Phía sau giấc mơ nhà báo của cô học trò nghèo

14:27 | 04/04/2012

415 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Tìm trong từng hạt nắng chút ấm áp sau đêm dài lạnh lẽo, tìm trong mỗi hạt mưa chút dịu mát của ngày đầy nắng gió. Có lẽ mưa nắng ở đời đều có những quy luật riêng của nó. Như cô bạn tôi vẫn thường nói: “Nắng lắm nên mới mưa nhiều. Có mưa thì mới biết quý trọng ánh nắng. Hết mưa rồi lại nắng. Nắng lắm, người ta lại cần chút mưa”.

Cuộc đời người cũng tồn tại những lẽ bình thường như tự nhiên. Đôi lúc người ta cần vội vã hòa theo dòng chảy của những tấp nập xô bồ để mưu sinh. Đôi lúc người ta lại cần chầm chậm đi để cảm nhận mỗi làn gió nhẹ thổi qua man mác trên làn tóc, để cảm nhận cái hương vị hơi đời. Nhiều khi người ta khóc vì cô đơn, vì khổ rồi lại cũng khóc vì hạnh phúc, sướng vui. Khi vui lắm thì tự thấy mình cũng nên buồn, buồn rồi lại thấy phải vui lên để cân bằng lại. Và cũng tự nhiên thôi, khi con người ta sống trong nỗi khó nhọc thì đó cũng chính là động lực để người ta biết mình cần phải vươn lên. Điều này có lẽ đúng với cô bạn tôi – Lê Thị Quý!

Nhà Quý thuộc diện hộ nghèo của xã. Ba mẹ Quý đều làm nông cả. Ông bà đã già, ba anh em lại đang đi học. Ở nông thôn kiếm cái ăn còn khó huống hồ nghĩ đến chuyện sách vở học hành. Được đến trường không còn là điều hiển nhiên với những đứa trẻ con ở mảnh đất quê nghèo của Quý. Thường thì học đến lớp 9 là cha mẹ đã cố gắng lắm rồi, cho con mình biết đến hai chữ “học trò” thế đã là quá đủ. Học phổ thông là một cái gì đó hơi xa xa tầm tay, còn đại học ư… Nó quá lớn, tựa như một giấc mơ vậy!

Lê Thị Quý: Em ước mong trở thành nhà báo giỏi.

Thuở bé, Quý thường chứng kiến cảnh những anh chị trong xóm thôn, học xong lớp 9 thì hầu như đều phải nghỉ học, ở nhà phụ gia đình hay lên thành thị tìm việc hai ba năm rồi về lấy vợ, lấy chồng… Rồi thì cũng lại cái cảnh nghèo khó, cơ cực như bao thế hệ cha mẹ, ông bà đi trước. Ngày ấy, Quý cũng trong những nỗi thấp thỏm lo phải nghỉ học, mỗi năm tháng học trò dường như cứ trôi đi thật nhanh, hết cấp 1, đến cấp 2. Quý cứ sợ chắc mình cũng lại như con em hàng xóm. Bởi lẽ cái nghèo nó chẳng bao giờ cho người ta yên thì phải. “Khổ” lại sinh ra hay đau bệnh, như người ta vẫn thường bảo nhau “đã nghèo còn gặp cái eo”, sức khoẻ của cha mẹ Quý rất thất thường, ốm đau quanh năm. Cha mẹ Quý vẫn tất bật làm lụng thế mà chẳng “thấm” vào đâu.

Những ngày mưa phùn gió bấc, ở quê Quý rất lạnh. Từ tờ mờ sáng, khi thức dậy, anh em Quý cũng không thấy cha mẹ đâu cả. Ông bà đã đi làm tự lúc nào. Một số nhà hiếm lắm mới có chút “của ăn của để”, còn Quý, Quý nhớ những mùa mưa kéo dài, ba mẹ không đi làm được, cả nhà khốn đốn chạy cơm bữa. Đã bao lần những đứa trẻ thơ như anh em Quý từng sớm mang cái nỗi lo: “Liệu có nên từ bỏ ước mơ được đến trường?”

Thời gian gia đình quây quần bên nhau, thời gian để ba mẹ dành cho anh em Quý dường như là không có. Có lẽ thế mà với Quý, trong tâm hồn của một đứa trẻ thơ, với những khát khao cần được cha mẹ “yêu thương”, được nũng nịu trong vòng tay cha mẹ đã đôi lúc làm Quý nghĩ rằng: cha mẹ không thương mình. Trong kí ức ngày thơ của Quý còn có cả những nỗi ấm ức, nỗi ganh tị. Quý đã thèm khát biết bao được như những đứa trẻ khác. Cuộc sống phải lo đến cái ăn từng ngày đã làm cho cha mẹ thường hay cáu gắt, hay la mắng con cái chăng… Cha mẹ Quý hình như chưa bao giờ thương con bằng những lời nói âu yếm, dịu dàng mà đó là những trận đòn roi, những lời la rầy. Ngoài những lời yêu thương ngọt ngào còn có một điều cũng chưa bao giờ – chưa bao giờ cha mẹ nói với anh em Quý đó là hai chữ “nghỉ học”. Để rồi đằng sau tất cả những điều đó, hôm nay Quý mới hiểu một điều rằng cha mẹ thương anh em mình đến nhường nào. Quý thấy mình thật may mắn, thật hạnh phúc vì điều đó. Cha mẹ tất bật bươn chải, lam lũ hằng ngày chỉ với một niềm vui đó là cố cho anh em Quý đến trường để thực hiện ước mơ của mình. Giờ đây, Quý nghĩ mà thấy thương ba mẹ.

Sau cái ngày tốt nghiệp lớp 12, Quý cứ ngỡ con đường học sẽ dừng lại từ bây giờ bởi những gì mình đã “tham” là quá đủ nhưng rồi cha mẹ đã động viên Quý đi thi đại học vào ngành Quý ước mơ: Báo chí & truyền thông tại ngôi trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP HCM). Ngày 25/8/2010, Qúy cầm trên tay giấy báo đậu đại học trong niềm vui dâng tràn giọt nước mắt của mẹ của cha, còn Quý thì cứ ngỡ đó là một giấc mơ. Nhưng niềm vui chưa trọn thì lại là những nỗi lo. TP HCM cách Hà Tĩnh hơn ngàn km, rồi suốt 4 năm dài không một người thân thích giúp đỡ. Cha mẹ không còn đủ sức để nuôi Quý những năm tiếp sau nơi đất Sài Gòn, khi ốm đau, khi thiếu thốn một mình Quý phải tự lo.

Qúy biết, nhưng ngày 29/8/2010, suốt 24 tiếng đồng hồ liền đi xe từ Hà Tĩnh vàoNam để nhập học, để thực hiện ước mơ. 18 tuổi bước vào đời, bước vào cuộc sống sinh viên với gánh nặng lo toan: “cơm, áo, gạo, tiền”, Quý mới thấy thật khó và Quý càng nghĩ càng thấy thương cha mẹ mình. Chắc rằng trong những ngày tháng còn dài ở nơi đây, cô bạn Quý sẽ còn nhiều lần nữa với những lúc chợt buông tiếng thở dài, những cái gác tay lên trán hay cả những lúc nhìn xa xăm, những lúc khóc vì nhớ mẹ, nhớ nhà, thèm được trở về Hà Tĩnh da diết… “Không hiểu sao cứ hễ mỗi lần trên một chuyến xe bus nào đó đi ngang qua một vùng ngoại thành, thấy những người nông dân đang vất vả làm lụng, mặt cúi xuống đất, lưng thì phơi dưới cái nắng trời gay gắt, mình lại nghĩ đến cha mẹ mình, chắc giờ này ở nơi xa kia cũng đang như thế” – cô bạn nói nghẹn lời.

Sau này, Quý được nhận học bổng của Quỹ Thắp sáng Niềm tin của PVFC nên cuộc sống của Quý cũng đỡ vất vả phần nào. Quý vẫn thường nói cuộc đời có những lẽ giống tự nhiên và cũng trong cái tự nhiên của lẽ đời, mỗi ngày đến giảng đường, hình ảnh cô bạn tôi – Lê Thị Quý vẫn luôn vui tươi, luôn nở một nụ cười rất dụi dàng, rất đằm thắm. Trong Quý, tôi nhìn thấy những gì cô bạn đã nỗ lực để đặt chân vào cánh cổng trường đại học. Tôi thấy cả những gì Quý đang nỗ lực để được ngồi trên giảng đường từng ngày và những nỗ lực vì một nhà báo trong tương lai… “tất cả đều như những lẽ của tự nhiên thôi”.

Dù cho nơi đất thành thị có đang đè lên vai những áp lực, nhưng khi nghĩ đến điều đó, Quý chợt thấy nhẹ đi đôi phần và một niềm tin vẫn luôn âm ỉ cháy như chưa bao giờ tắt, có chăng cũng chỉ là những phút chợt chạnh lòng…Tôi cứ tin cuộc đời người vẫn luôn có những lẽ như tự nhiên – điều mà cô bạn đã dạy cho tôi biết: không bao giờ nắng mãi, cũng chẳng bao giờ mưa mãi. Trong vất vả, khó khăn ta càng cần phải biết vươn lên như trong nắng cần chút mưa, trong mưa lại chờ nắng. Có đôi lúc ta cần những bước đi nhanh hơn cho cuộc sống vội vàng và cũng cần những lúc ta chỉ chầm chậm thôi để cảm nhận nắng mưa mỗi ngày…

Mọi sự giúp đỡ em Lê Thị Dung xin gửi về:

Quỹ học bổng Thắp sáng Niềm tin

Địa chỉ: Số 22 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà NộiĐT: (84 4) 3942 6800; Fax: (84 4) 3942 6796Số TK: 0011.003.999.524 (VNĐ)

Sở giao dịch Vietcombank

Phan Thị Cẩm Thạch 

petrotimes

DMCA.com Protection Status