Nhà máy lọc dầu Dung Quất:

Nhiệm vụ đặc biệt và chiến công đặc biệt

08:03 | 01/09/2015

1,335 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Hiện nay tại Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất đã sản xuất được các loại sản phẩm: Propylene; Khí hóa lỏng (LPG); Xăng RON 92; Xăng RON 95; Xăng E5 RON 92; dầu hỏa/nhiên liệu bay Jet-A1; dầu nhiên liệu (FO); dầu động cơ diesel ôtô. Từ tháng 10-2014 có thêm sản phẩm Jet A-1K và nhiên liệu diesel DO L-62 phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng.  

Hiểu một cách dân dã, các loại sản phẩm như: xăng ôtô, khí gas, dầu hỏa, dầu diesel… là sản phẩm “bình dân” của nhà máy lọc dầu; thì nhiên liệu cho máy bay phản lực và cho thiết bị quốc phòng là sản phẩm “cao cấp”. Nói như thế, có nghĩa là bất cứ nhà máy lọc hóa dầu nào cũng đều sản xuất được các loại sản phẩm “cao cấp”, sản phẩm “đặc biệt”. Tuy nhiên, không nên hiểu một cách đơn giản theo ý nghĩ chủ quan như vậy.

Việc NMLD Dung Quất sản xuất thành công các loại sản phẩm cho máy bay và cho thiết bị quốc phòng là câu chuyện dài của một giai đoạn ngắn mà những người lao động ở BSR đã phấn đấu. Nói là “kỳ tích” cũng không quá; bởi mới chỉ sau hơn 5 năm đi vào sản xuất kinh doanh BSR đã có bước tiến dài về sự trưởng thành, về làm chủ công nghệ, vận hành kỹ thuật NMLD Dung Quất và cho ra những sản phẩm đặc biệt như vậy quả là không dễ.

nhiem-vu-dac-biet-va-chien-cong-dac-biet
Đại tá Phan Bá Dân, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen cho BSR

Tổng giám đốc BSR Đinh Văn Ngọc là người sôi nổi nhưng cẩn trọng. Có lẽ làm “tổng” của cái công ty có NMLD số 1 Việt Nam; công việc đã “rèn” cho anh tính thận trọng, tỉ mỉ; dù rất xởi lởi cởi mở, nhưng trong câu chuyện vẫn toát lên sự thận trọng. Bằng chứng: khi trao đổi với tôi, dù vẫn rất say xưa với những con số kỹ thuật khô khan, nhưng con mắt của người làm kỹ thuật không bỏ sót một lỗi nào khi tôi ghi chép; anh đã phải dừng lại nhiều lần, chính tay chép lại những từ kỹ thuật trong cuốn sổ của tôi.

Anh bảo, nhiên liệu hàng không là loại nhiên liệu có chất lượng cao hơn các nhiên liệu sử dụng trong các ngành khác ít nguy hiểm hơn. Chuyện anh lý giải về loại nguyên liệu này thì dài, với những thuật ngữ kỹ thuật khá “rắc rối”; nên tôi viết theo cách hiểu phổ thông như thế này: Nhiên liệu này có loại cho động cơ bốn thì, có loại cho động cơ phản lực. Riêng cho động cơ phản lực cũng có nhiều chủng loại dùng cho các loại máy bay khác nhau. Điều đặc biệt, vì an toàn của máy bay trên không trung, với độ cao khoảng 10km, nhiệt độ -30 đến -400C, có khi là -500C, nhiên liệu phải đáp ứng được yêu cầu không đóng băng, hiểu nôm na là như thế.

Chắp mạch câu chuyện Ngọc kể, tôi mới biết việc sản xuất xăng máy bay (Jet-A1) của NMLD Dung Quất, không có trong nghiệm thu nhà máy trước khi bàn giao. Theo hợp đồng, chỉ nghiệm thu sản phẩm dầu hỏa (được hiểu là nguyên liệu để tinh chế xăng máy bay Jet-A1). Việc nghiên cứu sản xuất Jet-A1 chỉ diễn ra sau khi nghiệm thu xong. Tôi hỏi, tại sao ngay từ đầu ta không hợp đồng sản xuất sản phẩm này? Câu trả lời xin được diễn giải như sau:

Việc sản xuất xăng máy bay chính là giai đoạn tinh chế Kerosen (dầu hỏa) thành sản phẩm Jet-A1. Đây là công đoạn sản xuất mà NMLD Dung Quất phải điều chỉnh rất nhiều thông số, và biên độ điều chỉnh rất nhỏ… Tất nhiên, việc điều chỉnh nhà máy và huấn luyện nhân sự phải có “thầy”. Và “thầy” không chỉ là một, vài con người cụ thể. “Thầy” được hiểu là một tổ chức, mà trong ngành sản xuất xăng dầu, người ta gọi là hãng, hay tập đoàn; tất nhiên, những hãng, hay tập đoàn ấy phải là những cơ sở sản xuất có bề dày kinh nghiệm, nổi tiếng trên thế giới… tóm lại là phải tìm được ông “thầy” giỏi. Chính Đinh Văn Ngọc; khi ấy, (tháng 10-2009) là Phó tổng giám đốc kỹ thuật, được Tổng giám đốc Nguyễn Hoài Giang giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo tổ dự án gồm 18 cán bộ, kỹ sư để xây dựng Dự án “Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và thương mại hóa phẩm Jet-A1 của NMLD Dung Quất”.

Và người “thầy” được tổ dự án do Đinh Văn Ngọc phụ trách đã tham mưu cho Ban lãnh đạo BSR lựa chọn, đấy là Nhà thầu: Shell Global Solution International BV (SGS) thuộc Tập đoàn Shell (Hà Lan). Đây là một trong những tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới. Và hợp đồng đã được ký; với điều khoản trọn gói trong thời gian 1 năm nhà thầu Shell Global Solution International BV giúp BSR đào tạo nhân sự có kỹ năng đặc biệt để sản xuất thành công sản phẩm Jet-A1.

Nói thì đơn giản như vậy; nhưng để ra được sản phẩm là cả một quá trình đòi hỏi cả “thầy” dạy và “trò” học phải lao động cật lực, với một quy trình công nghệ hoàn toàn mới. Có nghĩa là phải xây dựng từ đầu một quy trình sản xuất; muốn vậy phải đánh lại giá toàn bộ hệ thống và dây chuyền sản xuất, để đề xuất việc cải hoán, chỉnh sửa cần thiết, đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất theo tiêu chuẩn thế giới và theo yêu cầu của Hiệp hội vận tải hàng không thế giới (IATA). Chỉ việc này thôi đã là “một núi” công việc, mà toàn là những công việc hệ trọng cả…

Rồi việc huấn luyện kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật làm nhiệm vụ vận hành sản xuất; cũng đòi hỏi hết sức bài bản. Anh Ngọc bảo, sản xuất Jet-A1 đòi hỏi tính lặp lại rất cao; hiểu là, chất lượng sản phẩm trăm mẻ, ngàn mẻ như một. Nói như vậy có nghĩa là: Hôm nay tổ chức sản xuất 3 ca, 4 kíp; thì ca nào, kíp nào cho ra sản phẩm cũng phải như nhau. Ngày mai cũng vậy và cả trong quá trình cũng thế, tuyệt nhiên không được “vênh” nhau “một li, một lai”. Và muốn được như vậy thì đòi hỏi kỹ năng của 100 người, 1.000 người vận hành nhà máy phải như một. Tôi buột mồm, vậy cũng giống như tập thể dục, muốn đội hình đẹp, các động tác trăm người tập phải đều tăm tắp như một, anh dơ tay trước, anh hạ tay sau là vứt. Ngọc cười, hiểu đại khái theo cách “thể dục” của anh cũng được.

nhiem-vu-dac-biet-va-chien-cong-dac-biet
Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Ngọc tâm sự, không phải là anh “cường điệu hóa” vấn đề đâu, yêu cầu khắt khe của IATA, của khách hàng. Và trên hết là yêu cầu an toàn hàng không; không cho phép nhà sản xuất để xảy ra bất kỳ một sai sót nào, dù là nhỏ nhất. Anh bảo, không ý thức được vấn đề ấy, chính bản thân BSR tự mình loại mình ra khỏi “cuộc chơi” này. Anh kể rằng, kể từ lúc BSR có kế hoạch quảng bá sản phẩm đến các khách hàng như: Vinapco; Petrolimex; VNA… Thì ngay lập tức những khách hàng này cử các đoàn cán bộ kỹ thuật đến nhà máy, nói như anh là để kiểm tra năng lực của BSR có đúng như quảng bá hay không.

Cũng đúng thôi, một nhà máy “sinh sau đẻ muộn”, mới được “vài tuổi” so với lịch sử cả trăm năm của dầu khí thế giới; chưa mấy người biết mặt, biết tên; lại chào bán thứ sản phẩm được coi là “cao cấp”, đòi hỏi những yêu cầu kỹ thuật khắt khe… Chỉ những người thiếu thận trọng, mới không làm cái động tác kiểm tra ấy.

Anh Ngọc kể rằng, các khách hàng không chỉ cử các đoàn cán bộ kỹ thuật đến tận nhà máy kiểm tra hệ thống, dây chuyền, quy trình vận hành và chất lượng sản phẩm với tinh thần hết sức thận trọng, bài bản và chuyên nghiệp. Mà còn định kỳ lấy mẫu đi kiểm định độc lập ở các cơ sở uy tín trên thế giới; rồi tham khảo ý kiến của các nhà sản xuất máy bay; của đơn vị bảo hiểm động cơ máy bay… Sau khi được thỏa mãn tất cả các yêu cầu trên, nhận được sự “gật đầu” của tất cả các bên, họ mới đặt bút ký hợp đồng. Và đến nay sản phẩm Jet-A1được sản xuất tại NMLD Dung Quất đã chiếm 80% thị phần tại Hãng VietJet Air và 30% thị phần của Vietnam Airlines.

Chính việc sản xuất thành công sản phẩm Jet-A1 là “bệ phóng” để BSR tiếp tục con đường khoa học sản xuất nhiên liệu cho các thiết bị quốc phòng, mở ra “trang mới” về việc chủ động bảo đảm nhiên liệu dùng trong lĩnh vực quân sự ở trong nước.

Việc sản xuất thành công sản phẩm nhiên liệu phản lực Jet A-1K và nhiên liệu diesel L-62, được Cục Nhiên liệu và chất cháy tên lửa - thuộc Bộ Tham mưu bảo đảm vật tư - kỹ thuật các Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga cấp phép sử dụng trên vũ khí trang bị, thiết bị quân sự và thiết bị chuyên dụng, do Liên bang Nga sản xuất, được coi là Sự kiện quan trọng không chỉ của NMLD Dung Quất, mà còn của cả ngành Dầu khí Việt Nam.

Tâm sự về việc này, Đinh Văn Ngọc trải lòng: Trước khi bắt tay hợp tác với các với Cục Xăng dầu quân đội và Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga triển khai dự án nghiên cứu “Đánh giá khả năng công nghệ của NMLD Dung Quất (Việt Nam) trong việc sản xuất nhiên liệu cho động cơ phản lực và nhiên liệu diesel dùng trên các thiết bị kỹ thuật do Liên bang Nga sản xuất. Nghiên cứu xây dựng các biện pháp hiệu chỉnh”. BSR xác định mình là “binh chủng” đặc thù của ngành hậu cần quân đội. Chính vì vậy chúng tôi đã lựa chọn đội ngũ cán bộ kỹ thuật có năng lực nhất của nhà máy để cùng hợp tác, nghiên cứu sản xuất cho ra sản phẩm sớm nhất, chất lượng cao nhất để phục vụ cho quốc phòng. Quan điểm của lãnh đạo BSR trước hết là phải sản xuất thành công, không thể tính “lời, lãi” vào nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Bằng quyết tâm và suy nghĩ như vậy, BSR đã lao vào công việc với tinh thần của người chiến sĩ ra trận. Giờ việc sản xuất đã thành công và trở thành Nhà cung cấp nhiên liệu nước ngoài cho các phương tiện quân sự sản xuất tại Nga. Nhìn lại cả giai đoạn hợp tác nghiên cứu và sản xuất, Đinh Văn Ngọc nói với tôi, làm việc với các chuyên gia nước ngoài đã khó; làm việc với các chuyên gia quân sự Nga đòi hỏi tính nguyên tắc và sự chuyên nghiệp rất cao. Nếu không đáp ứng được sự đòi hỏi một cách tỉ mỉ, không thỏa mãn được sự kiểm tra gắt gao không chỉ của một ông chuyên gia, mà hàng chục ông; không chỉ một lần, mà rất nhiều lần; thì đừng nói đến việc tổ chức sản xuất.

Anh bảo, để chuyên gia Nga chấp nhận Dự án “Đánh giá khả năng công nghệ của NMLD Dung Quất (Việt Nam) trong việc sản xuất nhiên liệu cho động cơ phản lực và nhiên liệu diesel dùng trên các thiết bị kỹ thuật do Liên bang Nga sản xuất. Nghiên cứu xây dựng các biện pháp hiệu chỉnh”. BSR phải đáp ứng sự kiểm tra, đánh giá toàn diện của các chuyên gia quân sự Nga, gồm toàn bộ dây chuyền công nghệ, các tài liệu, quy trình, hệ thống, thiết bị, ý chí của lãnh đạo, tay nghề kỹ thuật của công nhân… Tóm lại, đây là cuộc khảo sát năng lực, cuộc kiểm tra của những nhà “phản biện” cực kỳ khó tính. Nhưng nói như anh, dù có khắt khe, có khó tính đến mấy, qua thời gian làm việc trực tiếp, khảo sát, đánh giá tại nhà máy, các chuyên gia Nga hoàn toàn bị thuyết phục trước năng lực quản trị và sự chuyên nghiệp của BSR.

Ngọc kể rằng, chuyên gia quân sự Nga cẩn trọng đến mức, không chỉ kiểm tra, đánh giá dây chuyền công nghệ; kiểm tra năng lực nhân sự; mà họ còn kiểm tra cả “đầu vào”, tức là chất lượng dầu thô. Anh cho biết, trong giai đoạn đầu của dự án (tháng 11-2012), trước yêu cầu của sự đòi hỏi khắt khe ấy, BSR đã cung cấp tổng cộng 700 lít mẫu bao gồm: Nguyên liệu dầu thô; nhiên liệu Jet A-1; DO; LGO; HGO; Kerosene; LCO của NMLD Dung Quất. Những sản phẩm này không chỉ được kiểm nghiệm tại Cục Xăng dầu quân đội; tại Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga; mà còn được Viện Sinh thái - Tiến hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga; cùng thực hiện đánh giá tính phù hợp của nguyên liệu và các sản phẩm hiện tại trong sản xuất nhiên liệu quân sự. Và chỉ sau khi kết quả đánh giá như nhau, mới tiếp tục triển khai nghiên cứu.

Sau khi có những kết quả đánh giá khả quan đầu tiên, BSR tiếp tục phối hợp với Cục Xăng dầu và Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga triển khai đề tài nghiên cứu “Sự đảm bảo về mặt khoa học và kỹ thuật và phương pháp để cấp giấy phép sử dụng nhiên liệu Jet A-1 và nhiên liệu diesel do NMLD Dung Quất sản xuất trên trang thiết bị quân sự”. Đây chính là giai đoạn quyết định để sản phẩm được công nhận.

Người làm khoa học Nga vốn đã thận trọng; người làm khoa học quân sự Nga còn thận trọng, tỉ mỉ, nguyên tắc và chính quy đến nghiêm ngặt. Ngọc tâm sự rằng, để các chuyên gia quân sự Nga lựa chọn được phương án sản xuất; BSR đã phải chuẩn bị hàng loạt phương án khác nhau, giải pháp điều chỉnh về điều kiện công nghệ, thành phần nguyên liệu, xúc tác, cơ chế vận hành… Tất cả các phương án ấy, phải được Hội đồng Khoa học BSR “mổ xẻ” đưa ra đánh giá, tổ chức thực nghiệm và lựa chọn. Mỗi phương án đều được đánh giá, phân loại trên cơ sở khoa học. Cùng với đó, BSR còn phải triển khai xây dựng bộ quy trình, nhằm kiểm soát chặt chẽ các điều kiện vận hành, đảm bảo triển khai sản xuất đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm.

Hiểu một cách thông thường, chỉ việc triển khai các phương án ấy; không chỉ là đòi hỏi khách quan, mà còn là sự đòi hỏi lao động khoa học sáng tạo; tính kiên nhẫn, lòng tự trọng nghề nghiệp. Mà trên hết, sự phấn đấu ấy nhắm đến mục đích cuối cùng là từng bước chủ động nguồn cung cấp và dự trữ nhiên liệu phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Với tinh thần ấy, chỉ sau 7 tháng triển khai giai đoạn 2 (từ tháng 9-2013 đến 3-2014), 400 lít nhiên liệu Jet A-1 và 600 lít nhiên liệu diesel đã đạt đầy đủ các chỉ tiêu quy định trong tiêu chuẩn nhiên liệu quân sự đã được sản xuất thành công. Cũng trong thời gian này BSR đã phối hợp nghiên cứu xây dựng thành công các bộ tiêu chuẩn TCVN/QS 1754:2014 áp dụng cho nhiên liệu diesel DO L-62 và TCVN/QS 1755:2014 áp dụng cho nhiên liệu bay Jet A-1K.

Tất nhiên, cũng như các sản phẩm khác sau khi sản xuất đều phải trải qua giai đoạn kiểm tra, có đạt tiêu chuẩn mới được cấp phép sử dụng. Riêng với hai sản phẩm diesel DO L-62 và Jet A-1K; phải qua những giai đoạn kiểm tra hết sức khắt khe. Nói như anh Ngọc, chưa có loại nhiên liệu nào phải qua nhiều “thử thách” đến như vậy. Nói là “thử thách”; bởi sự đòi hỏi tính chính xác tuyệt đối của sản phẩm; Có khi, tại phòng thí nghiệm của nhà máy, sản phẩm đạt yêu cầu; nhưng ở phòng thí nghiệm của các đơn vị độc lập chỉ “vênh” một tỷ lệ “siêu” nhỏ thôi là hỏng. Đấy là chưa nói đến việc kiểm tra tại phòng thí nghiệm của quân đội Nga. Khi đã thỏa mãn sự kiểm tra tại phòng thí nghiệm; sản phẩm phải qua một giai đoạn kiểm tra nữa là thử nghiệm trên các loại động cơ khác nhau trên mặt đất trong các điều kiện khí hậu, thời tiết khác nhau; với sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia.

Sau đó sản phẩm phải qua trải qua sự nhận xét của các chuyên gia… Tất cả các “công đoạn” ấy được tổng hợp báo cáo Bộ Quốc phòng Nga. Tại đây, những nhà khoa học quân sự đầu ngành cho ý kiến. Sản phẩm không còn tý gì gọi là “gờn gợn” của các nhà khoa học, thì sau đó mới được cấp phép. Sở dĩ phải “dài dòng” về sự “thử thách” kỹ thuật của hai loại sản phẩm này như vậy; cũng là sự giải thích để bạn đọc hiểu thêm tính nghiêm ngặt của yêu cầu kỹ thuật; và hiểu thêm tinh thần lao động sáng tạo của BSR.

Sau hơn 5 năm đưa NMLD Dung Quất vào vận hành, kinh nghiệm so với các nhà máy trên thế giới có tuổi đời “năm, sáu mươi năm” quả là khoảng cách rất lớn. Đúng như tâm sự của Tổng giám đốc Đinh Văn Ngọc, những người lao động ở BSR thực sự là những chiến sĩ trên mặt trận “khoa học - kỹ thuật”; họ đã vượt qua muôn vàn khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ với tâm thế của người chiến sĩ ra trận…

Để kết thúc bài viết này, xin được trích đăng ý kiến của Đại tá Phan Bá Dân, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, trong Lễ công bố Quyết định cấp phép cho nhiên liệu sử dụng trong Quốc phòng cho NMLD Dung Quất vào ngày 25-3-2015 tại BSR: “Thành công này có ý nghĩa chính trị to lớn, giúp cho đất nước, giúp cho Quân đội chủ động nguồn nhiên liệu tại chỗ, đáp ứng kịp thời cho công tác huấn luyện, SSCĐ. Bảo đảm sự chủ động của quân đội sẵn sàng đối phó thắng lợi với mọi tình huống, góp phần bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, hải đảo và lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc…”.

Đặng Trung Hội

Năng lượng Mới 452+453

DMCA.com Protection Status