PTSC và PV Drilling trở thành thương hiệu mạnh:

Những cú hích từ định hướng đúng

08:09 | 03/10/2012

1,763 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Trong ngành Dầu khí có hai đơn vị là Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) và Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) có ngành nghề kinh doanh khá đặc thù. Bởi vậy, công tác đầu tư trang thiết bị, phương tiện phục vụ sản xuất là yếu tố then chốt, quyết định đến sự thành bại trong kinh doanh của hai đơn vị này.

PTSC - trọng tâm là tàu dịch vụ

Tại Hội nghị Đầu tư Phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 2012 vừa diễn ra trung tuần tháng 9, Tổng giám đốc PTSC Nguyễn Hùng Dũng cho biết: Theo kế hoạch 5 năm 2011-2015, PTSC dự kiến sẽ đầu tư thêm ít nhất 30 tàu dịch vụ, nâng số lượng đội tàu của PTSC lên trên 50 chiếc.

Nhằm đảm bảo kế hoạch cung cấp dịch vụ cho khách hàng, Đảng ủy, Hội đồng Quản trị PTSC đã phê duyệt chủ trương đầu tư phát triển đội tàu dưới hình thức thuê dài hạn và thuê mua tàu trần từ các chủ tàu trong và ngoài nước, một mặt để tăng cường mối quan hệ hợp tác, giảm thiểu cạnh tranh trên thị trường dịch vụ, một mặt sử dụng thương hiệu PTSC trên các tàu thuê dài hạn để phát triển thương hiệu của PTSC, giảm áp lực về chi phí vốn khi đầu tư mới, giữ vững và mở rộng thị trường tàu dịch vụ. Tính đến thời điểm hiện nay, đội tàu mang thương hiệu PTSC là 27 chiếc, trong đó 22 tàu PTSC đầu tư và 5 tàu thuê mua dài hạn, đội tàu có công suất từ 1.600 BHP đến 12.000 BHP, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu phục vụ công tác khoan, trực mỏ, vận chuyển hàng hóa, 4 tàu lai dắt và 1 tàu hỗ trợ dịch vụ khảo sát địa chất công trình, đạt 55% số lượng tàu theo mục tiêu phát triển đến năm 2015.

Giàn khoan PV DRILLING V đã trải qua 1 năm hoạt động hiệu quả

Ở lĩnh vực kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu thô (FSO/FPSO), PTSC đặt mục tiêu sở hữu và đồng sở hữu 9 tàu FSO/FPSO đến năm 2015, chiếm trên 50% thị phần tại Việt Nam. Thực tế kết quả thực hiện tính đến thời điểm hiện nay, PTSC đang sở hữu và đồng sở hữu 4 tàu FSO/FPSO (FPSO Ruby II, FSO Orkid, FSO MV 12, FSO Biển Đông); chưa tính đến FSO 05 đã chuyển nhượng cho Vietsovpetro, FPSO Ruby Princess và FSO Bạch Hổ đã thanh lý, đạt 45% kế hoạch đến năm 2015.

Trong giai đoạn 5 năm vừa qua đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong hoạt động cung cấp dịch vụ FSO/FPSO của PTSC. Việc tham gia sở hữu và đồng sở hữu 7 tàu FSO/FPSO với tổng tài sản (chỉ tính phần PTSC tham gia) lên tới hơn 600 triệu USD, cung cấp các dịch vụ vận hành, khai thác, bảo dưỡng, sữa chữa cho 5 tàu FSO/FPSO trong và ngoài nước và là đơn vị trong nước dẫn đầu trong việc làm chủ công nghệ quản lý, vận hành, bảo dưỡng tàu FSO/FPSO. Đặc biệt trong các dự án gần đây, PTSC luôn tự thực hiện trọn gói nhiều hạng mục quan trọng, chiếm tỉ lệ cao của các dự án như vận chuyển, lắp đặt và chạy thử (khoảng 25 đến 30 triệu USD/hợp đồng) và khai thác vận hành (khoảng 20% tổng doanh thu) FSO/FPSO.

Cung cấp FSO/FPSO là lĩnh vực cốt lõi của PTSC đã được Tập đoàn định hướng và quy hoạch. Đầu tư FSO/FPSO đòi hỏi vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, trình độ quản lý dự án và quản lý vận hành khai thác cao. Do đó, để phấn đấu nâng cao tỷ lệ hoàn thành mục tiêu chiến lược đến năm 2015, PTSC rất cần sự hỗ trợ của Tập đoàn trong việc cung cấp dịch vụ cũng như nguồn tài chính để sở hữu và đồng sở hữu FSO/FPSO.

Đầu tư cho giàn khoan

PV Drilling cũng đang hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí. Năm 2011-2012 và trong thời gian tới, PV Drilling đã và đang nghiên cứu đầu tư tiếp vào các dịch vụ khoan và kỹ thuật giếng khoan như giàn khoan tự nâng, sà lan khoan tiếp trợ, giàn khoan MOPU/MOPSU, dịch vụ ứng cứu dầu tràn, kéo thả ống chống, đo karota khí, karota khai thác, chế tạo; sửa chữa; kiểm định; bảo dưỡng các thiết bị khoan… Định hướng chiến lược trong hoạt động đầu tư của PV Drilling là đầu tư tập trung vào các giàn khoan và các máy móc thiết bị chuyên ngành.

Từ năm 2011 đến nay (hết tháng 8/2012), PV Drilling đã thực hiện đầu tư khoảng 104,49 triệu USD, trong đó đầu tư cho giàn khoan tiếp trợ nửa nổi nửa chìm khoảng 83 triệu USD; còn lại đầu tư cho các thiết bị kỹ thuật giếng khoan và đầu tư khai thác như trang thiết bị công nghệ thông tin, trang thiết bị phục vụ giàn khoan khoảng 21,49 triệu USD. Cuối năm 2011, dự án mua (đóng) mới giàn khoan tiếp trợ nửa nổi nửa chìm PV DRILLING V đã hoàn thành đúng tiến độ sau gần 2 năm đóng tại Singapore với tổng giá trị đầu tư khoảng 206 triệu USD. Giàn khoan này hiện đang phục vụ chiến dịch khoan 5 năm cho Công ty Biển Đông POC tại mỏ Hải Thạch và Mộc Tinh.

PV Drilling đang triển khai thủ tục thành lập liên doanh PV Drilling - Seadrill để đầu tư và vận hành sà lan khoan tiếp trợ khoảng 147,5 triệu USD. Việc đầu tư sẽ chỉ được triển khai cụ thể sau khi nhận được xác nhận từ Chervon để đảm bảo tính hiệu quả cho dự án. Ngoài các loại giàn khoan biển hiện có (3 giàn khoan tự nâng, 1 giàn tiếp trợ nửa nổi nửa chìm), PV Drilling đang xem xét đầu tư giàn khoan MOPU/MOPSU để phục vụ nhu cầu khoan tại các mỏ cận biên của các công ty dầu khí.

Ngoài việc trực tiếp đầu tư như trên, để phát triển các dịch vụ chuyên ngành khác, PV Drilling còn đầu tư dưới hình thức góp vốn liên doanh với các công ty nước ngoài hay mua cổ phần để phát triển một số dịch vụ. Góp vốn với Banker Hughes thành lập Công ty TNHH Liên doanh Kỹ thuật giếng khoan PV Drilling và Banker Hughes để cung cấp dịch vụ khoan định hướng và khảo sát, dịch vụ đo trong khi khoan, dịch vụ cứu kẹt… Góp vốn với Oil State Industries thành lập Công ty TNHH Đầu nối ống khoan Dầu khí Việt Nam để cung cấp các dịch vụ về đấu nối ống chống. Dịch vụ này hiện chiếm 95% thị phần trong nước. Mua vốn điều lệ của Vietubes với vốn góp chiến 51% tổng vốn điều lệ của Vietubes để phát triển dịch vụ tiện ren ống chống… Dịch vụ tiện ren mới và sửa chữa ren hiện chiếm tương ứng 100% và 50% thị phần trong nước. Trong giai đoạn từ nay đến 2015, PV Drilling sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực khoan và dịch vụ chuyên ngành đảm bảo hiệu quả, tuân thủ các quy định của Nhà nước và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Giàn khoan PV DRILLING I: Giá trị đầu tư khoảng 114 triệu USD, được đưa vào hoạt động từ tháng 3/2007 và được Hiệp hội Khoan Thế giới ghi nhận thành tích 3 năm liên tục vận hành an toàn. Doanh thu năm 2011 đạt 886 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế năm 2011 đạt 326 tỉ đồng.

Giàn khoan PV DRILLING II: Tổng giá trị đầu tư khoảng 197 triệu USD và đưa vào hoạt động tháng 9-2009. Doanh thu năm 2011 đạt 866 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế năm 2011 đạt 149 tỉ đồng.

Giàn khoan PV DRILLING III: Tổng giá trị đầu tư khoảng 222 triệu USD và đưa vào hoạt động từ tháng 11/2009. Doanh thu năm 2011 đạt 866 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế năm 2011 đạt 155 tỉ đồng.

Giàn khoan PV DRILLING V (TAD): Tổng giá  trị đầu tư khoảng 206 triệu USD, hoàn thành ngày 17/10/2011. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2012 đạt 597 tỉ  đồng, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2012 đạt 134 tỉ đồng.

Giàn khoan PV DRILLING XI: Hoàn thành và đi vào hoạt động năm 2007 với tổng giá trị đầu tư khoảng 19 triệu USD. 6 tháng đầu năm 2012, giàn khoan này có lợi nhuận sau thuế đạt 21 tỉ  đồng.

Tất cả các giàn khoan đều hoạt động an toàn, hiệu quả, đóng góp trên 60% lợi nhuận trong tổng lợi nhuận của PV Drilling. Tỷ suất lợi nhuận bình quân của các giàn khoan từ 15% đến 20%. Thời gian thu hồi vốn đầu tư từ 8 đến 10 năm.


Đức Chính

(Năng lượng Mới số 160, ra thứ Ba ngày 2/10/2012)

DMCA.com Protection Status