Luật Đấu thầu mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2014:

Sợi dây “vô hình trói tay trói chân” Nhà máy Đóng tàu Dung Quất!

06:57 | 20/05/2015

3,326 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
“Với tình hình tài chính như hiện nay, chúng tôi chắc chắn sẽ bị loại khỏi “cuộc chơi” ngay từ “vòng gửi xe”, chứ đừng nói là được bước vào đến cổng…”. Đấy là câu nói hình ảnh, nhưng cũng đầy nỗi niềm của Tổng giám đốc Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS) Phan Tử Giang, khi tâm sự về Luật Đấu thầu được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 26/11/2013. Và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014.

Năng lượng Mới số 423

Trên vai gánh nặng nợ nần

Có thể gọi những vướng mắc, tồn tại về tài chính tại thời điểm Vinashin chuyển giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm, là gánh nặng chất chồng trên đôi vai của PVN nói chung và DQS nói riêng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, về công nợ mà DQS phải trả, tạm tính về phần gốc là 1.322 tỉ đồng và phần lãi là 255 tỉ đồng. Số nợ “khủng” trên đều là nợ vay, không thể “cù nhầy”, càng “cù nhầy” thì càng khốn vì “lãi mẹ sẽ đẻ lãi con”.

Xin được điểm ra đây những chủ nợ, nói một cách hình ảnh đều là những tổ chức có “máu mặt”. Đấy là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (524 tỉ đồng), Liên danh YMC-Transtech (23,66 triệu USD) và VNS/VFC (10,74 triệu USD và 65 tỉ đồng tiền Việt). Theo anh Giang, những khoản nợ “khơi khơi” này DQS hiện nay không có khả năng thanh toán. Nếu không có cái nhìn tổng thể, không là người trong cuộc hiểu rõ nội tình, nhìn vào “núi nợ” này DQS xứng với danh là “chúa chổm”! Và theo Luật Đầu tư có hiệu lực từ 1/7/2014, thì DQS nằm trong nhóm “đèn đỏ” về sự minh bạch tài chính, không “đủ tư cách”, hay nói cách khác đừng “mộng mơ” hão huyền về việc tham gia đấu thầu các công trình mà DQS có năng lực chuyên môn thi công.

Sợi dây “vô hình trói tay trói chân” Nhà máy Đóng tàu Dung Quất!

Giàn Đại Hùng 01 trong quá trình sửa chữa tại DQS

Nợ vay thì vậy, còn những khoản nợ phải thu cũng không hề nhỏ, số tiền lên đến 918 tỉ đồng. Cứ tưởng được nhận bàn giao khoản này DQS sẽ có nguồn kinh phí bổ sung vào những thiếu hụt để hoạt động. Hỡi ơi, đây lại là gánh nặng nữa chất thêm lên đôi vai nợ nần vốn đã nặng, nay càng nặng thêm. Sở dĩ nói như vậy, bởi khoản bàn giao này chỉ có thực tế “trên giấy”, phần lớn những “con nợ” của DQS giờ có “đốt đuốc” đi tìm cũng không ra. Đơn vị thì giải thể; nơi thì không hợp tác giải quyết tồn đọng; nơi thì èo uột không có khả năng thanh toán…

Theo thống kê của DQS, hiện số tiền mà Vinashin tạm ứng cho các nhà thầu, nhà cung cấp khi bàn giao lại là: 482,42 tỉ đồng. Chỉ riêng khoản này thôi, nói theo dân gian là “thả gà ra mà đuổi”, còn lâu mới thu hồi được. Rồi, nợ phải thu từ thanh lý tài sản cũng không nhỏ, những 55,41 tỉ đồng. Nhưng thưa: Tài sản gì phải thanh lý và thanh lý những khoản gì, thì DQS chỉ biết “lắc đầu”! Và khoản thứ ba: Nợ phải thu khác là  377,43 tỉ đồng, cũng không biết “những khoản thu khác” ấy độ tin cậy về sự chính xác là bao nhiêu “phần trăm”!...

Có thể nói, sau 4 năm về với PVN trong quá trình thực hiện Đề án Tái cơ cấu của Chính phủ, DQS đã từng bước xốc lại đội hình, khẳng định chính mình, khẳng định thương hiệu bằng những công trình đã và đang thi công. Những công trình mà chỉ cách đây ít năm đều phải đưa ra nước ngoài sửa chữa, bảo dưỡng. Hình ảnh một DQS “lột xác” khi về với đội hình “những người đi tìm lửa”, ngày càng rạng ngời, ngày càng uy tín trong mắt bạn hàng. Tín hiệu mừng ấy khẳng định sự đúng đắn của Đề án Tái cơ cấu của Chính phủ và Tái cơ cấu ngay trong nội bộ của PVN.

Niềm vui và niềm tin của cán bộ, công nhân viên, người lao động DQS đang bừng bừng khí thế như vậy. Có được niềm vui, niềm tin ấy, nói như Tổng giám đốc Phan Tử Giang là nhờ có sự hỗ trợ rất lớn từ PVN và các đơn vị thành viên thuộc PVN. Có thể nói, hàng loạt các công trình đóng mới, sửa chữa những sản phẩm nổi có công nghệ cao và những đòi hỏi về kỹ thuật nghiêm ngặt vừa qua mà DQS đã hoàn thành, chính là sự tạo điều kiện của lãnh đạo PVN và các đơn vị thành viên như Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro); Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans)…

Tất nhiên để hoàn thành việc sửa chữa, bảo dưỡng, đóng mới các công trình, sản phẩm nổi nói trên, điều để PVN và các đơn vị: Vietsovpetro; PV Trans… tin tưởng là năng lực, là trình độ của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật của DQS. Có “ưu ái” đến đâu chăng nữa, dù có là “người nhà” chăng nữa; nếu DQS không đủ trình độ, năng lực, thì chẳng “ông bố”, “ông anh”, “chú em” nào trong mái nhà chung PVN dám phiêu lưu “đổ tiền, đổ của” cho đứa con “bất tài” phá tiếp.

Sợi dây “vô hình trói tay trói chân” Nhà máy Đóng tàu Dung Quất!

FSO PVN DAIHUNG QUEEN trong chuyến thử đường dài tháng 2/2015

Thành quả mà bước đầu DQS khẳng định được chính mình chính là niềm vui. Nhưng vừa vui đấy, nỗi lo ập đến với DQS ngay trong bữa ăn, giấc ngủ. Nỗi lo ấy chính là quy định nghiêm ngặt của Luật Đấu thầu. Luật là sòng phẳng, là bình đẳng, sẽ không còn sự ưu ái nội bộ như thời gian qua được nữa. Bản thân DQS cũng không muốn mãi “dựa” vào sự ưu ái nội bộ; lòng tự trọng và khả năng chuyên môn của chính mình, DQS cũng rất muốn sòng phẳng trong “cuộc chơi” này. Song rào cản lớn nhất, quyết định đến sự tồn vong chính là sự minh bạch về tài chính. Không nhanh chóng tháo gỡ, nói như anh Phan Tử Giang “sẽ bị loại ngay từ “vòng gửi xe”, chứ đừng nói được “thập thò” ở cửa của các cuộc đấu thầu.

Vậy phải “tháo” và “gỡ” bằng cách nào?

Có thể nói, hầu hết các công trình, các dự án (được triển khai thực hiện trước thời điểm chuyển giao từ Vinashin về PVN) tất cả đều thiếu sót về mặt pháp lý, có liên quan đến hàng loạt các bộ luật như: Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư. Tất cả các thiếu sót ấy đến nay vẫn chưa được giải quyết hoặc có hướng giải quyết như thế nào cho dứt điểm. Vì vậy việc thực hiện quyết toán với nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn, công tác kiểm toán quyết toán dự án và trình phê duyệt quyết toán vốn hoàn thành bị kéo dài.

Trong kiến nghị của DQS thì nhiều, nhưng có thể tóm gọn trong 4 mục chính như sau: Trước hết, cần giúp cho DQS minh bạch về tài chính, các khoản nợ từ thời Vinashin cần được “khoanh” lại khi chưa có phương án giải quyết.  Bởi đây chính là “tai bay vạ gió” mà DQS phải gánh chịu một cách oan ức. Cùng với đó, cần có một hội đồng đánh giá một cách khách quan, chính xác các khoản chi phí chênh lệch tỷ giá, lãi phạt… của các khoản vay đầu tư tương ứng với giá trị của tài sản từ thời Vinasinh đầu tư đến nay chưa cần dùng (xin được nhấn mạnh hai chữ “chưa dùng” vì nhiều lý do có thể là không dùng được hoặc đưa vào dùng không phù hợp - PV), trước mắt cũng “khoanh” lại. Giải quyết hai khoản này, chắc chắn các hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của DQS sẽ có hiệu quả và có lợi nhuận.

Sợi dây “vô hình trói tay trói chân” Nhà máy Đóng tàu Dung Quất!

FSO PVN DAIHUNG QUEEN hoạt động theo công nghệ mới nhất, hoàn toàn tự động

Song song với đó đề nghị PVN và các cấp có thẩm quyền làm việc với Bộ Tài chính, cho DQS được hưởng các cơ chế hỗ trợ về tài chính như đang áp dụng với Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC). Đây vừa thể hiện sự công bằng, vừa tạo điều kiện cho DQS có cơ hội, có thêm nguồn lực để ổn định và phát triển. Đồng thời xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính chuyển giao tại thời điểm 1/7/2010 (nội dung này DQS đã báo cáo lãnh đạo PVN tại Công văn số 639/BC-TCKT ngày 27/5/2014 V/v xử lý tài chính cho DQS).

Hỗ trợ DQS vấn đề tài chính trên sẽ là cơ sở để đánh giá thực trạng tài sản của DQS theo giá trị thực tế (phải nhấn mạnh đến 4 từ “giá trị thực tế” của khối tài sản cố định mà DQS nhận bàn giao, không tách bạch, rạch ròi; “bắt” DQS phải khấu hao hằng năm, thì chỉ có “chết”, đến “chết”. Ví dụ khối tài sản cố định DQS nhận là 10, nhưng thực tế chỉ sử dụng có 2, thì không lý gì 2 phần thực tế kia phải gánh cho 8 phần “vô tích sự” - PV).  Đây cũng là kiến nghị thứ hai của DQS đối với trên về việc minh bạch tài chính, để phê duyệt phương án tái cơ cấu các tài sản này phục vụ công tác xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, chuyển đổi mô hình hoạt động của DQS theo hình thức là công ty cổ phần trong năm 2015, như kế hoạch Tái cơ cấu của PVN đối với DQS.

Thứ ba, về lĩnh vực đầu tư: Điều quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay là các cơ quan chức năng của PVN hỗ trợ DQS để xử lý dứt điểm các vấn đề pháp lý của các các dự án đầu tư; các hạng mục do Vinasinh đầu tư trước đây để phục vụ công tác quyết toán vốn đầu tư cho dứt điểm. Về vấn đề này, qua trao đổi với lãnh đạo DQS, chúng tôi được biết DQS đã rà soát toàn bộ và báo cáo chi tiết bằng văn bản với lãnh đạo và các cơ quan chức năng của PVN  tại Báo cáo số 1704/BC-DQS ngày 28/8/2012; Công văn số 381/DQS-KHSX ngày 28/3/2014 và Công văn 549/DQS-QLDA ngày 12/5/2014. Rất mong PVN sớm xem xét hỗ trợ xử lý dứt điểm. Đồng thời hỗ trợ Hỗ trợ DQS bằng việc bảo lãnh, giúp DQS có cơ hội tiếp cận các ngân hàng để huy động vốn vay cho dự án mà DQS có khả năng tham gia thi công, như điều chỉnh đầu tư xây dựng Nhà máy đóng mới tàu Dầu khí Nhơn Trạch - giai đoạn I…

Thứ tư, trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Kể từ khi DQS được chuyển giao về PVN, hầu hết các sản phẩm, các công trình đã và đang thi công đều do các đơn vị của PVN tạo điều kiện. Cho đến nay các sản phẩm của DQS hiện phụ thuộc vào các chủ dự án là Vietsovpetro và PV Trans. Trong kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015 này có hoàn thành được hay không, sự quyết định cũng chính là sự chỉ đạo của lãnh đạo PVN và sự hỗ trợ của các đơn vị thành viên.

Nói một cách hình ảnh, mấy năm qua DQS như một cơ thể ốm yếu, suy dinh dưỡng, cộng với “bệnh nặng” có nguy cơ “ngấp nghé miệng lỗ”, vừa được PVN “hà hơi thổi ngạt”, được “anh em” trong Tập đoàn giang tay giúp đỡ DQS vừa vượt qua giai đoạn “thập tử nhất sinh”. Lúc này đang cần tập trung “bồi dưỡng” và “chữa bệnh” do vậy rất cần sự chỉ đạo quyết liệt của PVN, sự giúp đỡ của các đơn vị thành viên. Mọi  động thái như tạm giãn hoặc hoãn kế hoạch đóng mới, sửa chữa các sản phẩm đang thực hiện dở dang, thì chẳng khác gì đưa DQS lại trạng thái của thời “ốm o bệnh hoạn”.

Có thể nói, thời gian vừa qua DQS đã hoàn thành hàng loạt các công trình với chất lượng tốt, vượt tiến độ và tiết kiệm được chi phí so với các cơ sở của nước ngoài. Điều này đã được khẳng định tại lễ Khánh thành và bàn giao Kho nổi chứa xuất dầu thô “FSO PVN ĐẠI HÙNG QUEEN” cho PV Trans và bàn giao giàn khai thác “FPU DAI HUNG - 01” cho PVEP-POC, dưới sự giám sát trực tiếp, chặt chẽ của Cơ quan Đăng kiểm Na Uy (DNV-GL) và Đăng kiểm Việt Nam (VR). Vì vậy cũng rất cần sự kiểm tra và phê duyệt đơn giá sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, sản phẩm nổi DQS cho phù hợp với cơ cấu chi phí và đơn giá thực tế thị trường hiện hành. Đây cũng là điều kiện cần thiết để DQS hoàn thành nhiệm vụ và khẳng định thương hiệu của mình.

Quyết tâm vươn ra biển lớn

Còn nhớ, tại lễ Khánh thành và bàn giao Kho nổi chứa xuất dầu thô “FSO PVN ĐẠI HÙNG QUEEN” cho PVTrans và bàn giao giàn khai thác “FPU DAI HUNG - 01” cho PVEP-POC, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ghi nhận: “Việc hoàn thành cùng lúc hai công trình có ý nghĩa này, đánh dấu giai đoạn vượt qua khó khăn nhất của DQS; đồng thời khẳng định sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ khi chuyển giao DQS từ Vinashin về PVN. Đồng chí biểu dương PVN đã chấp hành nghiêm túc quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tìm mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DQS. Việc hoàn thành hai công trình này đã mở ra thời kỳ mới để PVN mà trực tiếp DQS khẳng định năng lực của mình trong việc đóng mới, sửa chữa các công trình nổi đòi hỏi kỹ thuật cao giai đoạn tới…”.

Đúng vậy, sau việc nhận chuyển giao DQS từ Vinasinh về PVN, lãnh đạo PVN đang quyết liệt triển khai phương án Tái cơ cấu lại DQS, nhằm đưa DQS thành một tổ hợp nhóm cùng ngành nghề đủ mạnh về lực lượng, cơ sở vật chất, nhân sự và tài chính, trở thành nhà máy đóng tàu hiện đại nhất tại khu vực. Tất nhiên để trở thành một thương hiệu lớn như chỉ đạo của đồng chí Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và kỳ vọng của chính mình, lãnh đạo PVN phải chỉ đạo quyết liệt giải quyết những tồn đọng về tài chính, tài sản như đã nói ở trên.

Trong buổi làm việc với Tổng giám đốc Phan Tử Giang, chúng tôi đặt câu hỏi, nếu giải quyết dứt điểm được các tồn đọng, được “thỏa mãn” về tài chính, DQS có đủ tự tin để tham gia các gói thầu lớn cả trong nước và quốc tế. Tổng giám đốc Phan Tử Giang không ngần ngại trả lời ngay, chúng tôi khẳng định, với năng lực sẵn có, với sự minh bạch của chính mình, DQS sẵn sàng tham gia “cuộc chơi” này một cách sòng phẳng. Tôi xin nói lại, DQS với năng lực và lòng tự trọng của chính mình, chúng tôi chỉ xin “cơ chế”. Có cơ chế chúng tôi hoàn toàn đủ khả năng “ngang ngửa” với các đơn vị khác cùng ngành nghề.

Sợi dây “vô hình trói tay trói chân” Nhà máy Đóng tàu Dung Quất!

Ông Phan Tử Giang - Tổng giám đốc DQS

Nhìn vào ánh mắt của Phan Tử Giang, chúng tôi hiểu những điều anh khẳng định một cách “chắc khừ” là hoàn toàn có cơ sở, có niềm tin và cả sự tự tin. Chỉ sau 4 năm là thành viên của PVN, DQS đã từng bước khẳng định được chính mình. Từ năm 2013 đến nay 100% sản phẩm được thực hiện tại DQS đều bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng và an toàn tuyệt đối cả trong quá trình thi công, cũng như khi đã bàn giao cho chủ đầu tư. Tất cả các sản phẩm trước kia phải sửa chữa bảo dưỡng định kỳ ở nước ngoài, nay DQS đảm nhiệm toàn bộ… Các sản phẩm nổi đóng mới, sửa chữa, bảo dưỡng tại DQS đã giảm được chi phí từ 50% trở lên, giảm được thời gian tới 70%.

Đây là cơ sở để Lãnh đạo PVN và DQS thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, mà trực tiếp là Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khi phát biểu chỉ đạo tại Lễ Khánh thành và bàn giao Kho nổi chứa xuất dầu thô “FSO PVN ĐẠI HÙNG QUEEN” cho PVTrans và bàn giao giàn khai thác “FPU DAI HUNG - 01” cho PVEP-POC “Trong thời gian tới PVN cần tập trung đẩy mạnh công tác tái cơ cấu mô hình hoạt động, cũng như cơ cấu tài chính nhằm làm lành mạnh hóa doanh nghiệp, giúp DQS ổn định, từng bước nâng cao năng lực để trở thành một doanh nghiệp sản xuất cơ khí có hàm lượng chất xám cao, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần hiện thực hóa chủ trương phát triển công nghiệp đóng tàu tại Việt Nam của Chính phủ, qua đó làm tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước...”.

Phó thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh: “Phải có tầm nhìn rộng hơn, xa hơn, năng động, sáng tạo hơn. Phải có chiến lược nghiên cứu mô hình sản xuất, phương án mở rộng thị trường. Phát huy năng lực quản lý, năng lực làm chủ khoa học, kỹ thuật để có năng lực cạnh tranh. Cùng với đó có chiến lược thu hút nhân tài đi đôi với chế độ đãi ngộ thì mới bảo đảm được sự phát triển bền vững”. Phó thủ tướng tin tưởng “với tinh thần lao động sáng tạo, tinh thần vượt khó vươn lên nhất định ngành sản xuất cơ khí nói chung, sản xuất phương tiện nổi của PVN có vị trí xứng đáng ở trong nước, khu vực và thế giới. Để đạt cho được mục tiêu cuối cùng là tham gia sản xuất sản phẩm toàn cầu…”.

Con đường phía trước của DQS đang rộng mở. Bản lĩnh người DQS trong đội hình những người “đi tìm lửa” không phải bàn cãi nữa. Vấn đề còn lại là sự tạo điều kiện của cấp trên để “con tàu DQS” vượt qua bão giông vươn ra biển lớn.

Đặng Trung Hội

 

DMCA.com Protection Status