Vì sao cần sớm có luật Năng lượng tái tạo?

Bài 2: Phát triển năng lượng tái tạo nhìn từ Quy hoạch điện 8

15:28 | 29/11/2023

6,025 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch điện 8). Trong đó, ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Nguồn điện này sẽ đạt tỉ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050, tỉ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%.

Hiện nay, năng lượng tái tạo (NLTT) đang trở thành xu hướng toàn cầu và dần thay thế nguồn năng lượng truyền thống hóa thạch có chỉ số phát thải cao hơn như than đá, dầu mỏ... Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), đầu tư vào năng lượng sạch toàn cầu đã cao hơn nhiều so với trước đây vào thời điểm Thỏa thuận chung Paris được ký kết vào năm 2015. Theo đó tốc độ tăng trưởng đầu tư hàng năm vào năng lượng sạch trung bình trong 5 năm sau Thỏa thuận khí hậu Paris chỉ hơn 2%. Năm 2020, tỉ lệ này đã tăng lên 12%, năm 2022 đầu tư cho năng lượng sạch ước đạt 1.400 tỷ USD chiếm gần 60% tổng đầu tư cho toàn ngành năng lượng.

Để thực hiện hóa chiến lược phát triển phát triển nặng lượng sạch, thời gian qua Việt Nam đã ưu tiên ưu tiên đầu tư và sử dụng NLTT, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc phát triển và sử dụng NLTT. Đặc biệt, 5 năm gần đây đầu tư cho NLTT, trong đó có điện gió và điện mặt trời ở Việt Nam phát triển vượt bậc. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng công suất các nhà máy điện tái tạo và thủy điện đạt gần 45.000 MW, chiếm 55,6% tổng công suất hệ thống điện Việt Nam (79.000MW). Trong đó, điện gió là 4.864MW, điện mặt trời mái nhà khoảng: 8.600MW, điện mặt trời trang trại: trên 9.000MW, thủy điện: trên 22.000MW, điện sinh khối: 385MW. Hệ thống điện Việt Nam có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đứng trong Top 10 quốc gia có công suất lắp đặt điện mặt trời cao nhất trên thế giới.

Bài 2: Phát triển năng lượng tái tạo nhìn từ Quy hoạch điện 8
Ảnh minh họa ( Nguồn: Internet)

Quy hoạch điện 8 đặt ra mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với đó, thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Đồng thời, hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Theo đó, Quy hoạch điện 8 quy hoạch phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên lãnh thổ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm cả các công trình liên kết lưới điện với các quốc gia láng giềng.

Về mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030, khoảng 6,5-7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050; bảo đảm cung cấp điện an toàn, tin cậy. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN; phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

Đối với chuyển đổi năng lượng công bằng, Quy hoạch điện 8 đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%; Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204-254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050; Hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất; Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn.

Về phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo, dự kiến đến 2030, hình thành 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng bao gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ liên quan, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có các điều kiện thuận lợi.

Bên cạnh đó, phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu; Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000-10.000 MW.

Để đạt được các mục tiêu trên, Quy hoạch điện 8 cũng đã xác định các phương án phát triển nguồn điện, phương án phát triển lưới điện, liên kết lưới điện với các nước trong khu vực, định hướng phát triển điện nông thôn, phát triển sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, nhu cầu vốn đầu tư...

Theo đó, giai đoạn 2021-2030 ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD; định hướng giai đoạn 2031-2050 ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 399,2 - 523,1 tỷ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 364,4-511,2 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 34,8-38,6 tỷ USD, sẽ được chuẩn xác trong các quy hoạch tiếp theo.

Theo quy hoạch, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, hệ thống sơ đồ, dữ liệu. Bộ Công Thương cũng được giao hoàn thiện xây dựng và trình Chính phủ Luật Điện lực sửa đổi và Luật về năng lượng tái tạo để trình Quốc hội trong năm 2024; trình Chính phủ ban hành các chính sách về mua bán điện trực tiếp.

Nhìn vào Quy hoạch điện 8, có thể thấy, giai đoạn 2030 -2045, hệ thống năng lượng/hệ thống điện Việt Nam sẽ trải qua một quá trình chuyển đổi cơ bản về cơ cấu nguồn, từ chỗ chủ yếu dựa vào nguồn nhiên liệu hóa thạch chuyển sang nguồn năng lượng sạch, NLTT, sử dụng hiệu quả năng lượng. Theo đó, trọng tâm chuyển đổi của hệ thống điện Việt Nam bao gồm: điện sạch sẽ là nguồn năng lượng chính, khai thác tối đa điện từ NLTT.

Với quan điểm phát triển xanh, bền vững, nguồn NLTT trong đó có năng lượng gió, mặt trời trong những thập kỷ tới sẽ là nguồn năng lượng cơ bản của hệ thống năng lượng/hệ thống điện và góp phần trọng yếu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Có thể nói, phát triển NLTT là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được cụ thể hóa tại Nghị quyết của Bộ Chính trị đến các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển NLTT, những cơ chế khuyến khích phát triển các dự án NLTT. Tại Hội nghị COP26, COP27 diễn ra tại Vương quốc Anh và Ai Cập, Chính phủ Việt Nam đã khẳng định và cam kết rất mạnh mẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch là định hướng quan trọng của Việt Nam hướng tới nền kinh tế carbon thấp, tăng trưởng xanh trong những thập kỷ tới.

Bài 1: Nhận diện vai trò của Năng lượng tái tạo

Bài 1: Nhận diện vai trò của Năng lượng tái tạo

Theo những số liệu đáng tin cậy Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều tiềm năng về Năng lượng tái tạo (NLTT). Quy hoạch điện VIII định hướng đến năm 2030 cơ cấu nguồn điện nghiêng mạnh sang các nguồn NLTT với tỷ lệ chiếm đến gần 30% tổng công suất, đến năm 2050 chiếm khoảng 60%.

Huy Tùng

DMCA.com Protection Status