Chuyên gia: Căng thẳng có thể gia tăng khi Trung Quốc tìm kiếm vai trò lớn hơn ở Bắc Cực

19:33 | 21/05/2021

|
(PetroTimes) - CNBC ngày 20/5/2021 đưa ý kiến Giám đốc công ty tư vấn rủi ro Control Risks, Oksana Antonenko cho rằng tham vọng của Trung Quốc muốn có một vai trò đáng kể hơn ở Bắc Cực có thể khiến gia tăng căng thẳng với các nước ven biển Bắc Cực.
Chuyên gia: Căng thẳng có thể gia tăng khi Trung Quốc tìm kiếm vai trò lớn hơn ở Bắc Cực
Chuyên gia: Căng thẳng có thể gia tăng khi Trung Quốc tìm kiếm vai trò lớn hơn ở Bắc Cực. Ảnh: Tư liệu

Hội đồng Bắc Cực là một tổ chức liên chính phủ, bao gồm 8 quốc gia Bắc Cực là Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ, có mục tiêu thúc đẩy hợp tác giữa các nước Bắc Cực cũng như với cư dân Bắc Cực, nhằm đảm bảo khu vực Bắc Cực được bảo vệ và phát triển bền vững trong bối cảnh điều kiện thời tiết và khí hậu cực kỳ khắc nghiệt.

Trung Quốc đang phát triển “một sự hiện diện đáng kể” trong khu vực sau khi tham gia Hội đồng Bắc Cực với tư cách một quan sát viên từ năm 2013. Năm 2018, Trung Quốc tuyên bố kế hoạch “Con đường Tơ lụa Bắc Cực”, là một mạng lưới các tuyến vận tải biển; trước đó, Trung Quốc tự coi là “quốc gia gần Bắc Cực”, một khái niệm làm bùng nổ tranh cãi. Có thể thấy tiềm tàng căng thẳng sẽ gia tăng khi các nước ven biển Bắc Cực lo ngại về việc Trung Quốc “muốn đơn phương đóng một vai trò cứng rắn hơn”.

Chuyên gia: Căng thẳng có thể gia tăng khi Trung Quốc tìm kiếm vai trò lớn hơn ở Bắc Cực

Tanker Bắc Cực chuyên chở khí hóa lỏng Christopher de Margerie tại nhà máy Yamal LNG, cảng Sabetta, Vịnh Ob, biển Kara. Ảnh: Alexander Ryumin/Tass/Getty Images

Alexander Gabuev, chuyên gia cao cấp Trung tâm Carnegie Moscow, Giám đốc Nga trong chương trình châu Á-Thái Bình Dương cho rằng Nga muốn “mở rộng lợi ích” trong phát triển các dự án năng lượng lớn ở Bắc Cực nhưng không có nguồn vốn cần thiết. Đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Phương Tây, Nga muốn hướng tới nguồn tài chính của Trung Quốc để khai thác năng lượng ở Bắc Cực; Trung Quốc được nhìn nhận như một nhà đầu tư tiềm tàng và thị trường tiềm tàng cho các sản phẩm hydrocarbons. Về phần mình, Trung Quốc cung cấp vốn đầu tư nên muốn có vai trò đáng kể hơn trong vận tải tại tuyến đường biển bắc.

Trả lời phỏng vấn CNBC, Alexander Gabuev nhấn mạnh dù hợp tác giữa hai nước đang tăng lên, Nga không muốn Trung Quốc trở thành thành viên đầy đủ của Hội đồng Bắc Cực; cho rằng Nga đang hợp tác với Mỹ và các thành viên đầy đủ của Hội đồng Bắc Cực “để đảm bảo rằng các quan sát viên về cơ bản không có tiếng nói”, “họ (các quan sát viên) ngồi tại bàn trong Hội đồng Bắc Cực nhưng không có quyền lực thật sự và đây cũng chính là lợi ích chia sẻ chung giữa tất cả các quốc gia Bắc Cực”./.

Thanh Bình