Cần hiểu đúng về kiến nghị của BSR!

14:19 | 16/04/2015

639 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Mấy ngày nay, trên nhiều diễn đàn xuất hiện thông tin Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có nguy cơ phải dừng, giãn sản xuất khi chính sách thuế thay đổi trong năm nay...

Theo đó, trong biểu thuế ban hành kèm theo Thông tư số 165, các mức thuế cụ thể với xăng dầu nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN, khí hóa lỏng LPG và sản phẩm hóa dầu có mức thấp hơn đáng kể so với các mức thuế suất trong biểu thuế ưu đãi hiện hành đang áp dụng cho xăng dầu, LPG và các sản phẩm hóa dầu nhập khẩu. Cụ thể, xăng dầu có thuế nhập khẩu chỉ ở mức 20% trong giai đoạn 2015-2018; nhiên liệu diesel có thuế nhập khẩu là 5% cho năm nay và sau đó giảm về 0% 3 năm tiếp theo; dầu có thuế suất 0% từ nay đến năm 2018.

Trong khi đó, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi áp dụng hiện nay đối với Công ty TNHH Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (BSR) là 35% với xăng, 25% với Jet A1, 30% với dầu diesel, 5% với khí hóa lỏng LPG và 2% với hạt nhựa... cao hơn nhiều so với thuế nhập khẩu xăng, dầu từ các nước ASEAN. Điều này khiến doanh nghiệp quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lo ngại nguy cơ đóng cửa vì khó thể cạnh tranh tại thị trường trong nước.

Cần hiểu đúng về kiến nghị của BSR!

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Theo tìm hiểu, thực ra vấn đề không hề “khủng khiếp” như trên một vài diễn đàn, ai đó cố thổi phồng lên. Chỉ là việc BSR xin phép Bộ Tài chính xét lại biểu khung thuế suất thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu căn cứ theo giá dầu thô do chính Bộ Tài chính quy định trước đó. Nôm na thì BSR “gợi ý” cơ quan tham mưu về giá và thuế của Chính phủ xung quanh chính những vấn đề mà Bộ đang… quản lý. Xin được gạch đầu dòng lại là BSR không xin ưu đãi mà chỉ đề nghị Bộ Tài chính tính đúng, tính đủ, từ đó cân đối ngân sách trên cơ sở Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng có lợi mà thôi. Chúng ta đang theo đuổi cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và lâu nay chính sách thuế vẫn được coi là động lực, là nguồn động viên cho doanh nghiệp! Vì vậy, cụm từ “hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân” cực kỳ quan trọng.

Cụ thể, một quyết định của Bộ Tài chính được ban hành cuối năm 2014 về khung thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi các mặt hàng xăng dầu đã qui định rõ, thuế nhập khẩu các mặt hàng sẽ căn cứ theo giá dầu thô; giá dầu thô càng thấp thì thuế nhập khẩu càng cao. Khi giá Platt's dầu thô WTI (giá theo công bố của Platt trên thị trường Singapore của 15 ngày trước ngày điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của các mặt xăng, dầu liên quan) dưới 60USD/thùng thì thuế nhập khẩu của xăng, dầu hỏa, diesel, mazut tối đa là 40%. Ví dụ như giá dầu thô hiện nay ở mức trên dưới 52USD/thùng thì thuế nhập khẩu xăng, dầu thành phẩm có thể được tính ở mức tối đa 40%. Khi giá dầu thô tăng 60-75USD/thùng thì thuế của dầu hỏa, xăng là 35% và dầu diesel, dầu mazut là 30%.

Song song đó, theo Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) ký với ASEAN, nhóm hàng xăng dầu có nguồn gốc xuất xứ từ ASEAN sẽ chỉ bị áp thuế 20% bắt đầu từ năm 2015. Như vậy, sự thay đổi chính sách đã đẩy BSR vào thế rất khó xử. Với xăng dầu (vấn đề người dân quan tâm nhất - PV) của Dung Quất sẽ bị áp thuế 35%, trong khi các doanh nghiệp nhập khẩu các sản phẩm tương tự có xuất xứ từ ASEAN chỉ phải chịu mức 20%. Do đó, BSR rất lo ngại, mức chênh lệch thuế trên khiến sản phẩm của công ty có giá cao hơn sản phẩm nhập từ ASEAN tới 1.469 đồng/lít (với xăng A92)... BSR không chỉ bất lợi về dòng tiền (tài chính) mà kéo theo đó là việc các doanh nghiệp ký hợp đồng với công ty sẽ từ chối không nhận hàng do sản phẩm của BSR không cạnh tranh được về giá (thương mại). Khi một doanh nghiệp gặp khó cả về tài chính lẫn thương mại thì không có lý gì họ có thể tồn tại trong một thế giới đầy biến động.

Cũng cần khẳng định lại, việc Việt Nam tham gia các FTA là hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của hội nhập kinh tế quốc tế, lộ trình giảm thuế cũng phù hợp với thông lệ chung.

Khi kiến nghị hợp lý của BSR lên tới Bộ Tài chính, cơ quan này “xét lại” thì việc bãi bỏ biểu khung thuế kể trên nhằm phù hợp với Thông tư 48/2015/TT-BTC điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu xăng dầu là hết sức bình thường. Cụ thể ngày 13/4, trên Cổng thông tin của Bộ Tài chính, mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng, dầu hỏa giảm từ 35% xuống mức 20%, dầu diezel giảm từ 30% xuống 20%, dầu mazut giảm từ 35% xuống 25% và nhiên liệu bay từ 25% xuống 10%. Thông báo trên cũng khẳng định, việc điều chỉnh giảm thuế kể trên được cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố và giúp người dân cùng có lợi.

Thứ nhất, từ 1/5, thuế bảo vệ môi trường lên gấp 3 lần đối với các mặt hàng xăng dầu (trừ dầu hỏa). Trong khi đó, chu kỳ điều hành giá bán xăng dầu trong nước là 15 ngày/lần (bình quân) và thương nhân đầu mối phải thực hiện dự trữ lưu thông bắt buộc 30 ngày. Vì vậy, giảm thuế nhập khẩu từ 14/4 sẽ giúp cho giá bán lẻ các mặt hàng xăng không bị ảnh hưởng sau ngày 1/5 dù thuế bảo vệ môi trường đã tăng gấp 3 lần. Và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng không bị thiệt hại khi thực hiện nghĩa vụ đảm bảo dự trữ lưu thông 30 ngày vì không bị thuế chồng thuế đối với hàng tồn kho.

Bộ Tài chính khẳng định, thuế nhập khẩu giảm đã giảm mức chênh lệch giữa thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi và thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong ASEAN, cơ bản giải quyết được lo ngại của nhà máy lọc dầu trong nước về việc tiêu thụ hàng hóa. Qua đó, khuyến khích tiêu dùng sản phẩm xăng dầu sản xuất trong nước.

Như vậy, 2 mặt của 1 vấn đề đã được giải quyết. Thử hỏi, nếu BSR kiến nghị sai (?!) thì một Thông tư không thể được Bộ Tài chính ban hành nhanh và chuẩn xác đến vậy?

Nhìn rộng hơn, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang phải “gồng” khá nhiều điều bất cập. Đó là sản phẩm xăng (người dân chỉ quan tâm đến xăng Dung Quất - PV) made in Vietnam, do cán bộ, công nhân Việt Nam quản lý, vận hành lại bị “ép” phải “đổ đồng” với sản phẩm tương tự, nhưng nhập khẩu từ bên ngoài vào. Hơn nữa, đầu vào của Nhà máy là dầu thô nội địa (mỏ Bạch Hổ). Để tránh thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, BSR đã mua dầu từ mỏ Bạch Hổ sòng phẳng như giá bán ra bên ngoài thế giới nếu không dành cho Dung Quất.

Vậy, có nên “áp” sản phẩm lọc hóa dầu của Bình Sơn, made in Vietnam 100% từ khâu đầu đến khâu cuối vào mức thuế như sản phẩm tương tự có xuất xứ ASEAN!? Liệu như vậy có “fair-play” và có yếu tố nào mang tính chất động viên, khuyến khích cho những người tiên phong như BSR? Phải tính BSR như một doanh nghiệp sản xuất trong nước thì mới thật chơi đẹp chứ!

Trở lại chuyện giá dầu, BSR từng thiệt hại rất nhiều tỉ đồng lúc giá dầu lao dốc, mỗi thùng dầu mất đi vài USD/ngày như hồi cuối năm 2014. Theo quy trình, mỗi tấn dầu thô về kho, phải sau 2-3 tuần mới được sản xuất thành sản phẩm đầu ra. Vào 80USD, ra chỉ còn chưa đến 60USD/thùng. Tuy vậy, cái tồn kho của nhà máy mới là vấn đề khó khăn nhất, rào cản lớn nhất. Theo thiết kế, nhà máy tồn kho ít nhất 150-200 nghìn tấn dầu thô và BSR đã rất “sốc” vì chừng đấy tiền chênh mất đi thì công ty thiệt hại vô cùng. Các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ mất gần 3 tỉ USD, ở Nhật Bản mất hơn 4 tỉ USD và cá biệt các nhà máy lọc dầu ở Hàn Quốc thiệt hại tới 9 tỉ USD. Có lẽ, việc nắm tay BSR, kéo họ ra khỏi khó khăn mới là việc cả xã hội nên chung tay lúc này.

Lê Tùng (Năng lượng Mới)

DMCA.com Protection Status