Petrovietnam: Mang chuông đi đánh xứ người

07:00 | 22/02/2015

678 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Tại Liên bang Nga, nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) với các đối tác Nga đã được ký kết vào những ngày cuối năm 2014. Nhân dịp này, Báo Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Chính, người đã giữ chức vụ hàm Phó tổng giám đốc Petrovietnam - Trưởng ban Quản lý hợp đồng tại nước ngoài xung quanh vấn đề đầu tư ra nước ngoài của Petrovietnam trong giai đoạn hiện nay.

Năng lượng Mới số Xuân 2015

PV: Được biết, hiện nay, Petrovietnam đang mở rộng đầu tư tới hàng chục quốc gia trên thế giới, đặc biệt là hợp tác với các đối tác Liên bang Nga. Là người trong cuộc, xin ông cho biết những nguyên nhân cơ bản nhất thúc đẩy quá trình đầu tư ra nước ngoài của Petrovietnam?

Ông Trần Đức Chính: Vì sao Petrovietnam phải đầu tư ra nước ngoài? Nhiều người cho rằng nước ta cũng có dầu, lý do gì phải ra nước ngoài tìm dầu ở những nơi khó khăn gian khổ và hứng chịu rủi ro? Câu trả lời đầy đủ cho vấn đề này bao hàm 3 nội dung.

Thứ nhất, dầu là nguồn năng lượng không tái tạo, Việt Nam có dầu nhưng tiềm năng, trữ lượng chỉ thuộc hàng trung bình và sản lượng khai thác đã đạt đỉnh, dầu của chúng ta đang bắt đầu cạn dần, khả năng duy trì sản lượng là khó khăn. Nước ta đang phát triển và nhu cầu về năng lượng ngày càng cao, do đó để bù vào sự thiếu hụt trong tương lai gần (ở đây khái niệm "bù" hiểu ở nghĩa rộng là không chỉ phải mang dầu thô từ một dự án cụ thể nào đó về mà có thể từ hiệu quả hoạt động để góp phần cân đối cung cầu ở trong nước), Petrovietnam phải mở rộng đầu tư ra nước ngoài để gia tăng quỹ trữ lượng dầu khí và sản lượng khai thác nhằm góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước. Đó là chiến lược lâu dài và cũng là sứ mệnh, là nhiệm vụ quan trọng của một công ty dầu khí quốc gia.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm mỏ Tây Khosedaiuskoe ở Nhenhetxki - Liên doanh giữa Petrovietnam và Zarubezhneft

Thứ hai, chúng ta phải lo cho chính sự phát triển bền vững của Petrovietnam với 3 yếu tố sống còn là gia tăng trữ lượng và sản lượng dầu khí, bảo đảm doanh thu và lợi nhuận.

Thứ ba, tự thân Petrovietnam có nhu cầu vươn ra biển lớn, đầu tư ra nước ngoài, nhằm nâng cao năng lực, sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế để mau chóng lớn mạnh, phát triển thành công ty dầu khí quốc gia, quốc tế.

PV: Trên bản đồ dầu khí thế giới, tiềm lực của Việt Nam còn rất nhỏ bé, để có thể cạnh tranh trong một môi trường khó khăn, khốc liệt như dầu khí, chúng ta cần biết rõ điểm hạn chế của mình để khắc phục, thưa ông?

Ông Trần Đức Chính: Ra nước ngoài, chúng ta gặp không ít khó khăn. Đây là lĩnh vực đầu tư dài hạn và rất nhiều thách thức, rủi ro. Đầu tư ở trong nước đã khó khăn thì đầu tư thăm dò khai thác dầu khí ở nước ngoài còn khó khăn gấp bội. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng dầu khí có đặc thù là đầu tư lớn, rủi ro cao nhưng đổi lại, nếu thành công thì thu về siêu lợi nhuận.

Khi ra nước ngoài, chúng ta phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt, muốn giảm thiểu rủi ro thì năng lực phải mạnh, trình độ chuyên gia phải giỏi, đầu tư lớn thì phải có thực lực về tài chính, nhân lực trình độ cao, công nghệ…

Tuy nhiên, chúng ta còn hạn chế về nhiều mặt. Đi sau các công ty dầu khí nước ngoài hàng nhiều chục năm; những vùng đất có tiềm năng dầu khí tốt, có môi trường đầu tư thuận lợi hầu như đều đã có chủ, ta là người đi sau về đầu tư ở nước ngoài nên phải chấp nhận đến những vùng xa xôi, khắc nghiệt, phải đối mặt với khó khăn cả về điều kiện địa lý tự nhiên, rủi ro về địa chất, cả về môi trường đầu tư như hệ thống pháp lý, tiền tệ, thuế khóa, an ninh… Khi ra nước ngoài, chúng ta phải theo luật pháp của nước sở tại và thông lệ dầu khí quốc tế, phải chấp nhận rủi ro để thành công. Tuy nhiên, đó cũng là điểm đặc thù chung của các công ty dầu khí châu Á và khu vực Đông Nam Á nói riêng.

Chúng ta còn có những khó khăn nội tại cần được tháo gỡ. Chẳng hạn ta còn hạn chế về vốn, về năng lực con người; cơ chế chính sách chưa đủ thông thoáng, nhiều vấn đề pháp lý còn đang hoàn thiện… Tất cả điều đó đòi hỏi cấp lãnh đạo cao nhất của đất nước đến các bộ, ngành và những người làm dầu khí phải quyết tâm, quyết liệt, đồng lòng thì mới có thể thắng, nếu không sẽ thua.

Cũng phải nói rằng, trong thời gian qua chúng ta thành công trong quan hệ ngoại giao về năng lượng, dầu khí, nhưng mới chỉ dừng ở ngoại giao chính trị - chính trị mà chưa vươn lên được tầm quan hệ ngoại giao chính trị - kinh tế, chưa được đảm bảo về sức mạnh vật chất giống như các công ty dầu khí Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia. Họ không chỉ quan hệ chính trị tốt với các nước có tiềm năng về dầu khí lớn, họ còn được cung cấp tài chính, cung cấp viện trợ ODA, các khoản vay, cung cấp các quỹ đào tạo để dùng mối quan hệ kinh tế đó giành được dự án đầu tư tốt tại các địa bàn có tiềm năng dầu khí cao.

 PV: Trong điều kiện như vậy, theo ông, phải chăng Petrovietnam đã rất quyết liệt để khắc phục những khó khăn nan giải, bước đầu khẳng định được vị thế và thương hiệu của mình và đang hướng đến những mục tiêu lớn hơn?

Ông Trần Đức Chính: Đúng vậy, hiện nay ở nước ngoài Petrovietnam có 17 dự án đang hoạt động, trong đó có 8 dự án phát triển khai thác dầu khí. Chúng ta đã có quỹ trữ lượng ở nước ngoài đủ lớn, là tài sản quan trọng góp phần cho sự phát triển lâu dài của Petrovietnam. Năm 2014 sản lượng khai thác ở nước ngoài sẽ đạt trên 1,82 triệu tấn dầu, đạt doanh thu 750 triệu USD, lợi nhuận của Petrovietnam ~ 170 triệu USD và dự báo sẽ tăng nhanh sản lượng trong những năm tiếp theo khi các mỏ mới được đưa vào khai thác. Trên cơ sở rà soát kết quả 7 năm thực hiện chiến lược phát triển ngành Dầu khí đến năm 2015, định hướng đến năm 2025, lĩnh vực đầu tư thăm dò khai thác dầu khí ra nước ngoài của Tập đoàn đã được Bộ Chính trị đánh giá: “Petrovietnam bước đầu vươn ra nước ngoài đầu tư có hiệu quả”. Kết quả quan trọng nữa là chúng ta đã từng bước xây dựng được một đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật chuyên nghiệp, đủ sức làm việc trong điều kiện cạnh tranh quốc tế ở nước ngoài.

Giàn khoan của Petrovietnam tại mỏ Piranha ở Lô 67 - Peru

Nhờ có đầu tư thành công ra nước ngoài, vị thế, uy tín của Petrovietnam nói riêng và của đất nước Việt Nam nói chung đã được khẳng định và nâng lên tầm cao hơn. “Cuộc chơi” trên bản đồ dầu khí quốc tế đã có tiếng nói của Petrovietnam.

Chúng ta sẽ tiếp tục định hướng đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài với những mục tiêu đã nói ở trên với quan điểm đầu tư: Có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả. Phương thức, cách làm sẽ tập trung vào những khu vực đã có đầu tư, đã có dự án hiệu quả để mở rộng. Đích đến là đảm bảo lợi nhuận cho Petrovietnam, đảm bảo bù đắp lượng thiếu hụt dầu thô ở trong nước theo các chỉ tiêu mà chiến lược quốc gia đặt ra, góp phần giữ vững an ninh năng lượng, đóng góp ngày càng nhiều cho phát triển đất nước.

PV: Căn cứ nào để lựa chọn môi trường, đối tác và khu vực đầu tư tiềm năng, thưa ông?

Ông Trần Đức Chính: Chúng ta phải tiến hành nghiên cứu địa chất dầu khí ở các khu vực trên thế giới để chọn ra các khu vực có tiềm năng dầu khí cao, nơi có hệ thống pháp lý ổn định, môi trường đầu tư rủi ro ở mức chấp nhận được và đặc biệt là quan tâm đến thị trường có mối quan hệ chính trị tốt đẹp với Việt Nam, ví dụ điển hình là Liên bang Nga.

PV: Để có thể thực hiện được định hướng trên, Petrovietnam đã đề ra những giải pháp nào cho tiến trình đầu tư ra nước ngoài và vì sao, thưa ông?

Ông Trần Đức Chính: Petrovietnam đã chủ động đề ra 3 giải pháp lớn. Thứ nhất, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực - yếu tố quan trọng số 1, quyết định thành công trong đầu tư ra nước ngoài.

Chiến lược của chúng ta là làm sao phải phát triển được lực lượng nhân sự ưu tú có trình độ cao, tâm huyết. Có chính sách  đãi ngộ, thu hút để lực lượng này, gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài, yên tâm gắn bó, làm việc cho Petrovietnam. Có 3 giải pháp để thu hút nhân sự cấp cao. Thứ nhất, phải tạo được cơ chế để thu hút, lựa chọn và sử dụng nhân sự cấp cao, đồng thời gắn trách nhiệm cá nhân, vai trò của người đứng đầu với quyền lợi. Thứ hai, ta phải tiệm cận chế độ, chính sách và tiền lương theo hướng thị trường. Hiện chính sách này đã được cải thiện rất nhiều nhưng vẫn chưa đủ sức cạnh tranh, chưa đáp ứng được yếu tố thị trường nên chúng ta vẫn bị “chảy máu chất xám”. Thứ ba, tạo môi trường làm việc lành mạnh, minh bạch và tạo cơ hội phát triển cho họ; bên cạnh đó cần xem việc cử cán bộ ưu tú ra nước ngoài làm việc là giao trách nhiệm đồng thời cũng là đào tạo, thử thách để phát triển cho những chức danh cao hơn của Petrovietnam, khi họ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở về sẽ có cơ hội được đề bạt, thăng thưởng.

Giải pháp lớn thứ hai là giải pháp về vốn. Petrovietnam trong phạm vi quyền hạn của mình đã và sẽ có cơ chế nội bộ cho đầu tư ra ngoài nước; đồng thời sẽ kiến nghị Chính phủ tạo cơ chế ưu tiên về vốn để đầu tư cho các dự án thăm dò, khai thác dầu khí ở nước ngoài. Petrovietnam sẽ kiến nghị với Chính phủ các biện pháp đa dạng nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài, ví dụ như phát hành trái phiếu, vay vốn hoặc cổ phần hóa một số dự án để tạo cơ chế, tạo nguồn vốn. Petrovietnam cũng đề nghị Chính phủ trao quyền tự chủ trong kinh doanh đủ lớn để tạo thêm sự chủ động cho Petrovietnam trong đấu thầu quốc tế, tạo cơ hội cho chúng ta có thể cạnh tranh sòng phẳng, không bỏ lỡ cơ hội đầu tư. Công nghiệp dầu khí có đặc thù đòi hỏi phải đầu tư liên tục và bài bản nhằm gia tăng trữ lượng gối đầu, phải đi trước hàng chục năm mới có thể đảm bảo phát triển bền vững. Vì vậy, theo thông lệ quốc tế, khi doanh nghiệp đóng thuế đầy đủ, hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước thì phần lãi còn lại sẽ được giữ để tái đầu tư mở rộng.

Giải pháp thứ ba là chúng ta phải hoàn thiện hệ thống tổ chức và quản lý điều hành lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài. Tái cơ cấu lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài theo hướng thị trường, từng bước cổ phần hóa các công ty con của Petrovietnam thực hiện các dự án đầu tư của dầu khí ra nước ngoài để thu hút, huy động các  nguồn lực về vốn, về con người và giải phóng cơ chế, chính sách nhằm tạo động lực cho phát triển.

PV: Trong chiến lược tăng tốc phát triển của Petrovietnam, công nghệ cũng là một trong những giải pháp đột phá, với mảng đầu tư nước ngoài, đổi mới công nghệ có vai trò như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Đức Chính: Đồng thời với 3 giải pháp trên, chúng ta phải tăng cường năng lực công nghệ nội tại để hỗ trợ cho các dự án đầu tư thăm dò khai thác nhằm giảm thiểu rủi ro, đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án. Ít có lĩnh vực mà kết quả đầu tư phụ thuộc nhiều vào trình độ cán bộ và năng lực công nghệ như  thăm dò khai thác dầu khí. Chất lượng công nghệ càng cao thì rủi ro càng giảm thiểu. Tiến tới chúng ta phải xây dựng được các sở trường về công nghệ (ví dụ như công nghệ thăm dò khai thác dầu trong đá móng nứt nẻ) để tạo được thế mạnh riêng, đồng thời tiệm cận với khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới nhằm vươn ra thăm dò khai thác ở những vùng nước sâu xa bờ, trong những điều kiện tự nhiên khó khăn với đối tượng dầu khí truyền thống cũng như tiếp cận công nghệ thăm dò khai thác các đối tượng dầu khí phi truyền thống.

PV: Xin cảm ơn những ý kiến của ông!

Nguyễn Tiến Dũng (thực hiện)

DMCA.com Protection Status