7 đơn vị của PVN lọt vào top 50 doanh nghiệp hiệu quả

08:07 | 09/07/2012

662 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Sự kiện 7 đơn vị trong ngành Dầu khí lọt top 50 doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả nhất thị trường chứng khoán Việt Nam đã khẳng định những bước đi phù hợp, vững chắc trong bối cảnh kinh tế đang ngày càng khó khăn.

7 đơn vị đó là: Công ty CP Kinh doanh Khí hóa lỏng miền Nam (PGS), Công ty CP Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (PV Gas D), Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí (PV DMC), Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), Tổng Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC), Công ty CP PVI (PVI Holdings).

Tăng trưởng mạnh doanh thu

PTSC là một đơn vị có doanh thu lớn nhất năm 2011 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với 26.000 tỉ đồng, nếu không kể các đơn vị khai thác dầu thô (Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro và Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí – PVEP). PTSC còn về đích trước 2 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.250 tỉ đồng. Biết rằng năm 2009, doanh thu của PTSC là 11.498 tỉ đồng, lợi nhuận 726 tỉ đồng. Như vậy, doanh thu của PTSC đã tăng hơn gấp đôi chỉ sau 2 năm, minh chứng cho sức bật mạnh mẽ của PTSC.

Có được những kết quả trên, theo Tổng giám đốc PTSC Nguyễn Hùng Dũng thì PTSC đã vận dụng hiệu quả những hỗ trợ, ưu đãi của Chính phủ, của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để thực hiện bước tăng tốc phát triển. Hiện nay PTSC đã tự đảm đương thực hiện phần lớn công việc, tỉ trọng nội địa hóa ngày càng cao. PTSC đang cung cấp khoảng 90% thị phần dịch vụ tàu chuyên dụng cho hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam.

PTSC hiện là nhà cung cấp tàu dịch vụ dầu khí lớn nhất Việt Nam

PVFCCo lại có sự tăng trưởng ngoạn mục về doanh thu, lợi nhuận do thị trường phân bón trong nước ổn định và năng lực sản xuất của Nhà máy Đạm Phú Mỹ luôn ở mức cao. Năm 2011, Đạm Phú Mỹ đã đạt sản lượng 770.000 tấn. Ngoài ra, Nhà máy Đạm Cà Mau do Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau điều hành có công suất 800.000 tấn/năm đã đi vào hoạt động đầu năm nay và dự kiến sản xuất 610.000 tấn đạm trong năm 2012. Hai nhà máy do hai đơn vị thuộc PVN điều hành nhưng đều do PVFCCo phân phối nên dự kiến để đảm bảo hàng tiêu thụ được lưu thông tốt, tránh ứ hàng, PVFCCo đã có kế hoạch xuất khẩu đạm sang thị trường các nước Đông Nam Á như Campuchia, Myanmar. Năm 2011, PVFCCo đạt doanh thu 8.936 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.650 tỉ đồng.

Một đơn vị khác của ngành Dầu khí là PV DMC đã và đang hứa hẹn sẽ gia tăng giá trị sản xuất bởi đặc thù ngành nghề kinh doanh. Hiện nay, PV DMC đang nắm giữ gần như toàn bộ dịch vụ cung cấp dung dịch khoan cho ngành Dầu khí. Doanh thu năm 2011 đạt 2.600 tỉ đồng, tăng 148% so với năm 2010; lợi nhuận trước thuế đạt 189 tỉ đồng, bằng tăng 152% so với năm 2010 chưa phản ánh hết tiền năng phát triển của PV DMC. Trong quý I, DMC đã tiến hành 2 sự kiện lớn trong lĩnh vực sản xuất hóa phẩm. Ngày 22/3/2012, DMC đã ký Hợp đồng khai thác và chế biến quặng Barite tại huyện Vilabouly, tỉnh Savannakhet, Lào. Dự kiến nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong Quý IV/2012. Ngày 18/4/2012 tại Khu công nghiệp Cái Mép – huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, DMC đã tổ chức lễ khánh thành và chính thức đưa vào sử dụng Nhà máy Hóa phẩm Dầu khí. Đây là những công trình hứa hẹn sẽ gia tăng giá trị sản xuất kinh doanh cho PV DMC trong tương lai gần.

Những định chế tài chính vững vàng

Nhà máy Đạm Phú Mỹ thuộc Tổng Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí

Tính đến hết năm 2011, doanh thu của toàn PVI đạt 5.655 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 468 tỉ đồng. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT PVI Holdings thì bí quyết tăng doanh thu của PVI Holdings là sớm chuyển đổi sang mô hình hoạt động công ty mẹ – công ty con (chính thức 1/8/2011); đàm phán thành công và ký kết hợp đồng mua bán 25% cổ phần trong tổng vốn cổ phần sau khi tăng thêm với đối tác chiến lược nước ngoài Talanx Group. Chính những chuyển biến trên mà Tổ chức hạng quốc tế A.M Best xếp PVI xếp hạng năng lực tài chính B+ (Tốt) và xếp hạng năng lực tín dụng của tổ chức phát hành ở mức bbb- (Đủ năng lực) 3 năm liên tiếp. Sau 15 năm hoạt động (1996-2011), PVI đã trở thành Định chế Tài chính – Bảo hiểm hàng đầu Việt Nam với tốc độ phát triển cao, dần dần vươn ra thị trường khu vực và thế giới.

PVFC, một định chế tài chính mạnh của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, luôn lấy sự hài lòng của khách hàng làm thước đo sự thành công. Năm qua, mặc dù nguồn vốn luôn khan hiếm nhưng trong các năm từ 2002 đến 2011, PVFC đã thu xếp vốn cho các dự án trong ngành Dầu khí là 55.000 tỉ đồng. Riêng trong năm 2011, tổng số vốn thu xếp là 25.254 tỉ đồng. Tính đến hết năm 2011, tổng tài sản PVFC đạt hơn 88.800 tỉ đồng, tăng 34% so với năm 2010; doanh thu đạt hơn 8.000 tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 553 tỉ đồng. Tổng giám đốc PVFC Nguyễn Thiện Bảo cho biết, mục tiêu trong năm 2012 bên cạnh tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận là việc chuyển đổi hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại.

Công ty con… lên ngôi

Thật bất ngờ là có 2 đơn vị thuộc Tổng Công ty Khí Việt Nam là Công ty CP Kinh doanh Khí hóa lỏng miền Nam (PGS) và Công ty CP Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (PV Gas D) đứng ở vị trí thứ 2 và 7 trong tổng số 50 đơn vị được xếp hạng. Với lợi thế là những nhà cung cấp độc quyền trên thị trường, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế hàng năm trung bình của 2 công ty này đều trên 40%/năm. Ông Nguyễn Sỹ Thắng, Chủ tịch HĐQT PGS cho biết, năm 2011, PGS đạt doanh thu khoảng 5.000 tỉ đồng và lợi nhuận 300 tỉ đồng. Năm 2012, PGS dự kiến các chỉ tiêu kinh doanh vượt khoảng 20% so với năm 2011.

PV Gas D đang vươn lên trở thành nhà phân phối khí thấp áp hàng đầu cho các khu công nghiệp tại Việt Nam. PV Gas D được thành lập ngày 23/5/2007 nhằm góp phần giải quyết tình trạng đốt bỏ khí đồng hành, ổn định cung cầu khí của hệ thống dẫn khí Bạch Hổ và Nam Côn Sơn, nâng cao hiệu quả dự án thu gom khí đồng hành từ các mỏ của bể Cửu Long, giảm rủi ro cho bao tiêu khí Nam Côn Sơn, đồng thời giải quyết nhu cầu tiêu thụ khí thấp áp tại các KCN Phú Mỹ, Mỹ Xuân, Gò Dầu, Nhơn Trạch, Biên Hòa… Tổng sản lượng khí tiêu thụ trong 5 năm qua là 1.741 triệu m3, tổng doanh thu là 7.931 tỉ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế là 1.019 tỉ đồng và tổng nộp ngân sách Nhà nước là 509 tỉ đồng. Dự kiến, trong 5 năm tới PV Gas D phấn đấu đạt tổng sản lượng khí tiêu thụ là 3.311 triệu m3, tổng doanh thu là 37.349 tỉ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế là 787 tỉ đồng.

Đức Chính

Năng lượng Mới số 135, ra thứ Sáu ngày 6/7/2012

DMCA.com Protection Status