Các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga sẽ thay đổi thị trường dầu mỏ như thế nào?

10:24 | 24/02/2022

|
(PetroTimes) - Trang tin 1prime mới đây đã có bài viết phân tích về những tác động của trừng phạt tiềm năng của Mỹ/phương Tây chống Nga đến giá dầu và thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga sẽ thay đổi thị trường dầu mỏ như thế nào?

Các nước áp dụng trừng phạt đối với Nga. Nguồn: Business Today.

Ngày 22/02/2022, giá dầu thô Brent lần đầu tiên được giao dịch ở mức trên 99 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 9/2014. Điều này xảy ra trong bối cảnh leo thang căng thẳng xung quanh Ukraine. Diễn biến giá dầu tiếp theo sẽ phụ thuộc vào hình thức xung đột giữa Ukraine và Nga. Trong hai kịch bản khác nhau, giá dầu có thể giảm xuống mức 70-80 USD/thùng hoặc tăng cao trên 100 USD/thùng. Theo các chuyên gia của 1 prime, tình hình hiện tại trên thị trường hàng hóa đang dựa trên những động lực không lành mạnh và điều này về lâu dài sẽ chỉ làm xấu đi triển vọng thị trường dầu mỏ.

Kịch bản cho tương lai

Một số chuyên gia phân tích thị trường tại Nga nhận định, giá dầu Brent đã gần chạm mức 100 USD/thùng trong bối cảnh thị trường lo ngại về sự leo thang căng thẳng xung quanh Ukraine và khả năng nguồn cung dầu từ Nga sang thị trường châu Âu bị hạn chế. Trong những ngày tới, các tuyên bố mới có thể làm dịu đi sự căng thẳng nơi người mua hoặc đảm bảo với họ rằng, kịch bản cấm vận từng phần có thể trở thành kịch bản chính trong trung hạn. Về mặt kỹ thuật, giá dầu có thể bị “hạ nhiệt” nếu các cuộc đàm phán cao nhất giữa Nga và Mỹ không bị gián đoạn. Lúc đó, giá dầu Brent có thể trở về mốc 90 USD/thùng.

Theo chuyên gia Dmitry Marinchenko của Fitch, hiện chưa rõ xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ diễn ra theo hình thức nào. Nếu mọi thứ chỉ dừng lại ở việc Nga công nhận độc lập đối với DNR và LNR thì các biện pháp trừng phạt chống Nga có thể sẽ tương đối nhẹ và giá dầu có thể trở lại phạm vi giá từ 70-80 USD/thùng. Ngược lại, sự gia tăng leo thang hơn nữa sẽ nảy sinh các biện pháp trừng phạt nghiêm trọng hơn. Hơn nữa, đà tăng giá dầu sẽ khó có thể bù đắp hoàn toàn tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga.

Về mặt lý thuyết, các biện phạt trừng phạt nhằm gây khó khăn cho việc bán dầu và khí đốt của Nga là có thể xảy ra, nhưng sẽ chỉ được áp dụng trong trường hợp leo thang thực sự nghiêm trọng. Theo kịch bản này, giá dầu có thể tăng mạnh lên trên mốc 100 USD/thùng.

Các chuyên gia khác nhận định, một yếu tố quan trọng tác động giá giảm sẽ là thỏa thuận hạt nhân với Iran, dự kiến sẽ hoàn tất, giúp bổ sung khối lượng dầu thô đáng kể ra thị trường. Tuy nhiên, rõ ràng là thị trường đặt kỳ vọng vào một kịch bản thực tế hơn. Trong đó, một thỏa thuận với Iran sẽ xác nhận những nỗ lực tiếp theo nhằm áp đặt cấm vận một phần nguồn cung dầu của Nga với khối lượng tương đương lượng dầu thô mà Iran đưa trở lại thị trường.

Hai mặt của đồng tiền

Một số chuyên gia kinh tế của Nga nhận định, giá một thùng dầu Brent hiện nay đã lập kỷ lục, đạt 8000 rúp/thùng, cao hơn nhiều so với mức giá vào mùa thu 2021 là khoảng 6000 rúp/thùng. Một mặt, đây là điều tích cực về thu ngân sách nhà nước và các công ty dầu khí. Mặc khác, đây lại là một trong những yếu tố gây lạm phát quan trọng. Việc giá dầu tăng hoàn toàn không có lợi trong bối cảnh lạm phát cao, buộc ngân hàng trung ương Nga phải tăng lãi suất cơ bản. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng.

Một nguyên nhân lớn khiến giá dầu tăng cao như vậy là do đồng rúp suy yếu trong bối cảnh giá dầu tăng và tình hình địa chính trị xấu đi. Chính yếu tố địa chính trị cũng thúc đẩy giá các loại nguyên liệu thô khác tăng. Về lâu dài, chi phí hàng hóa cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế thế giới và cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu hàng hóa. Nhìn chung, tình hình thị trường hàng hóa hiện nay dựa trên các động lực ngắn hạn, không ổn định và không lành mạnh. Cuối cùng, các động lực này chỉ có thể làm xấu đi triển vọng của thị trường hàng hóa.

Nga hiện chiếm tỷ trọng khoảng 10% trong sản xuất dầu mỏ toàn cầu. Một số chuyên gia tại Alfa Capital (Nga) cảnh báo, những vi phạm hoặc hạn chế trong xuất khẩu dầu thô của Nga sẽ dẫn đến sự tăng giá còn lớn hơn nữa. Kết quả là gia tăng lạm phát toàn cầu.

Đối với nền kinh tế Nga, trong điều kiện hiện nay, điều quan trọng là các biện pháp trừng phạt tiềm năng sẽ là gì và chúng sẽ ảnh hưởng đến các công ty/tập đoàn nào. Theo nhận định của giới chuyên gia, các tổ chức tài chính/ngân hàng sẽ chịu rủi ro lớn hơn về những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra so với những lĩnh vực xuất khẩu có thu nhập từ ngoại hối.

Tiến Thắng