Hoạt động khoa học công nghệ - chìa khóa thành công của PVN

13:59 | 22/05/2016

937 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Trong bối cảnh khó khăn của ngành Dầu khí thì phát triển Khoa học - công nghệ (KH-CN), đẩy mạnh công tác sáng kiến - sáng chế (SK-SC) sẽ là động lực, là chìa khóa thành công của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên. Bởi phát triển KH-CN là 1 trong 3 lĩnh vực mũi nhọn (cùng với công tác phát huy nội lực và đổi mới cơ chế) được xác định để PVN phát triển bền vững. Những thông điệp đó được phân tích sâu hơn tại Hội nghị công tác quản lý KH-CN PVN lần thứ II năm 2016 được tổ chức tại TP HCM vừa qua.

Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San

hoat dong khoa hoc cong nghe chia khoa thanh cong cua pvn

Tôi rất tâm đắc ý kiến của lãnh đạo Tập đoàn trong nhiều hội thảo và luôn khẳng định thành tựu KH-CN là động lực phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá chung thì đến nay chúng ta chưa hài lòng với trách nhiệm của lĩnh vực KH-CN đối với ngành Dầu khí nước nhà. Nhất là trong khó khăn hiện nay của ngành Dầu khí thì vai trò của KH-CN cần phải nhấn mạnh hơn nữa. Tại hội nghị lần này chúng ta đề cập đến công tác quản lí KH-CN của PVN và vai trò của hoạt động SK-SC đối với sự phát triển của các đơn vị thành viên và PVN.

Tuy nhiên, sáng kiến tại PVN thì rất nhiều nhưng sáng chế thì còn khá mờ nhạt. Tiếc là có trong hoạt động này, chúng ta có nhiều thành tích nhưng công tác đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ chưa được chú trọng. Chúng ta đã làm rất nhiều nhưng chủ yếu dừng lại ở sáng kiến chứ chưa biến thành sáng chế, trong khi Tập đoàn Dầu khí Petronas (Malaysia) họ có những thương phẩm của họ, nhưng với PVN chưa có thương phẩm mang thương hiệu PVN.

Nên chăng tách Hội đồng Sáng kiến và Hội đồng Sáng chế riêng để chúng ta nâng cấp hoạt động sáng kiến và công tác sáng chế lên trình độ cao hơn, chất lượng hơn, có điều kiện tập trung nhiều hơn vào hoạt động sáng chế, nâng cấp những sáng kiến thành sản phẩm Sở hữu trí để PVN có thương phẩm riêng, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay thì mới cạnh tranh về KH-CN với các tập đoàn dầu khí khác trên thế giới.

Chất xám chất lượng cao của đội ngũ người làm dầu khí rất nhiều, tại sao chúng ta lại lãng phí, vì thế, thời gian tới rất mong lãnh đạo PVN chú trọng hơn nữa đến hoạt động sáng chế của Tập đoàn và các đơn vị thành viên để chúng ta có sản phẩm mang thương hiệu “Made in Petrovietnam”. Với 40 công trình khoa học - công nghệ của PVN vừa qua, rất có giá trị, đem lại nhiều lợi ích kinh tế nhưng tiếc là chỉ ở mức sáng kiến, giờ phải làm sao để nâng cấp lên thành sáng chế những sản phẩm đó, sẽ trở thành tựu lớn của PVN về mặt KH-CN trong hiện tại và tương lai.

Thành viên HĐTV Tập đoàn Đinh Văn Sơn

hoat dong khoa hoc cong nghe chia khoa thanh cong cua pvn

Ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam phát triển đến nay luôn gắn với chặt với KH-CN, trước đây gắn chặt hợp tác của Liên Xô cũ (Liên Bang Nga ngày nay) và gặt hái nhiều thành công. Hiện nay, nhiều đơn vị thành viên PVN có hoạt động KH-CN, SK-SC với nhiều thành tích rất đáng ghi nhận.

Theo chu kỳ lịch sử ngành Dầu khí thì mỗi một lần giá dầu biến động, giảm sâu thì sau đó sẽ thấy sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực KH-CN ngành Dầu khí. Ngành công nghiệp Dầu khí nói chung đang đối diện nhiều khó khăn nhưng khẳng định một điều là sẽ luôn phát triển và gắn chặt với lĩnh vực KH-CN. Các SK-SC gắn chặt với công tác quản lý, quản trị doanh nghiệp; gắn chặt với hoạt động sản xuất - kinh doanh; gắn chặt với đổi mới KH-CN… Thời gian qua, nhiều đơn vị thành viên trong PVN có hoạt động sáng kiến phát triển rất mạnh như Vietsovpetro, PV GAS, PVEP, PVFCCo, PVCFC… mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Dù rằng, trong các SK-SC có cái mang lại hiệu quả kinh tế rất cụ thể và có những cái không tính được bằng tiền cụ thể, nhưng tất cả đều phục vụ cho lợi ích cao nhất của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất như tiết giảm chi phí, giảm tác hại đến môi trường…

PVN sẽ luôn đồng hành cùng các đơn vị thành viên trong hoạt động SK-SC và trong thời gian công tác này phải được đẩy mạnh hơn nữa và chúng ta tin tưởng rằng sẽ có nhiều sáng kiến mới được áp dụng, đặc biệt sẽ có những sáng chế mang thương hiệu Petrovietnam.

Phó tổng giám đốc thường trực, Chủ tịch Hội đồng Sáng kiến Tập đoàn Nguyễn Quốc Thập

hoat dong khoa hoc cong nghe chia khoa thanh cong cua pvn

...Tuy nhiên, xét về tổng thể thì hoạt động sáng kiến hiện vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, nhu cầu thực tế của Tập đoàn.

Công tác tổ chức bộ máy quản lý hoạt động SK-SC, về hình thức đã đáp ứng nhu cầu phát triển của Tập đoàn và ở các đơn vị thành viên, tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đang diễn ra. Bởi lâu nay, KH-CN nói chung và đội ngũ cán bộ làm công tác SK-SC nói riêng còn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo các đơn vị. Đội ngũ làm SK-SC chưa chuyên nghiệp, tính chủ động, sáng tạo chưa cao trong triển khai, nhận thức và tư duy vẫn mang yếu tố khép kín trong phạm vi của đơn vị, chưa có tính gắn kết, hợp tác và cùng chia sẻ trong quy mô toàn Tập đoàn cũng như chưa phối kết hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội khác như Đoàn Thanh niên, Công đoàn Dầu khí Việt Nam...

Để cải thiện và nâng cao công tác tổ chức, nhằm từng bước gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học trong toàn Tập đoàn thành một khối thống nhất, phát huy tối đa tiềm lực, sức mạnh hiện có, Tập đoàn sẽ tiếp tục kiện toàn Hội đồng Sáng kiến, xác định rõ chức năng nhiệm vụ của hội đồng cũng như ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng sáng kiến, làm cơ sở, định hướng cho hoạt động SK-SC trong toàn Tập đoàn.

Ban KH-CN tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, rà soát và chỉnh sửa Quy chế quản lý hoạt động SK-SC Tập đoàn (hoàn thành trong Quý III/2016). Trong đó, xem xét, đề xuất thử nghiệm tiêu chí chấm điểm trong quá trình thẩm định, công nhận sáng kiến cấp Tập đoàn. Xây dựng hướng dẫn báo cáo đề xuất công nhận ý tưởng cấp Tập đoàn (đối với các giải pháp không thể xác định được số tiền làm lợi), xây dựng diễn đàn quản lý sáng kiến, cơ sở dữ liệu quản lý SK-SC…

Sắp tới, Ban KH-CN, Hội đồng Sáng kiến cùng với Công đoàn Dầu khí Việt Nam, Hội Dầu khí Việt Nam tổ chức xây dựng quy chế phối hợp triển khai hoạt động quản lý SK-SC của Tập đoàn; tiếp tục là đầu mối tổ chức thu thập và đề xuất kiến nghị đối với các bộ quản lý (bao gồm Bộ Công Thương, Bộ KH-CN, Bộ Tài chính…) liên quan đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động SK-SC. Để hoạt động SK-SC đã những thành tựu cao hơn, trở thành yếu tố thực sự quan trọng cho sự phát triển của PVN.

Phó viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), Hiệu trưởng Đại học Dầu khí Việt Nam Phan Minh Quốc Bình

hoat dong khoa hoc cong nghe chia khoa thanh cong cua pvn

Với vai trò là tổ chức KH-CN hàng đầu trong ngành Dầu khí Việt Nam, thời gian qua VPI đã triển khai nghiên cứu phát triển và cung cấp dịch vụ khoa học - kỹ thuật có hiệu quả cho toàn bộ chuỗi hoạt động dầu khí phục vụ cho công tác sản xuất kinh doanh của PVN.

Trong những năm qua, số lượng sáng chế của Viện tăng lên từng năm.  Nếu như năm 2012 VPI có 2 đơn đăng ký sáng chế, năm 2013 có 2 đơn đăng ký sáng chế và 5 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu các sản phẩm đặc trưng, năm 2014 có 5 đơn đăng ký sáng chế thì trong năm 2015 đã tăng lên có 10 đơn sáng chế và 5 phần mềm được cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả. Trong số các đơn đăng ký sáng chế đã nộp, đã có 2 giải pháp kỹ thuật của VPI được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích.

Giải pháp kỹ thuật “Chế phẩm vi sinh hóa lý dùng để tăng cường thu hồi dầu tại các mỏ dầu”, với hơn 80 tấn chế phẩm này đã được bơm vào giếng bơm ép 202 tầng Miocen hạ mỏ Bạch Hổ và sau 10 tháng theo dõi, tổng lượng dầu được thu hồi tăng cường đạt 8.577 tấn, trị giá trên 5 triệu USD. Chế phẩm này được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích. Và Giải pháp kỹ thuật “Hỗn hợp chất biến tính dùng cho xăng sinh học và xăng sinh học chứa hỗn hợp chất biến tính này” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích…

Mặc dù hoạt động SK-SC của VPI trong những năm gần đây đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên, công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển. Thứ nhất, lĩnh vực sở hữu trí tuệ tương đối đặc thù, hồ sơ và các thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ mang tính chất pháp lý nhiều hơn là tính chất kỹ thuật. Vì vậy, các cán bộ nghiên cứu và đơn vị triển khai thường gặp nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị hồ sơ và theo đuổi để được cấp bằng độc quyền.

Bên cạnh đó, tỷ lệ kết quả nghiên cứu có thể được cấp bằng sáng chế vẫn chưa đạt mức như kỳ vọng, do việc áp dụng những kết quả nghiên cứu này vào thực tế còn gặp nhiều khó khăn, bao gồm các khó khăn về thiếu hụt kinh phí để triển khai thực tế, các công nghệ trong ngành dầu khí thường cần phải được kiểm định nhiều lần trước khi có thể áp dụng tại hiện trường.

Trưởng phòng Kỹ thuật Sản xuất, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro Phạm Bá Hiển

hoat dong khoa hoc cong nghe chia khoa thanh cong cua pvn

Thời gian qua, Vietsovpetro luôn được coi là lá cờ đầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong hoạt động SK-SC, với việc “Quy chế về tổ chức công tác hoạt động SK-SC trong Vietsovpetro” được sửa đổi đã tạo động lực mạnh mẽ cho hoạt động SK-SC tại đơn vị phát triển. Tính đến hết năm 2015, các đơn vị của Vietsovpetro đã đăng ký 2.228 giải pháp, trong đó 1.537 giải pháp được công nhận là sáng kiến, bình quân mỗi sáng kiến mang lại hiệu quả kinh tế hàng chục ngàn USD tính từ năm đầu tiên áp dụng. Riêng 2015 là một năm đặc biệt thành công của Vietsovpetro khi có 216 đơn đăng ký, trong đó 153 đơn được công nhận, có 4 giải pháp gửi đăng ký cấp bằng sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam; có 21 giải pháp tham gia hội thi sáng tạo của tỉnh, trong đó có 20 đã đạt giải, 7 giải pháp được tỉnh đề cử tham gia cuộc thi sáng tạo khoa học Việt Nam; tham gia giải thưởng Khoa học công nghệ Dầu khí 2015 đã đạt một giải A và một giải B. Trong đó giải A được Tập đoàn đề cử xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải B được đề cử xét Giải thưởng cấp Nhà nước. Trong số đó 88 sáng kiến đã được các đơn vị tính toán xác định hiệu quả, với 51 sáng kiến được xác định đã mang lại hiệu quả kinh tế trên 10 triệu USD.

Qua hơn 30 năm tổ chức thực hiện phong trào SK-SC tại Vietsovpetro, những bài học kinh nghiệm rút ra, thứ nhất, để phong trào SK-SC và giải pháp hữu ích không chạy theo số lượng, hình thức và thành tích mà phát triển có hiệu quả, trước hết lãnh đạo các đơn vị khối sản xuất phải thực sự quan tâm đến hoạt động này, phổ biến và hướng dẫn cho toàn thể CBCNV của đơn vị mình về quy chế của hoạt động SK-SC; chỉ định cán bộ phụ trách và kiểm tra thực hiện công việc của các bộ phận và cá nhân về công tác này thường xuyên; có sự phối hợp hữu cơ với các tổ chức đoàn thể trong đơn vị mình để thúc đẩy phong trào; có chính sách ưu tiên cung cấp nguồn nhân lực cho công tác triển khai ứng dụng sáng kiến; thường xuyên đôn đốc việc xem xét các đơn đăng ký sáng kiến và tính hiệu quả kinh tế cho các sáng kiến.

Lâu nay, hoạt động sáng kiến chủ yếu là hoạt động sáng tạo của quần chúng, của những người lao động, do đó, các tổ chức quản lý hoạt động này cần phối hợp với các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên và các đoàn thể khác các cấp tương ứng tích cực tham gia và có những biện pháp phù hợp để đưa hoạt động này thực sự sôi động, rộng rãi, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho những người lao động sáng tạo và cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó công tác sơ kết, tổng kết phong trào cũng rất quan trọng đối với hoạt động SK-SC. Công tác này phải kịp thời để rút kinh nghiệm và khen thưởng thỏa đáng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào; kịp thời tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng những điển hình tiên tiến, những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới, ý tưởng, công trình khoa học ở Xí nghiệp, Liên doanh cũng như bên ngoài để áp dụng vào công tác, sản xuất. Đưa tất cả các SK-SC và các bài viết biểu dương, tổng hợp lên trang web của  đơn vị để nhân rộng những điển hình tiên tiến.

Trưởng Ban Khoa học Công nghệ, Uỷ viên thường trực Hội đồng Sáng kiến Tập đoàn Nguyễn Hoàng Yến

hoat dong khoa hoc cong nghe chia khoa thanh cong cua pvn

Công tác quản lý hoạt động SK-SC với quy mô Tập đoàn bắt đầu từ năm 2010, tại Hội thi Sáng tạo ngành Dầu khí Việt Nam lần thứ nhất với 70 giải pháp/sáng kiến đại diện cho các giải pháp/sáng kiến tiêu biểu được lựa chọn từ các đơn vị thành viên trong Tập đoàn tham dự Hội thi. Thống kê cho thấy, tổng số tiền làm lợi của 70 giải pháp điển hình giai đoạn 2005-2010 trong toàn Tập đoàn đã mang lại lợi ích kinh tế trong năm đầu tiên áp dụng là trên 224 triệu USD và 1.180 tỉ đồng. Cũng tại Hội thi này đã có 25 giải pháp đạt giải Nhất, giải Nhì và giải Ba. Cả 25 giải pháp đoạt giải này đều được Tập đoàn công nhận là Sáng kiến cấp Tập đoàn.

Sau khi tổ chức thành công Hội thi sáng tạo ngành Dầu khí Việt Nam lần thứ nhất, để công tác quản lý hoạt động sáng kiến, sáng chế đi vào quy củ, Tập đoàn đã ban hành Quy chế quản lý hoạt động SK-SC tại Quyết định số 1239/QĐ-DKVN ngày 17-2-2011 và sửa đổi bổ sung lần thứ hai tại Quyết định số 6398/QĐ-DKVN ngày 14-8-2012 của Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN.

Phải khẳng định rằng, kể từ khi tổ chức Hội thi sáng tạo ngành Dầu khí Việt Nam lần thứ nhất và nhất là sau khi Quy chế quản lý hoạt động SK-SC Tập đoàn ban hành đến nay, hoạt động SK-SC đã đi vào nề nếp, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và hợp lý hóa sản xuất ngày càng được nhân rộng và phát triển trong các đơn vị thành viên. Theo thống kê chưa đầy đủ, kể từ 2005, chỉ tính riêng 6 đơn vị: Vietsovpetro, PVEP, BSR, PV GAS, PVCFC, PVFCCo trong số 2.736 giải pháp đề nghị công nhận là sáng kiến cấp cơ sở thì đã có 1.949 giải pháp được công nhận là sáng kiến cấp cơ sở với số tiền làm lợi lên tới 229 triệu USD và 6.513 tỉ đồng.

Thiên Thanh - Võ Hiển

Năng lượng Mới 524

DMCA.com Protection Status