Nhà thơ của ngành Dầu khí

07:00 | 14/02/2016

2,608 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Viết về dầu khí đã khó, viết hay về nghề dầu khí còn khó hơn nhiều. Nên không phải ngẫu nhiên Phạm Văn Đoan, Đào Mạnh Tiến được gọi với cái tên trìu mến, nhà thơ của ngành Dầu khí.

Phạm Văn Đoan: Có một hồn thơ như thế

nha tho cua nganh dau khi

Gần trọn cuộc đời gắn bó với ngành Dầu khí, tôi biết giờ đây, bên cạnh kinh nghiệm với nghề, “người lính” Dầu khí, thi sĩ Phạm Văn Đoan có một gia tài riêng. Đó là gia tài thi ca mà ông đã có trong thời gian gắn bó với sứ mệnh của những người đi… tìm lửa.

Trước đây, bằng những hiểu biết hạn hẹp của mình về ngành Dầu khí, tôi cũng có suy nghĩ mà đồ rằng, cũng giống với nhiều người khác là: Làm nghề Dầu khí là múc tài nguyên để bán, có khó nhọc gì. Thế nhưng, có đi, có chứng kiến và rồi qua những bài thơ như của Phạm Văn Đoan, tôi mới thấy những người làm dầu khí như những chiến binh thời đại. Phạm Văn Đoan luôn là người biên sử trung thành, ghi lại tất thảy những gì ông đã thấy, đã nghe và đã cảm bằng trái tim mình.

Bằng: “Những người thắp sáng biển khơi”, “Thợ lặn”, “Giao thừa trên giàn khoan”… Người đọc hiểu, làm dầu khí là một nghề vất vả, nhiều hy sinh khi “Giọt dầu đen xương trắng máu hồng”. Là những người thợ lặn sẵn sàng chịu thiệt thòi khi: “Lẽ thường người đời thích nổi lên leo cao/ Riêng anh lại chọn nghề thợ lặn”. Là giàn khoan với những người giữ lửa ngày đêm thức cùng biển cả để tìm về những dòng dầu: “Trời vẫn trong xanh và lửa vẫn trắng đêm/ Sóng gió thất thường khi hiền lành khi dữ tợn”. Là ám ảnh của máy móc, của gió bụi ngoài giàn khoan khi: “Đêm ở đây dài thế/ Ngày ở đây mênh mông/ Chiều buông lòng duễnh doãng/ Giữa biển rộng trời xanh”.

Thơ của Phạm Văn Đoan không cần bình, bởi ngay lời thơ chân chất của ông đã nói lên tất thảy. Khó khăn là thế, nhọc nhằn là thế nhưng vượt lên là nỗ lực của những người lính dầu khí để những“Mũi khoan vẫn kiên trì xoáy vào lòng đất”.  Đúng là, đừng tưởng tâm hồn của những người làm việc liên quan đến kỹ thuật là cứng, đừng nghĩ thơ của những người làm việc liên quan đến máy móc thì… khô. Bởi giữa biển bờ mênh mông, bỏ mặc “Sắt và thép dẫu giằng ngang cột dọc” thì “Cũng không giam nổi tiếng lòng anh”. Có thể cũng là người của dầu khí, trái tim cùng chung nhịp đập mà Phạm Văn Đoan thấu hiểu tiếng lòng của đồng nghiệp mình đến thế.

Nếu chọn hình ảnh những chiến sĩ giữa thời bình thì hình ảnh những chiến binh đi tìm dầu sẽ là một trong những hình ảnh chân thực nhất. Những con người ấy cũng có những tháng ngày đằng đẵng bám giàn, giữ lửa không được về nhà. Với công việc ấy thì thời gian tưởng chừng quý giá bỗng thành vô nghĩa. Để rồi trong chuỗi thời gian đắm chìm với công việc ấy: “Bỗng nhiên tấm lịch hất ngược/ Chạm vào mắt ta ngày ba mươi tháng chạp/ Ừ nhỉ, đêm nay giao thừa!”. Đọc những dòng này, nước mắt như chực trào.

Với bất kỳ ai, đặc biệt là truyền thống người Việt thì tết là sum vầy, là đoàn viên. Nhưng hơn 40 năm qua, biết bao thế hệ những người làm dầu khí đã thầm hy sinh hạnh phúc riêng để hoàn thành nhiệm vụ chung. Những câu thơ này, Phạm Văn Đoan nói hộ tiếng lòng của những người dầu khí, tưởng chừng nhẹ nhàng nhưng cũng ngậm ngùi. “Em ơi, đêm nay ở trong bờ/ Chắc thiếu đi một nửa/ Giao thừa, chẳng kẻ bán người mua/ Thế là tết này không thể khác”. Có phải đó là cách Phạm Văn Đoan an ủi vỗ về đồng nghiệp, như một cách ông giúp họ khỏa lấp nỗi cô đơn giữa mênh mông biển cả.

Đọc những câu thơ này, tôi muốn cảm ơn nhà thơ Phạm Văn Đoan. Bởi tôi biết, những người lính dầu khí vốn nói ít làm nhiều, họ sẽ chẳng kể lể hay than vãn về nỗi vất vả với nghề. Và sẽ chẳng ai biết, họ đã lăn lộn như thế nào trên những công trình dầu khí đang từng ngày phát triển trên mọi miền đất của Tổ quốc và cả những giàn khoan xa tít ngoài khơi để đem về những giọt dầu quý. Rồi đây, trong không khí xuân đang bừng sáng khắp những nẻo đường, khi nhà nhà được quây quần sum họp thì ngoài kia vẫn còn những người con bận tìm dầu, giữ lửa chưa kịp về hưởng tết đoàn viên…!

Đào Mạnh Tiến: Sôi trào tình yêu cuộc sống

nha tho cua nganh dau khi

Là một người làm công tác quản lý, nắm giữ vị trí Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans), nhiều người vẫn cho rằng, Đào Mạnh Tiến là người khô khan, cứng nhắc. Thế nhưng, “gia tài” đồ sộ của anh lại khiến người khác cảm thấy choáng ngợp: 8 tập thơ, 1 tập tản văn, vài chục ca khúc và khoảng 200 bức họa sơn dầu, tranh chì… trong số đó có không ít tác phẩm viết về ngành Dầu khí và về người lao động dầu khí.

Ngòi bút của thi sĩ Đào Tiến mang nặng tâm sự, suy ngẫm nhưng lại không cầu kỳ, triết lý mà rất khoáng đạt, sôi trào. Anh nói mình đã già, thấy làm gì cũng thiếu thời gian, lúc nào cũng hối hả và gấp gáp, những rung cảm về cuộc sống được anh thể hiện qua 4 câu thơ mang thông điệp bốn mùa: “Xuân về chơi mấy độ/ Hè đã cạn chén rồi/ Thu tình vừa mới nhấp/ Đông đã ở đầu môi”.

Nhìn vào gia tài lên cả nghìn bài thơ của Đào Tiến, tưởng chừng anh có một sức viết tuôn trào, sôi sục, như anh sống cùng thơ, thơ chìm đắm trong anh hàng ngày. Anh làm thơ, vẽ tranh vừa để gửi gắm tình yêu, sự chiêm nghiệm, lại vừa để giải tỏa những áp lực trong cuộc sống, trong công việc. Tưởng như thông qua những bài thơ, những ca khúc, những bức họa, anh lấy lại được sự cân bằng, sự bình yên trong cuộc sống còn nhiều bộn bề, với anh, thơ là bạn đồng hành, là tri ân, là tri kỷ khó cầu.

Trong những tập thơ đã xuất bản, Đào Tiến đặc biệt chú trọng vào mảng đề tài ngành Dầu khí và người lao động dầu khí mà anh gọi là “những người sống quanh tôi”. Bản thân Đào Tiến cũng là người dầu khí, anh cùng sống, cùng làm việc, cùng lo âu, cùng hứng khởi với sự phát triển của ngành. Và hơn ai hết, tình yêu đối với công việc, với ngành lao động kỹ thuật cao đã trở thành máu thịt của anh.

Nhắc đến những tác phẩm viết về ngành Dầu khí, nhà thơ, nhạc sĩ Đào Tiến tâm đắc nhất với ca khúc “Tự hào Vận tải Dầu khí” và “Tự hào Công đoàn Dầu khí Việt Nam”. Đặc biệt, ca khúc “Tự hào Vận tải Dầu khí” đã trở thành ca khúc truyền thống của Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí PV Trans, ca khúc “Tự hào Công đoàn Dầu khí Việt Nam” đã mang lại cho tác giả Đào Tiến bằng khen “Tác phẩm xuất sắc về ngành Dầu khí” do Công đoàn Dầu khí trao tặng năm 2011.

Đào Tiến hiếm khi muốn nói về những thành tựu mà anh đã đạt được, mà chỉ muốn nói về cảm xúc, về kỷ niệm với thơ, với nghề. Anh bảo cái nghề dầu khí nói chung và vận tải dầu khí nói riêng quanh năm lênh đênh, dịch chuyển từ những vùng giá lạnh băng tuyết, nơi gió cát mịt mờ, cho tới giữa muôn trùng sóng nước. Người lao động dầu khí phải chịu đựng và làm việc, cống hiến trong hoàn cảnh gian khổ, vất vả đến nhường nào. Chính sự chìm nổi ấy khiến con người có lúc thật lắng sâu, lúc thật bay bổng và đó chính là điều kiện để tiếng lòng bật thành cung bậc, thành thơ, thành nhạc. 

Anh cứ say sưa giữa những con người dầu khí - nguyên liệu vô tận cho những sáng tác của mình. Anh thấu hiểu, yêu thương và trân trọng từng người lao động, từng đóng góp dù là nhỏ nhất cho ngành Dầu khí. Như cách anh thủ thỉ với các chị em cùng ngành: “Trên giàn khoan từng ngày bám biển/ Nối niềm vui qua cuộc điện đàm/ Sóng dập dìu cùng đoàn tàu hiện đại/ Mỗi công trình là một chuyến đi xa”…

Khi tôi hỏi giữa nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ ấy, anh thích được gọi bằng danh xưng nào nhất, Đào Tiến cười xòa và bảo: “Cứ gọi tôi là người dầu khí”. Cứ tưởng một người làm kỹ thuật, làm quản lý quanh năm gắn bó với số liệu, với báo cáo sẽ khô khan lắm; thế nhưng với Đào Tiến, không gian của anh là cả trời xanh, biển biếc, là cả thế giới đẹp tươi, là cả tình yêu cuộc đời, yêu con người sục sôi, cháy bỏng… hỏi làm sao tâm hồn không lãng mạn, thăng hoa được.

Xin dùng chính những câu thơ của tác giả Đào Tiến như một lời thổ lộ tình yêu với cuộc đời, với mạch dầu và với chính người lao động dầu khí đang ngày đêm cống hiến cho đất nước đẹp giàu. “Xuân khe khẽ lời yêu ru biển lớn/ Đâu đó ngoài trời men cuộc sống tràn dâng/ Tất cả bên nhau tay trong tay thêm chặt/ Hơi ấm biển dầu cùng những niềm vui”.

Huyền Anh - Khánh An

Số Xuân 2016

DMCA.com Protection Status