Chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng: 3 nhóm nhiệm vụ cần thực hiện xong trước cuối năm 2025

15:25 | 19/12/2023

9,295 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021, trong đó nêu rõ 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện xong trước cuối năm 2025.
phát triển các dự án nhập khẩu LNG theo hình thức các “Hub nhập khẩu” kết nối với các tổ hợp nhà máy điện khí và phân phối LNG cho các thị trường hiện hữu, mở rộng thị trường mới, thay thế các nhiên liệu than, dầu có mức phát thải cao hơn khí
Kho cảng LNG Thị Vải

Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15 cho biết UBTVQH cơ bản tán thành nội dung của Báo cáo số 709/BC-ĐGS ngày 4/12/2023 của Đoàn giám sát với những kết quả và các hạn chế, bất cập về việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng. Bên cạnh đó, Nghị quyết đặt ra các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập, thích ứng kịp thời với bối cảnh trong giai đoạn mới.

Theo đó, UBTVQH yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, nghiên cứu, thực hiện các kiến nghị của Đoàn giám sát tại Báo cáo cáo số 709/BC-ĐGS và tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp, theo các nhóm nhiệm vụ thực hiện xong trước cuối năm 2025; đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các nhiệm vụ thực hiện xong trước cuối năm 2025 gồm 3 nhóm. Nhóm nhiệm vụ thứ nhất là rà soát, trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung các luật theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của UBTVQH và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, bao gồm: Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Khoáng sản, Luật Hóa chất, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Dự trữ quốc gia.

Nhóm nhiệm vụ thứ hai là thực hiện cơ chế, chính sách phát triển năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Trong đó, về chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia và các quy hoạch, kế hoạch liên quan, UBTVQH yêu cầu: Trong năm 2023, ban hành Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và Kế hoạch thực hiện các quy hoạch liên quan đến lĩnh vực năng lượng; hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển điện lực, đầu tư, quy hoạch để thu hút nhà đầu tư thực hiện các dự án nguồn, lưới điện; nghiên cứu, rà soát, đánh giá tác động, có cơ chế phù hợp, nếu cần thiết đề xuất cơ chế đặc thù để triển khai kịp tiến độ các dự án nguồn và lưới điện cấp bách.

Cùng với đó, trong năm 2024, đánh giá, rà soát, cập nhật tình hình triển khai Quy hoạch điện VIII để điều chỉnh kịp thời đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội với chi phí hợp lý, phù hợp với khả năng bố trí nguồn lực, năng lực, trình độ công nghệ; rà soát để bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia. Trình Quốc hội thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển hợp lý điện khí, năng lượng tái tạo, sản xuất nhiên liệu hydro...; khẩn trương xây dựng chính sách hỗ trợ, đột phá để phát triển điện gió ngoài khơi, đồng thời kết hợp với triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Công trường chế tạo chân đế điện gió ngoài khơi của PTSC
Công trường chế tạo chân đế điện gió ngoài khơi của PTSC

Về cơ chế, chính sách về thị trường năng lượng; giá điện, than, khí và xăng dầu; đầu tư phát triển các phân ngành năng lượng, Nghị quyết yêu cầu nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách đối với từng mảng cụ thể.

Trong đó, đối với ngành Dầu khí, cần nghiên cứu, rà soát, đánh giá, ban hành cơ chế, chính sách về: đẩy mạnh đầu tư phát triển, khai thác các dự án mỏ khí trong nước, đặc biệt là 2 chuỗi dự án khí - điện Lô B và Cá Voi Xanh, bảo đảm đồng bộ các khâu đầu vào và đầu ra trong chuỗi nhiên liệu, tận dụng nguồn tài nguyên quốc gia; ưu tiên triển khai xây dựng hạ tầng kho cảng nhập khẩu LNG theo hướng phát triển các kho cảng LNG trung tâm có công suất lớn, gần các trung tâm điện lực sử dụng LNG để tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng vận chuyển, phân phối khí, tối ưu hóa chi phí và giảm giá thành sản xuất điện; thẩm định và phê duyệt cước phí vận chuyển khí qua các hệ thống khí; triển khai các hợp đồng mua LNG dài hạn; giá khí cho sản xuất điện (gồm giá nhập khẩu, tồn trữ, tái hóa khí, vận chuyển, phân phối khí) phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế; đầu tư xây dựng hệ thống đường ống phân phối khí, kết nối khu vực để đảm bảo ổn định và đa dạng hóa nguồn cung, đáp ứng nhu cầu năng lượng của khu vực và thúc đẩy phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp có quy mô lớn.

Về việc bảo đảm tính khả thi, hiệu quả đầu tư và nguồn vốn thực hiện các dự án năng lượng, Nghị quyết nêu rõ yêu cầu nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các VBQPPL để tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn trong triển khai đầu tư các dự án, hạ tầng năng lượng phù hợp với yêu cầu thực tiễn và đặc thù của từng phân ngành năng lượng, chú trọng các quy định về quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư các dự án năng lượng, hoạt động xây dựng; trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; trong phòng cháy và chữa cháy.

Bên cạnh đó, UBTVQH yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chuyển đổi năng lượng theo hướng bền vững, vừa đáp ứng đồng thời yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh tài chính, an sinh xã hội và phấn đấu thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam với sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế.

Nhóm nhiệm vụ thứ ba là nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về phát triển năng lượng. Trong đó, tăng cường trách nhiệm và phối hợp hoạt động giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các địa phương, chủ đầu tư để giải quyết những hạn chế, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng; tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc đối với 21 dự án, chuỗi dự án năng lượng trọng điểm…

Về nhiệm vụ, giải pháp trung và dài hạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết yêu cầu hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, quốc phòng, an ninh và hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó, trọng tâm là rà soát, trình Quốc hội sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Lâm nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Quản lý nợ công, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; nghiên cứu, xây dựng các dự án luật về năng lượng tái tạo, về biến đổi khí hậu.

Cùng với đó là nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế tài chính và huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa, khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia phát triển năng lượng; đặc biệt cho đầu tư phát triển nguồn và lưới điện. Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng, theo hướng tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi, có thế mạnh; Hoàn thiện cơ chế, chính sách xử lý, cơ cấu lại triệt để các dự án, doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ trong lĩnh vực năng lượng...

Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ nghiên cứu, hoàn thiện hoặc trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện các VBQPPL đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới trong lĩnh vực năng lượng; chỉ đạo tập trung tháo gỡ, giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án năng lượng trọng điểm vướng mắc, chậm tiến độ giai đoạn 2016-2021.

Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững tại Việt NamThúc đẩy phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững tại Việt Nam
Kiến nghị xem xét chính sách ưu tiên phát triển hạ tầng và thị trường LNGKiến nghị xem xét chính sách ưu tiên phát triển hạ tầng và thị trường LNG
Cần phải đánh giá về những vướng mắc trong điều hành giá điện, than, khí, xăng dầuCần phải đánh giá về những vướng mắc trong điều hành giá điện, than, khí, xăng dầu
Ban hành Nghị quyết phải tạo ra chuyển biến khác biệt trong thực tiễnBan hành Nghị quyết phải tạo ra chuyển biến khác biệt trong thực tiễn

P.V

DMCA.com Protection Status