Quyết định thành lập Trường Công nhân Kỹ thuật Dầu khí có trách nhiệm thực hiện kế hoạch đào tạo học sinh hằng năm theo chỉ tiêu của Nhà nước và Tổng cục, chuẩn bị đội ngũ công nhân có tay nghề phục vụ cho ngành Dầu khí. Địa điểm mở trường lúc này tại thị xã Bà Rịa, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai. Ông Trần Quang Vinh là Hiệu trưởng đầu tiên và là Bí thư Chi bộ nhà trường.

co mot truong nghe doc dao
Giờ thực hành lặn của sinh viên Trường cao đẳng Nghề Dầu khí

Trong bộn bề khó khăn của buổi ban đầu mới thành lập, với bao nỗ lực của đội ngũ lãnh đạo và giáo viên thì chưa đầy một năm sau (tháng 9/1976) Trường đã tuyển sinh khóa đầu tiên gồm 5 lớp (KT1 - KT5) với 4 nghề: Khoan, Cơ khí, Động cơ và Hàn. Đến năm 1977, trường tiếp tục tuyển sinh 7 lớp với 6 nghề, gồm Khoan, Hàn, Cơ khí, Động cơ, Điện, Lặn sâu. Để trường nhanh chóng đủ điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy và học tập thì ngày 6/3/1976 Thủ tướng ra Quyết định số 111/TTg cho phép trường được sử dụng toàn bộ cơ sở vật chất của Trường Kỹ thuật dạy nghề Phước Tuy, tỉnh Đồng Nai (thuộc chế độ cũ) bao gồm một số nhà lớp học, xưởng thực tập, nhà ăn, hội trường, nhà kho… Tuy nhiên, cơ sở, trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy vẫn thiếu, máy móc lạc hậu, không phù hợp với chương trình đào tạo, tài liệu, giáo trình không có, nhà cửa lớp học không đủ, điện nước sinh hoạt thiếu.

Thế nhưng, gần 80 cán bộ, công nhân viên thời kỳ đầu, trong đó có gần 20 giáo viên, gồm một số cán bộ giáo viên được Tổng cục điều từ Trường Kỹ thuật Địa chất Tân Cầu, một số được đào tạo từ nước ngoài, một số giáo viên giảng dạy cơ sở của Trường Phước Tuy cũ ở lại đã nỗ lực không ngừng để giữ cho trường phát triển ổn định.

co mot truong nghe doc dao
Học lý thuyết trên lớp

Đến năm 1978, theo Nghị định Liên Chính phủ được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Vương quốc Na Uy, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam xây dựng Trường Công nhân kỹ thuật Dầu khí tại Bà Rịa với kinh phí 50 triệu Curon theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 1978 đến 1980 giúp trường xây dựng nhà làm việc, nhà học, hội trường, xưởng thực tập; cung cấp các thiết bị, máy móc cho các xưởng thực tập, lắp đặt giàn khoan, thiết bị lặn sâu, tháp lặn… Giai đoạn 2 từ năm 1980 đến 1987 tài trợ cung cấp các thiết bị bổ sung phục vụ cho đào tạo thợ lặn và các thiết bị cho các xưởng thực tập như máy phun nước cao áp, hệ thống truyền hình mạch kín, buồng giảm áp…

Kể từ đây Trường Công nhân Kỹ thuật Dầu khí là một trong những cơ sở đào tạo công nhân kỹ thuật lớn và hiện đại của cả nước. Đây chính là niềm tự hào của thầy và trò nhà trường cũng như của ngành Dầu khí. Từ cơ sở đào tạo này đã cung cấp cho các đơn vị sản xuất trong ngành đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật có trình độ khoa học kỹ thuật, có tay nghề vững vàng đặc biệt là cung cấp nguồn nhân lực cho Liên doanh Dầu khí Việt - Xô, nay là Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro. Đây cũng là giai đoạn trường vinh dự đón tiếp các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đến thăm như Tổng bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, Thủ tướng Phạm Hùng… Lãnh đạo các nước bạn cũng đã đến thăm trường như Na Uy, Lào, Cu Ba, Ấn Độ, Campuchia, Malaysia…

Với cơ sở vật chất được Vương quốc Na Uy viện trợ, được Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt tiếp tục đầu tư, nâng cấp, Trường Công nhân Kỹ thuật Dầu khí ngày càng trở thành cơ sở đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và uy tín trong ngành và trên cả nước. Trong công tác nhân sự, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt tăng cường cho Trường cán bộ quản lý và giáo viên, đồng thời nhà trường trực tiếp lựa chọn những sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi tại các trường Sư phạm kỹ thuật Thủ Đức, Vĩnh Long về đào tạo thành giáo viên giảng dạy các môn lý thuyết cũng như thực hành. Đây cũng là giai đoạn trường tiếp nhận máy móc thiết bị giai đoạn 2 do Na Uy tài trợ trong đó chủ yếu là các thiết bị thực tập của các xưởng, thiết bị lặn và nhiều hạng mục cơ sở vật chất quan trọng khác.

co mot truong nghe doc dao
Thực hành lặn

Giai đoạn này, ngoài đào tạo công nhân kỹ thuật, trường còn thực hiện công tác dịch vụ kỹ thuật phục vụ cho ngành Dầu khí và cho đất nước, trong đó Đội lặn của trường đã đã từng bước trưởng thành, thực hiện các hợp đồng cho Liên doanh Dầu khí Việt - Xô như Xây lắp; Sửa chữa giàn khoan biển; Lặn; Khảo sát các công trình ngầm… tham gia xây dựng và sửa chữa Nhà giàn DK1/1 cho Bộ Quốc phòng; sửa chữa đập nước Nhà máy Thủy điện Hòa Bình; sửa chữa Nhà máy Điện Thủ Đức… Hoạt động dịch vụ kỹ thuật từ đây cũng là cơ sở và tiền đề để trường phát triển mạnh công tác dịch vụ sau này.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới thì ngày 14/7/1989 Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí ra Quyết định số 562/DK-TC đổi tên Trường Công nhân Kỹ thuật Dầu khí thành Trường Cán bộ - Công nhân Dầu khí trực thuộc Tổng cục Dầu khí có địa điểm tại thị xã Bà Rịa, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai và có Phân hiệu ở Vũng Tàu. Trường có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật, nghiệp vụ và công nhân kỹ thuật chuyên ngành phục vụ cho yêu cầu phát triển của ngành Dầu khí.

co mot truong nghe doc dao
Thực hành công tác cứu hộ

Từ những học sinh Khóa Lặn đầu tiên, với những thiết bị đồng bộ và hiện đại được Na Uy viện trợ cùng với những kiến thức được các chuyên gia Na Uy trực tiếp truyền đạt, trường đã tập trung xây dựng đội Lặn thành một đơn vị mạnh có khả năng thực hiện được những công việc xây lắp, sửa chữa các công trình ngầm phục vụ cho các đơn vị trong ngành đặc biệt là Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô. Đội Lặn của trường đã trở thành một thương hiệu mạnh trong lĩnh vực lặn xây lắp, sửa chữa công trình ngầm.

Tăng tốc phát triển và hội nhập

Để đáp ứng sự phát triển ngày càng nhanh, mạnh của ngành Dầu khí nước nhà, trong đó nguồn nhân lực có tay nghề cao được ưu tiên phát triển, mô hình một trường trung cấp không đủ sức cung ứng nguồn nhân lực cho ngành. Vì thế, ngày 31/12/2007 Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định thành lập Trường cao đẳng nghề Dầu khí. Chưa đầy một năm sau thì Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ra Quyết định thành lập Trường cao đẳng Nghề Dầu khí trên cơ sở nâng cấp Trường Đào tạo Nhân lực Dầu khí có trụ sở chính tại số 43, đường 30-4, phường 9, TP Vũng Tàu.

Một nét độc đáo không đâu có, đó là, ngay từ khi mới thành lập, những thầy giáo của trường đã nghĩ đến việc phải tham gia vào làm các dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng một số những công trình dầu khí mà ở trường có ngành nghề đào tạo. Đó là bảo dưỡng các công trình ngầm như đi cạo gỉ, quét sơn chân đế giàn khoan; bảo dưỡng các hệ thống van; rồi bảo dưỡng các hệ thống tự động hóa.

Cách làm này rất hay ở chỗ, thầy thì có điều kiện để cập nhật những công nghệ mới nhất, từ đó giảng dạy cho trò. Trò thì có điều kiện đi làm để nâng cao tay nghề, làm quen với các loại công việc mà sau này mình sẽ làm. Dạy nhau ở trên công trường bao giờ cũng tốt hơn ở trong phòng học. Và cũng rất hay ở chỗ, làm thế này thì kiếm được tiền. Đồng tiền này vừa góp phần vào mua sắm trang thiết bị hiện đại, vừa bồi dưỡng được cho thầy và trò, mà số tiền hằng năm trường kiếm được từ các dịch vụ này không nhỏ. Như năm 2014 là hơn 300 tỉ. Chắc chắn không có một trường cao đẳng nào ở Việt Nam lại có thể kiếm được từng đấy tiền trong một năm.

Một nét độc đáo nữa của PVMTC, đó là trường đã đào tạo rất nhiều những kỹ sư, thạc sĩ trở thành thợ lành nghề.

Nghề dầu khí là thế, học cao đến mấy cũng chưa quan trọng, mà quan trọng hơn cả, đó là phải biết làm những công việc của người thợ một cách thành thạo, chuyên nghiệp, từ việc cạo gỉ, quét sơn, vác cần khoan. Đào tạo những người là thạc sĩ, kỹ sư trở thành thợ, có điều thú vị là, những người này đã có kiến thức cơ bản, cho nên họ học cũng nhanh hơn và cũng có phần sáng tạo.

co mot truong nghe doc dao
Thực hành trong phòng thí nghiệm

Một nét độc đáo nữa ở trường, ấy là việc cấp chứng chỉ nghề thường là do các tổ chức nước ngoài xét duyệt, kiểm tra. Bởi lẽ, trường đào tạo theo yêu cầu của các chủ đầu tư và họ chỉ trả tiền đào tạo cho trường khi “sản phẩm” đã được kiểm nghiệm đạt chất lượng cao. Ở đây không hề có sự châm chước, chiếu cố và càng không bao giờ có chuyện vì lý do này, lý do khác mà cho ra lò những “sản phẩm” kém.

Trong đó, PVMTC thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề theo 3 cấp trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề. Bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo yêu cầu của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và người lao động. Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật - công nghệ, nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo. Tuyển chọn, đào tạo và cung ứng nhân lực cho các đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thực hiện liên doanh, liên kết với các trường đại học, cao đẳng, các tổ chức đào tạo trong và ngoài nước để tổ chức đào tạo theo yêu cầu của Tập đoàn và các đơn vị khác có yêu cầu. Tổ chức sản xuất, kinh doanh và dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Để thực hiện được nhiều nhiệm vụ được giao, PVMTC được Tập đoàn tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để trở thành cơ sở đào tạo chuyên ngành Dầu khí hiện đại, đồng bộ ngang tầm với các cơ sở đào tạo của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao phục vụ cho các dự án của ngành và của xã hội.

co mot truong nghe doc dao
Một buổi thực hành

Với đặc thù nhà trường trong doanh nghiệp, PVMTC đổi mới chương trình đào tạo theo chủ trương mà Tập đoàn đã giao dựa trên 5 lĩnh vực cốt lõi là thăm dò khai thác dầu khí, lọc - hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao. Trong đó, thăm dò khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi. Bên cạnh đó, nhà trường tập trung đổi mới và đa dạng hóa các loại hình đào tạo tại trường, chú trọng đổi mới khung chương trình đào tạo gắn với thực tế sản xuất. Mở rộng liên doanh - liên kết trong đào tạo, xã hội hóa trong đào tạo. Thứ nữa là đặc biệt quan tâm và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên của nhà trường theo chuẩn khu vực và hội nhập quốc tế.

Giai đoạn này, bên cạnh thành quả đạt được trong công tác đào tạo nghề còn phải kể đến sự thành công trong nhiệm vụ đào tạo cho các dự án trọng điểm của ngành Dầu Khí, đây là mô hình đào tạo rất hiệu quả mà PVMTC đã đạt được. Cụ thể là, trong những năm qua trường đã đào tạo cho 15 dự án thuộc các nhóm như khoan dầu khí, lọc dầu, chế biến khí, hóa dầu, đạm, điện khí, điện than, năng lượng sinh học - tái tạo… của ngành với hơn 3.000 kỹ sư, công nhân vận hành, bảo dưỡng cho các công trình trọng điểm như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nhà máy Đạm Cà Mau, Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 1, Cà Mau 2, Nhà máy Điện Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2, Nhiệt điện Vũng Áng 1…

Công tác tuyển dụng, đào tạo nhân sự cho các dự án do trường đảm nhiệm được Tập đoàn, các chủ đầu tư dự án/đơn vị sử dụng lao động đánh giá cao về tiến độ đào tạo, đặc biệt là chất lượng đào tạo. Đội ngũ nhân sự vận hành và bảo dưỡng của các dự án sau khi tham gia các bước theo quy trình đào tạo của trường đã có thể nhanh chóng tiếp nhận và vận hành các nhà máy thành công. Các học viên được các doanh nghiệp, đối tác đánh giá cao về phẩm chất, năng lực chuyên môn cũng như tay nghề, từng bước thay thế đội ngũ chuyên gia là người nước ngoài, điều này giúp cho các dự án của Tập đoàn tiết kiệm trong chi phí thuê nhân sự nước ngoài mỗi năm hàng trăm tỉ đồng.

Hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật còn là thế mạnh được duy trì và liên tục phát triển trong nhiều năm qua tại PVMTC, chất lượng dịch vụ kỹ thuật đã nâng cao vị thế và uy tín của trường đối với các công ty, nhà thầu trong và ngoài nước. Các dịch vụ điển hình như lặn khảo sát, lắp đặt công trình ngầm, dịch vụ sửa chữa, hiệu chuẩn các thiết bị đo lường, điều khiển tự động hóa, dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị công nghiệp. Nhà trường đã cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho các khách hàng như Công ty Liên doanh Việt Nhật (JVPC), Vietsovpetro, PTSC, Đại Hùng, PV Gas, Công ty Việt Nga Nhật, Cửu Long JOC, BP Petco, PVGC, PMPC, PVFCCo, Superphosphate Long Thành, Điện Hiệp Phước, Lọc hóa dầu Bình Sơn, Điện Cà Mau, Đạm Cà Mau, Đạm Hà Bắc...

Phát triển dịch vụ kỹ thuật đã mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp PVMTC tái đầu tư cơ sở vật chất và cải thiện thu nhập cũng như nâng cao đời sống cho CBCNV và giáo viên, đặc biệt tạo ra môi trường năng động, tiếp cận với công nghệ mới, cập nhật kiến thức mới và nâng cao kỹ năng tay nghề cho đội ngũ giáo viên và học sinh, sinh viên của trường.

Trong thư chúc mừng nhân 40 năm ngày Thành lập PVMTC, TS Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam đã khẳng định: “Trong bốn thập niên đồng hành với sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các thế hệ giáo viên của nhà trường đã dành nhiều tâm huyết, công sức và trí tuệ để đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho các cán bộ, kỹ sư của ngành Dầu khí Việt Nam với hơn 140.000 lượt học viên và hơn 100 chương trình đào tạo khác nhau”.

Tuy nhiên, hiện nay PVMTC và các đơn vị trong ngành Dầu khí gặp không ít khó khăn, thử thách khi giá dầu giảm sâu và đứng ở mức thấp, tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị. Là đơn vị cung ứng nguồn nhân lực cho Tập đoàn và các đơn vị thành viên thì khi một số dự án bị giãn tiến độ, tạm dừng đội ngũ học sinh - sinh viên sau khi ra trường sẽ khó tìm việc làm. Đó cũng là bài toán mà ban lãnh đạo PVMTC tìm mọi cách để khắc phục khó khăn.

Đồng thời, PVMTC tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển trong giai đoạn mới, nói như Thạc sĩ Vũ Duy Hảo, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng PVMTC, bằng nhiều biện pháp, PVMTC phải đạt được những mục tiêu đề ra theo chủ trương của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đặc biệt là đạt chuẩn ASEAN và chuẩn quốc tế. PVMTC quyết tâm giữ vững thương hiệu của nhà trường, của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai và giữ vững bản sắc PVMTC.

Thiên Thanh

Năng lượng Mới 476

DMCA.com Protection Status